LECTIO DIVINA
CHÚA NHẬT LỄ LÁ_A, 02-4-2023
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
Mt 26, 14 – 27, 66
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Cuộc Khổ Nạn của Ngài là một Nghịch Lý”
“Cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu, Chúa chúng ta”
Trong đức tin, chúng ta tin rằng nỗi khổ đau của người nghèo và người vô tội trên thế giới là cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Cuộc khổ nạn của Đức Kitô vẫn diễn ra trong nỗi khổ đau của người nghèo và người vô tội trong thế giới ngày nay. Những lời của Đức Kitô thể hiện mãnh liệt nhất sự đau đớn cực độ về thể xác và tinh thần từ cuộc khổ nạn của Ngài và nỗi khổ đau của nhân loại qua các thời đại là những lời than thở mà Ngài đã thốt ra trên thập giá: “ ‘Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni’, nghĩa là ‘Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?’ ” (Mt 27, 46). Tiếng kêu cứu khỏi sự bỏ rơi và nỗi đau khổ tột cùng của Chúa Giêsu bắt nguồn từ những lời đầu tiên trong Thánh vịnh 22. Đó là tiếng kêu đau khổ nhưng không tuyệt vọng, vì lời than thở đau khổ này hướng đến Thiên Chúa, là một hình thức cầu nguyện khi khẩn cấp. Tiếng kêu than của Chúa Giêsu là một lời cầu nguyện mãnh liệt nhất về sự phó thác. Thánh vịnh 22 không chỉ là một lời cầu nguyện than thở, mà còn là sự bày tỏ niềm tín thác vui mừng vào chiến thắng cuối cùng do Thiên Chúa cứu độ thực hiện. Thật vậy, những lời của thánh vịnh đặc biệt này diễn tả một cách thích hợp nhất tâm tình của Chúa Giêsu vâng phục ý muốn cứu độ của Thiên Chúa và sự tín thác hoàn toàn của Ngài vào Chúa Cha.
Nhờ cuộc khổ nạn tột cùng và cái chết hy sinh của Đức Kitô, chúng ta cảm nghiệm được chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa. Aelred Rosser nhận xét: “Chúa Giêsu là khuôn mặt của Thiên Chúa. Trong tình yêu hy sinh chính mình của Ngài, chúng ta có một cái nhìn đầy ấn tượng và thuyết phục về cách Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Thậm chí nhiều thế kỷ sau, và cho đến khi thời gian biến tan vào vĩnh cửu, chúng ta vẫn phải cố gắng tìm hiểu một tình yêu mãnh liệt như vậy. Chúng ta thậm chí có thể thấy đó là điều không thể tin được. Nhưng đã có chuyện đó, và đó là nền tảng đức tin của chúng ta”.
Cộng đoàn đức tin đang cử hành tập trung cái nhìn chiêm ngưỡng vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô và mầu nhiệm cứu độ toàn vẹn của Ngài trong Tuần Thánh. Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa là một giới thiệu thích hợp cho việc suy niệm thánh này nhằm biến đổi cuộc sống. Harold Buetow nhận xét: “Hôm nay, với Tuần Thánh khởi sự, chúng ta bắt đầu tập trung chú ý vào trọng tâm của mầu nhiệm cứu độ. Đó là mầu nhiệm chết đi và sống lại, mầu nhiệm hạ xuống và nâng lên, mầu nhiệm chịu đau khổ và được tôn vinh, mầu nhiệm chết để được sống đời đời, mầu nhiệm chiến bại đã chiến thắng huy hoàng. Đó là một câu chuyện về sự thay lòng đổi dạ của đám đông, hôm nay thì hô “Hosanna, Hoan hô Chúa”, rồi Thứ Sáu Thánh lại đòi “Đóng đinh Chúa”. Đó là một câu chuyện trong đó đau khổ và hạnh phúc nối kết với nhau. Đó là một câu chuyện đầy mâu thuẫn: chẳng hạn, gọi hôm nay là “Chúa Nhật Khổ Nạn”, để nhấn mạnh đau khổ và sự chết, trong khi các từ “Chúa nhật Lễ Lá” nhấn mạnh vinh quang và chiến thắng… Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là một nghịch lý. Đó là câu chuyện về một người đầy tớ đau khổ, đồng thời cũng là một nhân vật hoàng gia – một câu chuyện về cả thân phận đầy tớ và vinh quang… Mỗi chúng ta đứng một mình trước Đức Kitô… Mỗi chúng ta phải xác định vị trí của mình bằng thái độ và hành động của mình”.
Lạy Thiên Chúa mến yêu, xin giúp chúng con thấu hiểu ý nghĩa cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô, và tham gia trọn vẹn vào sự kiện vượt qua này để chúng con có thể sống. Xin ban cho chúng con ân sủng noi gương Chúa Giêsu trong việc Ngài tự huỷ mình trên thập giá để chúng con có thể cảm nghiệm được niềm vui phục sinh và vinh quang của sự tôn vinh. Xin ban cho chúng con ân sủng sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu của chúng con là “hạt giống chết đi” để sinh hoa kết trái dồi dào. Chúng con đi theo hành trình vượt qua của Đức Kitô trong Tuần Thánh này và mỗi ngày trong cuộc đời của chúng con. Xin cho chúng con lấy đức tin sâu sắc và hành động cụ thể tuyên xưng rằng “Chúa Giêsu là Chúa!” đến muôn đời, muôn kiếp. Amen.
“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác