Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXX-TN, 26-10-2020 (Lc 13, 10-17) “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Lòng thương xót của Ngài vượt trên luật ngày Sa-bát”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

Thứ Hai Tuần XXX-TN, 26-10-2020

Lc 13, 10-17

 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Lòng thương xót của Ngài vượt trên luật ngày Sa-bát”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, … thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?”

          Tin Mừng hôm nay (Lc 13, 10-17) cho thấy, sứ vụ thương xót của Chúa Giêsu bị đe dọa bởi một ràng buộc pháp lý. Một người phụ nữ bị tê liệt bởi một căn bệnh khiến bà không thể đứng thẳng được. Chúa Giêsu giải thoát bà khỏi sự trói buộc của bệnh tật, khi Chúa giảng dạy tại hội đường vào ngày Sa-bát. Ông trưởng hội đường phẫn nộ vì thấy Chúa không giữ luật ngày Sa-bát, nhưng ông ta không dám trực tiếp quở trách Chúa Giêsu; ông bèn nói với đám đông: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!”. Người phụ nữ đã phải chịu đựng bệnh tật 18 năm rồi, và ông trưởng hội đường muốn Chúa Giêsu đợi thêm một ngày nữa để chữa bệnh cho bà ấy. Nhưng tác vụ thương xót của Chúa Giêsu không thể bị ràng buộc hay bị trì hoãn. Sự phát triển của nước Thiên Chúa không thể bị dập tắt bằng việc giải thích sai lầm, câu nệ về luật ngày Sa-bát. Chúa Giêsu vạch trần thói giả hình (của họ), bằng cách lập luận từ điều nhỏ hơn đến người lớn hơn: “Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?”. Nước của Thiên Chúa cao hơn luật ngày Sa-bát. Ý nghĩa của ngày Sa-bát được thể hiện bởi những việc làm đầy lòng thương xót đối với những người khao khát sự an ủi và bình an của Thiên Chúa và được “nghỉ ngơi” khỏi nỗi thống khổ của họ.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Tôi thực sự là người có lòng thương xót hay tôi để cho mình bị tê liệt bởi sự nệ luật? Tôi có hoàn toàn “tự do” thực hiện các việc thương xót cho người khao khát sự an ủi và bình an của Thiên Chúa không? Tôi có bước đi trong tình yêu, giống như Đức Kitô không? Bằng cách nào?

–      ĐTC Phanxicô bảo: “Cách tốt nhất để phân định xem việc cầu nguyện của chúng ta có chân thực hay không, đó là xét xem mức độ mà đời sống chúng ta được biến đổi trong ánh sáng của lòng thương xót. Vì ‘lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha; nó còn là một tiêu chuẩn để xác nhận ai là con cái đích thực của Ngài’” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 105).

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

          Lạy Cha yêu thương, chúng con cảm tạ Cha về Chúa Giêsu là Chủ, và là Chúa của ngày Sa-bát. Ngài dạy lòng thương xót và sự khôn ngoan để vượt qua sự giải thích sai lầm, nệ luật. Xin giúp chúng con “tự do” thực hiện các việc thương xót cho những người đang tìm kiếm sự “yên nghỉ” từ nỗi thống khổ của họ và đang khao khát sự an ủi và bình yên của Cha. Xin ban cho chúng con ân sủng bước đi trong tình yêu, giống như Đức Kitô. Lạy Cha yêu dấu, chúng con yêu mến và phục vụ Cha, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Bà này chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?”

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

          ĐTC Phanxicô nói: “Những ai thực sự mong muốn tôn vinh Thiên Chúa bằng đời sống của mình, những ai thực sự khao khát lớn lên trong sự thánh thiện, họ được mời gọi chuyên chăm và bền bỉ trong thực thi các công việc của lòng thương xót (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 107).

          Vậy, bằng những lời nói tử tế và những việc bác ái, tôi xoa dịu nỗi đau của những người đau khổ.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.