Thứ 2 Tuần II Thường Niên – Ngày 15/01/2018

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 2,18-22″]

Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG CHÚA KITÔ

“Rượu mới, bầu cũng phải mới” (Mc 2,22).

Các dân tộc cổ xưa thường ăn chay để làm vui lòng các thần minh của họ. Trong khi đó, tập tục ăn chay nơi Dân Chúa thời Cựu Ước là để mong chờ Đấng Mêsia ngự đến. Vào thời Chúa Giêsu, một số người Do Thái, đặc biệt là nhóm Pharisêu và các môn đệ của Gioan Tẩy Giả, vẫn giữ chay rất nhiệm nhặt. Dù luật chỉ buộc ăn chay một lần trong năm, thì việc thực hành này lại gắn liền với đời sống của một vài thành phần trong dân Israel, những người tự xem mình là đạo đức nhờ một số hành vi mang tính tôn giáo.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã tỏ thái độ không vui với cách ăn chay của các môn đệ Gioan và của những người Pharisêu. Ngài không hài lòng bởi họ ăn chay mà lại quên mất ý nghĩa của thực hành đó. Khi đưa ra hình ảnh tiệc cưới, Chúa Giêsu không chỉ nhằm biện hộ cho mình và các môn đệ trước câu hỏi: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”, nhưng trên hết, Ngài muốn loan báo cho họ một Tin Mừng, đó là Nước Thiên Chúa đã đến, và chính Ngài là Đấng Mêsia mà họ đang mong chờ. Chúa Giêsu ví mình như chàng rể trong Nước của Ngài, và khi chàng rể “đang ở với họ” thì họ không thể ăn chay. Tâm tình mong chờ giờ đây phải bị thay thế bởi niềm vui vì chính Đức Giêsu là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Do đó, các môn đệ của Chúa Giêsu, những người đang sống trong vương quốc của Thiên Chúa cũng cần mặc cho mình một tâm tình mới, như áo mới và rượu mới. Đây là sự mới mẻ mà Chúa Giêsu mang đến cho các môn đệ, một sự tự do đã kéo họ ra khỏi những bó buộc của hình thức bên ngoài, giúp họ hoàn toàn tự do để sống cho tình yêu.

Như thế, Chúa Giêsu đã đến và mang lại cho các môn đệ một đời sống mới. Thiết nghĩ, đời sống mới này chỉ có thể bắt đầu khi có cuộc gặp gỡ với Đấng đã chết và đã sống lại. Khi đó, ta có thể nói như thánh Phaolô: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,7-8). Từ việc gặp gỡ Chúa Giêsu, người môn đệ được hiệp thông với Người trong tình yêu, và có thể làm mọi sự chỉ vì tình yêu. Đồng thời, khi đã thật sự mở lòng cho Chúa Giêsu hiện diện, cuộc đời người môn đệ sẽ được phủ đầy bởi niềm vui và bình an, cho dù còn phải chịu nhiều gian nan thử thách. Thế nhưng, cần phải xác tín rằng “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Đó là động lực và là niềm hy vọng của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Xin ban ơn đức tin để chúng con ý thức rằng Chúa đang ở giữa chúng con, nhờ đó, chúng con biết mở lòng để đón tiếp Chúa vào trong cuộc đời, hầu đời sống chúng con sẽ được biến đổi, ngày càng trở nên giống Chúa hơn. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.