Thứ 3 Tuần 1 Mùa Chay – Ngày 20/02/2018

Lời Chúa: Mt 6, 7-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

 


Suy niệm

SỐNG THA THỨ

“Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6, 12).

Bài Tin Mừng hôm nay nêu lên một trong những điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi. “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6, 14-15). Như thế, việc tha thứ cho anh em là cánh cửa mở, đưa ta vào vinh phúc với Chúa. Tuy nhiên, tha thứ không phải là chuyện đơn giản. Trong Cựu Ước, sách Sáng Thế viết: “Bất cứ ai giết Cain sẽ bị trả thù gấp bảy” (St 4, 15). Sau sách Sáng Thế, sách Đệ Nhị Luật viết: “Mắt đền mắt, răng đền răng, tay chân đền tay chân” (Đnl 19, 21). Đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu dạy: “Đừng chống cự người ác” (Mt 5,39), và “nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó” (Lc 17,3). Chúa Giêsu còn hỏi cách quyết liệt hơn khi dạy rằng: “Thầy không bảo anh tha đến bảy lần, nhưng là tha đến bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18, 22). Sự tha thứ đòi buộc chúng ta vượt qua những lý luận thông thường. Nếu luẩn quẩn trong vòng luận lý con gà và quả trứng cái nào có trước, mãi mãi chúng ta không thể tha thứ và yêu thương tha nhân được. Chỉ khi vượt ra khỏi quy luật có qua có lại và hướng đến một thái độ sống cho, sống vì, sống với tha nhân, ta mới có thể đáng được gọi là con của Cha Trên Trời.

Trong bữa cơm ngày xuân, mỗi chúng ta được mời gọi sum họp bên gia đình, người thân và bạn bè. Nhìn chén cơm ngày sum họp, ta thấy cả một quá trình biến đổi để hướng đến người hưởng dùng. Từ khi còn là hạt lúa những vỏ trấu phải bỏ đi để trở thành hạt gạo; hạt gạo được nấu lên mới trở thành cơm. Cũng vậy, tình yêu gia đình, mối tương giao bạn bè sẽ được nồng ấm và triển nở khi mỗi người biết bỏ đi những “vỏ trấu” và biến mình nên chất dinh dưỡng cho người khác. Điều đó có nghĩa là lầm lỗi, thiếu sót của tha nhân cần phải được bỏ qua. Khi sống yêu thương tha thứ cho người khác, chúng ta được lớn lên trong ân sủng và tình yêu của Chúa. Đồng thời, chúng ta được nên giống Cha chúng ta, Đấng là Thiên Chúa giàu lòng xót thương.

Lạy Chúa Giêsu, khi xưa trên Thánh Giá, Chúa đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết hại mình. Xin giúp chúng con biết bao dung và tha thứ lầm lỗi và thiếu sót của anh chị em trong cuộc sống thường ngày. Amen.


Comments are closed.