Sứ Mạng Của Thánh Giuse Trong Cuộc Đời Chúa Kitô Và Hội Thánh

***

MỤC 2: TIN MỪNG THÁNH LUCA

Không thiếu người đã ví Tin Mừng Matthew và Tin Mừng Luca như là “Tin Mừng về Thánh Giuse” và “Tin Mừng về Đức Maria”. Sự đối chiếu ấy dựa trên nhiều chi tiết, đặc biệt khi so sánh hai cảnh truyền tin của thiên sứ nói ở chương đầu tiên. Tuy nhiên, chưa chắc đó là dụng ý của hai thánh sử. Như đã thấy trong Mục 1 vừa rồi, có lẽ Thánh Matthew muốn trình bày Đức Giêsu như là con cháu David, con cháu Abraham, Emmanuel; còn ông Giuse chỉ là một chứng nhân cho chân lý ấy. Còn dụng ý của hai chương đầu Tin Mừng Luca là gì? Một vài nhà chú giải cho rằng, trọng tâm nằm ở chỗ đối chiếu hai nhân vật: Gioan tiền hô và Đức Giêsu, qua cảnh truyền tin (1,5-25 // 26-38) và sinh hạ (1,57-66 // 2,1-21), và liên kết với nhau qua cảnh Đức Maria đi thăm viếng bà Elisabeth (1,39-56). Dù nói thế nào đi nữa, chắc là Luca không hề muốn so sánh Đức Maria với Thánh Giuse. Ở đây, chúng tôi chỉ giới hạn vào việc nghiên cứu vai trò của Thánh Giuse mà thôi.[14]

I. NHẬN XÉT TỔNG QUÁT

Trong Tin Mừng Luca, Thánh Giuse không được nổi bật như trong Tin Mừng Matthew.

A. Về văn bản

Sau đây là những đoạn văn có liên quan đến ông Giuse:

– Ở 1,27, trong cảnh truyền tin, Đức Maria được giới thiệu như là “một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse”.

– Ở chương Hai, Thánh Giuse thường xuất hiện bên cạnh Đức Maria, và đôi khi được gọi chung ở số nhiều là: “họ”, “hai ông bà”.

– Sang chương Ba, khi bước vào cuộc đời công khai của Đức Giêsu, ông Giuse được nhắc đến trong bản gia phả: “Đức Giêsu được coi là con ông Giuse, [ông Giuse là] con ông Hêli, [ông Hêli là] con ông Matthat,.v.v…” (Lc 3,23).

– Tại hội đường Nazareth, sau khi nghe bài giảng ra mắt, người ta bàn tán với nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4,22).

B. Những điểm tương đồng

Hai thánh sử đồng nhất ở vài điểm căn bản liên quan đến đạo lý về việc cưu mang do quyền năng Thánh Thần:

– Ông Giuse thuộc dòng tộc David

– Ông Giuse đã đính hôn với bà Maria

– Bà Maria có thai trước khi hai người sống chung với nhau

– Tên của Hài Nhi do thiên sứ chỉ định: Giêsu, Cứu thế (Mt 1,21 = Lc 2,11), Con Thiên Chúa(Mt 2,15 = Lc 1,35)

– Đức Giêsu sinh tại Bethlehem, dưới thời vua Herode (Mt 2,1 = Lc 1,5)

– Đức Giêsu trải qua thời thơ ấu ở Nazareth

C. Những điểm khác biệt

Có nhiều điểm khác biệt giữa hai thánh sử, đôi khi có thể xem như bổ túc cho nhau, nhưng đôi khi xem ra tương phản nhau.

1/. Luca cung cấp vài dữ kiện bổ túc cho Matthew, chẳng hạn như cuộc giáng sinh của Đức Giêsu tại Bethlehem và các mục đồng đến thờ lạy, việc cắt bì, dâng con trong đền thờ, và việc Hài nhi thất lạc trong đền thờ.

2/. Tuy nhiên, có vài chi tiết xem ra trái ngược với Matthew và đã gây ra nhiều tranh luận, chẳng hạn như:

– Nguyên quán và sinh quán của Đức Giêsu

Theo Matthew, xem ra nguyên quán và sinh quán của Đức Giêsu là Bethlehem, nơi mà ông Giuse đã có nhà ở (Mt 2,11); và thánh gia chỉ đến định cư ở Nazareth sau khi được thiên sứ chỉ định khi từ Ai Cập trở về. Theo Luca, nguyên quán của Thánh Giuse và Đức Maria là Nazareth; hai ông bà về Bethlehem để kiểm tra dân số, và không tìm được chỗ trọ. Bà Maria sinh Đức Giêsu tại Bethlehem, và không rõ thánh gia trở về Nazareth lúc nào. Đàng khác, Luca không đả động đến việc lánh nạn bên Ai Cập.

– Liên lạc với đền thờ

Theo Luca, 40 ngày sau khi sinh con, Thánh Giuse và Đức Mẹ đem Đức Giêsu lên đền thờ để tiến dâng cho Thiên Chúa. Điều này không được Matthew nói tới. Trái lại, dân cư ở Jerusalem xôn xao khi thấy các nhà chiêm tinh đến hỏi thăm tin tức về Vua Do Thái vừa mới ra đời, gây ra cảnh tàn sát các hài nhi ở Bethlehem, buộc lòng thánh gia phải lánh nạn. Luca nói đến việc Đức Giêsu khi lên 12 tuổi thì đi theo cha mẹ từ Nazareth lên đền thờ. Phải chăng như vậy, thời gian lánh nạn ở Ai Cập không quá lâu dài?

Dĩ nhiên, các nhà chú giải Kinh Thánh đã đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích những sự khác biệt giữa hai thánh sử. Có lẽ hai vị đã thu thập dữ liệu từ hai nguồn độc lập (Matthew từ phía ông Giuse, và Luca từ phía Đức Maria). Họ đã không tìm cách trao đổi để kiểm chứng. Cả hai bản văn đã được nhận vào quy điển Sách Thánh. Chúng ta cần chấp nhận tất cả hai bản văn và tìm cách dung hợp các sự khác biệt trong tầm mức có thể.

II. VĂN BẢN

Chúng ta sẽ bắt đầu khảo sát bản gia phả ở chương Ba, rồi sau đó trở lại thứ tự các biến cố nói ở chương Một và chương Hai: truyền tin cho Đức Maria, giáng sinh tại Bethlehem, cắt bì, dâng con trong đền thờ, lạc con trong đền thờ.

A. Gia phả

Giữa hai bản gia phả theo Matthew và theo Luca, có nhiều sự khác biệt không nhỏ và chắc hẳn không ngoài ý muốn của tác giả.

1/. Bối cảnh

– Tin Mừng Matthew mở đầu bằng gia phả của Đức Giêsu, “con cháu vua David”, “con cháu tổ phụ Abraham” (1,1). Như đã thấy, xem ra điểm nhấn là Đức Giêsu là con cháu vua David, là Đấng Messia được hứa cho các tổ phụ. Thứ tự đi từ trên xuống dưới, từ Abraham đến ông Giuse.

– Ở Tin Mừng Luca, bản gia phả được thuật lại ở chương Ba, vào lúc Đức Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ, sau khi lãnh phép rửa tại sông Jordan: “Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ tưởng người là con ông Giuse, con ông Hêli, con ông Matthat,.v.v…” theo thứ tự từ dưới lên trên, mãi đến tận ông Adam.

2/. Chiều dài

Đừng kể thứ tự từ trên xuống (Mt: ông A sinh ông B), hoặc từ dưới lên (Lc: ông A con ông B), điều khác biệt quan trọng là ông Luca lên mãi tới nguyên tổ nhân loại là ông Adam, “con của Thiên Chúa” (3,38). Như vậy, tầm nhìn của Luca rộng lớn hơn, khi cho thấy Đức Giêsu thuộc về dòng dõi của tất cả loài người, chứ không riêng một dân tộc nào. Điều này không những nằm trong thần học về ơn cứu độ phổ quát, nhưng còn được nêu bật trong bối cảnh mà gia phả được xen vào, nghĩa là tại sông Jordan. Một đàng ông Gioan Tiền Hô cảnh cáo đồng bào rằng: “Các anh đừng vội nghĩ bụng rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Abraham”, vì tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham” (3,8). Cách đó không xa, khi Đức Giêsu chịu phép rửa thì có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (3,22). Chân tướng của Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” (Lc 1,35), và điều này quan trọng hơn biệt hiệu “con cháu vua David” hay “con cháu tổ phụ Abraham” nơi ông Matthew.

– Thánh Luca viết tác phẩm dành cho dân ngoại, vì thế ông không bận tâm đến việc móc nối với những lời hứa dành cho vua David và dân tộc Israel.[15] Tuy nhiên, thánh sử tôn trọng sự thật về Đức Giêsu thuộc dòng dõi vua David. Khi truyền tin cho Đức Maria, thiên sứ nói:“Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng của David, tổ tiên Người” (1,33). Thiên sứ báo tin cho các mục đồng rằng: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua David” (2,11). Cũng vì lý do đó mà ông Giuse cùng với bà Maria phải rời Nazareth về Bethlehem để khai tên tuổi (2,4). Bằng cách nào Đức Giêsu thuộc về dòng dõi vua David? Chắc chắn là không phải do họ mẹ (Đức Maria) như sách “Tiền Phúc Âm Thánh Jacobe”nghĩ, nhưng là do ông Giuse. Ông Giuse là con cháu vua David (3,23.31) và truyền lại dòng họ này cho Đức Giêsu. Bằng cách nào? Câu trả lời cũng tương tự như ông Matthew, đó là ông Giuse là chồng của bà Maria, kẻ cưu mang Đức Giêsu do quyền năng của Chúa Thánh Thần.

– Bản gia phả của Matthew được chia làm ba nhóm, mỗi nhóm 14 đời. Bản gia phả của Luca thì liệt kê 77 hàng tổ tiên lên tới Thiên Chúa. Hẳn là số 77 mang tính cách biểu tượng, chứ làm sao thu thập đầy đủ tên tuổi các bậc tổ tiên của loài người được? Con số 77 là biểu tượng cho cái gì? Có người cho rằng, số 77 được ghép bởi hai số 7 kề nhau: số 7 tượng trưng cho sự hoàn thiện; có người tìm cách phân biệt 11 nhóm (3+3+2+3), mỗi nhóm 7 người.

– Trong hai bản danh sách, chỉ có sự trùng hợp từ ông Abraham đến vua David. Sau đó, Matthew thuật lại hậu duệ vua David từ phía ông Salomon (1Sbn 3,10-19), còn Luca thì theo ông Nathan (xc. 2Sm 5,14; 1Sbn 3,5). Hai danh sách gặp nhau nơi ông Santiel và Zerubbabel. Nhưng theo Matthew, từ Salomon đến Santiel có 13 đời, và từ Zerubbabel đến Đức Giêsu là 10 đời; nhưng theo Luca, từ Nathan đến Santiel có 19 đời, và từ Zerubbabel đến Đức Giêsu là 19 đời.

– Tên thân sinh của Thánh Giuse là ông Jacob (Mt) hay Hêli (Lc)? Có lẽ Matthew muốn móc nối Thánh Giuse với tổ phụ Giuse trong Cựu Ước, do đó thân sinh của cả hai trùng tên với nhau. Còn Luca có lẽ móc nối với vị tư tế Hêli vì liên tưởng đến câu chuyện của bà Anna và cậu Samuel, với nhiều nét tương tự với bà Elizabeth và cậu Gioan.[16] Ngoài ra, theo một cách giải thích từ thời Giáo phụ do Eusebio Cesarea kể lại, [17] Jacob và Hêli là hai anh em cùng mẹ khác cha: bà Estha lấy ông Matthan (thuộc tộc Salomon) sinh ra Jacob; sau khi ông Matthan chết, bà tái giá với ông Matthat (thuộc tộc Nathan) và sinh ra Hêli. Vì Hêli chết mà không có con, nên Jacob lấy vợ của Hêli (theo luật Levir: xc Mt 22,24) và sinh ra Giuse.

B. Truyền tin cho Đức Maria (1,26-38)

Như đã nói trên đây, Luca không có ý đối chọi cảnh truyền tin cho Đức Maria với cảnh truyền tin cho ông Giuse ở Tin Mừng Matthew. Đúng hơn, Luca đối chiếu hai cảnh truyền tin được nói trong chương Một, đó là cho ông Zacaria và cho Đức Maria:

– Truyền tin cho ông Zacaria, một tư tế, diễn ra ở đền thờ tại thủ đô Jerusalem (1,11-22). Bà vợ ông son sẻ nhưng sẽ sinh ra một người con mang sứ mạng chuẩn bị lòng dân đón Chúa. Ông Zacaria nêu thắc mắc.

– Truyền tin cho Đức Maria, một thiếu nữ tầm thường, ở làng Nazareth miền Galilee (1,26-38). Cô là một trinh nữ, nhưng sẽ sinh ra một người con do quyền năng Thánh Thần, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Maria thuận nhận làm theo ý Chúa.

Xét về địa vị xã hội, Đức Maria kém ông Zacaria; nhưng xét về lòng tin thì thứ tự đảo ngược. Sự chênh lệch càng lớn hơn nữa khi so sánh bản thân ông Gioan Tiền Hô và Đức Giêsu.

Trong cảnh Truyền tin cho Đức Maria, ông Giuse được nêu đích danh, bởi vì “thiên sứ Gabriel đến một thành miền Galilee gọi là Nazareth gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc nhà David” (1,26-27). Nơi Luca, ta thấy hai dữ kiện trùng hợp với Matthew: bà Maria đã đính hôn với ông Giuse, và hai người chưa ăn ở với nhau (xc. 1,34). Tuy nhiên, có điểm khác biệt là sau đó, Luca không nói gì về phản ứng của ông Giuse. Cho đến ngày lên đường về Bethlehem để kiểm tra dân số, Đức Maria vẫn còn trong tình trạng đính hôn (Lc 2,5). Luca không bao giờ gọi Maria là “vợ ông Giuse” như Matthew (Mt 1,20.24). Tuy nhiên, như chúng ta biết, theo luật Do Thái đương thời, những người đính hôn cũng có những nghĩa vụ pháp lý như những người kết hôn. Lý do của cuộc đính hôn với Giuse đã được nêu rõ khi nói rằng, “thuộc nhà David” (1,26), và vì thế sẽ về Bethlehem để kiểm tra dân số, tại đây Chúa Cứu Thế giáng sinh (2,4.11).

Thoạt tiên, câu hỏi của Đức Maria với sứ thần mang tính mâu thuẫn. Tại sao cô đã đính hôn rồi mà còn hỏi: “Việc ấy xảy ra thế nào, vì tôi không biết người đàn ông?” (Lc 1,34). Tuy nhiên, động từ “biết” trong ngôn ngữ Hippri được hiểu về việc giao hợp, chứ không phải là biết tên biết tuổi mà thôi. Hai người đã đính hôn, nhưng chưa sống chung với nhau.

Đàng khác, cả hai thánh sử Luca và Matthew đều trùng hợp ở nội dung căn bản, đó là Đức Maria cưu mang Đức Giêsu do quyền năng Chúa Thánh Thần (Lc 1,35 // Mt 1,18.20).[18]

C. Giáng sinh (2,1-20)

Như đã nói trên, Thánh Luca không gọi bà Maria là “vợ” của ông Giuse: đây là điều khác với Matthew. Mặt khác, Thánh Luca không ngại để cho Thánh Giuse làm “cha” của Đức Giêsu, điều mà Matthew chỉ hiểu ngậm.

Dù sao, cho đến ngày sinh Đức Giêsu, Đức Maria vẫn chỉ là người“đính hôn” với ông Giuse (2,5). Tuy nhiên, trong chương Hai này, mối tương quan giữa hai người đã được diễn tả như là “vợ chồng” và“cha mẹ” đi đôi với nhau.

– Câu 6: “Khi hai người (= họ) đang ở đó (Bethlehem) thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa”.

– Câu 7: “Bà… đặt con nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà (= họ) không tìm được chỗ trong nhà trọ”.

– Câu 16: “Các mục đồng gặp bà Maria và ông Giuse, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ”.

– Câu 22: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Moses, bà Maria và ông Giuse đem con lên Jerusalem”.

– Câu 27: “Vào lúc cha mẹ Hài nhi Giêsu đem con tới… thì ông Simeon ẵm lấy”.

– Câu 33: “Cha mẹ Hài nhi ngạc nhiên về những lời ông Simeon nói”.

– Câu 39: “Khi hai ông bà (= họ) đã làm xong mọi việc… thì trở về Nazareth”.

– Câu 41-46: “Cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Jerusalem… Họ cùng lên đền… Họ trở về… Đức Giêsu ở lại trong đền thờ mà cha mẹ chẳng hay biết. Họ cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành… Không thấy con đâu, họ trở lại Jerusalem. Sau ba ngày, họ mới tìm thấy con trong đền thờ”.

– Câu 48-51: “Khi thấy con, họ sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: Con ơi, sao lại xử với cha mẹ (= chúng tôi) như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ (= tôi) đây đã phải cực lòng tìm con! Người đáp: Sao cha mẹ (= các ngài) lại tìm con? Cha mẹ (= các ngài) không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? Nhưng họ không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với họ, trở về Nazareth và hằng vâng phục họ”.

Ở câu 7, Luca viết rằng, bà Maria sinh “con trai đầu lòng”. Điều này không giả thiết rằng, sau đó bà còn sinh nhiều con nữa! Thánh sử nhắc đến việc sinh con trai đầu lòng không chỉ vì muốn ghi nhận một hiện tượng sinh lý của người phụ nữ (lần đầu tiên sinh con) cho bằng dẫn nhập vào một biến cố khác sẽ nói sau, đó là sự dâng con trong đền thờ: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của Thánh, dành cho Chúa” (2,23).

D. Cắt bì và đặt tên

Việc cắt bì và đặt tên cho Đức Giêsu chỉ được Luca nói đến trong một câu (2,21) đang khi sự việc tương tự của ông Gioan Tiền Hô lại được nói dài hơn (1,59-66).

Thoạt tiên, xem ra thánh sử chỉ muốn thuật lại sự kiện này để chứng tỏ cha mẹ của hai hài nhi đều là những người nghiêm túc tuân hành luật lệ (xc. St 17,12tt; Lv 12,3). Tuy nhiên, điều quan trọng nằm ở chỗ đặt tên cho Hài nhi, tên gọi nói lên sứ mạng tương lai. Ở đây, chúng ta chỉ chú ý đến việc cắt bì và đặt tên cho Đức Giêsu mà thôi.

Ai chủ sự việc cắt bì? Thánh Luca không nói, có lẽ vì không quan trọng.[19] Trong lịch sử Do Thái, thường là người cha (chẳng hạn ông Abraham cắt bì cho Isaac: St 21,4), nhưng đôi khi là bà mẹ (Zippora cắt bì cho con của ông Moses: Xh 4,25), hoặc một người nào khác.

Việc đặt tên mới thực sự là điều chủ yếu trong câu này: “Hài nhi được đặt tên là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt trước khi Hài nhi thành thai trong lòng mẹ”. Câu văn được đặt ở thể thụ động, và không rõ ai giữ vai chủ động. Theo Matthew, thì ông Giuse đặt tên cho Hài nhi(1,21.25). Còn theo Luca, thì việc đặt tên xem ra được thiên sứ giao cho Đức Maria vào lúc truyền tin (1,31), cũng tương tự như việc đặt tên cho Gioan Tiền Hô được giao cho ông Zacaria (1,13.63). Tuy nhiên, xét vì cả cha lẫn mẹ (bà Elizabeth: 1,60) đều tham gia vào việc đặt tên cho Gioan, ta có thể suy đoán rằng, việc đặt tên cho Đức Giêsu cũng có sự tham gia của “hai ông bà”, theo như mạch văn của toàn thể chương Hai, mà chúng ta đã có dịp nhận xét. Xem ra vấn đề người chủ sự việc đặt tên không quan trọng cho bằng việc tuân hành một chỉ thị từ trời.

Nên lưu ý là Luca không giải thích ý nghĩa của tên “Giêsu” như là Matthew (1,21: “Thiên Chúa cứu dân Người khỏi tội lỗi”).

E. Dâng Con trong đền thờ (2,22-35)

Các nhà chú giải Kinh Thánh đã ghi nhận một chi tiết khác thường trong trình thuật này, khi Luca viết rằng: “Khi đã đến kỳ thanh tẩy của họ theo luật Moses, bà Maria và ông Giuse đem con lên đền thờ Jerusalem”. Tại sao nói đến sự thanh tẩy của họ, nghĩa là của hai ông bà, trong khi luật thanh tẩy của Moses chỉ ràng buộc bà mẹ (Lv 12,1-8)?

Có ý kiến cho rằng, trong Tân Ước(bằng tiếng Hy Lạp), danh từ“thanh tẩy” (Katharismos) bao hàm một nội dung rộng rãi (Mc 1,44; Lc 5,14; Ga 2,6; 3,25; Dt 1,3; 2Pr 1,9), chứ không chỉ giới hạn vào lễ thanh tẩy dành cho các bà mẹ sau khi sinh con. Do đó, ở đây Thánh Giuse cũng tham gia vào sự thanh tẩy, nghĩa là thi hành các nghi thức luật định. Một cách cụ thể, trong đoạn văn này hai ông bà lên đền thờ để thi hành những điều mà luật Chúa truyền (2,23.24.27.39), trong đó có việc tiến dâng con trai đầu lòng và chuộc lại (Xh 13,1.11tt). Nên lưu ý, có lẽ chính hai ông bà chủ sự việc tiến dâng (Lc 2,27), chứ không phải là ông Simeon. Ông này xuất hiện sau đó; ông bế hài nhi và chúc tụng Thiên Chúa.

Như đã nhận xét trên đây, trong trình thuật này, Luca nói đến Thánh Giuse và Đức Maria không những qua đại danh từ ở số nhiều (Họ = hai ông bà) nhưng còn xác định là “cha mẹ của hài nhi”: khi thi hành việc tiến dâng (2,27), khi được nghe những lời chúc tụng của ông Simeon (2,33).

F. Tìm lại Đức Giêsu trong đền thờ (2,41-50)

Thánh Luca trình bày Đức Maria và Thánh Giuse không chỉ như những người giáo dục nhân bản cho Đức Giêsu, mà còn như là tấm gương trong việc tuân hành Luật Chúa: hai ông bà đã lên đền thờ dâng tiến con trai đầu lòng theo luật (2,22.39); hằng năm hai ông bà lên đền thờ dự Lễ Vượt qua theo như luật định (2,41). Khi Đức Giêsu lên 12 tuổi, xảy ra sự cố là cậu ở lại trong đền thờ sau ngày lễ mà không báo trước cho cha mẹ.

Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và mẹ Maria đã cho thấy những mối liên lạc đan chéo trong gia đình Nazareth.

– Đức Maria nói với Đức Giêsu: “con ơi!”, theo lối xưng hô thân mật gia đình. Kế đó là lời trách móc cậu bé vì đã gây lo lắng cho “cha của con và mẹ”. Đức Maria nói thay cho ông Giuse, và đặt ông lên trước, theo thứ tự gia trưởng: “Con thấy không, cha của con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”.

– Đức Giêsu trả lời chung cho cả hai người, với đại danh từ đặt ở số nhiều: “Tại sao các ngài tìm con? Các ngài không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Đức Giêsu coi đền thờ như là “nhà” của Cha mình. Dĩ nhiên, “Cha” ở đây được hiểu về Thiên Chúa, chứ không phải là ông Giuse, như bà Maria vừa nói!

Thánh sử Luca nhận xét rằng, “họ” (= hai ông bà) không hiểu lời của Đức Giêsu, nhưng rồi cũng thêm rằng, “Người đi xuống cùng với họ, trở về Nazareth và hằng vâng phục họ”.

Như vậy, một đàng ta thấy rằng ông Giuse và bà Maria là “cha mẹ” của Đức Giêsu; nhưng Đức Giêsu còn có một “Cha khác”. Tuy nhiên, dù Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” (đã được nói trước ở 1,35), nhưng Người cũng phục tùng những kẻ giữ cương vị của cha mẹ trong gia đình.

Chương Hai kết thúc với thời gian ẩn dật của Đức Giêsu ở Nazareth cho tới khi hoạt động công khai. Tại đây, Đức Giêsu hấp thụ nền giáo dục nhân bản và đạo đức “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (2,39).

III. KẾT LUẬN

Trong Tin Mừng Luca, vai trò của Thánh Giuse không nổi bật như trong Tin Mừng Matthew. Thánh Giuse là một nhân vật thầm lặng bên cạnh Đức Maria; tuy nhiên, sự hiện diện của ông không phải là dư thừa, bởi vì ông cũng góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa: khi về Bethlehem để kiểm tra dân số, khi thi hành việc cắt bì và đặt tên cho Hài nhi, khi dâng tiến Hài nhi trong đền thờ, khi nuôi nấng dưỡng dục Hài nhi ở Nazareth. Ông đáng được hưởng lời chúc phúc dành cho kẻ “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27).

Chúng ta nên ghi nhận vài dụng ngữ của Thánh Luca khi bàn về những mối tương quan của Thánh Giuse.

1/. Với Đức Maria

Thánh Luca chỉ nói rằng Đức Maria là một trinh nữ “đính hôn” với ông Giuse, kể cả vào lúc về Bethlehem. Tuy nhiên, trong suốt chương Hai, Luca nhiều lần nói đến sự liên lạc chặt chẽ giữa hai người khi dùng chủ từ ở số nhiều, – “họ” (hai ông bà) -: trong thời kỳ về Bethlehem làm kiểm tra, lúc Đức Giêsu ra đời, khi đem con lên đền thờ để tiến dâng hay để dự lễ Vượt qua.

2/. Với Đức Giêsu

Khi nói đến việc lên đền thờ dự lễ, Thánh Luca viết rằng: “Hằng năm cha mẹ của Người lên đền thờ” (Lc 2,41). Khi tìm lại Đức Giêsu, Đức Maria nói: “Này cha của con và mẹ (= tôi) phải cực lòng tìm con” (Lc 2,48). Như vậy, ở trong gia đình Nazareth, ông Giuse vẫn cư xử với Đức Giêsu như một người cha. Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng lưu ý rằng mình còn có một Cha lớn hơn (Lc 2,49). Thánh Giuse biết rằng, Đức Giêsu không sinh ra do sự giao hợp thể lý, và thi hành chức vụ làm cha trong sự tôn trọng mối liên hệ độc nhất của Đức Giêsu với Chúa Cha. Nhưng, những người ngoài gia đình, bởi vì họ không biết đến chuyện cưu mang khác thường, cho nên họ vẫn nghĩ rằng Đức Giêsu là “con của ông Giuse” (Lc 3,23).

Dù sao đi nữa, bên cạnh vấn đề “danh chính ngôn thuận”, Thánh Luca đã nhìn nhận nhiều trách nhiệm của ông Giuse.

– Về phương diện pháp lý: Tránh cho Đức Maria khỏi rơi vào tình trạng đẻ con không chồng; bảo đảm cho Đức Giêsu được mang dòng tộc David.

– Về phương diện nhân bản: Thánh Giuse săn sóc Đức Maria trong thời kỳ thai nghén, và sinh nở. Cùng với Đức Maria, Thánh Giuse có trách nhiệm dưỡng dục Hài nhi Giêsu.

***

MỤC 3: TIN MỪNG THÁNH MARCO VÀ THÁNH GIOAN

Trong Tân Ước, chỉ có hai cuốn Tin Mừng Thánh Matthew và Luca cung cấp nhiều dữ kiện hơn cả về Thánh Giuse. Hai cuốn Tin Mừng còn lại thì sao?

I. TIN MỪNG THÁNH MARCO

Theo ý kiến các học giả, đây là cuốn Tin Mừng ra đời sớm nhất, và mở đầu với sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Tin Mừng Marco không đề cập đến thời thơ ấu của Đức Giêsu, vì thế không nhắc đến Thánh Giuse.

Tuy nhiên, cũng có hai chi tiết đáng để ý:

1/. Thánh sử Marco đã 5 lần gắn liền “Nazareth” với thân thế của Đức Giêsu: Nazareth không những ám chỉ nguyên quán (1,9; 14,67) mà còn trở thành biệt hiệu của Người (1,24; 10,47; 16,6).

2/. Thánh sử Marco là người duy nhất cho biết Đức Giêsu làm nghề “thợ mộc” (Mc 6,3).

Cả hai chi tiết này đều gián tiếp nói lên mối liên hệ với Thánh Giuse: “cha nào con nấy”. Tuy nhiên, dưới một phương diện khác, liền sau khi nói đến “Đức Giêsu là thợ mộc”, thánh sử thêm rằng, “con bà Maria” (6,3). Lối nói này hơi ngược đời, bởi vì tục lệ thường gắn con với người cha chứ không gắn với bà mẹ (thí dụ như: Simon con ông Gioan). Phải chăng, bởi vì thánh sử muốn nêu bật việc sinh hạ khác thường của Đức Giêsu?

II. TIN MỪNG THÁNH GIOAN

Tin Mừng Thánh Gioan chú trọng đến Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” hơn là “con của ông Adam”. Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa, hiện hữu từ muôn thuở, đã đến cắm lều ở giữa loài người (Ga 1,1.14).

Trong tác phẩm này, tên ông Giuse được nhắc đến hai lần:

1/. Vào lúc Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ và thâu nhận môn đệ, ông Philipphe mô tả thân thế của Người như sau: “Chúng tôi đã gặp ông Giêsu Nazareth, con ông Giuse” (1,45). Đây không phải là một chức tước danh giá gì, bởi vì ông Nathanael vặn lại: “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được”. Ông Philipphe ôn tồn mời anh bạn: “Đến mà xem!”. Qua cuộc đối đáp này, ta có thể ghi nhận rằng, người đương thời khinh rẻ làng Nazareth. Đàng sau não trạng dân gian này, có lẽ còn có một quan điểm thần học nữa, đó là dân Do Thái không thể nào chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, bởi vì vị này được tiên báo như là con vua David, xuất thân từ Bethlehem miền Judea. [20]

2/. Điều này càng rõ hơn nữa khi Đức Giêsu tự xưng là “Bánh từ trời xuống”. Người nghe liền xầm xì: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6,42).

Hai trường hợp nhắc đến Đức Giêsu như là “con ông Giuse” đều nằm trong bối cảnh người Do Thái đặt vấn nạn về thiên tính của Đức Giêsu. Xem ra Thánh Gioan muốn đối chọi giữa hai cái nhìn về nguồn gốc của Đức Giêsu: người đời chỉ có thể biết được nguồn gốc nhân tính của Người như là con ông Giuse và xuất thân từ Nazareth; cần phải có ơn trên thì mới nhận ra Người từ trời xuống (Ga 6,44; 7,28-29). Sự thay đổi viễn tượng có thể nhận thấy nơi Nathanael. Vào lúc đầu, ông tỏ ra thái độ ngờ vực cách tự nhiên: “Từ Nazareth, có cái gì hay được?” (Ga 1,46); nhưng sau khi đã gặp gỡ Đức Giêsu, ông thốt lên: “Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel” (Ga 1,49).

1 2 3

Comments are closed.