Một trong những vẻ đẹp rất nhân bản của con người là lòng biết ơn. Người Việt Nam ngay từ tấm bé đã được biết đến đạo lý tốt đẹp này ; và khi đến tuổi cắp sách tới trường, những câu tục ngữ về lòng biết ơn như : “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là những bài học vỡ lòng không thể thiếu nơi học đường. Qua nhiều thế hệ, đạo lý này luôn được người Việt Nam trân trọng như một tài sản tinh thần quý giá cần được giữ gìn và phát huy.
Trong truyền thống đạo lý quý báu ấy, Đại Chủng viện Xuân Lộc luôn xem việc giáo dục lòng biết ơn là bài học không thể thiếu trong công cuộc huấn luyện các chủng sinh về phương diện nhân bản. Việc huấn luyện này không chỉ dừng lại nơi những bài học lý thuyết, mà còn được chú trọng cách đặc biệt trong các sinh hoạt chung của chủng viện, cũng như sinh hoạt thường ngày của mỗi chủng sinh.
Trong định hướng đó, 05g20 ngày 18 tháng 02 năm 2013, tại Nguyện đường Đại Chủng viện, Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Đốc Đại Chủng viện, cùng với quý Cha Giáo nội trú, quý Cha Khoá XI, quý Thầy Phó tế Khoá I và 332 chủng sinh đang tu học tại Đại Chủng viện đã cử hành trọng thể Thánh lễ cầu nguyện cho Cha Cố Philipphê Lê Phước Minh, nguyên linh hướng của Đại Chủng viện, nhân ngày Giỗ Mãn Tang của ngài.
Trong phần giảng lễ, dựa vào bài Tin Mừng “Hạt lúa gieo vào lòng đất”, Cha Giuse Phạm Sơn Lâm – một trong những người con linh hướng của Cha Cố Philipphê – đã sánh ví cuộc đời của Cha Cố như hạt lúa mì rơi vào lòng đất, đã chết đi và đã trổ sinh nhiều bông hạt đức tin. Đồng thời, với tâm niệm đời Linh mục “Fiat – Voluntas tua : Xin vâng và phó thác”, Cha Cố Philipphê cũng đã cố gắng hết mình để hoàn toàn sống vì Tin Mừng Đức Giêsu.
Thánh lễ kết thúc với Bài hát “Đuốc sáng tâm linh” của nữ nhạc sĩ Trầm Hương, một lần nữa hoạ lại hình ảnh và cuộc đời của Cha Cố Philipphê, ngọn đuốc tâm linh của anh em Chủng sinh Chủng viện Xuân Lộc.
Chủng sinh. Phêrô Phạm Ngọc Quang
Khóa VI ĐCV Xuân Lộc
Trích toàn văn bài giảng trong thánh lễ
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!
Có ai đó đã quả quyết như sau :
Nhớ đến một người nào là làm cho người đó sống, dù người đó đã chết.
Quên đi một người nào là làm cho người đó chết, dù người đó còn đang sống.
Quên đi một người đã chết là làm cho người đó chết hai lần, chết vĩnh viễn !
Thật đúng như vậy,
Sống mà ai cũng chê cũng ghét thì sống cũng như chết.
Chết lâu rồi mà ai cũng thương, cũng nhớ thì dù đã chết nhưng vẫn sống.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!
Theo cái nhìn trên phương diện tự nhiên, thì ngày mà một người sinh ra cũng chính là ngày mà họ bắt đầu lên đường bước vào một cuộc hành trình đi về sự chết, và dường như cuộc đời của chúng ta cứ mãi lẩn quẩn trong cái vòng xoay của cuộc sống, cứ phải tuân theo một chu kỳ của ‘Sinh- Bệnh- Lão- Tử’, để rồi mục đích mà chúng ta bước ra khỏi lòng mẹ là để đi vào lòng đất. Và nếu như cuộc sống của loài người chúng ta sẽ kết thúc đơn giản bằng cái chết như thế, thì quả thực sự sống này quả là phi lý, quá bất công, và vô nghĩa. Vì ở đời, mỗi người có một lẽ sống, mỗi người một cách sống, cho dù là tốt hay xấu, nhưng không ai lại muốn sống để rồi cuối cùng phải đi vào cõi tiêu diệt, cõi hư vô.
Chúa Giêsu Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay đã giải toả sự phi lý ấy khi công bố ý nghĩa của sự chết: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt.” (Ga 12, 24)
Niềm tin Kitô Giáo của chúng ta xác tín rằng: sự sống này chỉ thay đổi chứ không mất đi, vì lẽ chết không phải là hết, không phải là dấu chấm tận, như trong thư thứ I thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Corintô đã nói rõ: “không phải tất cả chúng ta sẽ phải chết, nhưng tất cả chúng ta đều được biến đổi” (1Cor 15, 51). Bởi vì Đức Kitô đã chiến thắng tử thần, Thập Giá Đức Kitô đã trở thành một nhịp cầu nối liền hố vực thẳm của sự chết, để dẫn vào sự sống mới, sự sống vĩnh cửu, ngõ hầu ai tin vào Ngài thì không phải chết, nhưng được sống đời đời.
Như thế có thể nói, đời sống của mỗi người chúng ta là một cuộc hành trình, là một chuyến đi, và cùng đích của cuộc hành trình ấy là đời sống vô tận nơi Thiên Chúa, Đấng muôn người phải khao khát và kiếm tìm. Chúng ta sống là để mong chờ ngày trở về với Thiên Chúa, trở về với người Cha nhân hậu của mình. Vì vậy, khi chúng ta sống với niềm xác tín đó, chẳng những chúng ta không lo ngại, không e sợ cái chết, mà còn mơ ước, mong chờ và tích cực chuẩn bị cho ngày sum họp tràn đầy hạnh phúc đó.
Hạnh phúc ấy sẽ không chỉ diễn ra sau khi chết, nhưng đã được khai mở từ ngày chào đời của mỗi người chúng ta, và từng ngày trong cuộc sống được ví tựa như những nấc thang giúp chúng ta chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng hơn cho cuộc sống vĩnh hằng, cuộc sống không bao giờ tàn lụi bên Thiên Chúa.
Tuy nhiên trên con đường ấy, lắm lúc đường xa sức yếu, gối mỏi chân chùn, nhưng nếu chúng ta vững niềm hy vọng cậy trông, chúng ta vẫn có thể đi tới đích, vì Thiên Chúa luôn ở cùng và đồng hành với chúng ta. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta có nhận ra và biết tích cực cộng tác với ơn Chúa, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thời đại để chuẩn bị thật tốt, thật chu đáo cho cuộc gặp gỡ thần linh này hay không.
“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt”, Chúng ta có thể ví Cha cố Philipphê Lê Phước Minh của chúng ta như hạt lúa mì đã rơi vào lòng đất, đã chết đi và đã sinh nhiều bông hạt cho đời sống đức tin của chúng ta. Với câu khẩu hiệu của đời Linh mục “xin vâng và phó thác”, Cha đã cố gắng hết mình để sống hoàn toàn triệt để vì Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Và chúng ta có thể nói cách mạnh mẽ hơn rằng: cuộc đời của ngài là cuộc đời sống trọn tâm niệm: Fiat – Voluntas tua – Xin vâng theo ý Cha mọi đàng. Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, ngài vẫn luôn sống trung thành với ước nguyện, trọn đời xin vâng và phó thác theo ý Chúa, yêu mến và trung thành với Giáo hội đến hơi thở cuối cùng. Ngài đã trở nên tấm gương sáng ngời về một người Cha, một người Bạn của mọi người và cách riêng cho những người con được thụ hướng với ngài.
Vì vậy, với tâm tình biết ơn:
“Uống nước nhớ nguồn
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
Sáng nay, gia đình Chủng Viện chúng ta cử hành Thánh Lễ Giỗ mãn tang cầu nguyện cho cha Philipphê, tưởng nhớ đến cha, tri ơn cha. Chúng ta tha thiết nguyện xin Thiên Chúa, nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô và qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, ban cho cha Philipphê được hưởng nguồn ơn cứu độ muôn đời; đồng thời chúng ta cũng nguyện xin cha cố Philipphê giờ đây bên tòa Chúa cũng chuyển cầu cho mỗi người chúng ta, ngõ hầu mỗi người chúng ta cũng trở nên “hạt lúa mì, được gieo vào lòng đất, được thối nát đi, ngõ hầu trổ sinh muôn vàn bông hạt, trở nên tất cả cho và vì tình yêu Đức Kitô”.
Lạy Chúa, xin cho linh hồn cha cố Philipphê được hưởng tôn nhan Chúa muôn đời. Amen.
Linh mục. Giuse Nguyễn Sơn Lâm
ĐCV thánh Giuse Xuân Lộc