Thứ 2 Tuần III Mùa Chay – Ngày 25/03/2019 – Lễ Truyền Tin

Lời Chúa: Lc 1,26-38

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.

 


Suy niệm

VÂNG THEO THÁNH Ý THIÊN CHÚA

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Mầu nhiệm Nhập Thể là một trong những mầu nhiệm quan trọng nhất của đức tin Kitô giáo. Mầu nhiệm này đã có từ trước muôn đời từ trong ý định của Thiên Chúa. Khi đến thời đến buổi, mầu nhiệm này đã được tỏ ra cho loài người. Biến cố Truyền Tin như là điểm khởi đầu để Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại. Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa cũng muốn cho con người cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Ngài, và với lời xin vâng, Đức Maria đã thay cho toàn thể nhân loại để đón nhận và cưu mang Chúa Con, Đấng mang lại cho con người ơn cứu độ. Qua mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm và noi theo mẫu gương tự hạ của Chúa Giêsu, cũng như bắt chước Mẹ Maria, để thưa vâng với thánh ý Thiên Chúa.

Trước hết, mầu nhiệm Nhập Thể gợi lên cho chúng ta hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng đã chấp nhận hủy mình để mang lấy thân phận phàm nhân. Quả thế, Đức Giêsu, vốn là Ngôi Lời Thiên Chúa, mà không mong duy trì vinh quang của mình, nhưng đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha để xuống thế làm người. Khi vào trần gian, Con Thiên Chúa, Đấng từ trời xuống, không phải để làm theo ý Ngài, nhưng làm theo ý Đấng đã sai Ngài, như Ngài đã thưa lên: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5). Suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã tỏ cho mọi người thấy một hình ảnh của Người Con luôn gắn bó với Chúa Cha, luôn tìm và sống thánh ý Ngài. Đỉnh cao của sự vâng phục đó là hiến tế trên Thánh Giá, nơi biểu lộ sự vâng phục trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa, và cũng là nơi Người Con xứng đáng nhất với lời tôn vinh của Chúa Cha: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11).

Mầu nhiệm Nhập Thể cũng hướng ánh nhìn của chúng ta về Đức Maria, Đấng đầy ơn phúc. Mẹ có phúc hơn mọi người nữ không chỉ vì hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ, nhưng còn bởi Mẹ đã can đảm đáp lại ý muốn của Thiên Chúa dành cho Mẹ bằng một sự vâng phục hoàn toàn. Khi đối diện với sứ điệp mà sứ thần Thiên Chúa gởi đến cho Mẹ trong ngày Truyền Tin, Mẹ đã cảm thấy bối rối. Sự bối rối là điều dễ hiểu khi Mẹ phải đối mặt với sứ thần, người của Thiên Chúa; với sứ mạng lớn lao mà Thiên Chúa muốn Mẹ thực hiện, là cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế; và bởi giới hạn của phận người cùng với những khó khăn mà Mẹ phải gánh chịu trong hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên, dù cho sự băn khoăn có tràn ngập tâm hồn và dù Mẹ chẳng hiểu hết điều sứ thần truyền lại, nhưng Mẹ đã sẵn sàng đáp lại lời mời gọi từ trời cao để thưa lên: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Như thế, từ sự vâng phục của Chúa Giêsu và lời thưa xin vâng của Mẹ Maria mà dòng suối cứu độ của Thiên Chúa vẫn đang tuôn chảy đến với muôn người. Chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa để làm cho nguồn ân sủng đó tiếp tục lan tràn đi khắp nơi, bằng cách dâng hiến cuộc đời chúng ta như khí cụ để Thiên Chúa sử dụng, nghĩa là tìm và sống theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Vâng theo thánh ý Chúa đôi lúc cũng khiến chúng ta rơi vào tình thế lưỡng nan, như Con Thiên Chúa đã trải qua nơi Vườn Cây Dầu khi Ngài xin Cha cho khỏi phải uống chén đắng, nhưng chúng ta cũng hãy noi gương Ngài để can đảm thưa lên: “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Có khi chúng ta lại có cùng cảm giác với Đức Mẹ, bối rối trước những hoàn cảnh mà dường như chúng ta không thể hiểu thấu. Những lúc như thế, chúng ta cũng hãy noi gương Mẹ là hoàn toàn tín thác vào tình yêu của Chúa, bởi chắc chắn Ngài luôn muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Thiết nghĩ điều Đức Mẹ đã cảm nghiệm và đã nói với các gia nhân trong tiệc cưới tại Cana, cũng được dành cho mỗi người chúng ta: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).

Lạy Chúa, xin Chúa ban ơn soi sáng cho chúng con nhận ra thánh ý Chúa qua những biến cố xảy ra trong cuộc sống. Và khi đã nhận ra điều Chúa muốn, xin Chúa giúp sức để chúng con can đảm vâng theo thánh ý Chúa, nhờ đó mà có được niềm vui và bình an trong tâm hồn. Amen.


Comments are closed.