[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 7,1–10″]
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào thành Ca-phác-na-um. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giê-su, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giê-su và van xin Người rằng: “ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. Chúa Giê-su đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn thưa Người rằng: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, là nó làm”. Nghe nói thế, Chúa Giê-su ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Ít-ra-en, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh như vậy”. Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
MẪU GƯƠNG SỐNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO
“Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Ít-ra-en, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh như vậy” (Lc 7, 9).
Trong cuộc sống của chúng ta, khi đứng trước khó khăn thử thách chúng ta dễ bị chao đảo và mất niềm tin vào Thiên Chúa. Hay khi thành công, chúng ta dễ tự hào về bản thân mình, tin vào mình hơn là tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Người sĩ quan trong bài Tin Mừng hôm nay là một mẫu gương cho chúng ta về sự tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa.
Qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca mời gọi chúng ta suy niệm về Lời Chúa với quyền năng của Chúa Giêsu. Thông thường Chúa Giêsu chữa trị bằng cách đặt tay hoặc chặm đến bệnh nhân. Cũng có những trường hợp Ngài chỉ nói một lời, như được ghi lại trong trình thuật chữa bệnh cho người đầy tớ của viên đại đội trưởng: “Nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh” (Lc 7,7).
Người đầy tớ trong xã hội thời bấy giờ là loại người bị khinh bỉ, không có tiếng nói trong xã hội. Thế nhưng, viên đại đội trưởng này đã có lòng yêu mến khác thường. Tình thương của ông không bị giới hạn trong tập tục loài người: Người Do thái không được tiếp xúc với dân ngoại. Không những thế, tình thương nơi ông lại được thể hiện cách cụ thể và thiết thực: ông đã sai mấy kỳ mục của người Do Thái đến xin Đức Giêsu cứu sống người đầy tớ của ông. Và tình thương đó còn biểu lộ tính cách vị tha: chỉ muốn cho người đầy tớ của mình được cứu sống; tính cách vô vị lợi: không tìm mối lợi cho mình nhưng sẵn sàng quên mình. Như vậy tình thương của viên đại đội trưởng này rất gần gũi với tinh thần Ki-tô giáo, phù hợp với giáo huấn của Đức Giê-su: yêu tha nhân như chính mình.
“Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi”. Những lời này diễn tả tâm tình khiêm nhường và quên mình; diễn tả thái độ tin tưởng vững mạnh và tinh thần trông cậy phó thác. Những lời đó còn diễn tả lòng tin mạnh mẽ đó là chấp nhận vô điều kiện uy quyền của Đức Giêsu. Không những thế, ông tự thấy bất xứng khi hiện diện trước Đức Giêsu chính là Thiên Chúa thật. Đây là những tính cách của lời cầu xin đẹp lòng Thiên Chúa và có hiệu nghiệm nhất.
Ông đại đội trưởng là người khiêm tốn. Dù là giới cai trị, ông không ngại hạ mình đến xin Chúa Giêsu giúp đỡ mình. Ông còn nói ông không xứng đáng cho Chúa Giêsu vào nhà ông. Trong môi trường giáo xứ, chúng ta có tập sống hạ mình để vui vẻ hòa đồng với anh chị em hay chúng ta lại lên mặt hãnh diện vì học vấn, vì giàu có, qua những kiến thức tích lũy được, chúng ta đang làm vinh danh Chúa hay làm vinh danh cái tôi của mình?
Nguyện xin Chúa, Đấng nói một lời thì linh hồn chúng ta được lành mạnh, ban cho chúng ta có cảm nghiệm một đức tin mạnh mẽ để chúng ta can đảm sống và thực hành Lời Chúa, từ đó giúp cho những người xung quanh nhận ra phép lạ của Chúa trong thế giới hôm nay. Amen.
[/loichua]