LECTIO DIVINA
‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’
Thứ Năm Tuần II Mùa Chay, 04-3-2021
Lc 16, 19-31
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi ; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ”
Mỗi khi có điều gì quan trọng cần truyền đạt, Chúa Giêsu thường sáng tác một câu chuyện và kể một dụ ngôn. Bằng cách này, qua sự suy tư về một thực tại vô hình, Chúa hướng dẫn những người lắng nghe Ngài khám phá ra tiếng gọi vô hình của Thiên Chúa, Đấng hiện diện trong cuộc đời họ. Một dụ ngôn được đưa ra là để người nghe suy nghĩ, suy gẫm. Vì lý do này, điều quan trọng là phải chú ý đến ngay cả những chi tiết nhỏ nhất. Trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, có ba nhân vật: La-da-rô nghèo, người giàu không có tên và Tổ phụ Abraham. Trong dụ ngôn, Abraham tượng trưng cho suy nghĩ của Thiên Chúa. Người giàu không có tên là biểu tượng của tư tưởng thống trị thời bấy giờ. La-da-rô đại diện cho tiếng kêu thầm lặng của người nghèo vào thời Chúa Giêsu và mọi thời đại.
Chìa khóa để hiểu ý nghĩa của Tin Mừng hôm nay là anh La-da-rô nghèo khó, ngồi trước cửa nhà người giầu! Thiên Chúa hiện thân trong thân phận người nghèo, đang ngồi trước cửa nhà chúng ta, để giúp chúng ta che lấp vực thẳm khổng lồ mà người giàu đã tạo ra. La-da-rô cũng là Chúa Giêsu, Đấng Mê-si-a nghèo khổ và là đầy tớ, người không được chấp nhận, nhưng cái chết của Ngài đã thay đổi hoàn toàn mọi sự. Và mọi thứ thay đổi theo cái chết của người nghèo. Nơi bị dằn vặt, dày vò, bị tra tấn là hoàn cảnh không có Thiên Chúa. Mặc dù người giàu nghĩ rằng mình có tôn giáo và đức tin, nhưng trên thực tế, người ấy không ở với Thiên Chúa vì anh ta không mở rộng cửa cho người nghèo như Gia-kêu đã làm (x. Lc 19, 1-10).
Dụ ngôn “Người giàu có và La-da-rô” trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 16, 19-31) phải được đọc dựa trên bối cảnh là việc Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ cách sử dụng tiền bạc cách đúng đắn. Qua câu chuyện đầy uy lực này, Vị Thầy thần linh củng cố lời dạy của mình rằng của cải phải được sử dụng đúng cách để mang lại niềm an ủi cho người nghèo. Dụ ngôn là một bản cáo trạng chống lại những người giàu ngày nay, là những người không quan tâm đến người nghèo và nhẫn tâm trước những tai họa của thế giới đến nỗi không thể hiểu được, ngay cả khi “người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (câu 31).
2. MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)
– Đâu là thái độ của tôi đối với người nghèo La-da-rô, đang nằm trước cửa nhà tôi? Tôi có quan tâm gì không ; hay tôi thờ ơ với những nhu cầu và sự thống khổ của người nghèo?
– Tôi có tín thác vào Thiên Chúa, và để tương lai của tôi được Ngài bảo đảm cho không? Tôi có tin rằng Thiên Chúa tìm kiếm tâm hồn và thăm dò tâm trí sẽ thưởng cho tôi tùy theo việc làm của tôi không?
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
Lạy Cha yêu thương, xin nhân từ nhìn đến La-da-rô trước cửa nhà chúng con. Xin ban cho chúng con ơn biết lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và đáp ứng nhu cầu của họ. Xin đừng để chúng con nhẫn tâm trước sự dày vò, đau đớn của họ. Xin ban cho chúng con sức mạnh từ bi của Cha để chúng con có thể được thúc đẩy đặt để La-da-rô đáng thương ngày nay vào trong lòng chúng con. Cha là công chính và thương xót. Cha thưởng cho chúng con tùy theo việc làm của chúng con. Xin cho chúng con luôn đặt niềm tín thác vào Cha. Cha hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân” (Gr 17, 7)
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
– Tôi thực hành chay tịnh Mùa Chay và dâng hoa trái hy sinh của tôi để giúp đỡ người nghèo và người đói.
– Trong lựa chọn cơ bản để phụng sự Chúa, tôi không ỷ nại vào sức lực riêng của mình, nhưng tôi nhìn nhận tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa, Đấng củng cố tôi cho những việc bác ái.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.