Thứ 3 Tuần III Phục Sinh – Ngày 17/04/2018

Lời Chúa: Ga 6, 30-35

Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”. Họ liền thưa với Ngài rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.

 


Suy niệm

LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH

“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6, 35)

Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, danh tiếng và uy tín của Đức Giêsu vang xa. Do đó nhiều người thích dấu lạ vẫn đi theo Người vì không lao động vất vả nhưng vẫn có cơm bánh để nuôi thân. Thật ra, người Do Thái coi bánh mà Đức Giêsu cho họ ăn cũng giống như man-na mà tổ tiên họ được ăn trong sa mạc. Bởi vì chưa có lòng tin vào Đức Giêsu, nên người Do Thái chỉ dừng lại ở của ăn vật chất mà chưa tiến xa hơn đến của ăn thần thiêng. Chính vì lẽ đó, Đức Giêsu giải thích cho họ hiểu rằng “không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6,32-33). Nhận thấy lòng họ khao khát muốn có được bánh vật chất, Đức Giêsu đã hướng họ đến một thứ lương thực cao trọng hơn: đó là bánh nuôi sống linh hồn đời đời là bánh trường sinh. Nghe vậy, họ liền xin: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy” (Ga 6,34). Đức Giêsu cho họ biết rằng thứ bánh ấy không cần tìm đâu xa, không phải mua bán vì “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35).

Qua bao thời, con người vẫn không ngừng tìm cho mình lương thực trường sinh bất tử, với hy vọng kéo dài thêm sự sống. Cuộc kiếm tìm của con người diễn ra trong vô vọng, để rồi chúng ta thấy rằng con người dù sang hay hèn đều phải chết. Lắng nghe Lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi vươn tới một thực tại cao hơn, xa hơn những gì là vật chất bình thường ở đời này. Bởi vì con người không chỉ có thân xác, mà là tổng thể xác – hồn. Do đó, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy biết làm việc không phải vì tìm lương thực mau qua chóng tàn, nhưng là để có được lương thực trường sinh (x. Ga 6,27). Trong khi con người chỉ loay hoay quan tâm đến của ăn vật chất tầm thường, Đức Giêsu hướng chúng ta đến lương thực trường tồn. Con người tìm nhìn vào hiện tại, Đức Giêsu đưa con người đến đời sống vĩnh cửu. Con người nhìn sự vật bằng con mắt phàm trần, Đức Giêsu nâng cao lên bằng chiều kích đức tin. Quả vậy, Chúa đã mời gọi chúng ta đến, tin và đón nhận Người, bởi chính Người là lương thực để ta không còn đói và chẳng còn khát. Đón nhận Đức Giêsu, là nhận lấy sức mạnh Thần Linh để làm cho chúng ta nên bất tử. Nếu man-na mà “tổ tiên người Do Thái đã ăn trong sa mạc và họ đã chết” (Ga 6,49), nay Đức Giêsu ban cho chúng ta chính Mình Người là bánh viên mãn không bao giờ hư nát. Đây chính là tấm bánh đích thực do Thiên Chúa ban để nuôi dưỡng con người trong hành trình tiến về cuộc sống đời đời. Bánh Hằng Sống từ trời chính là Đức Giêsu, Con Một của Chúa Cha. Người mời gọi mọi chúng ta hãy tin vào Người để được cứu độ (x. Ep 2,8), bằng cách chạy đến và liên kết mật thiết với Người, để được Người bảo đảm khỏi cảnh khốn khổ đói khát và được hưởng sự sống đời đời.

Lạy Chúa, Chúa đã phá tan nỗi lo lắng sợ hãi đang đè nặng trên con người qua bao thời là sự chết, nhờ đón lấy chính Thân Mình Chúa. Xin cho chúng con biết siêng năng đến và đón nhận lương thực trường sinh này mỗi ngày qua Thánh lễ. Đồng thời, xin cho chúng con biết chiêm ngắm và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể, để gia tăng sức lực phần linh hồn, mà tiến bước trên đường về quê trời. Amen.


Comments are closed.