[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 9,18-26″]
Khi ấy, Chúa Giêsu đang nói, thì có một vị kỳ mục kia đến lạy Người mà thưa rằng: “Lạy Ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống lại”. Chúa Giêsu chỗi dậy, và cùng với các môn đệ, đi theo ông ấy. Và này có người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm, tiến lại đàng sau Người và chạm đến gấu áo Người. Vì bà nghĩ thầm rằng “nếu tôi được chạm đến áo Người thôi, thì tôi sẽ được khỏi”. Chúa Giêsu ngoảnh lại, trông thấy bà ta, liền phán rằng: “Này con, hãy vững lòng. Ðức tin của con đã cứu thoát con”. Và người đàn bà được khỏi bệnh. Khi Chúa Giêsu đến nhà vị kỳ mục, và thấy những người thổi kèn và đám đông đang xôn xao, thì bảo rằng: “Các ngươi hãy lui ra, con bé không có chết đâu, nó ngủ đó thôi”. Họ liền nhạo cười Người. Và khi đã xua đám đông ra ngoài, Người vào cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy. Tin này đồn đi khắp cả miền ấy.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
BƯỚC CHÂN ĐẤNG CỨU THẾ
“Chúa Giêsu chỗi dậy, và cùng với các môn đệ, đi theo ông ấy” (Mt 9,19).
Bài Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu chữa người đàn bà loạn huyết và cho con gái kỳ mục sống lại. Chúng ta dừng lại để chiêm ngắm bước chân cứu độ của Chúa Giêsu vì nhờ bước chân ra đi của Chúa Giêsu mà con người được cứu độ.
Đi là dấu chỉ thể hiện con người đang hoạt động; là sự di chuyển từ chỗ này sang chỗ nọ; là sự dịch chuyển có tính không gian và thời gian. Nhưng Chúa Giêsu đi còn có một ý nghĩa vượt xa trên hết các ý hướng mà con người không thể suy thấu: đi để đem ơn cứu độ cho con người.
Bước chân cứu độ của Chúa Giêsu được khởi đi từ biến cố Ngài từ bỏ ngai vị Ngôi Hai Thiên Chúa mà vén màn trời hạ cố thế gian. Người đi từ cõi vinh quang vĩnh cửu vào trong một không gian thời gian hữu hạn. Sự đi xuống của Đấng Cứu Thế khiến cho lý trí con người chỉ biết im lặng để cung kính. Từ biến cố Nhập thể, Đấng Cứu Thế đã đi vào trần gian để cứu độ con người.
Khởi đầu sứ vụ, Người hòa mình với đoàn người tội lỗi đi xuống sông Giođan để chịu phép rửa. Sau đó, Người đi vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ. Người đi giữa đám đông để loan truyền Tin mừng cứu độ. Không những thế, Người còn đi ra đến với những người tội lỗi, người bệnh tật hầu có thể tha tội và chữa lành họ. Người cũng đi tìm những người đã hư mất, những người lạc lối để hướng dẫn họ trở về đường ngay nẻo chính. Bước chân đẹp nhất của Đấng Cứu Thế là bước lên Giêrusalem để bước lên thánh giá. Trên thánh giá, Đấng Cứu Thế đã giao hòa Thiên Chúa với con người để từ đó nguồn nước trường sinh đổ ra cho muôn người được ơn cứu độ.
Tất cả những bước chân của Đấng Cứu Thế đều diễn tả tình yêu cứu độ, một tình yêu có từ muôn thuở trong kế hoạch của Thiên Chúa. Đấng Cứu Thế đi là để thực hiện lời hứa cứu độ, để thi hành giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập và đã nói qua lời ngôn sứ Hôsê (x. Hs 2,21-22).
Không dừng lại trên thánh giá, bước chân của Chúa Giêsu còn được bước mãi bởi các tông đồ của Người vì các ông tin rằng: Thầy Giêsu sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế. Suốt dọc dài lịch sử Giáo hội, Giáo hội luôn trung thành với sứ vụ mà Đức Kitô đã ủy thác. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhớ sứ vụ này với mọi thành phần dân Chúa trong Sứ Điệp Ngày Truyền Giáo 2019: “Được Rửa Tội và Sai Đi”. Sứ vụ của người Kitô hữu là ra đi bước theo gót Chúa Giêsu để loan báo Tin mừng cứu độ cho muôn người. Hằng ngày trong Thánh lễ, chúng ta được sai đi với lời chúc lành cuối lễ: “Chúc anh chị em đi bình an”. Hãy đi bình an! Hãy đem tình yêu mà chúng ta đã lãnh nhận đến mọi ngõ nghách nơi chúng ta đang sinh sống.
Lạy Chúa Giêsu, khi còn sống, Chúa đã không ngừng ra đi để đem ơn cứu độ cho chúng con và Chúa xem đó là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha. Xin Chúa cũng dạy cho chúng con biết hăng say ra đi loan báo Tin mừng cứu độ để chúng con sống đẹp lòng Thiên Chúa hơn. Amen.
[/loichua]