Lời Chúa Thứ Tư, 25-01-2023 THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI, Lễ Kính Kết thúc Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất Mc 16, 15-18  “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài biến đổi Saulô, kẻ bách hại Ngài, thành một Tông đồ”

LECTIO DIVINA

Thứ , 25-01-2023

THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI, Lễ Kính

Kết thúc Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất

Mc 16, 15-18

 Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài biến đổi Saulô, kẻ bách hại Ngài, thành một Tông đồ

1.LECTIO

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo

Bài đọc Tin Mừng hôm nay (Mc 16, 15-18) nói về sứ mệnh truyền giáo đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng và (nói) về những dấu chỉ bảo vệ và quyền năng đi theo các tín hữu, (tất cả) được thể hiện đầy đủ trong cuộc đời và con người của Thánh Phaolô. Thánh nhân đã đi đến thế giới dân ngoại để rao giảng Tin Mừng về sự cứu độ (x. Cv 9,15 ; 22,15.21 ; 26,17). Ngài đã được rửa tội bởi Anania ở Đamát (x. Cv 9). Hoàn toàn vâng phục Đức Kitô trong đức tin, thánh nhân đã trở thành máng chuyển ơn cứu độ của Thiên Chúa cho các dân tộc. Ngài làm cho người què ở Lystra đi được (x. Cv 14, 8-10). Qua vị tông đồ này, Thiên Chúa đã thực hiện những phép lạ phi thường ở Êphêsô (x. Cv 19). Ngay cả những chiếc khăn tay và những tấm tạp dề (đeo che ngực khi nấu ăn) mà Phaolô đã dùng cũng được mang đến cho người bệnh, thế là bệnh tật của họ đã được xua đuổi, và các thần dữ phải ra khỏi các bệnh nhân (x. Cv 16, 16-18). Tại Troas, Phaolô phục sinh cho Eutychus, người trong bữa ăn hiệp thông buổi tối, ngồi ngủ gật bên cửa sổ, đã ngã từ tầng thứ ba xuống đất. Khi người ta đến nâng Eutychus dậy, thì anh ta đã chết, nhưng Phaolô đã trả anh ta lại cho họ trong tình trạng vẫn sống (x. Cv 20, 9-12). Sau một vụ đắm tàu ​​ở Malta, Phaolô bị rắn cắn nhưng không hề hấn gì (x. Cv 28, 1-6). Cũng tại Malta, Phaolô đã chữa lành cho ông bố của Publius, tù trưởng của hòn đảo, và nhiều người khác (x. Cv 28, 7-8). Bất cứ đến nơi nào, Phaolô đều nói một “ngôn ngữ hoàn toàn mới”, – tức Tin Mừng về Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa – một “ngôn ngữ mới” tuyệt diệu của tình yêu và sự cứu độ.

2.MEDITATIO
Tôi có thấy kinh nghiệm thần bí là một yếu tố quan trọng trong việc trở lại của Thánh Phaolô và trong sự hoán cải của chính tôi không ?
Tôi có thực sự xác tín về sứ mệnh cấp bách phải làm chứng cho Đức Kitô không ? Thánh Phaolô chỉ là mẫu mực về điều mà mọi Kitô hữu phải trở thành, tức là thành một người, một khi đã tin vào Đức Kitô Phục sinh, thì sẵn sàng để cho Chúa Thánh Thần biến đổi và đào tạo mình trở thành một tông đồ xác tín về sứ vụ của Đức Kitô. Rất cần có những tông đồ đầy xác tín để mang danh của Đức Kitô đến cho mọi dân tộc ! Đừng nhầm lẫn: dù cuộc khủng hoảng trong Kitô giáo có là gì, chúng ta vẫn không thiếu những người thợ ; chỉ thiếu những người có sự xác tín sâu sắc vào Chúa Giêsu. Tôi đã đủ xác tín chưa?
3.ORATIO

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Cha đã ban Tin Mừng cho toàn thế giới thông qua sự rao giảng của thánh Phaolô, Tông đồ của Cha. Xin cho chúng con là những người đang mừng kính sự trở lại của ngài, được bắt chước ngài trong việc làm chứng cho sự thật của Cha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, là Con của Cha và là Chúa chúng con, Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Saulô ! Saulô ! Sao ngươi bắt bớ Ta ?

5.ACTIO

Sống Ngày Kết thúc Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất, tôi thực hành lời dạy này của ĐTC Bênêđictô XVI :

Cuộc trở lại của Thánh Phaolô cung cấp cho chúng ta một mẫu gương chỉ cho chúng ta con đường đi đến hiệp nhất trọn vẹn. Thực ra hiệp nhất cần hoán cải: từ chia rẽ đến hiệp thông, từ sự hiệp nhất bị bể nát thành được chữa lành rồi đến hiệp nhất trọn vẹn. Việc hoán cải là hồng ân của Đức Kitô Phục Sinh, như Người đã ban cho Thánh Phaolô. Chúng ta nghe được điều này từ chính Thánh Tông Đồ : ‘Tôi trở nên như thế này là nhờ ơn Thiên Chúa’ (1 Cor 15, 10).

Cùng một Chúa, Đấng đã gọi Thánh Phaolô trên đường đi Đamascô, cũng nói với các phần tử của Hội Thánh – là một Hội Thánh duy nhất và thánh thiện – cùng gọi tên mỗi người mà hỏi: Tại sao con lại chia xẻ Ta ? Tại sao con lại làm tổn thương sự hiệp nhất của Thân Thể Ta ?

Hoán cải bao hàm hai bình diện. Trong bước đầu, chúng ta nhìn nhận lỗi lầm của chúng ta theo ánh sáng của Đức Kitô, và sự nhìn nhận này trở thành đau buồn và hối hận, mong ước được làm lại từ đầu. Trong bước thứ hai, chúng ta nhận ra rằng con đường mới này không thể đến từ chúng ta. Nó cốt yếu ở việc chúng ta để cho mình được Đức Kitô chinh phục. Như Thánh Phaolô nói:Tôi đang tiếp tục cố gắng theo đuổi trong hy vọng là tôi đạt được điều ấy, bởi vì quả thật tôi đã bị Ðức Giêsu Kitô chinh phục rồi’ (Phil 3, 12).

Hoán cải đòi chúng ta phải thưa ‘xin vâng’, ‘sự theo đuổi’ của tôi; điều đó sau cùng không phải là hoạt động của tôi, mà là một hồng ân, một việc để cho mình được Đức Kitô uốn nắn; là chết và sống lại. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô đã không nói: ‘Tôi đã hoán cải’ mà lại nói ‘Tôi đã chết’ (Gal 2,19), tôi là một tạo vật mới. Trên thực tế, việc trở lại của Thánh Phaolô không phải là một bước từ vô luân lý sang luân lý, từ một niềm tin sai lầm sang một niềm tin đúng, nhưng việc hoán cải ấy là một con người được Đức Kitô chinh phục: việc từ bỏ sự hoàn hảo của chúng ta; đó là lòng khiêm nhường của người hiến thân hoàn toàn cho việc phục vụ của Đức Kitô dành cho anh em mình. Và chỉ trong sự từ bỏ mình này, trong sự trở nên giống Đức Kitô thì chúng ta cũng sẽ kết hợp với nhau; chúng ta trở nên ‘một’ trong Đức Kitô. Chính sự hiệp thông với Đức Kitô Phục Sinh là điều đem lại cho chúng ta sự hiệp nhất(ĐTC Bênêđictô XVI, Huấn Từ bế mạc Tuần Lễ Hiệp Nhất Kitô giáo, 2009).

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.