Dẫn Nhập: Những lời dưới đây được Mẹ Teresa Calcutta phát biểu trong buổi họp Đại Kết các Tôn Giáo do Giáo Hội Trưởng Lão Quốc gia (National Presbyterian Church) ở Washington, DC, tổ chức vào năm 1974… Phần này được chuyển ngữ từ tập sách “MOTHER TERESA – HEART OF JOY” của Nhà Xuất Bản Servant Book, năm 1987. Xin mời quý vị đọc để thêm cảm nghiệm về tinh thần phục vụ người nghèo của mẹ Teresa Calcutta.
Tôi cám ơn Thiên Chúa đã cho tôi có cơ hội này để gặp được quý vị và xin chia sẻ cùng với quý vị về hồng ân Thiên Chúa nơi những con người nghèo.
Việc hiểu biết, nhận ra chỗ đứng, giá trị thật sự của những con người nghèo dẫn chúng ta đến với tình yêu chân chính, và chính tình yêu đó sẽ chỉ cho chúng ta những cách thức để phục vụ, chia sẻ đối với người nghèo.
Người nghèo là niềm hy vọng của ơn cứu độ cho nhân loại. Như quý vị biết, ngày tận thế hay ngày chung thẩm của nhân loại sẽ xẩy ra, và trong ngày đó, chúng ta sẽ bị xét xử về những gì chúng ta đã làm cho họ hay là không. Lời của Đấng Cứu Thế thật rõ ràng; bổn phận chúng ta là phản tỉnh lại thái độ, cách nghĩ và cách sống của mỗi người chúng ta đối với người nghèo như thế nào trước những lời mà Chúa Cứu Thế đã cảnh báo chúng ta.
Khi nói về những con người nghèo đói, Chúa Kitô không chỉ nói đến cơn đói khát cơm bánh, mà Ngài còn nói đến cả những cơn đói khát tình yêu thương, cảm thông, liên đới, đồng cảm và chia sẻ. Chúa Kitô đã hiểu thế nào là bị bỏ rơi, bị từ khước như quý vị đọc thấy trong Tin Mừng Thánh Gioan, đoạn 1, câu 11: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 14). Ngài cũng đã cảm nhận thế nào là cô độc, bị từ chối, không có một ai để đồng cảm, chia sẻ với Ngài; nhất là khi Ngài trải qua cơn thử thách tột cùng trong vườn Cây Dầu (Mt 26, 36-46)
Cơn đói khát như thế thật sự tác động lên toàn thể nhân loại – nó gặm nhấm, gây đau khổ cho nhiều cuộc đời, nó phá tan nhiều gia đình. Hiện tại trong xã hội chúng ta, có một sự tước đoạt đang xẩy ra hằng ngày trong đời thường, trong từng gia đình, nơi từng người. Đó không phải là bị tước đoạt nơi ăn, chốn ở của người nghèo, nhưng là bị tước đoạt tình yêu thương, sự cảm thông, hiểu biết; bị tước đoạt lòng bao dung, thương xót nơi những con người trong thời đại hôm nay, dù họ ở bất cứ địa vị nào trong xã hội. Đó chính là lòng trắc ẩn, nhân ái nơi lương tri và con tim nhân loại đã bị đánh mất đi vì lối sống hưởng thụ vô độ và cá nhân chủ nghĩa quá khích, và sự dửng dưng vô cảm trong thời đại công nghệ, kỹ thuật máy móc.
Môt số nữ tu của chúng tôi có trụ sở tại Herlem, thành phố New York làm việc trong các trại giam. Chúng tôi nhận thấy có một nghịch lý rất đau lòng, khi những em nữ phạm nhân tuổi vị thành niên được thả ra khỏi nhà tù, thì hầu như chẳng có ai sẵn lòng thâu nhận các em, giúp các em làm lại cuộc đời, hòa nhập vào xã hội, cộng đồng. Kết quả là các em nữ phạm nhân đó lại bị bắt tống vào nhà tù! Tại sao? Các em cần yêu thương, nhưng bị khước từ, cần giúp đỡ nhưng bị từ chối, cần vòng tay bao bọc che chở, nhưng bị xua đuổi. Các em cảm thấy vô vọng, đau khổ, có khi căm giận…! Và để sống còn, các em lại lao vào những việc làm mà xã hội con người cho là phạm pháp như là ăn cắp, phá phách, gian lận, tệ nạn… Cuộc đời các em thật quá chua cay, bế tắc: từ nhà tù cho đến lúc bị vất ra đường phố, rồi lại bị tống giam vào nhà tù! Đó chính là một sự tước đoạt thật tàn nhẫn, đau thương mà các em phải gánh chịu khi tuổi đời còn rất trẻ.
Tất cả mọi người đều thuộc về Chúa Kitô. Quý vị và tôi – chúng ta đều thuộc về Chúa Kitô bởi vì tất cả chúng ta là anh em và chị em với nhau, tất cả chúng ta đều nhờ bàn tay yêu thương của Thiên Chúa chăm sóc che chở. Do đó, tất cả chúng ta phải biết yêu thương nhau, phải hiểu người nghèo là những ai, và phải có trách nhiệm đối với người nghèo.
Cách đây một vài tuần, vào khoảng nửa đêm, tôi nghe có tiếng khóc của một đứa trẻ ở bên ngoài tu viện của chúng tôi. Tôi mở cửa đi ra xem sự việc như thế nào, thì thấy một bé trai đáng thương. Nhìn em, tôi nghĩ nó khoảng tám tuổi. Nước mắt lăn dài trên gò má, nó thổn thức nói với tôi: “Cháu đến chỗ ba cháu, ba cháu xua đuổi cháu. Cháu đến chỗ của má cháu, má cháu cũng không cho cháu ở lại với má cháu. Má cháu đuổi cháu đi. Sơ ơi, ít nhất còn có sơ, xin sơ cho cháu ở với sơ và sơ thương cháu nhé…!”
Sự đổ vỡ một gia đình – đó là nguyên nhân gây ra sự đau khổ cho đứa bé. Có sự đau khổ nào hơn cho đứa bé khi mà cả cha và mẹ nó khước từ, xua đuổi nó. Nó có tội lỗi gì? Nó không có lỗi tội gì cả. Phần lỗi đổ vỡ gia đình là do ích kỷ, thiếu sự tha thứ, thiếu lòng quảng đại, thiếu trách nhiệm của cả người cha lẫn người mẹ đã gây ra đau khổ cho những đứa trẻ của họ. Tôi có thể cam đoan với quý vị là trong xã hội hiện nay, chúng ta có hàng ngàn những đứa trẻ đáng thương như thế. Những tâm hồn đáng thương, những mảnh đời còn rất măng sữa đã bị khước từ, xua đuổi, ruồng bỏ ở khắp nơi trên thế giới này là một vấn đề lớn đối với xã hội, đối với trách nhiệm của quý vị, của chúng ta.
Khi con tim chúng ta đã bị lấp đầy bởi một điều gì rồi, thì không thể nào chúng ta còn chỗ cho những đều khác nữa. Thiên Chúa không thể đổ vào lòng chúng ta những điều thiện hảo nếu chúng ta không làm cho con tim mình rỗng đi, trống đi. Do đó, chúng ta hãy làm trống con tim, tâm hồn mình bằng cách khước từ những thực tại trần tục, chóng qua, những ích kỷ, kiêu căng, hẹp hòi; như thế Thiên Chúa sẽ đổ tràn đầy vào tâm hồn chúng ta tình yêu, sự tốt lành của Người.
Năm 1973, tôi theo các chị em nữ tu của tôi đến nước Ethiopia. Vị vua nước Ethiopia lúc đó hỏi tôi: “Các sơ định làm gì ở đây vậy ? Các sơ có thể làm được những việc gì ?” Tôi trả lời: “Thưa ngài, các sơ chúng tôi sẽ mang đến cho dân nước ngài tình yêu thương và sự tốt lành của Chúa Giêsu.” Vị vua đó nói: “Nếu vậy thì đây là một cái mới. Một cái mới từ Chúa Kitô sắp được thực hiện.” Hiện nay các chị em nữ tu chúng tôi đang ở đó, họ chỉ làm có một điều này: cho Chúa Kitô đói khát được ăn uống; cho Chúa Kitô trần truồng, rách rưới có áo che thân; cho Chúa Kitô bị tước đoạt, xua đuổi, bỏ rơi có nơi cư trú tránh mưa nắng.
Để có sức mạnh, năng lực thực hiện công việc này, để tiếp tục công việc hạ mình phục vụ của Chúa Kitô và để dấn thân một cách nhiệt tình, đầy tin yêu phó thác cho Thiên Chúa, các chị em nữ tu chúng tôi dựa vào đời sống cầu nguyện và hy sinh làm nền tảng. Trọn cuộc đời chị em nữ tu chúng tôi đã được dâng hiến cho Chúa Kitô và Bí Tích Thánh Thể. Đức tin và tình yêu xuất phát từ Bí Tích Thánh Thể là sức mạnh đã làm cho chúng tôi khám phá, nhận ra Chúa Kitô nơi gương mặt của những con người thấp bé, hèn kém. Với tâm niệm như thế, chúng tôi chỉ có một tình yêu, đó là Chúa Kitô; và chính Chúa Kitô đang hiện diện nơi từng con người nghèo hèn, bất hạnh, bị bỏ rơi.
Trong ngày vĩnh khấn, chúng tôi tuyên thệ những lời khấn hứa phải tuân giữ. Lời khấn giữ đức khiết tịnh (the vow of chasity) giúp cho các nữ tu chúng tôi yêu mến Chúa Kitô với một tình yêu toàn vẹn, không chia sẻ cho một ai khác. Lời khấn giữ đức khó nghèo (the vow of poverty) làm cho chúng tôi thanh thản, thoát khỏi những lo nghĩ, vướng bận vào việc lo tìm của cải, các phương tiện cuộc sống, vật chất để chúng tôi có thể dành hết cả tâm trí, lòng ước muốn, sự tự do cho tình yêu Chúa Kitô.
Những lời khấn hứa đó xuất phát từ tình yêu dành cho Chúa Kitô cách toàn vẹn, không phân chia làm cho các nữ tu chúng tôi thuộc về Chúa Kitô qua lời khấn hứa tiếp theo là vâng phục (the vow of obedience). Đức vâng phục trong đời sống dâng hiến là lời khấn thứ ba. Đây là cách thức để chúng tôi thể hiện tình yêu thương và sự cho đi qua việc quên chính bản thân mình.
Ngoài ba lời khấn trên, các nữ tu trong Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái chúng tôi còn thực hiện lời khấn thứ tư. Lời khấn này làm cho chúng tôi cam kết dâng hiến toàn tâm toàn ý cho việc phục vụ Chúa Kitô nơi những con người nghèo khổ nhất, toàn tâm toàn ý phó thác tin tưởng hoàn toàn vào bàn tay quan phòng, che chở của Thiên Chúa, và để sẵn sàng từ bỏ mọi sự, ngay cả những gì chúng tôi có, để có được Chúa Kitô là hạnh phúc, là cùng đích cuộc đời chúng tôi.
Do lời khấn này, chúng tôi đã đến và dấn thân phục vụ tại Ấn Độ, và những nơi khác như Bangladesh, Châu Úc, Châu Phi, Châu Mỹ La-tinh, và Harlem – nơi những con người bị bỏ rơi, bị khước từ, nơi những con người bị đau khổ vì bệnh tật, nơi những trẻ em bất hạnh, nơi những con người bị bại liệt, bị hất hủi. Chúng tôi chăm sóc cho hàng ngàn người bị bệnh phong cùi là những người bị hất hủi, xua đuổi ở khắp nơi cũng như những bệnh nhân, những người già yếu bị vất ra ngoài cống rãnh, xó chợ, lề đường.
Chị em nữ tu chúng tôi đi đến với những người đang bị đau khổ tinh thần dày vò, những con người đang bị lún dần vào bế tắc vì nghiện ngập. Chúng tôi tiếp nhận những mảnh đời chỉ biết có hai nơi trong cuộc đời đầy lao đao của họ: trại giam và phố chợ. Chúng tôi có những nơi tiếp nhận nuôi dạy các trẻ em mồ côi, có những nơi để chăm sóc cho các trẻ vừa mới sinh ra đã bị vất đi…
Những công việc hoạt động phục vụ như trên, không có việc nào các nữ tu chúng tôi cho là phí thời gian, ngay cả những việc xem ra nhỏ mọn, không tên khác như giúp cho người đói khát ăn uống, giặt quần áo cho họ, hay là chăm sóc đầy lòng trìu mến đối với những mảnh đời bị bỏ rơi, bị chính gia đình mình từ bỏ, xua đuổi.
Cách đây một vài tháng, chị em nữ tu chúng tôi đã gặp và mang một người nằm bất tỉnh trên một khu phố ở Melbourne do say rượu về một cộng đoàn tu viện ở gần đó. Người này đã nghiện rượu và rơi vào tình trạng như thế suốt vài năm nay.
Các chị em nữ tu chúng tôi mang ông ta tới “Nhà Thương Xót” (the House of Mercy) trong tu viện. Nhờ sự chăm sóc của các chị em nữ tu chúng tôi mà ông ta đã nhận ra Thiên Chúa vẫn còn yêu thương ông. Ông ta rời “Nhà Thương Xót” trong cộng đoàn tu viện chúng tôi và hứa sẽ không bao giờ uống rượu nữa. Ông ta đã giữ lời hứa và chấm dứt được thói nghiện rượu.
Sau đó, ông ta tìm việc làm. Một hôm, ông ta cầm tờ phiếu lương cuối tháng đến chỗ chúng tôi khoe và nói: “Tôi muốn các Sơ trở thành tình yêu của Chúa Giêsu và mang tình yêu đó đến cho người khác. Tôi muốn các Sơ làm cho những người khác những gì mà các Sơ đã làm cho tôi.”
Những công việc chúng tôi làm thật khiêm tốn nhỏ bé. Không phải chúng tôi làm bao nhiêu việc to lớn, không phải chúng tôi làm thật nhiều công việc, nhưng chính tình yêu chúng tôi đặt nơi mỗi công việc là cách chúng tôi thể hiện và đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng tôi. Đó chính là giá trị của sự phục vụ và tình yêu thật sự mà chúng tôi có thể dâng về cho Thiên Chúa.
Cách đây một vài tuần, có một người trong nhóm anh em tu sĩ chúng tôi trở lại gặp tôi. Với dáng vẻ đầy thống khổ anh ta nói với tôi: “Thưa Mẹ Bề Trên, con thấy có ơn gọi trong lòng và ơn gọi của con là để phục vụ cho những người cùi.” Thật sự anh ta rất yêu mến những người bị phong hủi. Anh ta nói tiếp: “Con muốn dâng hiến sự sống con, trọn cả cuộc đời con để thực hiện ơn gọi này.”
Tôi trả lời: “Thầy à! Mẹ nghĩ thầy có một sự nhầm lẫn về ơn gọi và về sự chọn lựa. Thật sự, ơn gọi và sự chọn lựa của thầy là phải làm sao để thầy hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã chọn thầy, và cũng chính tình yêu xuất phát từ trái tim bao dung của Chúa Giêsu đã tác động lên cuộc đời thầy là để thầy thuộc về Ngài. Do đó, mọi công việc thầy làm – có thể là công việc phục vụ người phong hủi, hay một công việc khác – đều không quan trọng. Điều hệ trọng nhất trong cuộc đời thầy chính là thầy phải thuộc về Chúa Giêsu hoàn toàn, có nghĩa chính thầy là của Chúa Giêsu. Còn làm việc này, việc kia, đó chỉ là những cách thức, phương tiện mà Chúa Giêsu trao ban cho thầy để thầy thể hiện, đáp trả lại tình yêu Ngài dành cho thầy.”
Nỗi thao thức, ưu tư của nam tu sĩ trên đây cũng cũng là nỗi thao thức của chúng tôi: nó không phải hệ trọng ở việc chúng tôi phải làm những gì, hoặc là chúng tôi phải ở đâu, khi mà chúng tôi tâm niệm trong lòng là mình thuộc về Chúa Giêsu, Chúa Giêsu cùng với chúng tôi làm những gì mà Người muốn, chúng tôi chọn Chúa Giêsu làm Đấng yêu thương, đồng hành với chúng tôi, chúng tôi yêu mến Người trọn cuộc đời. Những gì chúng tôi phục vụ hoặc cho những người nghèo, hoặc cho những người giàu có; phục vụ hoặc cho những người có địa vị cao trong xã hội, hoặc cho những người vô gia cư trong các phố chợ…tất cả đều xuất phát từ một điều duy nhất: đó là chúng tôi mang Chúa Giêsu trong một trái tim yêu thương, một tình yêu chân thành qua những công việc phục vụ như thế.
Kính thưa quý vị cử tọa!
Có thể quý vị và tôi là những con người đã từng kinh qua một vài cảm nghiệm về tình yêu Chúa Giêsu và có thể chia sẻ tình yêu đó cho những người chúng ta tiếp xúc, gặp gỡ.
Thưa quý vị!
Khi phục vụ tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội, chúng ta cảm nhận được là khi chúng ta cho đi sức khỏe, thời giờ, năng lực, thì chúng ta được nhận rất nhiều từ những người cần đến tình yêu thương, san sẻ. Tất cả mọi người là anh chị em của chúng ta, là con cái của Chúa. Khi phục vụ mọi người là chúng ta phục vụ Chúa Giêsu.
Chính vì thế, trên hết, chúng ta hãy cố gắng để làm cho tình yêu của Chúa Giêsu được lan tỏa trước hết trong gia đình chúng ta, giữa những người thân thuộc của chúng ta: chồng, vợ, con cái của chúng ta. Chúng ta phải tự hỏi là: gia đình của tôi, cộng đoàn của tôi, hội đoàn của tôi… đã tràn đầy lửa yêu mến của Chúa Giêsu chưa? Tôi có dành thời gian cho anh chị em tôi chưa? Tôi có dành thời gian quan tâm, chăm sóc cho con cái, cho chồng tôi, cho vợ tôi cách xứng đáng chưa…?
Tôi không thể nào quên được người mẹ thân yêu của tôi. Bà suốt ngày đầu tắt mặt tối với mọi công việc trong gia đình, không lúc nào nghỉ tay. Nhưng khi ngày sắp hết, bà có thói quen là làm sao sắp xếp mọi công việc trong nhà thật nhanh, thật gọn gàng cho kịp đón bố tôi đi làm về. Lúc đó, tôi chưa hiểu hết những gì mẹ tôi làm. Tôi thấy mẹ tôi tươi cười, vui vẻ đón bố tôi đi làm về. Bố mẹ tôi cười đùa với nhau làm cho không khí trong nhà thật vui vẻ, ấm cúng. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì có được người bố và người mẹ biết yêu thương và quan tâm cho nhau. Giờ đây, mỗi lần nghĩ đến cảnh đó, tôi không cầm được sự xúc động trong lòng. Sự lịch thiệp, nhã nhặn và tinh tế đó của mẹ tôi vì chồng, vì con, vì gia đình đã làm tôi cảm phục. Bất luận trời mưa hay nắng, mùa đông hay mùa xuân, mùa hạ hay mùa thu; lúc nào mẹ tôi cũng sẵn sàng một nụ cười trên gương mặt rạng ngời để đón bố tôi đi làm về.
Ngày hôm nay, trong một xã hội quá nhiều thay đổi, chúng ta không có nhiều thời gian dành cho nhau. Nhiều bậc cha mẹ bận công việc đến nỗi khi con cái họ đi học về, họ chẳng có thời giờ để đón và hỏi thăm, trò chuyện với chúng.
Một số du khách đến Calcutta đã xin tôi chia sẻ cho họ những điều họ cần phải làm để cho cuộc sống của họ mang lại nhiều điều tốt đẹp, ý nghĩa hơn.
Tôi trả lời với họ: “Hãy trao cho nhau những nụ cười. Người chồng hãy luôn luôn nở nụ cười với vợ mình. Người vợ hãy luôn nở nụ cười với chồng mình. Các bậc phụ huynh hãy nở nụ cười với con cái mình. Tất cả mọi người trong gia đình hãy trao nhau những nụ cười trong những cái nhìn yêu thương, thân mến. Hãy làm cho tình yêu thương được lớn lên từng ngày trong gia đình quý vị, nơi quý vị sống và nhất là trong chính cuộc sống của quý vị.”
Lúc đó, có một người trong nhóm du khách hỏi tôi: “Thưa bà, bà có lập gia đình không?” Tôi trả lời: “Vâng, tôi đã kết hôn với Chúa Giêsu. Và có những lúc tôi cảm thấy nở nụ cười với Chúa Giêsu thật là khó, vì Người luôn muốn lúc nào tôi cũng phải nở nụ cười với Người….”
Điều này thật đúng: có những lúc Chúa Giêsu có thể đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta thật nhiều, có lúc vượt quá sức chúng ta. Nhưng chính trong những lúc như thế, nụ cười chúng ta nở ra với Chúa Giêsu sẽ đẹp hơn, rạng rỡ hơn và có ý nghĩa nhiều hơn.
Thật sự, đây là những điều mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta thực hiện: hãy thương yêu nhau như Chúa Cha đã yêu thương chúng ta. Tình yêu thương đó thể hiện ở việc Chúa Cha đã ban chính Con Một Người chịu chết đền tội thay cho nhân loại, để nhân loại được sống đời đời (Ga 3, 16). Tình thương yêu đó phải được thể hiện cho nhau nơi từng thành viên trong gia đình chúng ta.
Nếu chúng ta thật sự muốn chinh phục thế giới, chúng ta sẽ dùng loại vũ khí gì? Bom đạn tàn phá, bạo lực, chiến tranh…? Không phải! Chúng ta không thể chinh phục được thế giới bằng bạo lực, bom đạn, chiến tranh tàn phá, hủy diệt. Chỉ có một loại vũ khí duy nhất có thể chinh phục được thế giới, đó là tình thương yêu của chúng ta. Điều quan trọng là mỗi ngày, chúng ta hãy đan dệt tấm vải cuộc đời chúng ta bằng những sợi chỉ nhỏ hy sinh và tình thương yêu. Đó chính là loại vũ khí làm cho chúng ta có thể chinh phục được lòng người trong cuộc sống gia đình, trong cộng đồng xã hội và trong thế giới.
Người nghèo là những con người tuyệt vời và đáng yêu. Họ xứng đáng để cho chúng ta tỏ lòng biết ơn, trân trọng, vì họ là những mẫu gương, những anh hùng có khả năng chịu đựng mọi đau khổ, nghịch cảnh, thách thức trong cuộc sống vốn khắc nghiệt hơn chúng ta nhiều. Chúng ta nhận rất nhiều điều nơi những con người nghèo khổ, bị bỏ rơi, hất hủi… mà chúng ta giúp đỡ. Khi chúng ta làm cho họ điều gì, không phải là chúng ta chỉ làm cho chính họ, mà là chúng ta còn làm cho chính Chúa Giêsu nữa.
Xin hãy cầu nguyện nhiều cho chúng tôi. Xin hãy cầu nguyện cho những người giúp đỡ chúng tôi. Xin cũng hãy cầu nguyện cho các tu sĩ nam nữ của chúng tôi, những cộng tác viên của chúng tôi nữa; để nhờ đó, chúng tôi sẽ không để cho công việc của Chúa Giêsu ra vô ích do tại những điều không thể tránh khỏi nơi bản tính con người yếu đuối của chúng tôi; để nhờ đó, mỗi công việc phục vụ, yêu thương người nghèo khổ, bất hạnh, bị bỏ rơi của chúng tôi đều là vì Chúa Giêsu, cho Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu.
Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe.
Philip Trần, ĐCV Xuân Lộc chuyển ngữ