Thứ 2 tuần 26 Thường Niên – Ngày 02/10/2017

Lời Chúa: Mt 18,1-5

Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời. Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.

 


Suy niệm

NGƯỜI LỚN NHẤT TRONG NƯỚC TRỜI

“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,4)

Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta vừa nghe nằm trong loạt bài giảng của Chúa Giêsu về Giáo Hội. Chúng ta biết rằng, chính Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội. Trong Giáo Hội của Chúa vừa có đặc tính thiêng liêng vừa có tính cách hữu hình nghĩa là có phẩm trật. Chương 18 của Tin Mừng Matthêu đã gom một số lời Chúa Giêsu dạy về đời sống trong cộng đoàn Hội Thánh, mở đầu bằng một câu hỏi do các môn đệ nêu lên vấn đề ai là người lớn nhất. Câu hỏi này có lẽ không chỉ là câu hỏi của các Tông đồ xưa, nhưng còn là câu hỏi của rất nhiều người trong các cộng đoàn và trong các thời đại khác nhau. Lẽ dĩ nhiên, khi đã có một tổ chức, một cộng đoàn được hình thành thì phải có người đứng đầu, phải có người điều hành. Qua đó, cộng đoàn có thể đi vào hoạt động cách tốt đẹp và được tiến triển hơn mỗi ngày.

Tiêu chuẩn để chọn một người làm lớn mà con người đặt ra thường có một số tiêu chuẩn chung như: Có học thức, có tài lãnh đạo, có tương quan tốt với người khác và có thâm niên trong ngành để có thể đứng vào vị trí lãnh đạo… Còn đối với nước trời thì sao? Chúa Giêsu dạy “ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong nước trời”. Nên nhỏ bé để trở nên lớn nhất là một nghịch lý mà dường như người thời nay hay thời Chúa Giêsu người ta cũng cảm thấy khó hiểu. Trong Kinh Thánh, “trẻ nhỏ” không gợi sự ngây thơ, trong trắng dễ thương, nhưng diễn tả sự “không đáng kể”. Kinh Thánh nhiều lần có nói đến các con số dân chúng, nhưng chỉ nói đến số đàn ông chứ không nói đến các trẻ nhỏ. Khi kể đến số người đi ra khỏi Ai Cập, sách Xuất Hành kể “sáu trăm ngàn bộ hành, chỉ kể đàn ông, không kể trẻ nhỏ” (Xh 12,37). Trong trình thuật hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất thánh Matthêu thuật lại con số người ăn khoảng chừng năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con (Mt 1413-21). Như vậy, “trẻ nhỏ” theo Kinh Thánh diễn tả sự “không đáng kể” nhưng Đức Giêsu lại kể các em nhỏ vào số những người đáng kể nhất trong nước Trời. Chúa Giêsu còn tự hạ mình xuống ngang với các trẻ thơ khi Ngài nói “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”.

Lạy Chúa, qua bài Tin Mừng Chúa đã chỉ cho chúng con con đường để có thể vào được nước Thiên Chúa. Con đường đó là nên như những trẻ thơ. Các trẻ thơ thì đơn sơ và dễ thương. Các em cần có người bảo trợ để nâng đỡ, nuôi nấng và dạy dỗ. Mỗi người chúng con được mời gọi nên như những trẻ thơ để được Chúa yêu thương và che chở “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2). Chúa còn đặt để cho mỗi người chúng con một Thiên Thần Hộ Thủ để cùng đồng hành và hướng dẫn. Lạy Chúa xin cho chúng con biết sống đơn sơ, biết đặt đời mình trong sự dẫn dắt của Chúa như các trẻ thơ an vui phó thác đời mình nơi cha mẹ. Qua việc trở nên như các trẻ thơ, ước mong rằng chúng con sẽ được cùng các Thiên Thần của mình chiêm ngưỡng nhan Cha là Đấng ngự trên trời. Amen


Comments are closed.