[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 9, 30-37″]
Khi ấy, Chúa Giê su và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế”? Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Và người đem một em bé lại đặt giữa các ông rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra là không phải đón tiếp Thầy nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
PHỤC VỤ
Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9, 35).
Đứng trước việc các môn đệ tranh luận vị thế của mỗi người trong cộng đoàn, Chúa Giêsu dạy cho các ông một bài học về sự khiêm hạ và phục vụ: “Ai muốn làm lớn nhất thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Giáo huấn này của Ngài như một bước ngoặt trong cách nhìn nhận vị thế của một con người. Theo cách nhìn của người đời, danh giá là khi làm ở một địa vị cao trọng và được người khác phục vụ. Thế nhưng với giáo huấn của Đức Giêsu thì hoàn toàn ngược lại, người làm lớn thì phải là người phục vụ. Chính Ngài cũng đã nêu gương trước bằng hành động tự hủy mình như lời của Thánh Phaolô trong thư giửi tín hữu Philípphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”(Pl 6, 6-7). Và chúng ta biết chính cuộc sống trần thế của Ngài đã minh chứng cho sự khiêm hạ phục vụ mà Ngài rao giảng, với hình ảnh một Vị Thầy cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.
Thời đại ngày nay, liệu lời dạy của Chúa Giêsu còn được coi trọng và là tiêu chuẩn cho người môn đệ của Ngài? Thực tế chúng ta thấy nhiều người hôm nay coi việc phục vụ người khác là gánh nặng và thấp kém. Nhiều người nhìn nhận giá trị của mình qua danh vọng địa vị, cũng như lợi ích đem lại cho mình từ chức vụ mà mình có, đó là được người khác phục vụ. Với lối sống thực dụng, việc phục vụ người khác chẳng đem lại lợi ích gì, có chăng chỉ thực hiện hành động phục vụ người khác vì một hình thức vụ lợi nào đó ẩn sâu bên dưới lớp vỏ danh thơm tiếng tốt, đánh bóng tên tuổi, muốn được nổi tiếng và nhiều người biết đến. Hơn nữa, một khía cạnh cần suy nghĩ là việc đòi hỏi của những con người dựa vào vị thế của mình mà bắt người khác phải phục vụ. Họ coi đó là phần thưởng và quyền lợi mà họ đáng được nhận. Trái lại, hình ảnh khiêm tốn phục vụ theo giáo huấn của Chúa Giêsu là những con người dấn thân vì lợi ích cộng đoàn và của tha nhân. Họ phục vụ người khác không phải vì lợi ích hay danh tiếng, nhưng họ phục vụ vì nhìn thấy nơi tha nhân hình ảnh của vị Thiên Chúa đã nêu gương cho họ trước bằng đời sống hy sinh phục vụ mọi người. Chúng ta có thể gặp những mẫu gương như thế nơi chính cuộc sống của mỗi người, nơi cha mẹ, những người thân cận, và nơi mẫu gương các vị thánh như Phanxicô, mẹ Têrêsa Calcutta, và nhiều chứng nhân khác nữa. Vì thế Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta bước theo Chúa Giêsu và học với Ngài mẫu gương khiêm tốn phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu! Ngài đã nói: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”(Ga 13, 14). Xin Chúa giúp chúng con ý thức để phục vụ mọi người không vì lợi ích cá nhân vụ lợi, nhưng vì tình yêu và lòng quảng đại mà Chúa đã dạy chúng con. Xin cho chúng con nhận ra hình ảnh Chúa nơi mỗi người để chúng con phục vụ mọi người như chúng con đang phục vụ Chúa vậy. Amen.
[/loichua]