[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 4,31-37 “]
Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: “Hãy câm đi và ra khỏi người này”. Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó. Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: “Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra”. Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐẤNG UY QUYỀN
“Người lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất !” (Lc 4,36).
1. Đức Giêsu – Đấng uy quyền trong lời nói và hành động :
Bài Tin Mừng nói về việc Đức Giêsu giảng dạy và trừ quỷ tại hội đường của người Do Thái. Cả lời giảng cũng như hành động trừ quỷ ấy của Người đều làm cho những kẻ hiện diện phải kinh ngạc, vì họ cảm nghiệm được Người là Đấng có uy quyền (x. Lc 4,32.36). Họ thắc mắc, cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra những kết luận rất khác biệt, để rồi, có người thì tin nhận, có người thì ngờ vực, có kẻ lại chống đối. Họ không may mắn như mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Với nền tảng giáo lý vững chắc về Chúa Giêsu, chúng ta được giải thích rõ ràng nguyên nhân tại sao Người có thể giảng dạy và hành động đầy uy quyền như thế. Đó là bởi Người là Đấng Thiên Sai, là chính Thiên Chúa. Lời phát ra từ miệng Người cũng là lời Thiên Chúa, lời đã tác thành vạn vật (x. Ga 1,3). Hành động của Người cũng là hành động của Đấng Toàn Năng, Đấng đã làm bao điều vĩ đại (Lc 1,49). Quả thế, chẳng có ai uy quyền như Thiên Chúa, chẳng ai vững mạnh bằng Thiên Chúa chúng ta !
2. Phó thác cuộc đời trong tay Đấng uy quyền :
Xã hội ngày nay có câu : “Thứ nhất quan hệ ; Thứ nhì tiền tệ ; Thứ ba trí tuệ”. Câu nói này thường được dùng để châm biếm tình trạng bất công, đánh giá và chọn lựa con người dựa trên những tiêu chuẩn lệch lạc, ưu tiên những giá trị bên ngoài mà không theo khả năng của chính con người đó. Tuy nhiên, với mỗi người chúng ta, câu nói trên lại cho thấy một cách thức sống đầy khôn ngoan để thăng tiến bản thân và hướng về Nước Trời. Bởi với chúng ta, tiền tệ, trí tuệ hay bất cứ điều gì khác đều chẳng đáng gì so với mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Vì Người là Đấng có uy quyền trong lời nói, nên chắc chắn khi chúng ta sống theo những lời hướng dẫn, chỉ dạy của Người, chúng ta chẳng những không sợ lầm đường lạc lối mà còn tiến dài trên hành trình nên thánh. Vì Người là Đấng có uy quyền trong hành động, nên chắc chắn khi chúng ta ở bên Người, trao phó đời mình trong bàn tay của Người, để Người bảo vệ, thúc đẩy và hành động, chúng ta sẽ không ngừng vượt thắng bản thân, chiến thắng quỷ thần. Như vậy, chính nhờ Người, với Người và trong Người, chúng ta mới đạt được hạnh phúc đích thật và trọn vẹn của cuộc đời.
Hành trình theo Chúa của mỗi người Kitô hữu cũng là hành trình vun đắp mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu – Đấng đầy uy quyền nhưng cũng đầy tình yêu. Xin cho mỗi người chúng con biết cậy dựa vào Người, sống gắn bó với Người bằng việc thăm viếng, chuyện trò và ở lại bên Người. Nhờ đó, chúng ta có thể đón nghe và sống theo lời Người chỉ dạy, dám xây dựng và phó thác đời sống mình trong bàn tay Chúa, dấn thân loan truyền và đem Chúa đến với mọi người.
[/loichua]