Lời Chúa Lễ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, 09-01-2023 Mt 3, 13-17 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Phép rửa Ngài chịu, là sự Hiển linh và Tấn phong Thiên Sai”

LECTIO DIVINA

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, 09-01-2023

Mt 3, 13-17

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Phép rửa Ngài chịu, là sự Hiển linh và Tấn phong Thiên Sai

1.LECTIO

Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống ngự trên Người

Cử hành việc Chúa Giêsu chịu phép rửa vào Chúa Nhật hôm nay sẽ kết thúc mùa Giáng Sinh – Hiển Linh một cách thích hợp. Ngày mai bắt đầu Mùa Thường Niên nhấn mạnh đến sứ vụ hàng ngày của Chúa Giêsu nơi những người trong thời của Ngài và nơi đàn chiên mà Ngài tiếp tục chăn dắt ở đây và lúc này. Ngày lễ Chúa chịu phép rửa chứa đựng ý nghĩa vô cùng to lớn và sự phong phú sâu sắc đối với cộng đoàn tín hữu ngày nay. Tại Sông Giođan, nơi Chúa Giêsu gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình, có một sự hiển linh, một sự tấn phong thiên sai và việc được Thánh Thần xức dầu, và trên hết, là một sự biểu hiện trước bằng hình bóng về Mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô.

Đỉnh điểm trong tường thuật của Matthêu về phép rửa Chúa Giêsu chịu, là việc xác định Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Tiếng nói được nói ra cách công khai cho những người hiện diện và có tính cách mặc khải. Đối với tác giả Tin Mừng Matthêu, sự kiện Chúa chịu phép rửa là một sự hiển linh – một sự biểu lộ cho thế giới biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, hoàn toàn cam kết phục vụ kế hoạch cứu độ thiên sai của Chúa Cha. Học giả Kinh Thánh, Daniel Harrington, nhận xét: “Mối quan tâm hàng đầu của Matthêu là chứng tỏ cho thấy rằng ngay từ khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của mình, Chúa được nhìn nhận công khai là Con Thiên Chúa. Điều này sẽ làm rõ ý nghĩa của mọi việc Chúa Giêsu thực hiện trong quá trình thi hành sứ vụ. Sứ vụ của Chúa Giêsu là của Con Một Thiên Chúa. Một kỷ nguyên mới dưới quyền năng của Thiên Chúa đã bắt đầu, trong đó mọi kế hoạch của Thiên Chúa sẽ được hoàn thành”.

Thánh sử Matthêu mô tả sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan là một cuộc tấn phong thiên sai nhờ sự xức dầu bởi Thánh Thần : “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người”. Nét đặc sắc riêng biệt trong sứ vụ của Chúa Giêsu với tư cách là Đấng Thiên Sai (Mêsia) phải được hiểu trong bối cảnh của Người Tôi Tớ Đau Khổ : “Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42, 6-7). Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ yêu dấu làm theo ý của Thiên Chúa. Khi chịu phép rửa ở sông Giođan, Chúa Giêsu được tỏ ra là Đấng Thiên Sai (Mêsia) đã được hứa từ xưa, người đáp lại lòng mong đợi của Israel về việc “các tầng trời sẽ mở ra và đổ mưa Đấng Công Chính” (Is 45, 8). Là Đấng Mêsia đích thực, Chúa Giêsu mang đến ân huệ và ân sủng của Thiên Chúa. Là sự hoàn tất những khao khát Mùa Vọng của chúng ta, Chúa Giêsu trở thành món quà Giáng Sinh tối thượng của Chúa Cha nhân từ ban cho chúng ta.

Với việc chịu phép rửa, Chúa Giêsu được Thánh Thần Thiên Chúa xức dầu và được đầy tràn quyền năng của Thánh Thần. Nhà thần học Kinh Thánh, Francis Durrwell, nhận xét: “Sự thần hiển ở sông Giođan đánh dấu sự khởi đầu cuộc đời công khai của Đức Kitô. Thiên Chúa bảo đảm cho Chúa Giêsu thành Nazareth: tiếng từ trời cho thấy Chúa Giêsu là Người Con ; sự hiện diện của Chúa Thánh Thần chứng tỏ Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai (Mêsia), Đấng Được Xức Dầu của Giavê, Đấng được quyền năng của Thiên Chúa cư ngụ. Giống như những anh hùng ngày xưa, Chúa Kitô bước vào sự nghiệp của Ngài theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần”. Với sự xức dầu của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu được trao quyền làm một tiên tri để mang tin mừng cứu rỗi cho tất cả mọi người và giải phóng những ai đang bị tội lỗi và sự dữ kìm kẹp.

2.MEDITATIO  
Đối với cá nhân tôi, việc Chúa Giêsu chịu phép rửa là một “sự hiển linh” có ý nghĩa gì ?
Tôi có hiểu ra nét đặc sắc “hiển linh” trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là một hành động yêu thương của Thiên Chúa không ?
Ơn gọi và sứ mệnh của Người Con – Tôi Tớ thách thức tôi như thế nào ?
Tôi có hoàn toàn để cho mình được chi phối bởi ý tưởng về sự vượt qua hàm chứa trong phép rửa tội của chúng ta không ?
Trong cuộc sống hàng ngày, tôi có sẵn sàng chết đi và sống lại với Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà phép rửa Ngài chịu trong nước sông Giođan là biểu thị sự Ngài tắm máu trên đồi Can-vê và sự sống lại của Ngài trong vinh quang Phục Sinh không ?
3.ORATIO  

Lạy Cha yêu thương và là Thiên Chúa toàn năng của chúng con, Cha đã tôn vinh quà tặng mới của Cha là phép rửa, bằng những dấu chỉ và việc kỳ diệu tại sông Giođan. Tiếng nói của Cha đã được nghe từ trên trời để đánh thức đức tin vào sự hiện diện giữa chúng con của Ngôi Lời làm người. Thánh Thần của Cha được nhìn thấy như chim bồ câu, mặc khải Chúa Giêsu là tôi tớ của Cha và xức dầu hoan lạc cho Ngài làm Đấng Kitô, được sai đến mang tin mừng ơn cứu rỗi cho người nghèo. Chúng con cảm ơn và ngợi khen Cha đã cho chúng con được dìm vào định mệnh vượt qua trao ban sự sống của Đức Kitô nhờ Bí tích Rửa Tội. Được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, xin giúp chúng con trung thành với sự thánh hiến trong Bí tích Rửa Tội và ơn gọi Kitô hữu của chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Và có tiếng từ trời phán : Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người

5.ACTIO  

Sống Tin Mừng hôm nay theo gợi ý từ lời dạy này :Việc chúng ta trở thành con cái bắt đầu từ ngày Rửa Tội, cho chúng ta được dìm mình trong Chúa Kitô và làm cho chúng ta trở thành những người con yêu dấu của Chúa Cha. Chúng ta đừng quên ngày Rửa Tội của chúng ta! Nếu bây giờ tôi hỏi anh chị em: ngày Rửa Tội của anh/chị là ngày nào ? Có thể một số sẽ không nhớ. Một điều đẹp là hãy nhớ ngày Rửa Tội của mình, bởi vì đó là ngày tái sinh của chúng ta, giây phút chúng ta trở thành con Thiên Chúa với Chúa Giêsu ! Nếu không nhớ, khi trở về nhà, hãy hỏi mẹ, dì, ông bà: “Con rửa tội ngày nào ?’, và học cách mừng lễ ngày được Rửa Tội, để tạ ơn Chúa(ĐTC Phanxicô, Kinh Truyền Tin, ngày 09.01.2022).

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác

.

.

Comments are closed.