Thứ 4 Tuần 1 Mùa Chay – Ngày 04/03/2020

Lời Chúa: Lc 11,29-32

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.

 


Suy niệm

VỮNG TIN VÀO LỜI CHÚA

“Ở đây còn có người hơn Giona nữa” (Lc 11,32)

Trong Giáo Hội, có rất nhiều trung tâm hành hương. Đặc biệt, tại những nơi có phép lạ, các tín hữu tuôn đến đông không kể xiết. Họ đến không chỉ mong thấy phép lạ được xảy ra cho mình nhưng còn muốn chứng kiến các phép lạ vì chúng là minh chứng hùng hồn cho những điều họ tin. Nhưng nếu chỉ vì mải mê tìm kiếm phép lạ mà họ phần nào quên đi giá trị của Lời Chúa, Lời cứu độ thì thật đáng tiếc.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, người Do Thái muốn Chúa Giêsu làm một phép lạ để họ có thể tin Ngài là Đấng Cứu Thế. Thế nhưng, Chúa Giêsu không chiều theo đòi hỏi của họ. Thay vào đó, Chúa mời gọi họ hãy đọc lại các dấu chỉ trong Kinh Thánh. Dấu chỉ thứ nhất trong bài Tin Mừng là dấu chỉ Giôna. Giôna được Chúa sai đến với dân thành Ninivê để kêu gọi họ ăn năn sám hối về tất cả tội lỗi họ đã phạm. Giôna cảnh cáo dân thành Ninivê, họ đã ăn năn sám hối. Nhưng giờ đây, có Đấng còn hơn Giôna đang nói giữa họ mà họ không tin vào Ngài. Dấu chỉ thứ hai trong bài Tin Mừng là dấu chỉ nữ hoàng Sêba. Nữ hoàng ấy đã nghe biết về sự khôn ngoan của Salômôn nên đã không quản xa xôi tìm đến tận Giêrusalem để học sự khôn ngoan của vị vua này. Nhưng giờ đây, trước mặt họ có Đấng còn khôn ngoan hơn Salômôn đang nói với họ mà họ cũng không chịu nghe. Trong khi đó, dân Ninivê và nữ hoàng Sêba đều là những người ngoại bang còn dân Do Thái lại là những người của Chúa nhưng lại thờ ơ với Lời của Chúa. Vào ngày phán xét, chính những người dân ngoại này sẽ đứng lên kết án người Do Thái thời Chúa Giêsu. Bởi vì người Do Thái đã có cơ hội và ân ban mặc khải, nhưng đã khước từ nên sẽ bị kết án nặng hơn.

Ngày nay, Chúa cũng không ngừng nói với dân của Ngài qua Kinh Thánh. Nơi nguồn mạch ấy, Lời của Chúa được viết ra để bày tỏ cho con người về chính Ngài, về chương trình cứu độ của Ngài dành cho con người. Qua Giáo Hội, Lời Chúa không ngừng được công bố và giải thích. Tuy nhiên, nhiều người Kitô hữu lại quên lãng Lời Chúa, hay chưa để Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời của mình. Thực vậy, trong thư Mục Vụ 2005, các Đức Giám Mục Việt Nam nhận định: “Nhìn chung, Kitô hữu Việt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Thánh Kinh… Thánh Kinh chưa có chỗ đứng xứng đáng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình”. Trong khi đó, Kinh Thánh bằng tiếng Việt đã được phổ biến cách rộng rãi trên khắp cả nước. Vậy mà, Kinh Thánh vẫn còn là thứ gì đó xa lạ khi Kinh Thánh mãi yên vị trên bàn thờ, trong tủ sách. Bởi vậy, chẳng lạ khi nghe nói đến các phép lạ xảy ra nơi này nơi kia, các tín hữu đều đổ về đó mà vô tình quên lãng sự giúp đỡ và bảo đảm của Lời Chúa. Cũng trong thư mục vụ 2005, các Đức Giám Mục Việt Nam khuyên các tín hữu hãy siêng năng đọc Lời Chúa. Việc làm ấy không chỉ giúp các tín hữu hiểu về Chúa mà còn là sức mạnh nâng đỡ và ánh sáng soi đường cho cuộc đời.

Lạy Chúa, Chúa không ngừng nói với chúng con qua Kinh Thánh. Thế nhưng, đôi lúc chúng con cũng như những người Do Thái xưa mải mê tìm kiếm những dấu lạ bên ngoài mà quên lãng Lời Chúa đang ngỏ với chúng con. Xin cho chúng con tin nhận Lời Chúa, để Lời ấy hướng dẫn và đổi mới con người chúng con. Amen.


Comments are closed.