Thứ 4 Tuần 3 Thường Niên – Ngày 30/01/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 4,1-20″]

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng: “Các ngươi hãy nghe! Nầy người gieo hạt đi gieo hạt giống. Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết. Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất. Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu. Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô. Một phần khác rơi vào bụi gai và gai mọc lên làm hạt giống chết mà không sinh hoa trái được. Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm”.

Và Người phán rằng: “Ai có tai nghe thì hãy nghe”. Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông: “Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những người khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội”. Người nói với các ông: “Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác?. Người gieo hạt là gieo lời Chúa. Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ. Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi, là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền. Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai. Ðây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được. Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

Dụ Ngôn Người Gieo Giống – Dụ Ngôn Của Niềm Hy Vọng

“Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả” (Mt 4,20).

Gieo giống là một đề tài quen thuộc trong Cựu ước. Trong sách Sáng thế, Thiên Chúa được trình bày như một người gieo giống (x. St 1,11), hay các tiên tri dùng hình ảnh gieo mạ (x. Is 61,11) để nói về sự can thiệp của Thiên Chúa. Đức Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống để nói lên sự lạc quan và niềm xác tín rằng chẳng có trở ngại hay thất bại nào có thể cản bước chương trình của Thiên Chúa khi Ngài bắt đầu gieo trồng một dân mới.

Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu nói về chính mình. Ngài chính là người gieo giống từ Chúa Cha mà đến. Ngài khởi đầu sứ vụ bằng cách gieo rắc hạt giống, nghĩa là rao giảng Tin mừng tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại và tình huynh đệ đại đồng. Ngài gieo vãi khắp nơi. Mặc dù bị hiểu lầm, thù ghét, nhưng Đức Giêsu vẫn tiếp tục loan báo sứ điệp bằng lời nói và hành động trước mọi hạng người và mọi nơi khác nhau. Hạt giống Lời Chúa không thể sản sinh nếu không rơi vào đất tốt. Điều này thể hiện qua việc người đón nhận hạt giống không sinh hoa kết quả nếu như người ấy không tin vào Ngài. Như vậy, dụ ngôn này cho thấy người gieo đã gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên khi nhìn kỹ lại, ta thấy kết quả có sự triển nở dần dần mà những người chỉ tìm kiếm năng suất sẽ khó nhận ra. Thật vậy, lượt gieo đầu tiên không nảy mầm mà còn bị mất. Lượt thứ hai nảy mầm, nhưng chưa kịp phát triển mà đã bị khô héo. Lượt thứ ba nảy mầm và phát triển được nhưng lại bị gai góc bóp nghẹt. Lượt thứ tư cho thấy hiệu quả phi thường của hạt giống rơi trên đất tốt và được bội thu vào mùa thu hoạch.

Từ dòng suy nghĩ ấy, Tin mừng hôm nay quả là đã trao ban cho các Ki-tô hữu một sứ điệp về niềm hy vọng kiên vững vào Chúa trước những thách đố của đời sống thường nhật. Lẽ thường người ta chỉ thích thành công và muốn thấy kết quả ngay trong việc sống chứng tá cho đức tin, trong việc tông đồ, hoặc trong lời cầu nguyện của mình, … Thế nhưng, như người gieo giống trong dụ ngôn hôm nay, chúng ta hãy kiên trì làm chứng cho Tin mừng bằng cách tín thác vào ơn Thánh Thần của Đức Ki-tô với niềm xác tín rằng những gì chúng ta làm vì Chúa sẽ không bao giờ trở nên vô ích và như lời thánh Phao-lô gởi tín hữu Côrintô: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6).

Lạy Chúa, Dù là nhà giáo dục Đức tin hay người sống ơn gọi Ki-tô hữu giữa đời, xin Chúa giúp chúng con biết lạc quan và nhiệt huyết chu toàn bổn phận sống chứng nhân qua lời nói, cũng như việc làm xứng hợp với Tin mừng trong mọi môi trường và hoàn cảnh sống của chúng con. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.