Suy Nghĩ Về Việc Ăn Chay

Nữ tu MARIE THÉRÈSE MATHIEU
Dòng Đức Maria Phù Hộ
(Bài đăng trong VIE CONSACRÉE, 1986, số 2, trang 113 – 122, NGUYỄN VĂN NỘI dịch)

Ý tưởng khiến tôi viết bài này xuất phát từ một kinh nghiệm trong Mùa Chay. Sau một buổi trao đổi về việc ăn chay, nhiều sinh viên của Học viện Tôn giáo[1] đã thử thực hiện việc đó, một cách nghiêm túc hơn và sau đó, chúng tôi đã chia sẻ với nhau những suy nghĩ của mình. Vì thế, những trang viết này có mục đích nói lên những gì chúng tôi đã khám phá hoặc đã mường tượng được, xuyên qua kinh nghiệm khiêm tốn của mình.

Chúng tôi không hề có tham vọng biến việc ăn chay thành một liều thuốc trị bá chứng, mà mọi người phải sử dụng. Ăn chay là một lời mời gọi của Chúa Thánh Thần, là một hồng ân của Thiên Chúa, chứ không phải là một hành động thể thao. Hiển nhiên là trong bất kỳ đời sống Kitô hữu nào cũng cần phải có chút khổ hạnh, nhưng mỗi người phải nhận thức được những biện pháp thích hợp nhất cho cuộc sống riêng của mình. Điều quan trọng là tinh thần bên trong tác trọng trên những chọn lựa của chúng ta, và sự khiêm tốn cũng như tinh thần siêu thoát đi kèm theo những chọn lựa ấy. Thomas Merton đã có một nhận xét hoàn toàn thích đáng đối với vấn đề này như sau: “Dùng một bữa ăn đầy đủ với tâm tình biết ơn sẽ thành thực và đạo đức hơn là hy sinh cách bủn xỉn một phần bữa ăn đó mà đã cho mình là một vị thánh tử đạo rồi”[2]

Chúng tôi chỉ mong ước soi sáng một sắc thái của đời sống Kitô hữu, sắc thái đã bị rơi vào quên lãng và dần trở thành một việc đáng nghi ngại. Cũng nhờ đó mà chúng tôi ý thức hơn về những xác tín của mình trong vấn đề này.

THẾ NÀO LÀ ĂN CHAY?

Từ “ăn chay” có nhiều nghĩa. Nếu tra tự điển, phần lớn sách tự điển cho ta hai định nghĩa sau đây:

Nhịn ăn, cữ không dùng bất kỳ một thứ đồ ăn nào;
Ăn chút ít hoặc ăn mà cữ một số đồ ăn.
Chúng tôi chọn nghĩa thứ nhất và mượn định nghĩa này: “Ăn chay là tự nguyện không dùng một đồ ăn nào – trừ nước – trong một khoảng thời gian nhất định”.[3]

Vậy thì không chỉ đơn thuần là ăn ít đi, hay ăn giới hạn, nhưng là không sử dụng một đồ ăn nào hết, kể cả đồ ăn cứng lẫn đồ ăn lỏng, trong một khoảng thời gian.

Nhiều người trong chúng ta đã từng thực hiện một cách đều đặn hằng tuần việc ăn chay 24 tiếng đồng hồ. Đó vừa là một mức độ khiêm tốn khi ta nghĩ tới những cuộc ăn chay lâu ngày của một vài nhân vật – như Gandhi hoặc như Lanza del Vasto hay như một số compagnons de l’Arche[4] – nhưng đồng thời lại là một thực hành rất có ý nghĩa, vì đó là một việc ăn chay thực sự, nằm trong tầm tay của nhiều người.

THÁNH KINH NÓI GÌ VỚI CHÚNG TA?

            Trong Cựu Ước, việc ăn chay không có một tầm quan trọng đặc biệt, ít ra là về phương diện “thường xuyên” (fréquence). Lề luật Israel chỉ dự phòng việc ăn chay có tính bắt buộc đối với Lễ đền tội “Yom Kippour” (Lv 16, 29). Nhưng thường thì chúng ta thấy người Israel liên kết việc ăn chay với việc cầu nguyện, như dấu hiệu của tang chế hoặc để nài xin lòng nhân hậu của Thiên Chúa, nghĩa là luôn luôn trong tinh thần sám hối.

Điều đó chẳng làm chúng ta ngạc nhiên, nếu chúng ta nhớ rằng, khác hẳn với não trạng hiện đại của chúng ta ngày nay, tư tưởng Hibri coi con người là một hữu thể thống nhất, là một toàn bộ: vì thế không thể có một biểu lộ tâm linh nào mà lại không nhập vào hành vi xác thể cả.

Mặt khác, chúng ta biết rằng người Israel cũng không thoát khỏi nguy cơ “hình thức chủ nghĩa”; vì thế mới có các lời phản kháng của các sứ ngôn: “Các ông ăn chay, nhưng vẫn gây gỗ, cãi cọ và đánh đập tàn ác” (Is 58, 4). Nhưng trái với cách chú giải đang rất thịnh hành, đối với tác giả Thánh Kinh, điều đó không hề có ý nghĩa phải dẹp bỏ khía cạnh thể xác của việc ăn chay. Đúng hơn là muốn cho việc ăn chay có đầy đủ ý nghĩa đích thực, khi người ta ăn chay trong một tinh thần khiêm tốn và với thái độ huynh đệ.

Trong Tân Ước, việc ăn chay chỉ được đề cập đến trong một vài đoạn văn, nhưng với một cách có tính quyết định. Trước tiên là đoạn nhắc đến việc Đức Giêsu “được Thánh Thần đưa vào sa mạc”, mở đầu sứ vụ công khai của Ngài bằng một cuộc ăn chay lâu ngày (Mt 4, 1 – 2). Chúng ta còn thấy việc ăn chay được nhắc đến trong chương 6 Tin mừng Matthêu: Đức Giêsu nối kết việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay như trong truyền thống: “Khi các anh ăn chay,…” (Mt 6, 16). Dĩ nhiên là người ta cũng chú ý đến việc Thánh Matthêu đã nói “NẾU các anh ăn chay…”. Hơn nữa, Đức Giêsu đã căn dặn người ta hãy hướng thẳng về Thiên Chúa khi ăn chay: “Đừng tỏ ra cho người ta biết rằng anh em ăn chay, nhưng chỉ bộc lộ việc làm đó với một mình Cha các anh mà thôi…” (Mt 6, 18).

Một soi sáng khác về việc ăn chay mà ta có được, đó chính là nhờ câu hỏi mà người ta đặt ra với Đức Giêsu: “Tại sao các môn đệ của Ngài lại không ăn chay?” (Mt 9, 14). Trước hết là thái độ công kích của những người ăn chay cho chúng ta chất liệu để chúng ta suy nghĩ… Tiếp theo là câu trả lời của Đức Giêsu: “Sẽ đến ngày vị Hôn Phu bị cất đi khỏi họ, và bấy giờ họ sẽ ăn chay”. Câu trả lời trên chất chứa một tượng trưng phong phú mà chúng ta thường không quan tâm đến, đặc biệt chung quanh bữa ăn và bàn tiệc. Khi mà Đức Giêsu – nguồn hoan lạc của chúng ta – không còn ở giữa chúng ta nữa, thì khi đó, ăn chay sẽ mang một ý nghĩa mong đợi Cánh chung, gắn liền với câu chuyện kiên định của Kitô hữu: “Maranatha… lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22, 20). Thật ra thì cầu nguyện và ăn chay thường gắn bó với nhau. Thánh Matthêu đã đặt vào miệng Đức Giêsu những lời này: “Loại ma quỷ ấy, chỉ có thể đuổi được, bằng cầu nguyện và ăn chay” (Mt 17, 22). Sách Tông đồ Công vụ cũng nhắc đến việc ăn chay và cầu nguyện: “Sau khi đã ăn chay và cầy nguyện…” (Cv 13, 2 – 3), “Các lời cầu nguyện có kèm theo việc ăn chay…” (Cv 14, 23).

Một điều khác cũng mang tính mạc khải, đó chính là ngôn ngữ thánh Phaolô, chung quanh vấn đề làm chủ thân xác. Thật ra thì thánh Phaolô không hề nhắc đến việc ăn chay, nhưng Ngài nhấn mạnh rất nhiều đến việc thân xác tham dự vào tất cả các cuộc mạo hiểm tâm linh. “Tôi đã biết đến cảnh dư dật cũng như cảnh nghè đói” (Pl 4, 12). “Mọi lực sĩ đều biết mình phải tuân thủ một chế độ khổ chế nghiêm ngặt … Tôi đã đối xử nghiêm khắc với thân xác tôi…” (1Cr 9, 15.27). Đọc thánh Phaolô người ta sẽ thấy rằng khổ hạnh là một yếu tố cấu thành tự nhiên của đời sống Kitô hữu. Vì thế không cần phải ra lệnh thực hiện việc ăn chay. Trong việc này cũng như trong nhiều việc khác, vấn đề là lời mời gọi tự do của người Kitô hữu. Đó là điều không bao giờ chúng ta có thể quên. “Hỡi anh em, chính anh em đã được kêu mời đạt tới tự do” (Gl 5, 13). Dĩ nhiên phải hiểu là sự tự-do do Chúa Thánh Thần thực hiện.

TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI

Việc ăn chay cũng như nhiều cách sám hối về thể xác, đã phát triển một cách rất đáng kể. Nhưng ngày hôm nay chúng ta lại chỉ thích lưu ý đến những nét hết sức dễ thấy là những quá đáng, mà không tìm hiểu xem đâu là cơ sở của sự việc. Dù sao đi nữa, thì cũng không ai có thể chối cãi được rằng: những con người cầu nguyện nhiều nhất – dù họ thuộc bất cứ trường phái nào đều là những người dành một chỗ quan trọng cho việc khổ chế, dưới hình thức này hay hình thức khác, và đặc biệt là cho việc ăn chay.

Chúng ta thường bị “dội” trước lòng hăng say của cha ông chúng ta trong việc thực hiện nhiều cách “hãm mình” khác nhau. Hẳn nhiên là có nhiều lý do: đặc biệt ngôn ngữ và bối cảnh không cho phép chúng ta nắm bắt được tinh thần thúc đẩy các việc hãm mình đó, cũng như ý nghĩa của tội lỗi và ý niệm của những cứu cánh cuối cùng là những yếu tố đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này. Điều đó có thể khiến chúng ta ngạc nhiên ngày nay, thì thực ra đã có một sự nhịp nhàng gắn bó mà chúng ta không nắm bắt được.

Dần dần, Giáo hội đã thay đổi những luật lệ trong việc ăn chay và đã thay đổi đến mức chẳng còn lại là bao nhiêu nữa. Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh là hai ngày duy nhất phải ăn chay theo luật buộc. Điều đó khiến cho vấn đề không còn được đặt ra dưới từ “bắt buộc” nữa. Đối với một số người, có lẽ đó là điều bất tiện, nhưng trái lại, tự do dành cho người Kitô hữu cho phép họ chọn lựa một cách tự do hơn và có cơ sở hơn. Đó chính là điều được bộc lộ qua một khám phá mà chúng tôi là những người đầu tiên được thừa hưởng.

KHÍA CẠNH TÂM SINH LÝ VÀ TÂM LINH CỦA VIỆC ĂN CHAY

   (Vì cho rằng những điều tác giả trình bày về khía cạnh sinh lý và tâm lý của việc ăn chay không cần thiết, nên chúng tôi đã bỏ qua, mà chỉ dịch phần tiếp theo là khía cạnh tâm linh).

Khía cạnh tâm linh của việc ăn chay     

Để đi vào địa hạt ăn chay, cần phải có một xác tín tiên quyết như sau: xác tín rẳng tôi là một tạo vật thống nhất, tôi là toàn thể thân xác, tinh thần, trí thông minh, cảm quan, rằng tất cả những khía cạnh khác nhau đó của con người tôi liên kết chặt chẽ với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Có một cuộc đồng thâm nhập trong tất cả các khía cạnh đó; vì thế, nếu tôi muốn đem vào cuộc sống của tôi một mức độ khổ hạnh nhất định thì tôi không thể tự mãn với “tinh thần” sám hối là đủ. Tôi cần phải khám phá khía cạnh thể xác của việc sám hối nữa. Ăn chay có thể là một hình thức, và dĩ nhiên là còn nhiều hình thức khác.

Như chúng ta vẫn hiểu, trong đời sống Kitô hữu, ăn chay không phải là một kỳ tích thể thao, cũng không phải là một nhu cầu tìm khoái lạc trong đau khổ; ăn chay là một lời mời gọi của Thánh Thần, một linh hứng chỉ có thể xuất hiện trong khung cảnh của một đời sống cầu nguyện. Những hồ hởi lớn lao, những ước muốn quảng đại mà đôi khi chúng ta cảm thấy trong cầu nguyện, sẽ nhập vào đời sống chúng ta một cách cụ thể, sẽ ghi khắc vào thân xác chúng ta khiến chúng ta ước muốn có một tình yêu lớn hơn, có một niềm tin chân thực hơn. Và một cách hỗ tương, “ăn chay” nuôi dưỡng lời cầu nguyện của chúng ta. Đó là nhận định của thánh Bernard: “Lời cầu nguyện đạt được sức mạnh để ăn chay và ăn chay đạt được ân sủng để cầu nguyện”.

Thực ra ăn chay là một lời cầu nguyện: ăn chay là một cách nói lên rằng: đối với tôi, Thiên Chúa rất là quan trọng, quan trọng đến mức khiến tôi có thể coi thường một điều mà tôi cho là rất quan trọng, đó là lương thực. “Tình yêu của Chúa giá trị hơn cuộc sống của tôi” (Tv 63, 4). Với Chúa, vì Chúa, tôi có thể sống thiếu một số tiện nghi, mặc dầu tôi cảm thấy điều đó có gây khó chịu cho tôi chăng nữa, nhưng tiện nghi ấy chẳng là gì trong bối cảnh của mối quan hệ ưu tiên tôi dành cho Thiên Chúa. Một người phụ nữ đáng yêu, một người cha gia đình đôi khi lại chẳng tự buộc mình phải từ bỏ những điều lớn lao ư? Những động lực thúc đẩy tâm hồn họ làm cho họ quên nỗi đắng cay kia đi. Đối với những người yêu say mê Thiên Chúa cũng vậy!

Việc ăn chay cũng diễn tả tôi ý thức thế nào về sự yếu đuối, về sự hèn nhát của tôi: tôi đã từng thường xuyên cảm nghiệm rằng, trong cuộc sống tôi có thể chối từ điều có một giá trị quan trọng để chỉ tìm kiếm lạc thú cho riêng mình. Trong tôi có một con mãnh thú sẵn sàng chồm dậy… Bằng cách ăn chay, tôi tập làm chủ nhiều hơn trên những mối kích động thuộc bản năng, tôi tập khống chế con mãnh thú kia. Tôi hy vọng rằng nhờ đó, tôi được trang bị tốt hơn cho cuộc chiến tâm linh. Trong chúng ta có những chỗ “bế tắc”, “đóng kín”, có tất cả những gì người ta có thể gọi bằng cái tên: “tội lỗi”; ăn chay giúp mở những cánh cửa, giúp chúng ta nhạy bén hơn đối với việc tiếp nhận hồng ân của Thiên Chúa, tiếp nhận sức mạnh và ánh sáng của Người. Trên những nẻo đường sám hối, ăn chay là một trợ lực hữu hiệu.

Một điều chắc chắn nữa là việc ăn chay đã cho thấy sức can thiệp mạnh mẽ và nhiều người nói là có kinh nghiệm. Dường như việc ăn chay khiến cho lời cầu nguyện cho kẻ khác có được một sức mạnh hết sức đặc biệt. Khi đó, chúng ta xin Thiên Chúa làm cho Nước Người trị đến, xin Chúa thông ban Thánh Thần của Ngài… không còn là chỉ với những lời nghèo nàn, nhưng là với tất cả con người chúng ta, vì thân xác chúng ta đã là một tiếng kêu lên cùng Chúa rồi.

Người ta cũng có thể coi việc ăn chay như là một cố gắng đi sâu hơn vào tinh thần của các phúc thật. “Phúc cho những kẻ đói khát” (Lc 6, 22). Thử hỏi chúng ta có thể thực sự nói lên câu nói đó với một chút xác tín bao lâu mà chúng ta không cảm thấy – một cách hết sức khiêm tốn – mình đang bị đói ở trong dạ dày mình không? Tinh thần của Phúc âm là: “Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa…” (Mt 6, 33). Kinh nghiệm về ăn chay, dù có giới hạn chăng nữa, cũng làm cho chúng ta liên đới hơn với những người thực sự đang đói. “Phải có kinh nghiệm đã, mới biết cái đó là cái gì” là một trong những câu khẩu hiệu rất thời thượng của chúng ta, trong nhiều lãnh vực khác nhau. Thế nhưng rõ ràng chả là cái gì khi đói trong một ngày, nhưng đối với những người sống dư dật, béo mập như chúng ta, thì đó cũng là một hé mở. Nó làm sống động trong chúng ta cái ước muốn sống giản dị hơn, từ bỏ hơn và như thế là phản kháng lại xã hội tiêu thụ muốn làm cho chúng ta tin rằng hạnh phúc là càng ngày càng có nhiều hơn nữa. Chúng ta có thể cảm thấy rõ hơn việc chúng ta đã trở thành nô lệ của những nhu cầu phù phiếm. Thế nhưng “chúng ta đã được mời gọi để sống tự do” (Ga 5, 13). Thực ra, thì Phúc âm nói với chúng ta: “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh” (Mt 4, 4).

Sau hết, chúng ta hãy lưu ý điều này: ăn chay dường như giúp khả năng phán đoán của chúng ta trở nên tinh tế hơn, bằng cách giúp chúng ta sắc bén hơn, trong sáng hơn trước việc phải quyết định chon lựa. Ăn chay giúp chúng ta ý thức hơn về những chọn lựa của chúng ta, kể cả trong cảnh sống thường ngày. Điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì ăn chay đặt chúng ta vào khung cảnh của ơn gọi thánh tẩy của chúng ta nhiều hơn, ăn chay giúp chúng ta sẵn sàng hơn trong việc tìm kiếm Thiên Chúa và vì thế soi sáng cho chúng ta trên những chặng đường Đức tin. Như một nữ tu trong chị em chúng tôi đã ghi nhận, không hẳn là trong chính lúc ăn chay, mà thường là những ngày sau, người ta mới cảm nhận kết quả tốt đẹp của ăn chay. “Những trực cảm chính đáng mà chúng ta lợi dụng được nhờ ăn chay mở ra một con đường đi vào chốn sâu thẳm của Thiên Chúa” (P. Regamey).

Nhưng dĩ nhiên là giá trị của ăn chay tùy thuộc vào tinh thần thúc đẩy việc ăn chay đó. Có thể có giả dối, có sai lạc trong ăn chay. Như chúng tôi đã nói, ăn chay không phải là một kỳ tích, chúng ta phải luôn kiểm tra xem có phải chúng ta thực hiện việc ăn chay chỉ dưới tác động của Thiên Chúa không? Truyền thống thiêng liêng của Giáo Hội cống hiến cho chúng ta nhiều tiêu chuẩn để phân biệt. Tiêu chuẩn đầu tiên là tính chất “kín đáo”, nghĩa là vừa quân bình, vừa khiêm tốn. Vì thế ăn chay không hề quấy rầy chúng ta trong khi chúng ta chu toàn bổn phận của mình. Ăn chay sẽ được thực hiện một cách kín đáo, không tham lam, không căng thẳng, không thê thảm hóa, nhưng trái lại là một sự tự do lớn của tâm hồn. Ăn chay thường đi đôi với cầu nguyện và đồng thời cũng đi đôi với sự quan tâm đến người khác, nghĩa là ăn chay hướng chúng ta về Thiên Chúa nhiều hơn và cùng lúc giúp chúng ta mở ngỏ với tha nhân nhiều hơn.

Thật ra, phẩm chất của việc ăn chay và sự gắn bó của nó với lời mời gọi chân thực của Chúa Thánh Thần sẽ được kiểm chứng bằng cách diễn dịch hóa trong các địa hạt khác của cuộc sống. Thay vì là một “món đặc sản”, ăn chay trở thành một thái độ đánh dấu toàn bộ đời sống người Kitô hữu. Cuối cùng, chính việc ăn chay một cách điều hòa sẽ in một dấu ấn vào cách sống Đức tin của chúng ta. Điều đáng buồn là thường thường, đời sống chúng ta rơi vào cảnh nhàm chán của thói quen, đe dọa tính chân thực và lòng nhiệt thành tìm kiếm Thiên Chúa. Ăn chay thực hiện một “thay đổi tốc độ” trong tiến trình đều đặn của cuộc sống thường nhật của chúng ta; ăn chay “quất một roi” rất hữu ích vào bộ máy cơ thể của chúng ta. Ăn chay làm cho đời sống có nét sám hối hơn, khắc khổ hơn và chiêm niệm hơn. Và dĩ nhiên điều đó hết sức quan trọng trong đời sống tông đồ tích cực của chúng ta; hẳn nhiên chúng ta không thiếu nhịp sám hối và lao động là một khổ hạnh thực sự. Nhưng những lo lắng về truyền giáo thường có nguy cơ làm nghẹt tư tưởng của Người đã gợi lên những lo lắng ấy. Việc ăn chay bộc lộ rõ ràng tính ưu việt của Thiên Chúa trong cuộc sống: “Tôi đã nói cùng Giavê: chính Chúa là Chúa của tôi” (Tv 140, 7).

Sau khi đã suy nghĩ như thế, chúng tôi cho rằng đúng là một hồng ân lớn lao khi chúng ta khám phá lại giá trị của ăn chay, khi chúng ta cùng nhau cảm nghiệm được điều đó và khi chúng ta chia sẻ với nhau những kinh nghiệm của mình. Điều đó không thể biến chúng ta thành những “siêu Kitô hữu”, trái lại điều đó đã khơi dậy trong chúng ta một ý nghĩa nhất định về Thiên Chúa, về cuộc sống ơn thanh tẩy như là “chết và sống lại trong Đức Giêsu Kitô” mà chúng ta đang muốn đào sâu. Chúng tôi hy vọng rằng những người khác cũng có thể khám phá ra điều đó vào thời điểm của ơn thánh.

[1] Đó là Institute of Religious Formation được thành lập năm 1971, do Linh mục John Futrell, thuộc Đại học Thánh Lui (Bang Missouri, Hoa Kỳ).

[2] THOMAS MERTON, Contemplative Prayer, coll Image Books, New York, Doubleday, 1971, trang 74.

[3] L. MAREHALL, Quelques réflxions sur le zeune, bản văn được nhóm compagnons la l’Arche phát hành, Montpellier, Imp. de la Charité.

[4] Compagnons là một tổ chức tư nhân gồm những Kitô hữu tình nguyện dâng hiến cuộc đời mình cho việc chăm lo các trẻ em và người lớn khuyết tật (handicapéo mentaux), do Jean Vanier khởi xướng và điều hành.

Comments are closed.