THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA
Lm. Phaolô Trần Minh Khánh
ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc
Toàn bộ Kinh Thánh cho ta thấy lòng thương xót và tha thứ vô bờ bến của Thiên Chúa với dân Israel và nhân loại. Một cách đặc biệt, lòng thương xót và tha thứ này tỏ lộ hữu hình nơi con người và giáo huấn của Chúa Giêsu. Ngay từ đầu sứ vụ rao giảng Tin mừng Chúa đã đến với những người thu thuế và tội lỗi. Khi Chúa đến nhà người thu thuế Matthêu và ngồi chung bàn ăn với những người bạn của ông, những người Pharisêu trách móc Người (x. Mt 9,9-13). Chúa nói rõ quan điểm: “Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi” (c.13). Người tội lỗi và những kẻ biết mình lỗi tội lúc nào cũng ở trong trái tim Thiên Chúa, và luôn luôn có cơ hội đón nhận ơn tha thứ. Một trường hợp cụ thể khác vẽ lên bức họa của lòng xót thương là cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (x. Ga 8,2-11). Chúa cứu chị khỏi sự kết án khắc nghiệt của dân chúng. Lời cuối cùng của câu chuyện ghi lại lời nhắn nhủ tuyệt đẹp của Chúa với chị: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (c.11)
Trong bài tin mừng nay (x. Mt 18,21-35), một lần nữa Chúa Giêsu cho ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa lớn đến mức nào. Sau câu hỏi của Phêrô: “Phải tha thứ đến mấy lần?”, Chúa cho biết phải tha thứ “đến bảy mươi lần bảy”. Diễn ngữ “bảy mươi lần bảy” sau đó được giải thích trong dụ ngôn ông vua tha thứ cho tên đầy tớ của mình. Chúng ta thử đọc lại câu chuyện này để thấy mức độ tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa như ông vua tha cho người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người ta ước tính mười ngàn nén bạc tương đương với một trăm triệu ngày công – lương một ngày công là một đồng. Vào thời Chúa Giêsu, người La mã chiếm đóng Palestine, và mỗi năm họ thu thuế vùng đất này chỉ được sáu trăm nén bạc, tức tương đương khoảng sáu triệu ngày công. Nếu vua gọi con nợ này đến gặp, thì đó không đơn giản chỉ là chuyện đòi nợ, vì nợ mười ngàn nén bạc tức là nợ không bao giờ trả được. Dù có bán hết tài sản của y, bán vợ con y thì cũng không bao giờ đủ. Ta biết ở câu chuyện này một điều khác. Tên đầy tớ này là một tên quản lý tồi, chẳng những không làm sinh lợi được đồng nào, mà còn làm hao hụt kinh khủng (x. Mt 25,14-30). Thế mà, vừa nghe người này van xin, vua động lòng thương trả tự do ngay, rồi tha cho y. Cái chạnh lòng thương này là cái chạnh lòng thương của Thiên Chúa. Người chạnh lòng thương và tha thứ cho ta dù món nợ của ta lớn kinh khủng!
Dẫu vậy, Chúa Giêsu không dừng lại đây để bàn về việc Thiên Chúa tha thứ cho ta, mà còn nói đến một chuyện khác, đó là ta cũng phải biết tha thứ cho nhau, tha thứ cho anh em mình. Tiếp tục câu chuyện trên là hình ảnh tên đầy tớ vừa được tha nợ mười ngàn nén, gặp người bạn của mình nợ một trăm nén, liền bóp cổ và tống người bạn này vào ngục. Một trăm nén bạc đúng là lớn, và là con số rất lớn, nhưng so với mười ngàn nén bạc chẳng đáng kể gì. Điều đáng nói là tên đầy tớ hành động quá khác với vua. Dù hắn chỉ là đầy tớ, nợ vô cùng lớn, lại được hưởng cái chạnh lòng thương của vua; còn đây là người bạn, bạn chứ không phải đầy tớ, mà hắn không mảy may thương xót và không cho bạn thời hạn; thay vì tha, lại tống ngục ngay. Chúa Giêsu kết luận dụ ngôn: “Tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông” (c.34). Người diễn giải: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (c.35). Sở dĩ người kia không được tha bởi vì hắn không nhận ra ân phúc được tha thứ; hắn không đi vào cái logic của kẻ được tha thứ và thương xót. Kẻ nào không sống theo logic tha thứ của chủ thì kẻ đó không đáng hưởng lòng xót thương.
Như thế, sứ điệp lời Chúa hôm nay đưa ta về với một điều căn bản mà bấy lâu nay ta lãng quên: sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho chúng ta có liên hệ thiết yếu với sự tha thứ của chúng ta cho nhau. Chúng ta ca ngợi lòng thương xót và sự thứ tha của Chúa, nhưng cũng đừng quên rằng ta chỉ xứng đáng nếu ta cũng nên giống Chúa là tha thứ cho nhau. Sách Huấn ca dạy thế này: “Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao?” (Hc 28,2-4). Chúa Giêsu sẽ nói rõ hơn điều này khi dạy ta kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những kẻ có lỗi với chúng con” (Mt 6,12). Trong bài giảng trên núi Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Rõ ràng Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa không nhận tế phẩm của những kẻ gây bất hòa, của những kẻ mà lòng còn thù hằn và khép kín với anh em mình. Thiên Chúa không nhận tế phẩm của những kẻ mong được Người đón nhận mà lòng lại không biết đón nhận anh em. Kẻ cầu xin lòng xót thương, kẻ mong muốn được thứ tha, chính kẻ ấy cũng phải học cách sao có trái tim của Thiên Chúa; kẻ đó phải trở nên môn đệ của Chúa Giêsu là Đấng tha thứ đến cùng!
Chúng ta sẽ phải học cách tha thứ và tha thứ liên lỷ, tha đến “bảy mươi lần bảy”, chỉ vì chúng ta đã được thứ tha. Tha thứ về mọi chuyện: khi bị anh chị em làm thất vọng, bị làm tổn thương. Tha thứ khi bị nguyền rủa, vu khống, khi bị hiểu lầm, bị chơi khăm. Tha thứ vì những lần đắng lòng bởi những lời nói ác ý, những hành động đểu giả. Những lúc khó khăn phải tha thứ, chúng ta đọc lại kinh Lạy Cha; những lúc khó khăn phải tha thứ, chúng ta nhớ rằng chúng ta đã được Chúa thứ tha. Một lần nữa, chúng ta hãy nghe lời khuyên của Thánh Phaolô: “[Anh em] đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô” (Ep 4,31-32).