Lời Chúa CHÚA NHẬT II MÙA CHAY_A, 05-3-2023 Mt 17, 1-9 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài biến đổi hình dạng trong Vinh Quang”

LECTIO DIVINA

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY_A, 053-2023

Mt 17, 1-9

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài biến đổi hình dạng trong Vinh Quang

1.LECTIO

Dung nhan Chúa Giêsu chói lọi như mặt trời

Trình thuật Biến hình (Mt 17, 1-9) được công bố trong cộng đoàn phụng vụ Chúa nhật thứ hai Mùa Chay nhằm soi sáng hành trình thiêng liêng Mùa Chay của Giáo Hội hướng tới vinh quang Phục sinh. Học giả phụng vụ Adrian Nocent nhận xét: “Việc lựa chọn đoạn Tin Mừng đặc biệt này rất quan trọng, và chúng ta phải chú ý đến việc lựa chọn này trong một lúc. Lúc này Giáo Hội đã tập hợp các dự tòng của mình trước mặt mình. Giáo Hội đã dẫn họ tới một cuộc sống khắc khổ như cuộc sống của Môsê và Êlia. Bây giờ, cùng với các Tông đồ, Giáo Hội đưa họ đến nơi biến hình. Quả thật, Đức Kitô sẽ được tôn vinh, nhưng Ngài đạt đến trạng thái đó bằng việc trải qua đau khổ và sự chết. Do đó, Giáo Hội đưa ra một chương trình bao gồm toàn bộ cuộc sống của bất cứ ai muốn bước xuống giếng rửa tội và chọn cuộc sống của Đức Kitô làm mẫu mực cho cuộc sống của mình. Rõ ràng, trong Chúa nhật thứ nhất của Mùa Chay, chúng ta thấy mình đã ở vào trung tâm của mầu nhiệm Vượt Qua, vì mầu nhiệm này có thể được tóm tắt bằng cách nói rằng nhờ Thập giá của mình, Đức Kitô đã bước vào vinh quang của Ngài”.

Đoạn Tin Mừng trình bày sự kiện kỳ diệu Chúa Kitô biến hình trên một ngọn núi cao (Mt 17, 1). Theo quan niệm truyền thống, núi này ám chỉ Núi Tabor, nhưng một số học giả Kinh Thánh thiên về núi Carmel hoặc núi Hermon thích hợp theo bề ngoài. Vẫn còn những người khác, như John McKenzie và Benedict Viviano cho rằng không cần phải xác định vị trí. John McKenzie nhận xét: “Rất có khả năng là ngọn núi này, giống như ngọn núi của Bài giảng Trên Núi (Mt 5, 11) không có vị trí địa lý. Đây là ngọn núi biểu tượng, trên đó các biến cố của Sinai được tái hiện trong cuộc đời của Môsê mới”.

Theo trình thuật của Matthêu, Chúa Giêsu biến đổi hình dạng trước mặt Phêrô, Giacôbê và Gioan, nhóm môn đệ thân thiết sẽ ở cùng Chúa Giêsu trong cơn hấp hối của Chúa tại vườn Giệt-si-ma-ni (x. Mt 26, 37). “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2). Sự kiện dung nhan của Chúa chói lọi như mặt trời gợi lên tình tiết khi Môsê từ núi Sinai xuống, cầm trên tay hai tấm bia Chứng Ước (x. Xh 34, 29-35). Da trên mặt Môsê vô cùng rạng rỡ sau khi nói chuyện với Giavê Thiên Chúa. Khuôn mặt đó tỏa sáng đến nỗi A-a-ron và con cái Israel không dám đến gần Môsê. Vì vậy, Môsê phải che mặt đi khi hết nói chuyện với họ. Giống như ánh sáng chói lọi của Môsê phát xuất từ cuộc gặp gỡ của ông với Thiên Chúa trên Núi Sinai, sự sáng chói của Chúa Giêsu trên ngọn núi mới của mặc khải bắt nguồn từ Thiên Chúa vinh quang. Thật vậy, Chúa Giêsu hơn Môsê, vì Chúa Giêsu là sự sáng ngời của vinh quang Chúa Cha – ánh sáng chói lọi của chính Thiên Chúa. Biến hình đổi dạng trên một ngọn núi cao, Chúa Giêsu phản ánh và làm ứng nghiệm sự sáng chói rực rỡ đã được hứa trong Is 60, 1-3. 19-20: “Đứng lên, bừng sáng lên ! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân ; còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Ánh sáng ban ngày của ngươi không còn là mặt trời nữa, và ban đêm, ngươi chẳng cần đến ánh trăng soi : ĐỨC CHÚA sẽ là ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi ngươi, ánh quang huy của ngươi là Thiên Chúa ngươi thờ. Mặt trời của ngươi sẽ không bao giờ lặn, mặt trăng của ngươi cũng chẳng hề tàn, vì ĐỨC CHÚA sẽ là ánh sáng muôn đời cho ngươi và những ngày tang tóc của ngươi sẽ mãn”.

Trong biến cố biến hình, y phục của Chúa Giêsu trở nên trắng như ánh sáng. Martin Connell nhận xét: “Trong Tin Mừng Matthêu, người ta không thấy nhắc đến áo trắng một lần nữa cho đến chương 28, nơi hai thiên thần tại ngôi mộ công bố sự Phục Sinh. Trong nghi thức rửa tội cho trẻ sơ sinh và cho người lớn, những người mới được rửa tội được cho mặc áo trắng … như một sự tham dự vào sự sống của Đức Kitô, Đấng, trong sự Biến hình và Phục sinh của Ngài, vẫn đang sống trong Giáo Hội và thế giới … Áo của những người mới được rửa tội trong Lễ Phục Sinh có màu trắng như ánh sáng, cũng như chiếc áo rửa tội của chính bạn khi bạn được đưa vào Giáo Hội”.

Thật vậy, y phục sáng chói của Đức Kitô biến hình cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về ánh sáng rực rỡ của buổi sáng Phục Sinh. Hơn nữa, người chịu phép rửa tội được tha thứ tội lỗi nhờ bửu huyết của Đức Kitô và được sống lại vào cuộc sống mới với Ngài, được mời gọi sống ơn gọi đáng kinh ngạc của họ là chiếu tỏa ánh sáng cứu độ của Đức Kitô cho thế giới và được thách thức trung thành sống sự mình được thánh hiến trong Bí tích Rửa Tội.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 556, nhấn mạnh hàm ý về Phép Rửa của Chúa Giêsu và sự biến hình của Ngài đối với cuộc đời chúng ta: “Tại ngưỡng cửa đời sống công khai: Phép rửa. Tại ngưỡng cửa cuộc Vượt qua : biến cố Hiển Dung. Qua phép rửa của Chúa Giêsu, ‘mầu nhiệm cuộc tái sinh lần thứ nhất’ được loan báo: đó là bí tích Rửa Tội của chúng ta; Hiển Dung là ‘bí tích của cuộc tái sinh lần thứ hai’: đó là sự phục sinh riêng của chúng ta. Ngay từ bây giờ, chúng ta được tham dự vào sự Phục Sinh của Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong các Bí tích của Thân Thể Chúa Kitô. Biến cố Hiển Dung cho chúng ta được nếm trước việc ngự đến trong vinh quang của Chúa Kitô, Đấng ‘sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người’. Nhưng biến cố ấy cũng nhắc nhở chúng ta rằng: ‘Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa’”.

Cuối cùng, Thánh Augustinô nhắc lại sự cần thiết của việc tham dự hoàn toàn vào mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô, mà mầu nhiệm Biến hình đòi hỏi: “Phêrô đã không hiểu điều này khi ông muốn ở lại với Đức Kitô trên núi. Việc đó đã được dành cho Phêrô, nhưng là dành cho sau khi chết. Còn bây giờ, Chúa Giêsu nói: Hãy đi xuống để cần cù làm việc, phục vụ, chịu khinh miệt và chịu đóng đinh giữa đời. Đấng là Sự Sống đi xuống để bị giết chết ; Đấng là Tấm Bánh đi xuống để chịu đói; Đấng là Đường đi xuống để kiệt sức trên hành trình của mình; Đấng là mùa Xuân đi xuống để chịu khát ; còn bạn lại từ chối đau khổ sao ?.

2.MEDITATIO  
Ý nghĩa sự biến hình của Chúa Giêsu đối với tôi là gì ?
Ý nghĩa sự biến hình của Chúa Giêsu có giúp tôi nhìn thấy cuộc khổ nạn của Chúa và những đau khổ của thế giới trong bối cảnh vinh quang Phục sinh không ?
3.ORATIO  

Lạy Thiên Chúa mến yêu, chúng con cảm ơn Chúa đã kêu gọi Abraham thực hiện cuộc hành trình của đức tin sẽ biến ông trở thành cha của các dân tộc và là tổ phụ dân giao ước của Chúa. Chúng con cảm ơn Chúa vì Người Con-Tôi tớ của Chúa là Chúa Giêsu Kitô và vì sự Chúa Giêsu Kitô tuân theo kế hoạch yêu thương của Chúa để cứu độ mọi người. Chúng con cảm ơn Chúa về sự biến hình của Chúa Giêsu trên núi và vì những cái nhìn đầy ân sủng về vinh quang thần linh của Chúa. Chúng con cảm ơn Chúa vì những khởi đầu nhỏ bé dẫn đến sự biến đổi kỳ diệu. Chúng con cảm ơn Chúa vì “hạt giống của sự biến đổi” đã sinh hoa trái vinh quang. Chúng con cảm ơn Chúa đã cho chúng con sức mạnh để gieo “hạt giống của Tin Mừng”. Chúng con cảm ơn Chúa vì số phận đặc ân của chúng con trong vương quốc thiên đàng của Chúa. Chúng con cảm ơn Chúa đã cho phép “những hạt giống nhỏ… những việc làm nhỏ” phát triển thành những cây trĩu quả dọc theo dòng sông nước hằng sống. Vì những điều này và về tất cả, chúng con xin dâng Chúa vinh quang và lời khen ngợi, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Chúa Giêsu biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng

5.ACTIO  
Tôi cầu nguyện cho “hạt giống của sự biến đổi… hạt giống của sự trở thành” vẫn tiếp tục phát triển năng động của nó trong thế giới ngày nay.
Bằng những hành động bác ái của tôi, tôi giúp những người có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn có cái nhìn thoáng qua về số phận tương lai của họ và đáp lại ơn gọi của mình đến với ân sủng và vinh quang.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác

Comments are closed.