LỄ CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ – Ngày 02/10/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 18,1-5.10″]

Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

XÁC ĐỊNH VÀ CÁCH THỨC ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU CUỘC ĐỜI

“Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18, 1).

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, đoạn Lời Chúa chúng ta vừa lắng nghe là những câu đầu tiên của chương 18 liên quan đến vấn đề “ai là người lớn nhất trong Nước Trời”. Đó là câu hỏi các môn đệ đặt ra, liền sau đó Chúa Giêsu cũng cho câu trả lời. Chúng ta cùng suy gẫm câu hỏi và câu trả lời để thấy được nơi trang Tin Mừng này, Chúa Giêsu muốn giáo huấn chúng ta điều gì?

Trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, Thánh Phaolô có lời khuyên nhủ: “anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,2). Nếu câu hỏi của các môn đệ “thưa thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18,1) được đặt trong bối cảnh của tín hữu Cô-lô-xê, có lẽ các ông đã nhận được lời khen từ Thánh Phaolô. Tuy nhiên, xét kỹ chúng ta thấy, hình thức câu hỏi thì hướng thượng nhưng nội dung lại hàm chứa những gì thuộc thế gian. Nói cách khác, các môn đệ hình dung Nước Trời như một xã hội cơ cấu, nơi đó vẫn còn địa vị, chức tước, quyền hành, những giá trị chóng qua. Như thế, vấn đề các môn đệ bàn về Nước Trời không phải là thượng giới Thánh Phaolô muốn nói đến, nơi không còn sự phân biệt nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người (Cl 3,11).

Đối với Chúa Giêsu, nếu Ngài là người Việt Nam, trước khi trả lời câu hỏi của các môn đệ, Chúa sẽ phán, anh em chưa học bò mà đã lo tập chạy. Nghĩa là chưa biết được vào Nước trời hay không đã lo đến việc làm lớn làm nhỏ. Vì thế, Chúa muốn các môn đệ trước hết hãy nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời, tiếp đến là tự hạ, coi mình như trẻ nhỏ, sẽ là người lớn nhất. Vấn đề đặt ra, như thế nào là nên như trẻ nhỏ, và lớn nhất theo Chúa Giêsu mang ý nghĩa gì? Chúng ta biết con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Theo thời gian, hình ảnh đó có thể trở nên rõ ràng và sống động hoặc phai mờ trong chúng ta, tuỳ thuộc vào việc chúng ta trân trọng, giữ gìn và phát triển hình ảnh Thiên Chúa nơi mình như thế nào, cụ thể qua việc huấn luyện lương tâm vì lương tâm là ‘tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa’ (vui mừng và hy vọng, 16). Bên cạnh đó, phải hiểu đúng và đừng đánh mất tự do theo ý muốn và kế hoạch Thiên Chúa dành cho chúng ta, vì ‘tự do là một trong những dấu hiệu rất rõ ràng về hình ảnh Thiên Chúa trong con người’ (vui mừng và hy vọng, 17). Như vậy, phải chăng trẻ nhỏ được Chúa Giêsu dùng để minh hoạ cho hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người thuở ban đầu chưa bị tội lỗi làm phai mờ, và người lớn nhất là người làm rõ nét nhất hình ảnh của Thiên Chúa nơi bản thân mình.

Dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta rút ra cho bản thân bài học: biết chọn những gì mang giá trị vĩnh cửu làm mục tiêu của cuộc đời, và để đạt được mục tiêu ấy đừng mơ tưởng viễn vông nhưng hãy sống tốt giây phút hiện tại, sống đúng phẩm giá của con người mang hình ảnh Thiên Chúa. Dẫu biết còn đó những khó khăn, thách đố, cám dỗ nhưng hãy tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa, “Người sẽ ra lệnh cho các Thiên Thần săn sóc chúng ta, để chư vị gìn giữ chúng ta trên khắp nẻo đưởng”

.

[/loichua]

Comments are closed.