Ngày 15 tháng 11 năm 2021 Thứ Hai, Tuần XXXIII Thường Niên – B.

Lời Chúa: Lc 18, 35-43

Khi Đức Giêsu gần đến Giêrikhô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giêsu Nazareth đang đi qua đó. Anh liền kêu lên rằng : “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavid, xin dủ lòng thương tôi !” Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi ; nhưng anh càng kêu lớn tiếng : “Lạy Con vua Đavid, xin dủ lòng thương tôi !” Đức Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi : “Anh muốn tôi làm gì cho anh ?” Anh ta đáp : “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” Đức Giêsu nói : “Anh nhìn thấy đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Ngài, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

 


Suy niệm

ĐỪNG ĐÁNH MẤT NIỀM HY VỌNG

“Anh càng kêu lớn tiếng:Lạy Con vua Đavid, xin dủ lòng thương tôi !”(Lc 18,39).

Trong những tháng ngày qua, cả nước phải gồng mình chiến đấu với đại dịch, phần chúng ta cũng đã liên lỉ cầu nguyện, mà cho tới nay dịch bệnh vẫn còn đang lan tràn! Nhiều người cảm thấy thất vọng và tự hỏi: tại sao Chúa không nhận lời chúng ta? Bài Tin mừng hôm nay là một tin vui, vui cho những ai đang thất vọng lại tìm được niềm hy vọng, bởi có niềm tin là có hy vọng.

Qua bài Tin Mừng, thánh sử Luca thuật lại cho chúng ta thấy đức tin lớn lao, tính kiên nhẫn bền bỉ và lòng khiêm nhường của anh mù thành Giêrikhô. Anh mù này có một lòng kiên trì thật quý. Anh đặt mọi hy vọng vào Đức Giêsu và tin chắc rằng chỉ có Ngài mới chữa lành bệnh tật của mình. Chính vì thế, khi nghe nói Đức Giêsu đang đi ngang qua, anh đã mạnh mẽ vượt thắng mọi rào cản về thể lý cũng như tinh thần để đến gần Ngài mà kêu xin:“Lạy Con vua Đavid, xin dủ lòng thương tôi!”(Lc 18,39). Lời khẩn khoản van lơn tha thiết của anh đã đụng chạm tới lòng nhân hậu của Chúa, để rồi Ngài đã không chối bỏ, không đi ngang qua, không lạnh lùng làm ngơ; nhưng đã cho anh một niềm hy vọng:“Anh muốn tôi làm gì cho anh?”(Lc 18,41). Tại sao Chúa lại đặt câu hỏi này với anh? Phải chăng Ngài không biết điều anh đang kêu xin? Chắc chắn Chúa biết rõ mọi sự, Chúa biết anh đang cần gì, Ngài muốn anh được chữa lành, nhưng không phải chỉ với thân xác mà còn cả tâm hồn nữa. Vì thế, Ngài đòi anh phải tuyên xưng niềm tin cá vị của mình với Chúa, bởi niềm tin không thể chung sống với sự hoài nghi và thất vọng. Chính niềm tin vào Đức Kitô đã cho anh niềm hy vọng, để rồi từ đây anh bước sang một cuộc sống mới, một sự đổi thay: “Anh nhìn thấy được và theo Ngài”(Lc 18,43).

Có thể nói, cơn cám đỗ mạnh nhất ngày nay đối với mỗi người Kitô chúng ta vẫn là cám dỗ về niềm hy vọng, như Đức Hồng Y Godfried Danneel khẳng định: “Có một nhu cầu tối cần về niềm hy vọng. Thật vậy, cơn cám dỗ nặng nề nhất không phải là chống lại đức tin hay đức ái. Các thánh cũng đều bị cám dỗ về đức cậy; như thánh nữ Têrêsa thành Lisieux, cha sở họ Ars. Và cơn cám dỗ chống lại đức cậy đến với con người dưới hình thức thất vọng và nghi ngờ”[1].

Nguyện xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta luôn biết đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô, luôn tìm đến với Ngài, mong được Ngài đoái nhìn và cúi xuống trao ban niềm hy vọng, như lời thánh Phaolô đã nói: “Chúa Thánh Thần luôn kết nối chúng ta chặt chẽ hơn với Đức Kitô và làm cho chúng ta vui mừng trong hy vọng, mạnh mẽ trong gian lao, kiên vững trong cầu nguyện, lo lắng cho nhu cầu của anh chị em”(Rm 12,12-13).

[1] ENRICO MASSERONI, Thầy Đã Làm Gương Cho Anh Em, nxb Tôn Giáo, 2017, Tr.170

 


Comments are closed.