THIÊN CHÚA TRONG BẠN VÀ TRONG TÔI
Trong không khí linh thiêng và ấm cúng của nhà nguyện Đại Chủng Viện, có một lời kinh tuy đơn sơ nhưng vẫn hằng được vang lên trên môi miệng chúng tôi – những con người được sai đi, trước khi lên đường mục vụ tại các giáo xứ. Lời kinh đó như sau: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương hiện diện trong chúng con khi chúng con đến với tha nhân, và cho chúng con cũng nhận ra Chúa hiện diện trong họ”. Tôi vẫn nhớ rõ như in lần đầu tiên đọc lời kinh này, tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng trước đây mình đã lầm. Hóa ra mục vụ chẳng hệ tại ở việc thực hiện những sự lớn lao, mang lại thật nhiều thay đổi tốt đẹp cho những người ta gặp gỡ, và người mục vụ cũng không phải chỉ là người cố gắng gây ảnh hưởng và tác động tích cực trên đối tượng được mục vụ như tôi vẫn tưởng. Nhưng qua lời kinh ấy, tôi mới nghe được tiếng Chúa thì thầm vào trái tim tôi rằng: “Hỡi con, Ta sai con đi hầu giúp cho chính con và cho mọi người con gặp gỡ cảm nghiệm được sự hiện diện vô cùng kín ẩn nhưng cũng rất chân thực của Ta trong cuộc đời các con”.
Hành trình tái khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa
Mang lấy tâm tư này làm hành trang cho hành trình mục vụ, đặc biệt trong năm Thần học II hướng về các em lễ sinh và cổ võ ơn gọi trong Giáo phận, tôi tự nhủ sẽ phải làm gì để giúp các em có thể nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện nơi cuộc đời các em. Điều này thật sự rất khó, bởi chân thành mà nói, chính tôi nhiều lúc vẫn chưa thật sự tin tưởng cách vững vàng rằng Thiên Chúa đang đồng hành cùng tôi trên mọi bước đường ơn gọi, nhất là trong những gian nan, vất vả của cuộc sống. Tôi chỉ cho các em thấy Chúa thế nào được, nếu chính tôi còn đang mù mờ về sự hiện diện của Người? Câu hỏi tuy dằn vặt, nhưng cũng là động lực để tôi bắt đầu cuộc hành trình tái khám phá dấu vết tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời.
Từ những đau khổ trong cuộc sống…
2020 là một con số thật đẹp! Thế nhưng, trái với sự tròn trịa của nó, một thập kỷ mới lại được mở ra theo cách không thể tồi tệ hơn. Nhân loại đã và đang tràn ngập tiếng rên xiết đau đớn, khi phải hứng chịu sự thống trị của dịch bệnh. Không ít người tôi gặp gỡ đã trở nên tuyệt vọng, buông xuôi rồi tự hỏi: “Thiên Chúa đang ở đâu?”. Một năm tiếp cận mục vụ với đối tượng là những người di dân vốn đã nghèo khổ, nay còn phải lam lũ hơn nữa vì đại dịch, vì sự suy thoái kinh tế, đã cho tôi có cơ hội đồng cảm với những số phận cùng cực như vậy. Dường như đối với họ, đau khổ dần trở thành bằng chứng hùng hồn nhất chống lại sự hiện hữu của một Thiên Chúa tốt lành. Họ không còn cảm nhận được một Đấng giàu lòng thương xót vẫn hằng gìn giữ và che chở họ nữa. Ngang qua những đau khổ mà họ phải gánh chịu, đôi mắt họ – và có lẽ cũng sẽ là đôi mắt của tôi nếu đặt mình trong hoàn cảnh khốn cùng như họ – bị che khuất, để rồi không thể nhìn thấy một Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc đời…
… đến sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa
Thế nhưng, đâu đó trong những trường hợp tôi may mắn được tiếp xúc, vẫn có những người giữ vững niềm tin vào Chúa, bất chấp những khó khăn, những thất bại, những sụp đổ trong cuộc sống. Họ chia sẻ với tôi rằng họ giữ được cái mạng này, gia đình này sống sót qua thời gian dịch bệnh hoành hành, trong khi ngoài kia bao nhiêu người đã phải nằm xuống, bao gia đình đã phải ly tán, là họ đã thầm cảm tạ Chúa rất nhiều rồi. Vì thế khi tiếp đón tôi, họ rất vui tươi, phấn khởi và không hề có thái độ bi quan. Năng lượng tích cực của họ truyền đến tâm hồn tôi và tôi cảm nhận được: “Quả thật họ có Chúa!”. Qua cách họ kể cho tôi nghe về cuộc sống, về niềm tin của họ vào một Thiên Chúa luôn ở đó với họ, tôi nghiệm ra rằng Thiên Chúa không ở đâu xa; Ngài hiện diện trong chính tâm hồn mỗi người, và chúng ta phải học cách lắng nghe trái tim để nhận ra Người vẫn hằng đồng hành với ta trên mọi nẻo đường.
Lan tỏa những cảm nghiệm
Trở lại với đối tượng mục vụ chính của chúng tôi trong năm nay – các em lễ sinh và hạt mầm ơn gọi, tôi rất muốn chia sẻ cho các em điều mà tôi đã học được về sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, ngôn từ và cách diễn đạt của chúng tôi phải thật sự khác, phải thật gần gũi và dễ hiểu với lứa tuổi của các em. Những hình ảnh, những câu chuyện mà chúng tôi sử dụng cũng phải thuộc về khung trời kinh nghiệm còn hồn nhiên của các em. Việc làm thế nào để biến những cảm nghiệm của các gia đình di dân đã dạy cho tôi về sự đồng hành của Thiên Chúa, thành cảm nhận của các em lễ sinh mà tôi gặp gỡ hôm nay, thật không phải là chuyện đơn giản. Mục tiêu đã có, nhưng phương pháp và cách thực hiện còn rất dang dở. Và rồi Chúa đã cho chúng tôi lời giải đáp qua cầu nguyện.
Từ những điều đơn giản…
Từ những cảm nghiệm cá nhân trên hành trình làm người và làm con Chúa, chúng tôi cố gắng giúp các em lục tìm thật kỹ những dấu vết yêu thương của Thiên Chúa trên cuộc đời, qua những điều coi bộ như đơn giản, nhưng lại thật sâu sắc: niềm hạnh phúc trong gia đình, sự vui tươi nơi trường lớp, nỗi phấn khích khi chơi đùa cùng chúng bạn, cái thẹn thùng trong tình yêu tuổi học trò và những thăng hoa về xúc cảm… Tất cả những điều đó người ta gọi là cái duyên, là sự may mắn; còn chúng tôi, chúng tôi và các em cùng nhau tin đây là sự quan phòng của Thiên Chúa, là dấu chỉ sự hiện hữu đầy yêu thương của Người.
Lẽ dĩ nhiên cuộc đời các em không thể thiếu những nỗi buồn, sự cô đơn trống vắng cùng những khó khăn của tuổi mới lớn. Dù không nhiều, nhưng cũng đủ để tâm hồn các em trở nên nhạy cảm, hóa thành một “mảnh đất thiêng thánh”, nơi mà bất cứ ai muốn tiến sâu vào cũng phải dừng lại và cẩn thận “cởi giày ra”. Chúng tôi cũng vậy, cũng cần phải tháo cởi khỏi đôi mắt cái nhìn của người lớn, để mà chiêm ngưỡng bức tranh cuộc đời các em bằng lăng kính của chính các em. Qua đó, chúng tôi dạy các em, và cũng là nhắc nhở mỗi chúng tôi rằng cuộc đời là bức tranh muôn màu được dệt nên cách hài hòa giữa niềm vui và nỗi buồn. Nếu như hạnh phúc làm cho bức bích họa cuộc đời trở nên sống động và thăng hoa trong nụ cười, thì qua đau khổ, kiếp người mặc lấy vẻ đẹp trầm tư và sâu lắng nơi những giọt sầu. Để rồi dưới bàn tay tài hoa của Thiên Chúa, cuộc đời chúng tôi và các em đều hoàn hảo nhất theo cách riêng của mình.
… đến tiếng gọi của Thiên Chúa
Cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa ngay sát bên mình, có lẽ sẽ dễ dàng hơn để lắng nghe tiếng gọi của Người. Tuy nhiên, giữa những tiếng ồn ào của một xã hội ngập tràn phương tiện khoa học kỹ thuật, chúng tôi cũng như các em rất khó để nhận ra được đâu là tiếng Chúa gọi. Chắc chắn Chúa sẽ chẳng gọi các em như cách mà Người đã từng gọi Samuel trong đêm vắng nơi Đền Thờ, nhưng tôi tin rằng Chúa vẫn hằng gọi các em theo cách thế của thời đại – cách mà các em dễ lắng nghe và quen thuộc nhất. “Người có gọi con qua cha mẹ không Thầy? – Có chứ!”. “Người có gọi con qua những người sống đời tu trì? – Có chứ!”. “Người có gọi con qua công tác lễ sinh? – Có chứ!”. “Người có gọi con qua những thao thức của con? – Có chứ!”. “Người có gọi con qua truyền thông xã hội: Facebook, Twitter, Tiktok…? – Có chứ! Và còn đó rất rất nhiều cách thế nữa để Chúa gọi con”. Thiên Chúa của chúng ta âm thầm nhưng không hề ẩn mình. Người vẫn hằng cất tiếng giữa những điều gần gũi nhất; và chúng tôi có cơ hội cùng nhau học cách giữ cho tâm hồn được tĩnh lặng, hầu lắng nghe được tiếng Chúa gọi thì thầm nhưng mãnh liệt tận sâu trong cõi lòng mỗi người.
Mục vụ – một tác động hai chiều
Tôi lên đường ra đi với tư cách là người mục vụ, nhưng rồi tôi trở về trong vị trí một người được mục vụ. Thật sự là như vậy! Mỗi lần chúng tôi nghe các em kể về niềm vui, về sự cố gắng, nỗ lực chu toàn nghĩa vụ lễ sinh, là một lần chúng tôi được tiếp thêm lửa mến phục vụ. Mỗi lần chúng tôi giúp các em khám phá sự gần gũi của Thiên Chúa trong cuộc đời, là một lần chúng tôi gặp được Chúa nơi chính tâm hồn. Mỗi lần chúng tôi nhìn thấy ánh mắt long lanh của các em khi hỏi về đời tu, là một lần chúng tôi tìm lại động lực cho hành trình dâng hiến của mình. Và cứ thế, nếu chúng tôi cứ cho đi càng nhiều, thì chúng tôi lại nhận được vô vàn những điều hữu ích cho cuộc đời dấn thân theo Chúa của mình.
Một lời tri ân từ người mục vụ và được mục vụ
Tạ ơn Chúa đã cho chúng tôi được tham dự vào đời sống mục vụ của Giáo Hội, nhất là có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với các em lễ sinh – những hạt mầm của ơn gọi linh mục, để chúng tôi có thể bắt đầu và lại bắt đầu khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa và tiếng gọi của Người trên cuộc đời chúng tôi. Không ai có thể cho thứ mà mình không có. Là một người mang lấy lý tưởng “nên thánh trong mục vụ”, sẽ là vô ích và hão huyền nếu tâm hồn tôi không có Chúa để mà cho đi. Vì thế đối với tôi, đời mục vụ là một đời hồng ân. Hồng ân vì nhận ra mình thật bình an bởi luôn có Chúa, hồng ân vì cảm nghiệm mình được phục vụ Chúa trong tha nhân, và hồng ân vì tin tưởng rằng mình hạnh phúc vì được trở nên giống Chúa trong yêu thương và phục vụ. Xin tri ân Chúa và cám ơn người.
BVH – Lớp Thần Học II