LECTIO DIVINA
Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay, 02-3-2024
Lc 15, 1-3.11-32
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là hiện thân tình yêu tha thứ của Thiên Chúa”
“Em con đây đã chết mà nay lại sống”
Bài đọc Tin Mừng hôm nay (Lc 15, 1-3, 11-32) có nội dung thường được gọi là “Dụ ngôn về đứa con hoang đàng”, một tên gọi bị coi là dùng từ không đúng. Tên phổ biến (của dụ ngôn) không cho thấy rằng người cha có hai đứa con trai đều bị lạc mất cả hai, chứ không phải chỉ một đứa đi hoang. Tuy nhiên, người con trai lớn phẫn uất không biết rằng mình đã “lạc mất”. Mặc dù gần gũi về thể lý với ông bố, người con trai lớn cũng lạc mất như một người đã lên đường đến một đất nước xa xôi, phung phí tài sản thừa kế của mình trong một cuộc sống phóng túng.
Nhiều người khác thích gọi câu chuyện này là “Dụ ngôn về người cha hoang đàng”. Theo Aelred Rosser, “Tôi đồng ý với những người cảm thấy rằng câu chuyện nên được gọi cách thích đáng hơn, là dụ ngôn về người cha hoang đàng. Rõ ràng, điểm mà Chúa Giêsu nhấn mạnh trong câu chuyện này không phải là cậu con thứ (hoặc cậu con cả) xấu đến mức nào, mà là người cha tốt đến mức nào. Chính người cha quá đáng, phung phí và vô độ, không chút tằn tiện về sự tha thứ và lòng thương xót của ông. Chính người cha đã hoang phí tình yêu và sự hòa giải trên hai đứa con. Ở đây, người cha là người tiêu xài hoang phí thực sự, không tiếc công của để mừng đứa con trai ngỗ ngược trở về nhà. Sự miễn cưỡng tha thứ của anh con cả trước sự hào phóng tương tự khiến người cha càng thêm rộng lượng”.
Dụ ngôn về tình yêu hoang phí của Chúa Cha được hoàn tất trong Chúa Giêsu Kitô. Khi mang lấy bản chất con người, Chúa Giêsu trở nên hoàn toàn đồng nhất với đứa con trai ngỗ ngược và từng tội nhân. Chúa đã trải nghiệm sự xa lánh do tội lỗi của loài người gây ra. Qua cuộc tử nạn và cái chết của mình, Chúa mang lấy gánh nặng tội lỗi như một phương tiện để xóa tội và cứu chuộc. Khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, qua việc lớn tiếng kêu lên: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46), Chúa Giêsu đã cảm nghiệm được cuộc “trở về nhà” tột cùng. Trong biến cố cứu độ độc nhất vô nhị đó, Chúa cũng mang đến sự “trở về nhà” cho những đứa con thất lạc của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, trong Chúa có ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa là hiện thân tình yêu hoang phí của Chúa Cha. Xin ban cho chúng con ân sủng của lòng từ bi và sức mạnh để tha thứ cho những ai có lỗi với chúng con. Xin cho tội lỗi của chúng con được ném xuống đáy biển sâu và cho chúng con được an ủi bởi lòng khoan dung của Thiên Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
“Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển” (Mi 7, 19)
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.