Thứ 2 Tuần 6 Thường Niên – Ngày 17/02/2020

Lời Chúa: Mc 8,11-13

Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào”. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.

 


Suy niệm

TRANH LUẬN ĐÍCH THỰC-CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN THIÊN CHÚA

“Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu.” (Mc 8,11)

Trong cuộc sống hàng ngày, tranh luận là một hoạt động mang tính ý thức của tư duy nhằm giúp con người tìm kiếm và khám phá ra chân lý. Vì rất nhiều vấn đề sẽ được làm sáng tỏ khi những vấn đề đó cùng được phân tích, so sánh và đối chiếu. Tuy nhiên, không phải mọi cuộc tranh luận đều có thể dẫn con người đến với sự khôn ngoan vì có khi, người ta ham thích tranh luận để chứng tỏ bản thân hay để bắt bẻ người khác, sự tranh luận lúc đó dễ dàng đưa đến sự nguỵ biện cốt để được hơn thua chứ không còn nhằm mục đích đi tìm chân lý.

Mở đầu của bài Tin Mừng cho thấy nhóm biệt phái xuất hiện với chủ đích tranh luận với Chúa Giêsu. Họ tranh luận về điều gì và tranh luận như thế nào? Chúng ta không thấy thánh sử Marcô tường thuật lại; chỉ biết rằng, kết thúc của cuộc tranh luận Chúa Giêsu bỏ họ lại đó và Người lại xuống thuyền sang bên bờ bên kia. Rất có thể, từ con thuyền này, Ngài đã bước lên bờ giảng dạy mọi người với mong muốn con người tin nhận Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Nhưng, thật bẽ bàng, Chúa Giêsu đã thở dài, bước xuống thuyền và rời bỏ đi. Có gì đó cay đắng và chua chát trong tâm hồn của Ngài cho sự cứng lòng tin của nhóm biệt phái thích tranh luận này. Chúa Giêsu đã không muốn có một kết thúc buồn tẻ như thế này. Có lẽ, Ngài đã ao ước kết thúc cuộc tranh luận này với kết quả là nhóm biệt phái tin nhận Ngài như trường hợp của ông Nicôđêmô hay như của Nathanaen. Thế nhưng, kết quả không được như vậy.

Trong thế giới ngày nay, với sự thượng tôn của lý trí, người ta cũng rất ham thích tranh luận. Tuy nhiên, thay vì cần có những cuộc tranh luận để làm thế giới tốt đẹp hơn người ta lại biến tranh luận thành nơi để thể hiện sự hơn thua được mất, thể hiện cái tôi của mình. Thay vì đích điểm của mọi cuộc tranh luận phải dẫn con người đến với sự khôn ngoan đích thực là tin nhận Thiên Chúa và tạo lập được mối tương quan mật thiết với Ngài; thì dường như xã hội ngày nay, người ta muốn tranh luận để phủ nhận và gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người. Rất nhiều những triết thuyết, những chủ nghĩa xem ra có vẻ hợp lý đã nhân danh cái tôi, nhân danh lý trí để rồi phủ nhận đi sự hiện diện của Thiên Chúa. Từ đó gây ra biết bao nhiêu thảm cảnh cho nhân loại. Những cuộc tranh luận triết học, thần học có khi lại làm cho con người ta xa rời Thiên Chúa. Vì hệ quả của những tranh luận đó làm cho con người bất đồng ý kiến với nhau và thấy Thiên Chúa như là những ý niệm siêu hình. Đang khi đó, Kinh Thánh lại trình bày một Thiên Chúa hết sức gần gũi và thân thiết. Đó là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Ixaác và Thiên Chúa của Giacop, một Thiên Chúa sống động, đang hiện diện và cùng đồng hành với con người.

Lạy Chúa, chúng con nhận thức rằng tranh luận là một việc tốt. Tuy vậy, nếu tranh luận làm cho chúng con xa Chúa, xa anh chị em thì xin cho chúng con trong mọi công việc biết đón nhận nhau trong tinh thần bác ái và yêu thương. Chúng con biết rằng cùng đích cuộc đời là chính Chúa chứ không phải là được hơn, thắng thua ở những cuộc tranh luận. Amen.


Comments are closed.