LECTIO DIVINA
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH_A, 30-4-2023
Ga 10, 1–10
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Cửa Cứu Độ và là Mục Tử Nhân Lành”
“Tôi là Cửa ràn chiên”
Sử dụng phép ẩn dụ về các mục tử và hình ảnh cánh cửa , bài đọc Tin Mừng hôm nay (Ga 10, 1-10) trình bày Chúa Giêsu là Mục Tử hợp pháp của đàn chiên và là cánh cửa của ràn chiên. Theo học giả Kinh Thánh, Neal Flanagan: “Cuộc tranh luận về con chiên và người chăn chiên có lẽ được Gioan sử dụng như một trình bày liên quan đến việc nhà chức trách bấy giờ lãnh đạo thật sai trái như thấy trong trường hợp người mù từ thuở mới sinh. Là những người mù tự hướng dẫn mình, nhà chức trách bấy giờ không chỉ không nhận ra ánh sáng soi đường là Chúa Giêsu, mà còn loại ra khỏi hội đường một con người dám nhìn nhận ánh sáng… Quan trọng đối với việc xác định mục đích của tác giả ở chỗ này là cần nhận thức rằng tác giả đang viết về Chúa Giêsu dựa theo bản văn của Ezekiel 34 với tầm nhìn rõ ràng. Trong đoạn văn đó, Ezekiel, thông truyền lời Thiên Chúa, đã hạch tội giới cầm quyền của thời đại ông. Họ đã trở nên vô trách nhiệm và thao túng việc chăn chiên, chỉ lo nuôi mình hơn nuôi chiên được giao cho mình. Vì vậy, Thiên Chúa sẽ dẹp bỏ việc chăn dắt sai trái của họ, và chính Chúa trở thành người chăn chiên. Cuối cùng, Chúa sẽ bổ nhiệm một mục tử khác theo hình ảnh của Đavit. Gioan thấy tất cả những điều này đã trở thành hiện thực trong Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã trở thành mục tử trong Chúa Giêsu, là Đấng Thiên Sai và là Con của vua Đavít. Lòng trung thành của Chúa Giêsu đối với các chiên của mình, sự hy sinh của Ngài cho chúng, nổi bật trái ngược với sự thất bại của những nhà chức trách vấp ngã, bưng tai bịt mắt, ngược đãi, nói ở chương 9… Chúa Giêsu là Vị MỤC TỬ NHÂN LÀNH được Chúa Cha yêu mến vì Ngài hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên. Chính hành động hoàn toàn tự hiến yêu thương này đã được nhắc đi nhắc lại như là động lực chính yếu. Qua ẩn dụ chủ chiên-đàn chiên nổi tiếng trong Cựu Ước (như ở Ed 34), việc chủ chiên hy sinh mạng sống của mình đã là một điều mới mẻ. Đó là chức năng đặc trưng của Chúa Giêsu. Chúa là mục tử nhân lành, đặc biệt là vì Chúa sẵn sàng hy sinh chính mình”.
Ẩn dụ chủ chiên-đàn chiên được xếp chồng lên ẩn dụ cửa ràn chiên. Là cửa ràn chiên, Chúa Giêsu cung cấp sự an toàn cho đàn chiên bằng cách ngăn chận kẻ cướp ra vào ràn chiên, và cung cấp thức ăn cho đàn chiên bằng cách dẫn chiên đến những vùng đất có đồng cỏ xanh tươi. Thật vậy, với tư cách là người bảo vệ chân chính và là mục tử hợp pháp, Chúa Giêsu là đường dẫn đến ơn cứu độ và sự sống viên mãn. Harold Buetow nhận xét: “Chúa Giêsu cũng tự xưng mình là Cửa ràn chiên. Trong thời đại của chúng ta có những cửa điện tử và tự động, với những chìa khóa và ổ khóa, chúng ta nghĩ tới những cánh cửa chủ yếu là những rào chắn có tính ranh giới để ngăn chận chuyện cướp bóc hoặc xâm phạm. Các cửa được dựng lên ở nơi công cộng và nơi riêng tư, trong lãnh thổ của tôi và lãnh thổ của bạn. Cửa ra vào thông chuyển tín hiệu chào khách hoặc sự từ chối trắng trợn ; cửa là rào chắn cuối cùng qua đó người canh gác liều mình chống lại kẻ thù xâm lược. Ngay cả trong thời đại không gian vũ trụ của chúng ta, những cánh cửa vẫn không mất đi những ý nghĩa đó. Nhưng Chúa Giêsu có nhiều điều hơn nữa trong tâm trí. Hãy tưởng tượng bạn là một nhà du hành vũ trụ đang đi bộ ngoài không gian. Khi thấy rằng dự trữ của mình trong không gian gần như đã hết, bạn nhận ra rằng đến lúc phải quay trở lại con tàu vũ trụ của mình. Bạn với lấy cái cần gạt và thấy cửa bị khóa. Bạn tuyệt vọng vuốt cánh cửa bị chốt khoá. Khi cánh cửa được mở ra từ bên trong và bạn bị kéo qua nó để được sống, bạn nhận ra tầm quan trọng của cánh cửa và ý nghĩa của cánh cửa sự sống.
Thật vậy, người bảo vệ đích thực của đàn chiên sẽ cho chúng ta đến được cuộc sống viên mãn. Chúa Giêsu đã công khai nói rõ sứ mệnh của Ngài là trao ban sự sống với tư cách là một mục tử: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Sứ mệnh mục tử của Chúa Giêsu hiến dâng mạng sống cho đàn chiên của mình đã được hoàn tất trong lễ hy sinh vượt qua của Ngài trên Thập giá dẫn đến sự phục sinh vinh quang của Ngài. Các tác giả của Bộ sách Những Ngày của Chúa, tập. 3, khẳng định: “Chúa Giêsu đã vượt qua cánh cửa tử thần để bước vào vinh quang: ‘Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Chúa và làm Đấng Cứu Thế”. Công bố sự phục sinh của Chúa Giêsu là nhìn nhận rằng Ngài là người dẫn đường cho những bước chân mà chúng ta phải tuân theo để có được sự sống, và có sung mãn hơn. Chúa dẫn đầu những người được cứu chuộc, dẫn họ đi trong cuộc xuất hành vượt qua của họ. Người mục tử này, có khuôn mặt mệt mỏi và kiệt sức vì đau khổ, nhưng cũng tỏa sáng, dẫn chúng ta tin tưởng đi trên những con đường khó khăn. Chúa canh chừng để không có gì đáng tiếc có thể xảy ra cho chúng ta. Nếu sương mù đôi khi che khuất tầm nhìn của chúng ta, thì giọng nói của Chúa tiếp tục dẫn chúng ta đi đúng hướng”.
Lạy Chúa Cha mến yêu, chúng con cảm ơn Cha về quà tặng Phục sinh là Chúa Giêsu Kitô, Cánh Cửa Cứu độ và là Mục tử nhân lành. Nhờ việc làm chứng về sự Phục sinh, xin cho chúng con có thể giúp cho mọi người thuộc mọi nền văn hóa và chủng tộc đáp ứng được với Chúa Giêsu, trong tinh thần sám hối, có dấu chỉ hiệu quả là Bí tích Rửa Tội. Xin hãy cho chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Chúng con yêu mến và phục vụ Cha, bây giờ và mãi mãi. Amen. Alleluia !
“Tôi là Cửa ràn chiên”
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác