[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 12, 35-38″]
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SỐNG TỈNH THỨC LÀ SỐNG TRONG SỰ HIỆP THÔNG
“Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay” (Lc 12, 35).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng vì không biết giờ nào Thiên Chúa sẽ đến. Người đưa ra mẫu gương về người đầy tớ chờ đợi chủ. Người đầy tớ này luôn trong tư thế tỉnh thức: “thắt lưng và thắp đèn”, suốt đêm không hề chợp mắt để chờ đợi ông chủ trở về….Dường như anh luôn sống trong mối dây hiệp thông mật thiết với ông chủ của mình. Anh luôn nghĩ rằng ông chủ đang ở ngoài cửa, đang chờ đợi anh chạy đến chào đón ông. Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta chờ đợi Người trong tâm thức đó.
Thiên Chúa rất yêu thương con người và luôn muốn con người sống trong tình hiệp thông với Ngài. Vào buổi đầu tạo dựng, con người được sống trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa: “Ngày ngày, Thiên Chúa xuống viếng thăm và trò chuyện với con người”. Đến khi con người phạm tội, Thiên Chúa không cắt đứt mối dây hiệp thông với con người nhưng lại làm cho sợi dây đó thêm gần gũi và bền chặt hơn. Ngài đã cho Con Một của Ngài xuống thế, sống kiếp phàm nhân, để đồng phận và đồng cảm với con người. Với cái chết đầy tủi nhục trên thập giá, Người Con đã mang con người trở về với Thiên Chúa. Không chỉ có thế, Ngôi Hai Thiên Chúa còn luôn hiện diện giữa nhân loại qua Bí Tích Thánh Thể, Ngài ở đó và chờ đợi con người đến với Ngài.
Thiên Chúa còn muốn chúng ta hiệp thông với Ngài qua tha nhân và qua vũ trụ này. Ngài ban cho chúng ta ngũ quan để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới, để liên đới và yêu thương nhau. Quả thật, khi chúng ta mở ra với thế giới, chúng ta sẽ cảm nhận được thiên nhiên như một người bạn rất gần gũi và thân thiết, đồng thời cũng nhận ra được sự hiện diện của Chúa ẩn tàng trong những quy luật và những kỳ quan của vũ trụ. Khi chúng ta tiếp xúc, giúp đỡ hay làm một việc gì đó cho tha nhân, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui khi “sống với và sống cho”, đồng thời nhận ra được một điều: tha nhân không chỉ là hình ảnh của Chúa mà còn là chính Chúa (X. Mt 25, 35-45).
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nếu chúng ta duy trì sự hiệp thông với ba mối tương quan đó là chúng ta đang sống tỉnh thức. Nhưng với thân phận bất toàn và đầy yếu đuối, điều đó thật khó thực hiện. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta cảm thấy Thiên Chúa dường như vắng bóng, Ngài đã bỏ rơi chúng ta. Đối mặt với thiên tai, đau khổ và bất công, chúng ta không cảm thấy thiên nhiên và tha nhân gần gũi với chúng ta nữa, mà xem tất cả là kẻ thù, là hỏa ngục. Đôi khi, vì ích kỷ và kiêu ngạo, chúng ta rơi vào tình trạng “tỉnh mà không thức”, các giác quan có mà cũng như không. Chúng ta thờ ơ trước vẻ đẹp của cuộc sống, tàn phá thiên nhiên không thương tiếc, lãnh đạm trước những đau khổ và nhu cầu của anh em. Chúng ta bưng tai, bịt mắt trước sự hiện diện của Chúa giữa cuộc đời này. Nếu Chúa đến với chúng ta trong những lúc đó, chúng ta sẽ ra sao?
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết sống tỉnh thức qua việc năng chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để nối nguồn với Ngài, năng chạy đến với mọi người để hiệp thông yêu thương, và biết chạy đến với thiên nhiên để cùng dâng lời ca tụng và tôn vinh Thiên Chúa: “Trời đất bao la hãy tạ ơn Chúa, biển cả mênh mông hãy ca khen Ngài”. Amen.
[/loichua]