[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 20,1–16a “]
Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.”
“Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng’. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.”
“Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, vì thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: ‘Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?’ Họ thưa rằng: ‘Vì không có ai thuê chúng tôi’. Ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta’”.
“Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: ‘Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ từ người đến sau tới người đến trước’. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một, đến lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: ‘Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?’ Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: ‘Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?’”
“Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
LÝ LẼ CỦA TÌNH YÊU
“Nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?” (Mt 20,15).
Có thể nói hai từ tình yêu tóm tắt toàn bộ nội dung quyển Kinh Thánh. Đó là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu ấy được thể hiện từ cuộc tạo dựng và đỉnh cao là cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Trong lịch sử dân Israel, đã biết bao lần dân ấy phản bội chống lại Thiên Chúa. Thế mà sau mỗi lần ăn năn, cầu xin tha tội, Chúa lại xót thương tha thứ. Trong tình yêu, Thiên Chúa luôn trung tín, luôn đi bước trước, luôn chờ đợi con người trở về với Ngài. Tình yêu của Thiên Chúa là thế, không theo cách suy nghĩ của con người. Bởi, trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng Thiên Chúa cũng vượt xa con người bấy nhiêu (x. Is 55,9).
Nhìn vào lịch sử của dân Israel trong tương quan với Thiên Chúa, chúng ta nhận ra lịch sử mỗi con người cũng có nét tương tự. Biết bao lần chúng ta đã chống lại Chúa, xa lìa tình yêu của Ngài. Biết bao lần chúng ta ăn năn nhưng rồi lại tái phạm. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành, luôn thương xót và đỡ nâng chúng ta trong mỗi biến cố lớn nhỏ của cuộc đời. Trong tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, Thiên Chúa dường như là một kẻ bi luỵ, mất hết lý trí. Đó chính là bản chất tình yêu của Thiên Chúa.
Dân gian Việt Nam có câu: “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, câu này xem có vẻ đơn giản, quê mùa nhưng lại rất gần với tinh thần của Tin Mừng. Nó là cách diễn đạt khác của lời mời gọi yêu thương của Chúa Giêsu. Con người hãy dùng yêu thương mà đối sử với nhau, yêu người lân cận như chính Chúa đã yêu ta. Khi sống yêu thương như thế, cuộc đời sẽ không còn than khóc, không còn ghen tuông và thù hận, trái đất này sẽ bừng cháy lên ngọn lửa tình yêu của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã yêu chúng con bằng mối tình muôn thưở, một tình yêu nhưng không. Xin Chúa ban thêm sức mạnh để chúng con can đảm dấn thân cho tình yêu Chúa qua việc yêu thương và phục vụ tha nhân. Amen.
[/loichua]