LECTIO DIVINA
Chúa Nhật XV-TN_C, 10-7-2022
Lc 10, 25-37
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài dạy ta yêu người thân cận của ta”
“Ai là người thân cận của tôi ?”
Bài đọc Tin Mừng về Người Samaritanô nhân hậu (Lc 10, 25-37), được đặt trong bối cảnh cuộc hành trình vượt qua của Chúa Giêsu tiến tới thập giá, nhấn mạnh một yếu tố quan trọng của việc làm môn đệ Đức Kitô : yêu thương người thân cận. Dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu mô tả người Kitô hữu được đòi hỏi phải tích cực phục vụ. Cùng với câu chuyện hai môn đệ đạo đức Marta và Maria (Lc 10, 38-42), về sự ưu tiên cho việc lắng nghe lời Chúa Giêsu, dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu giúp mô tả hình ảnh bao hàm toàn diện của Luca về việc làm môn đệ là tình yêu của Chúa Giêsu hiện diện trong người thân cận của chúng ta (bác ái tích cực) và trong Lời hằng sống của Ngài (cầu nguyện chiêm niệm).
Thật vậy, việc làm môn đệ Đức Kitô không phải là vấn đề kiến thức trí tuệ, mà là tình yêu thương hoàn toàn tuyệt đối của Chúa Giêsu, như được thể hiện cụ thể qua các hành động phục vụ và trắc ẩn đối với anh chị em đang khó khăn túng thiếu của chúng ta. Con đường dẫn đến sự sống đời đời không chỉ đơn thuần là nhận thức của tâm trí về những gì được ghi trong luật pháp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (x. Đnl 6, 4-5 ; Lv 19, 18) hoặc khả năng diễn đạt giới răn này bằng lời nói, nhưng là biến mệnh lệnh yêu thương kép này thành hành động.
Trong lời tường thuật của Luca, thầy thông luật thích tranh tụng đã đặt ra câu hỏi về sự sống đời đời nhằm làm Chúa Giêsu lúng túng, nhưng ông ta đã thất bại trong nỗ lực của mình. Thế rồi, ông ta cố gắng “biện minh cho chính mình” vì Chúa Giêsu đã làm cho câu hỏi nghèo nàn động lực thúc đẩy của ông ta xem ra quá dễ trả lời. Do đó, ông ta đã nêu ra câu hỏi hóc búa và mang màu sắc chính trị, là câu hỏi chỉ có trong Tin Mừng Luca : “Vậy ai là người thân cận của tôi ?” (Lc 10, 29). Nhà thần học người Đức Dietrich Bonhoffer nhận xét: “Câu hỏi cuối cùng ‘Ai là người thân cận của tôi ?’ là hành động của một người khi bỏ đi trong sự tuyệt vọng (hay nói cách khác trong sự tự tin); thầy thông luật cố gắng biện minh cho sự bất phục của mình. Câu trả lời là: ‘Bạn là người thân cận. Hãy đi và cố gắng vâng phục bằng cách yêu thương người khác’. Tình thân cận không phải là một phẩm chất ở người khác; nó chỉ đơn giản là đòi hỏi của tha nhân về chính chúng ta. Mỗi khoảnh khắc và mỗi tình huống đều thách thức chúng ta hành động và phục tùng. Quả thực chúng ta không có thời gian để ngồi xuống và tự hỏi xem liệu ai đó có là người thân cận của chúng ta hay không. Chúng ta phải hành động và phục tùng – chúng ta phải cư xử như một người thân cận đối với người ấy”.
Dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu dạy chúng ta rằng khái niệm “người thân cận” không phải là vấn đề về mối quan hệ huyết thống, quốc tịch hay sự hiệp thông đạo đức tôn giáo. Không có định nghĩa lý thuyết nào về người thân cận hoặc giới hạn thực tế đối với những người mà chúng ta có thể coi là người thân cận. “Người thân cận” của chúng ta là người mà chúng ta đến gần vì người ấy đang cần chúng ta giúp đỡ và khơi gợi lòng trắc ẩn của chúng ta. Hơn nữa, dụ ngôn của Luca giúp chúng ta tập trung vào dung mạo của Đức Kitô, người Samaritanô nhân hậu tuyệt vời và người thân cận tối thượng của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con không hỏi những câu hỏi nhỏ nhặt, “Ai là người thân cận của chúng con ?” Nhưng đúng hơn, chúng con đặt câu hỏi quan trọng: “Chúng con có phải là người thân cận của những anh chị em của chúng con đang cần chúng con giúp đỡ không ?” Xin đổ đầy chúng con với sự khôn ngoan và tình yêu để chúng con biết quan tâm đến những người thỉnh cầu sự tử tế và lòng trắc ẩn của chúng con. Chúa là người Samaritanô nhân hậu và là người thân cận đích thực của chúng con. Với Chúa sống trong chúng con và chúng con sống trong Chúa, xin cho chúng con trở thành hiện thân tình yêu của Chúa là một Người Samaritanô nhân hậu vị tha và là người thân cận đáng yêu đối với những người thiếu thốn. Chúng con ca ngợi và tôn thờ Chúa, bây giờ và mãi mãi. Amen.
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.