[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 6,7-15 “]
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.” Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
LỜI KINH CHÚA DẠY
“Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,9)
Trong những ngày đầu của tuần thứ nhất mùa Chay, phụng vụ Lời Chúa dẫn chúng ta vào ba hành động quen thuộc của mỗi Kitô hữu: cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái. Nội dung Tin mừng hôm nay nói về việc đầu tiên: đời sống cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cách cầu nguyện thế nào. Đó là lời của một người con thưa cùng Cha trên trời, một tương quan hoàn toàn mới mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho nhân loại. Để từ đây, con người được cầu nguyện cùng Cha trên trời là Đấng vẫn luôn yêu thương họ từ muôn thuở.
Cấu trúc của đoạn Tin Mừng hôm nay là lời mời gọi rất chân thành của người Thầy dành cho các môn sinh của mình. Cụ thể có thể diễn tả thành ba chặng: thứ nhất là việc chuẩn bị tâm hồn, thứ hai là bảy lời xin và cuối cùng là điều kiện trọng yếu để lời cầu nguyện được Cha nhậm lời. Với việc chuẩn bị tâm hồn, Chúa Giêsu muốn các môn đệ bày tỏ sự chân thật của cõi lòng mình với Chúa Cha, nghĩa là không nhiều lời như dân ngoại vẫn hay làm. Vì lý do đơn giản là Chúa Cha biết mọi điều các ông cần, ngay cả trước khi các ông cầu xin. Thứ hai là bảy lời cầu nguyện dâng lên Cha: Xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện nghĩa là xin cho cuộc sống của mỗi người trở thành nơi ngự trị của Chúa. Xin lương thực, xin tha thứ, xin giúp thoát cơn cám dỗ, xin cứu khỏi sự dữ nghĩa là đặt trọn hiện tại, quá khứ và tương lai của mình vào Chúa. Cuối cùng là điều trọng yếu mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình đặc biệt để tâm, đó là sự tha thứ. Tất cả lời nguyện, của lễ dâng lên Chúa Cha sẽ trở nên vô nghĩa nếu tâm trí, cõi lòng ta vẫn chưa thể tha thứ cho người anh em mình. Điều đó phải cụ thể hóa bằng hành động giao hòa với người anh em, nghĩa là phải tha thứ với tấm lòng chân thành, chỉ khi đó lời cầu nguyện mới được Cha trên trời nhận lời.
Từ ý nghĩa đoạn Tin Mừng, ta được mời gọi nhìn lại đời sống cầu nguyện của mình, cụ thể qua việc sống lời kinh Chúa dạy. Mỗi người Kitô hữu vẫn hằng thưa lời kinh này mỗi ngày, nhưng rất dễ rơi vào trạng thái vô thức của một thói quen. Điều này có nghĩa là lời kinh với tất cả tấm lòng Thầy Giêsu đã chia sẻ cho các môn đệ xưa chưa tác động nhiều trên cuộc đời ta. Dù chúng ta biết rằng đây là lời kinh đẹp nhất mà truyền thống Giáo Hội xem là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng. Vậy ta phải làm gì để sống lời kinh Chúa dạy? Hãy học điều mà Chúa Giêsu đã dạy ta. Hãy chuẩn bị tâm hồn sốt sắng trước khi dâng lời cầu nguyện, cụ thể bằng tâm tình sám hối. Hãy thưa với Cha trên trời bằng cả lòng thành với một trái tim đơn sơ. Hãy thân thưa lời kinh này với lòng tin, cậy trông và yêu mến. Và hãy tỏ lòng thương xót và tha thứ cho anh em mình để được Chúa thương xót, thứ tha.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con lời kinh đẹp nhất dâng lên Chúa Cha. Xin Chúa giúp chúng con ý thức mỗi lần thưa kinh Lạy Cha, là chúng con đọc lại toàn bộ Tin Mừng tình yêu mà Chúa mang đến cho nhân loại, để chúng con cảm nghiệm và đáp trả tình yêu cứu độ mà Chúa Cha đã ban cho chúng con. Nhờ đó, chúng con nhiệt thành trao ban tình yêu của Chúa cho anh chị em mình. Amen.
[/loichua]