Thứ 4 Tuần 27 Thường Niên – Ngày 09/10/2019

Lời Chúa: Lc 11,1-4

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'”.

 


Suy niệm

CẦU NGUYỆN VỚI THIÊN CHÚA LÀ CHA NHÂN HẬU

“Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến” (Lc 11,2b)

Đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa lắng nghe nằm trong phân đoạn “cuộc hành trình lên Giêrusalem” trong Tin mừng theo thánh Luca. Đây là phân đoạn độc đáo vì nó dài nhất và mang đặc tính khuyến dụ. Vì thế, để hiểu xem, qua Lời Chúa ngày hôm nay, Đức Giêsu muốn nói gì với các môn đệ, chúng ta cần nhìn xem vị trí và bối cảnh của đoạn trích này. Sau khi dạy cho người thông luật biết điều răn lớn nhất là “mến Chúa yêu người” ở Lc 10,25-28, Đức Giêsu diễn giải cách thế để thi hành giới răn đó. Lc 10,29-37 diễn tả cách để yêu tha nhân. Lc 10,38-42 nói phải đặt Thiên Chúa trên hết. Tiếp nối ý tưởng của Lc 10,38-42, Lc 11,1-4 là cách thức Đức Giêsu dạy để các môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa. Như thế, cầu nguyện là con đường để yêu mến Chúa. Người Kitô hữu vâng lời Đức Giêsu và cầu nguyện luôn. Tuy vậy, lắm khi chúng ta cần phải tự vấn chính mình để xem chúng ta đã cầu nguyện đúng cách chưa.

Cách thức cầu nguyện của Đức Giêsu thật gần gũi, giản dị và mới mẻ. Đó là lời thân thưa với Cha. Thực ra, không như nhiều người nghĩ, việc gọi Thiên Chúa là Cha không hề là điều mới mẻ với dân Do Thái. Trong Cựu Ước, 21 lần Thiên Chúa được gọi như là Cha; chẳng hạn Tb 13,4: “Bởi Người là Chúa Tể, là Thiên Chúa ta thờ, là Thân Phụ của ta, là Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời” hay Hc 23,1: “Lạy Đức Chúa là Cha và là Chúa Tể đời con”. Cái mới mẻ trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu nằm trong cách hiểu của Ngài về Thiên Chúa. Không như phái Nhiệt thành, Pharisêu và Kinh sư mong đợi, Thiên Chúa của Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa sẽ thống trị toàn thể dân nước, cũng không phải là Thiên Chúa khát khao và mong đợi dân chu toàn Lề luật. Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa nhân hậu (x. Lc 6,36). Thật vậy, Ngài là Đấng giải thoát kẻ bị giam cầm, cho người mù được sáng mắt và trả lại tự do cho người bị áp bức (x. Lc 4,16). Ngài thi ân với kẻ xấu cũng như người tốt (x. Mt 5,45; Lc 6,35), với dân riêng Israel và cả dân ngoại như dân Ninivê (x. Gn 4, 1-11). Ngài sẵn sàng lắng nghe tiếng kêu van của những kẻ bần dân, tìm kiếm để đưa kẻ tội lỗi quay về (x. Lc 15,1-10), thi thố ơn lành cho những kẻ bệnh tật. Thiên Chúa là Cha nhân hậu mới đích thực là điều Đức Giêsu muốn dạy chúng ta.

Như thế, cầu nguyện đúng cách là thưa chuyện với Thiên Chúa là Cha nhân hậu chứ không phải Thiên Chúa trừng phạt và bạo nộ. Đây phải là ý thức tiềm ẩn, là định hướng trong mọi lời cầu nguyện của chúng ta. Nếu hiểu như thế, chúng ta sẽ không còn cầu xin Thiên Chúa trừng phạt kẻ này người nọ, hay oán trách khi Ngài dường như quên lãng điều ta khẩn cầu. Thêm nữa, khi cầu xin cho triều đại của Ngài mau đến là chúng ta cầu xin cho tình yêu và lòng thương xót được lên ngôi. Cuối cùng, gọi Thiên Chúa là Cha tức là chúng ta muốn mình là con, là trẻ thơ trong vòng tay Ngài. “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Lc 18,16). Trở nên trẻ nhỏ của Thiên Chúa, theo các nhà chú giải, là ý thức sự bất lực của mình và hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa như kẻ thu thuế tội lỗi (x. Lc 18,9-14), người ăn mày đau khổ Ladarô (x. Lc 16,19-31) chứ không phải như người Pharisêu, người phú hộ, anh thanh niên giàu có. Để làm được điều này, chúng ta cần phải nỗ lực tập luyện và cầu xin ơn Chúa không ngừng.

Lạy Chúa, xin Ngài thanh tẩy chúng con khỏi những hình ảnh sai lạc về Ngài và giúp chúng con thoát khỏi mọi dính bén của thế gian để chỉ thuộc về một mình Ngài mà thôi. Amen.


Comments are closed.