Cuộc đời của một con người được đánh giá bằng những việc tốt đẹp mình đã làm, đã để lại cho hậu thế. Chết là hết theo quan niệm của con người. Nhưng người xưa đã để lại một câu chí lý: Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Xem ra cái da của cọp có giá trị kinh tế cao, tiếng tăm của con người lại còn có giá trị hơn nữa. Con người được đánh giá bằng những công việc thiện, công việc tốt họ đã làm. Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Konbê cũng không khỏi định luật ngàn đời ấy. Ðời của Ngài trải qua nhiều thăng trầm, nhưng cũng để lại bằng chứng anh hùng khiến bao người ca ngợi. Thánh nhân đã biến cuộc đời mình hòa tan cho tha nhân, đã gắn kết đời mình với thập giá Chúa Kitô. Một cuộc đời, một con người. Cuộc đời của thánh nhân liên kết chặt chẽ với sự khổ nạn của Chúa Giêsu. Nếu, chặng đường khổ nạn dẫn Chúa Giêsu lên ngọn đồi Can-vê để lãnh nhận cái chết trên thập giá: “ơn cứu độ chứa chan nơi Người “. “Khi nào Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Chúa Giêsu đã qui tụ và cứu độ muôn người. Thánh Mắc-xi-mi-li-a-nô Konbê đã cứu mạng sống cho một bạn tù nhân vì hạnh phúc của anh ta, của vợ và của các con anh ta. Hành động của thánh nhân là hành động cứu độ vì thánh nhân đã chấp nhận cái chết vì hạnh phúc cho người khác. Ðây là tình yêu hy sinh cao cả như lời Chúa nói: “Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13).
Thánh nhân sinh ngày 7/01/1894 tại Zdunska-wola nước Ba Lan. Năm 1918, Ngài được thụ phong linh mục Dòng Thánh Phanxicô. Cả cuộc đời linh mục của Ngài gắn chặt lấy Ðức Maria vô nhiễm nguyên tội. Ngài có khiếu về báo chí, nên năm 1922, Ngài thành lập giới báo chí công giáo tại Ba Lan và năm 1930 tại Nhật Bản. Ảnh hưởng của Cha Macximilianô Konbê rất lớn không những về mặt trí thức, tư tưởng do báo chí Ngài phát hành, mà đời sống đạo đức của Ngài cũng lan rộng. Vì thế, Ðức Quốc Xã đã quyết tâm trừ khử ảnh hưởng lan rộng của Ngài. năm 1940, phát xít Ðức đã bắt Ngài vào trại giam Oranienburg và vào năm 1941, họ chuyển Ngài vào trại giam khét tiếng Auschwitz. Trại giam này đã giết chết bao nhiêu người vô tội. Ở đây có qui luật khắt khe, cứ một tù nhân trốn trại, 10 tù nhân khác phải thế mạng. Hình phạt lúc đầu là bắn chết, nhưng để đỡ tốn đạn, họ đã bỏ đói tù nhân cho tới chết. Một ngày tháng 8 năm 1941, có một người tù trốn trại, thế là 10 người tù khác được chỉ định thay mạng trong số đó có anh lính tên Gajowniczek. Trước án tử hình oan uổng, người lính này khóc lóc thảm thiết vì anh còn vợ hiền và đàn con. Cảm động và chạnh lòng thương xót như Chúa Giêsu cảm thông, xót thương Maria, Mácta và con bà góa thành Naim, Cha Mácximilianô Konbê đã xin chết thay cho người lính tử tù trẻ. Lời xin của Ngài đã được chấp nhận. Cha và 9 người tử tù khác phải bước qua phòng hơi ngạt số 14. Sáng hôm sau, người ta phát hiện ra Ngài còn thoi thóp thở, nên họ đã chích cho Cha một mũi thuốc ân huệ. Cha Macximilianô Konbê đã trút hơi thở đúng vào lễ vọng Ðức Maria hồn xác lên trời. Cha Mácximilianô Konbê đã được Mẹ Maria đưa Cha vào trời ngay chiều áp lễ Mẹ lên trời vì suốt đời Cha đã gắn bó với Ðức trinh nữ Maria vô nhiễm nguyên tội.
Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nâng Cha Macximilianô Maria Konbê lên hàng chân phước ngày 17/10/1971 và Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong hiển thánh cho Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng nhiệt thành yêu mến tha nhân như thánh Mácximilianô Konbê đã sống và đã thực hiện trong đời mình.
Xin cho chúng con lòng sốt sắng gắn bó với Ðức Trinh Nữ Maria vô nhiễm như thánh Macximilianô Konbê đã sống.
Xin cho chúng con biết đặt tin tương tuyệt đối vào Chúa như thánh Mácximilianô Konbê vì “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn ” (Tv 61).