Thứ 4 Tuần 2 Thường Niên – Ngày 23/01/2019

Lời Chúa: Mc 3,1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.

 


Suy niệm

CHÚA GIÊSU – ĐẤNG KIỆN TOÀN LỀ LUẬT

“Rồi Người nói với họ: Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4).

Bất cứ tập thể nào cũng cần có những quy định chung. Những quy định đó giúp cho trật tự trong tập thể được ổn định, cho mọi người có điều kiện để thăng tiến bản thân về mọi mặt. Lề luật luôn là để phục vụ con người. Do đó, lề luật sẽ trở thành gánh nặng và khiến cho người ta khó có thể tuân giữ khi không đáp ứng điều kiện trên. Câu chuyện được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta nhận ra Chúa Giêsu như là Đấng đến để kiện toàn lề luật, nghĩa là Ngài đặt lề luật vào đúng vị trí của nó trong đời sống con người.

Luật Do Thái cấm người ta làm việc trong ngày Sabát. Từ nguyên thủy, luật nghỉ ngày Sabát là để mừng biến cố dân Israel được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Trong ngày này, mọi người được nghỉ ngơi, để hồi phục sức khỏe cũng như dành cho việc thờ phượng Đức Chúa (x. Đnl 5,12-15). Thế nhưng, theo thời gian, luật này đã bị giới lãnh đạo Do Thái biến thành một gánh nặng đáng sợ, với những quy định hết sức tỉ mỉ đến nỗi cả những việc nhỏ nhặt cũng bị nghiêm cấm. Trong hoàn cảnh như thế, việc Chúa Giêsu chữa lành người bại tay trong ngày Sabát được xem là một hành động vi phạm lề luật cách công khai. Tuy nhiên, qua hành động này, Chúa Giêsu muốn trả lại cho lề luật, cụ thể là luật ngày Sabát, ý nghĩa ban đầu của nó; và như thế cho chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là Đấng đến để kiện toàn lề luật.

Chúng ta ghi nhận lời của Chúa Giêsu nói với người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!”. Anh được gọi ra chính giữa nghĩa là vị trí của anh đang là một bên. Cách nói này cho chúng ta nghĩ rằng anh bại tay đang bị đặt dưới ách của lề luật, chính lề luật là trung tâm và trên hết chứ không phải là con người. Anh được gọi ra giữa cũng là lúc anh được đặt vào đúng vị trí của mình; đồng thời, lề luật được trả lại với vị trí vốn có của nó, là để phục vụ con người. Khi anh bại tay đã ở chính giữa, Chúa Giêsu nói tiếp: “Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?”. Câu hỏi này nhắm đến nhóm Pharisêu, những người đang có mặt để kiểm soát việc giữ luật của dân chúng. Chắc chắn không khó để đưa ra câu trả lời cho vấn đề này; tuy nhiên, thánh sử Maccô thuật lại hết sức cô đọng rằng “họ làm thinh”. Dù Tin Mừng không minh nhiên nói ra nhưng ta hiểu rằng họ im lặng không phải vì không có đáp án, nhưng đó là thái độ cố chấp nhằm bảo vệ sự tuyệt đối của lề luật mà chính họ đã đưa ra. Với họ, lề luật là trên hết và phải tuyệt đối tuân giữ. Ngược lại với những người Pharisêu, Chúa Giêsu vẫn chữa lành cho anh bại tay và trả lại cho anh này cuộc sống như bao người. Qua đó ta thấy rằng sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu trong việc giữ luật hệ tại ở yếu tố tình yêu. Chính tình yêu đã khiến Chúa Giêsu vượt lên sự ngăn cấm của luật để chữa lành người bệnh. Khi hành động như thế, Chúa Giêsu không phải muốn hủy bỏ lề luật, nhưng Ngài muốn đặt cho nó một mục tiêu, lề luật phải hướng đến tình yêu. Điều này khiến chúng ta càng xác tín hơn vào lời Chúa Giêsu đã phán: “Thầy đến không phải là để bãi bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Những hành động mà Chúa Giêsu đã thực hiện để kiện toàn lề luật không chỉ dừng lại ở việc trả lại cho lề luật một vị trí thích hợp, nhưng Ngài còn đặt vào việc thực hành lề luật tâm tình yêu thương, vì “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

Như thế, phép lạ chữa lành người bại tay của Chúa Giêsu trong ngày Sabát cho ta nhận ra Ngài là Đấng đến để giải thoát con người khỏi gánh nặng của lề luật, mặc cho lề luật một ý nghĩa mới, như là phương tiện dẫn con người đến ơn cứu độ. Từ đó, chúng ta tin rằng mọi luật lệ được làm ra là vì con người, nhằm giúp mọi người dễ dàng sử dụng tự do của mình hơn. Trong cuộc sống, chúng ta thường phải tuân giữ những quy định này hay điều luật kia, điều đó đôi khi khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi. Những lúc như thế, ta hãy nhớ lại và làm theo lời của Chúa Giêsu: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Khi xác tín rằng luật là phương tiện trợ giúp ta thực thi giới luật yêu thương, để nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương nhân loại đến cùng, thì ta sẽ cảm nhận được việc giữ luật không còn là gánh nặng, nhưng là niềm vui. Thế nên, thay vì chấp nhận những quy định đó với sự miễn cưỡng, ta hãy đón nhận nó với niềm tin vì biết rằng đích đến của lề luật là chính Chúa Giêsu; và do đó, việc tuân giữ lề luật trở nên con đường để dẫn đến Đấng làm chủ lề luật.

Lạy Chúa, “Luật pháp Ngài, con nguyện hằng tuân giữ tới muôn thuở muôn đời” (Tv 119,44). Xin Chúa ban thêm sức mạnh giúp chúng con trung thành với lề luật Chúa. Xin Chúa cho chúng con tìm được niềm vui khi tuân giữ huấn lệnh của Chúa, vì tin rằng đó là con đường dẫn chúng con tới gần Chúa hơn. Amen.


Comments are closed.