Hồi còn học trung học, trường tôi do các vị thừa sai ngoại quốc trông coi, có thói quen cho học sinh đá bóng thoải mái, chỉ có một điều là phải mặc quần dài. Thế là một kiểu quần đồng phục được chính thức thiết kế, hao hao giống như quần của đội đô tùy trại hòm Tôbia thời đó, có khác chăng là mầu xanh, thay vì mầu đen. Được một cái là, cho dù chuyên trị quần dài khi đi đấu bóng, nhưng trường tôi đá đâu thắng đó, nổi tiếng cả vùng trời Thủ Đức, những ngày xưa thân ái. Đó là vào những năm giữa thập niên 1960.
Có một anh chàng học sinh nọ, nhận thấy việc mặc quần dài đá bóng không hợp thời, nên có sáng kiến là mặc quần đùi ở bên ngoài quần dài. Trưa hôm đó, vào giờ đá bóng, cái kiểu ăn bận cách mạng ấy làm xôn xao cả trường. Nếu như bây giờ thì anh chàng sẽ được hoan nghênh là có tinh thần sáng tạo (Michael Jackson—MJ—đã chẳng mặc quần lót ở bên ngoài chiếc quần dài của chàng khi lên bục diễn đó sao?) Nhưng khốn nỗi, thời của MJ chưa kịp đến, thì tức tốc, sau biến cố mặc “xì đùi bên ngoài quần dài” này, chàng được cha Giám Đốc “gọi lên làm việc,” và rồi sáng hôm sau, khăn gói va-li lên đường về nhà ở với…mẹ cha, với ‘tội danh’ là làm trái với mọi người!
Đi ngược với trào lưu thời đại hẳn sẽ bị coi là ngược đời, làm trái với tự nhiên thì sẽ bị coi là dị hợm. Ai cũng làm như thế này, ấy vậy mà chỉ một mình mình lại làm thế khác. Như vậy coi sao được! Hình như luật tự nhiên cũng ở trong trường hợp tương tự.
Thế luật tự nhiên là gì? Ta không thể hiểu được luật tự nhiên nếu quên mất rằng tất cả mọi sự đều mang trong bản chất của mình một thứ qui luật nào đó. Bản chất của một hòn đá là sẽ chìm xuống khi bị ném vào nước. Một chiếc xe sẽ chạy được khi có xăng trong bình. Nếu bạn cho nước hay cát—thay vì xăng—vào bình xăng, thì chắc chắn xe bạn không thể chạy được. Con người đi bằng hai chân, chứ không bằng hai tay. Trường hợp ngoại lệ là khi làm xiếc. Nhưng xiếc thì chỉ để mua vui qua ngày, chứ không thể là việc làm bình thường hàng ngày được. Như vậy, luật tự nhiên chính là câu chuyện về cách ăn nếp ở, lề lối sinh hoạt của sự vật. Nói theo kiểu tây phương, làm sao bạn ăn được nếu bạn gặm một ổ bánh mì có quấn kẽm gai? Muốn cho thân xác bạn vận hành tốt thì bạn đừng xử với nó y như một cái thùng rác. Luật tự nhiên xem ra dễ hiểu khi áp dụng vào thế giới vật lý. Thế nhưng nó cũng áp dụng cả cho lãnh vực luân lý nữa.
Luân lý được điều hành bởi một luật được kiến tạo trong bản tính con người, mà lý trí có khả năng nhận ra được. Nhờ lý trí, con người biết được điều gì phù hợp với bản tính mình, và đó là điều tốt. Tuy nhiên, luật nào cũng phải có người ban hành. Phải nói ngay rằng, luật tự nhiên sẽ không có một ý nghĩa tối hậu, nếu không nhìn nhận Chúa là tác giả của nó. Chính vì thế, luật tự nhiên được soi tỏ và xác nhận bởi mạc khải. Nói khác đi, luật tự nhiên chỉ hiểu được trong tính cách tôn giáo thiết yếu của nó. Như vậy, luật tự nhiên là một tập kim chỉ nam mà Tạo Hóa đã phú bẩm vào bản chất con người chúng ta, để nhờ lý trí, ta sẽ biết điều phải làm và điều phải tránh. Đó là nguồn sáng về thông hiểu mà Thiên Chúa phú ban cho ta để ta làm lành lánh dữ. Mười Điều Răn chính là một ứng dụng của luật tự nhiên vậy.
Dường như ngày nay con người thích chơi nổi, chơi ngông, làm những gì “chẳng giống ai,” y như kiểu mặc quần lót bên ngoài quần dài. Nói theo kiểu quốc nội, thì chơi như vậy mới ‘gây sốc,’ mới ‘tạo choáng váng’ được. Mà con người thì có khả năng thích ứng tuyệt diệu, trước lạ, sau quen; trước gây sốc, sau dần dần thấy cũng bình thường, vì đã quen rồi. Cho đến một lúc nào đó, do bởi ‘lâu rồi đời mình cũng quen,’ cái ‘bình thường’ thoát thai từ cái ‘bất thường,’ thậm chí ‘nghịch thường’ trước đây, nay đã trở thành ‘tầm thường,’ và bỗng chốc biến đổi trở nên một phần của đời sống, chẳng ai còn đặt vấn đề gì nữa. Nói khác đi, cái ‘lạ mắt’ trước đây nay đã trở thành ‘quen mắt,’ và rồi chuyển sang ‘mát mắt’ lúc nào chẳng hay. Điều này rất rõ ràng khi nói về thời trang, phục sức theo ‘mốt’ thời đại.
Hiện tượng này tuy xem ra là bình thường, đôi khi cần thiết, để sống còn, xét trong trật tự sinh học, thể lý, thế nhưng lại vô cùng quan trọng, thậm chí nghiêm trọng và có thể gây nguy hại khôn lường trong trật tự luân lý, đạo đức. Cách đây chừng vài mươi năm, phá thai là một điều quái gở, nhờm tởm, ai cũng lên án. Nhưng nay phá thai không chỉ trở thành hợp pháp, mà là một thứ quyền, nhất là tại Hoa Kỳ, thành trì của tự do, dân chủ, nhân quyền, và nữ quyền. (Không biết có quý vị nữ giới nào, sau khi phá thai về, mà cảm thấy ‘phấn khởi hồ hởi’ y như tâm trạng của người đi bầu xong vì đã ‘hoàn thành tốt’ nghĩa vụ công dân chăng?). Nó trở thành một cưỡng chế, như tại Trung Quốc, vốn là chủ vựa của ‘chính sách một con.’ Nếu cứ đà này thì thế giới loài người sẽ như thế nào? Hẳn nhiên sẽ là một thế giới già nua, cằn cỗi đến hoang tàn. Thử tưởng tượng đến vườn hoa nhà bạn: thay vì chăm bón cho từng gốc hồng, bụi cúc…bạn cứ ngắt hết những nụ hoa vừa nhú, thì bạn sẽ thấy cảnh tượng vườn hoa của bạn sẽ như thế nào. Tương lai thế giới này với những con người vị kỷ cũng sẽ y như thế mà thôi! Thói ích kỷ và duy lợi thú khiến người ta không còn gắn bó với nhau nữa, mà chỉ tìm những gì có lợi, có lời cho bản thân mình, vơ vào càng nhiều càng tốt, không hề biết cho đi, hiến thân, quên mình vì người khác, dù đó là người phối ngẫu của mình. Lối sống ích kỷ hại nhân này đang cho thấy những trào lưu thời đại: ngày càng nhiều giới trẻ không còn tha thiết đến kết hôn, mà chỉ thích sống chung ở chạ, để rồi sinh con đẻ cái mà chẳng cần cưới xin. Chẳng trách tại sao mà tỉ lệ ngừa thai, phá thai, li dị, ngoại tình, loạn luân, đồng tính, cải tính và lưỡng tính…ngày càng leo thang hầu như không gì ngăn cản được.
Truy nguyên thì đích thị là do tội nguyên tổ mà ra. Ngày xưa còn bé, tôi cứ ngỡ tội ông Adong và bà Evà chỉ là tội…tham ăn mà thôi. Thật ra ‘tham ăn,’ tuy cũng là một trong bẩy mối tội đầu (‘kiêng bớt chớ mê ăn uống’) nhưng thực ra ở đáy sâu của hành vi bất phục tùng Thiên Chúa, dám cả gan hái trái cấm mà ăn, đích thị là tội kiêu căng, coi trời bằng vung. Nói khác đi, tội nguyên tổ là tội phủ nhận Thiên Chúa, chối bỏ quyền năng của Ngài. Tội đó, hơn bao giờ hết, đang di hại cho loài hậu thế hôm nay. Nếu trên không có Chúa, thì còn gì hơn con người nữa: con người sẽ là thước đo cho vạn vật; con người sẽ là ‘cái rốn của vũ trụ.’ Không còn gì là tuyệt đối hay bất biến nữa. Tất cả sẽ chỉ là tương đối, nay thế này, mai thế khác, tùy ý thích, tùy thị hiếu, tùy trào lưu, tùy thời đại. Không ít người cho rằng ‘phá thai là giết người’ chỉ là chủ trương của mấy ông cố đạo, nhất là của mấy vị thường xuyên ra vào điện Vaticăng, vốn cực kỳ bảo thủ, không bao giờ biết thông cảm với thế nhân lầm than, khốn cùng, và yếu đuối; các vị ấy hoàn toàn tụt hậu, cứ lạch bạch như vịt trong khi làn sóng văn minh tỉến bộ của khoa học kỹ thuật thì đã vượt đi quá xa với vận tốc siêu thanh. Các cố đạo ấy còn bầy đặt dậy đời về ngừa thai nữa chứ! “Giáo Hoàng đúng là kẻ làm ra luật cho một môn chơi mà ông ta không bao giờ tham dự!” (xem Pete Jermann, Who Are We?: Catholic Faith in Light of the HHS Mandate, Crisis Magazine, Oct. 5, 2012). Xin tạm bàn về khía cạnh này một chút: những người lý luận theo kiểu vừa nói, thật ra cứ nghĩ rằng mấy ông cha nhà thờ chẳng biết gì về những “việc vợ chồng” mà bầy đặt khuyên với nhủ. Trước hết, họ quên rằng chính họ là người đã khai hết, khai tuốt luốt những điều họ làm–hẳn nhiên là làm bậy—cho các vị ấy trong toà giải tội. Kế đến là họ cứ tưởng rằng nếu không làm thì không biết. Thực ra con người đâu cần phải đích thân lấy dao đâm vào bụng hay vào tim thì mới biết là không nên…làm như vậy. Cũng như chẳng ai cần phải đích thân treo cổ thì mới biết làm như thế sẽ tắt…thở.
Trở lại với não trạng duy tục vị kỷ, chỉ thị của Bộ Y Tế Hoa Kỳ đã chẳng hề coi ngừa thai, phá thai, triệt sản…là tội lỗi gì cả; đó chỉ là những dịch vụ thuần túy về y tế hay một điều khoản của luật bảo hiểm sức khoẻ trong “kế hoạch làm cha làm mẹ” (planned parenthood), hoặc là những phương cách trị liệu chứng “bệnh mang bầu,” hay phòng ngừa “dịch mắn đẻ.” Cứ coi những thứ đó như bệnh tật cần phải ngăn ngừa và điều trị là xong hết, là tiện việc sổ sách nhất. Đây đúng là bậc thang giá trị mới, theo kiểu “tái định nghĩa lại lẽ phải” (new re-definition of righteousness) của Bishop Yvette Flunder mà ta đã có dịp đề cập tới (xem: NKN, Bầu Cho Sự Sống, VietCatholics, Sept. 8, 2012). Khi chủ trương phá thai thả dàn, tức là trực tiếp vi phạm ‘quyền sống’ của những phần tử yếu kém nhất, mỏng dòn nhất, và đáng thương nhất của xã hội, thì không thể không hoài nghi về nỗ lực giúp đỡ người nghèo, già nua, cô thế cô thân, thấp cổ bé miệng, nếu không muốn bảo đó là những chính sách nặng mùi chính trị và mỵ dân, nấp dưới chiêu bài quyền này, quyền nọ, hoặc ngụy trang dưới danh nghĩa này, chủ trương kia.
Vâng, luật tự nhiên do Thiên Chúa sáng tạo và khắc ghi vào tâm trí lòng dạ con người không phải chỉ đang phai lạt đi, mà là đang bị chà đạp, phủ nhận, để được thay thế bằng những luật lệ, quan niệm, và não trạng duy tương đối, vô thần, duy vật, duy thực nghiệm, duy khoái lạc, duy lợi thú, và duy ích kỷ. Không ai dậy cả, thế mà cái thói ăn gian nói dối, nói có thành không, dựng đứng câu chuyện, nổ như kho đạn…sao lại nhan nhản, phát thanh ầm ĩ hàng ngày, mọi nơi, mọi lúc? Vì khi Thiên Chúa vắng mặt thì không một thứ quái đản nào mà không thể được sản sinh ra. Thế giới này rồi sẽ đi vào một đêm ‘Halloween’ không cùng, trong đó muôn vàn loài ma qủy lộng hành, tác yêu tác quái, và thiên hình vạn trạng những hình nhân dị hợm xuất hiện khắp nơi. Nếu thế thì ngày tàn của loài người đã đến nơi rồi.
Hơn ai hết, trước nhu cầu khẩn thiết của xã hội con người hôm nay, đức đương kim Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã lên tiếng kêu gọi cả thế giới hãy cùng chung tay hợp tác để tái tạo những điều kiện thuận lợi cho lề luật luân lý tự nhiên được phát huy ngay giữa lòng xã hội và nền văn hóa đang băng hoại của thời đại. Lý do duy nhất là bởi vì luật tự nhiên chính là nguồn bảo đảm chân chính cho việc mỗi người được sống trong tự do và phẩm giá con người được tôn trọng, cũng như việc con người cảm thấy được bảo vệ khỏi mọi xảo thuật mang tính ý hệ và mọi lạm dụng xuất phát từ ‘luật của kẻ mạnh.’ (xem trong Catholicculture.com: Recognizing the Importance of Natural Moral Law, 12/05/2008)
Giáo sư J. Budziszewski, một người trở lại, trong tác phẩm mới ra từ đầu năm nay: “On the Meaning of Sex,” đã khai triển khía cạnh hạnh kiểm con người trong tương quan với luật tự nhiên là phải trung thực với chính mình, trung thực với cách thức con người đã được tạo dựng, trung thực với cách thức ta đã được cấu tạo như một nhân vị, và cách thức ta đã được ‘tạo mẫu.’ Trên bình diện tự nhiên, ta không muốn cư xử một cách nào đó chỉ vì các giá trị x, y, z đã được minh chứng là các giá trị căn bản của con người, được áp dụng cho tất cả mọi người, cả nam lẫn nữ, mà là bởi vì chính tôi đây, với tư cách là một hữu thể con người, đã được tạo dựng một cách nào đó, được hướng định để hoàn thành các năng lực tự nhiên của mình nhằm đạt tới hạnh phúc. Tất cả những điều này đều sáng tỏ nếu ta biết kỹ lưỡng tự vấn lương tâm mình. Như vậy, trong trật tự tư nhiên, đạo hạnh không xuất phát từ một tiêu chuẩn ngoại lai, mà từ một thực tế nội tại: tôi phải tự hiểu mình một cách sâu xa ngõ hầu có thể trung thực với chính mình một cách đúng đắn. Cái nhận thức tự nhiên về công bằng nhân ái hằng soi sáng lương tâm ta, hằng thúc hối ta vâng theo, ngay cả khi quan niệm tôn giáo của ta còn mù mờ, học thức của ta còn chưa tới đâu; nó vẫn có thể giúp ta phán xét những luật lệ do loài người làm ra. Cái nhận thức ấy, được khắc ghi trong đáy lòng con người từ thuở mới lọt lòng mẹ, đó chính là luật tự nhiên vậy.
Bản tính tự nhiên mở ra cho ta một khung trời thoáng đạt hơn, rộng mở hơn và cao thượng hơn, cho dù chúng ta—con cháu Adong Evà–vẫn có thể nhắm mắt làm ngơ. Nhưng lúc nào cũng thế, khi thật sự trung thực với chính mình, ta sẽ nhìn thấy rõ rằng thiên nhiên—hay tự nhiên—luôn hướng ta tới một cái gì cao xa hơn, lớn lao hơn, hướng vọng lên một ai đó ở trên cao, hằng quan tâm ân cần và thương mến từng người: Thiên Chúa đó. Tình yêu con người, ngay cả tình yêu bao hàm tính dục chăng nữa, sở dĩ có ý nghĩa sâu đậm, có sức hút mạnh mẽ, là chính bởi vì tình yêu Thiên Chúa có ý nghĩa vô biên, và sức mạnh tình yêu Ngài vượt quá trí tưởng tượng con người chúng ta.
Ngày bầu cử đã gần kề. Những cuộc tranh luận đã xong. Cả hai ứng cử viên đang ráo riết kè nhau, y như hai ‘cua rơ’ đang nhấn tối đa bàn đạp trên chặng đường đua cuối cùng mà mức tới đã ở ngay trước mặt. Thật khó đoán ‘cua rơ’ nào sẽ cán mức trước. Chuyện đó rồi sẽ thấy. Với tư cách một công dân, hiểu và vâng theo lề luật của Chúa, được Giáo Hội giải thích và nhắc nhở, một cử tri phải chọn một, bởi vì phiếu trắng không giải quyết gì cả! Thực ra, những luận cứ bênh hay chống, bầu cho ai và loại bỏ ai, đều rất tương đối. Chỉ có một điều chắc chắn là: nền văn hóa và văn minh của sự sống cần phải được bảo vệ và thăng hóa trong một thế giới đang lao xuống vực của vô thần, vị kỷ, và duy lợi thú. Nếu thế thì đâu là cái luận cứ biện minh cho sự lựa chọn của cử tri đây? Bất cứ một chính quyền nào, dù có tồi tệ đến mấy chăng nữa, mà tôn phong hoặc đăng quang sự ác, đưa nó vào lề luật đến độ ức chế công dân mình phải tham gia tiếp tay cho sự dữ, thì chính quyền ấy đã lạm quyền và đi quá xa. Ta có thể gọi đó là nhu cầu tôn trọng tự do tín ngưỡng, hoặc nhu cầu bảo vệ quyền công dân trong việc tuân thủ luật tự nhiên. Muốn gọi sao cũng được, nhưng không bao giờ có thể chấp nhận một chính quyền đang manh tâm và ngoan cố, quyết chí thay đổi quy luật của trật tự xã hội, đến độ công dân của mình phải bị chế tài nếu không chịu tham gia hợp tác thực hiện những sự ác tự nội. Đây chẳng phải là vận động bầu cử, mà chỉ là chút cố gắng nhóm lên một đốm lửa giữa màn đêm dầy đặc, may ra có thể giúp cho một ai đó cũng đang muốn tiếp tay thắp sáng niềm hy vọng cho tương lai loài người, đúng theo ý định ngàn đời của Tạo Hóa.
Halloween 2012
NGUYỄN KIM NGÂN