Trong vài năm qua, truyền thông xã hội đồng loạt phơi bày về thực trạng giáo sĩ lạm dụng tính dục tại nhiều quốc gia. Thêm vào đó, kết quả điều tra tại nhiều nơi về những vụ lạm dụng tính dục trẻ em xảy ra trong nhiều thập niên trước đã được công bố công khai. Những tin tức đó đã gây ra một làn sóng phẫn nộ từ nhiều thành phần dân chúng trong và ngoài Giáo Hội, tạo nên một cơn “địa chấn” mạnh mẽ gây khủng hoảng niềm tin, tổn thương tinh thần cho nhiều người trong Dân Thánh, và là “cớ vấp phạm” cho những người vốn thiếu thiện cảm với Giáo Hội Công Giáo. Điều này dẫn đến hậu quả tiêu cực đó là, một đàng người ta nghi ngờ Giáo Hội, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của các mục tử; thậm chí, tại nhiều giáo hội địa phương, các linh mục bị nghi kỵ, bị giám sát hoặc tự hạn chế hoạt động mục vụ, gây nên mặc cảm bị xa tránh hoặc sợ hãi, dẫn đến thái độ sống khép kín.
Với chúng ta, các chủng sinh, những người làm công tác đào tạo linh mục, và những ai quan tâm đến việc đào tạo linh mục, thực trạng lạm dụng tính dục là một thách đố lớn cho vấn đề đào tạo linh mục. Chúng ta bị đặt trước một thách đố tìm “giải pháp” cho vấn đề lạm dụng tính dục trong bối cảnh đào tạo linh mục hôm nay, hầu giúp các linh mục sau này có thể trung thành với sứ vụ và có khả năng bảo vệ những người mình sẽ có trách nhiệm.
Tuy nhiên, khi nghe thông tin về một sự việc lạm dụng tính dục xảy ra ở đâu đó, nhiều người ngay lập tức quy kết: truyền thông ác ý, thái độ chống đối Giáo Hội của một nhóm nào đó, hoặc chuyện chỉ xảy ra ở Phương Tây nơi thừa bứa tự do. Cũng có người cho rằng chuyện đó là của người khác, không liên quan lắm đến tôi, hoặc biện minh rằng có phải chỉ giáo sỹ lạm dụng tính dục đâu, các đối tượng khác lạm dụng tính dục nhiều hơn ví dụ phụ huynh, giáo viên, huấn luyện viên thể thao… Hoặc, có người cho rằng vấn đề lạm dụng tính dục cũng không trầm trọng lắm so với nhiều vấn đề khác.
Thái độ tiếp cận thông tin như vậy dễ có nguy cơ làm cho người ta xem nhẹ vấn đề, thậm chí bị ru ngủ trong một sự bình an giả tạo. Sâu xa hơn cách tiếp cận sự việc như thế ẩn chứa một thái độ thiếu cảm thức cùng Giáo Hội, vô cảm trước nỗi khổ đau của các nạn nhân trong các trường hợp lạm dụng tính dục. Thực sự, những cách nhận định sự việc như thế có thể là rào cản rất lớn trong phương diện đào tạo và tự đào tạo của linh mục.
Thiết tưởng chúng ta không cần nhắc lại những vụ lạm dụng tính dục đã xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới được truyền thông đề cập. Việc cần thiết hơn đó là chúng ta nên biết rằng lạm dụng tính dục đang là một trong những quan tâm hàng đầu của Giáo Hội cách riêng trong việc đào tạo linh mục; nó là một thách đố lớn lao cho Giáo Hội trong vai trò là “Mẹ và Thầy”.
Người ta có thể chất vấn: liệu các chủng sinh, linh mục biết thế nào về thực trạng lạm dụng tính dục, họ được chuẩn bị ra sao để đương đầu với cuộc khủng hoảng đó? Liệu họ có thể thấu cảm về nỗi đau khổ dai dẳng của các nạn nhân, nỗi buồn và đau đớn của Mẹ Giáo Hội, hay người ta chỉ cho đó là những chuyện xảy ra 30, 40 năm trước không mấy liên quan? Đàng khác, làm thế nào để các linh mục có thể bảo vệ chính mình và bảo vệ những người mình có trách nhiệm chăm sóc trước nạn lạm dụng tính dục?
Thực trạng giáo sĩ lạm dụng tính dục trước hết cũng là và phải là trăn trở của nhà đào tạo cũng như chủng sinh. Mỗi người có thể làm gì trong vai trò của mình? Chỉ khi nào chúng ta nhận ra một sự thật rằng, lạm dụng tính dục tác hại nghiêm trọng và gieo đau khổ lâu dài cho nhiều tâm hồn, chỉ khi nào chúng ta biết cảm thương các nạn nhân của lạm dụng tính dục, và chỉ khi nào chúng ta có cùng trăn trở và lo âu với Hội Thánh, chúng ta mới cảm thấy thật cần thiết phải trang bị cho mình những hiểu biết, những định hướng, thực hành dựa trên hướng dẫn của Giáo Hội hầu có thể đương đầu với sự ác đó.
Thực ra những năm gần đây Giáo Hội đã có những can thiệp mạnh mẽ cho vấn đề này. Ngày 4/6/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành sắc lệnh Như Người Mẹ Yêu Thương. Đây là những hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc xử lý các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tính dục. Thêm vào đó, Đức Thánh Cha đã thành lập một uỷ ban giáo hoàng về bảo vệ trẻ vị thành niên. Uỷ ban này có trách nhiệm nghiên cứu các biện pháp đề phòng và giải quyết vấn đề lạm dụng tính dục trên phạm vi Giáo Hội hoàn vũ. Dựa vào những định hướng đó, nhiều hội đồng giám mục đã đề ra những hành động cụ thể để giúp các nạn nhân, đồng thời ngăn ngừa thực trạng lạm dụng tính dục.
Vì những khác biệt về hoàn cảnh, văn hoá của từng nơi, nên sẽ khó có thể có ngay một giải pháp chung cho vấn đề đào tạo các linh mục trước thực trạng lạm dụng tính dục. Thực sự, đã có những định hướng cụ thể trong chương trình đào tạo linh mục, thiết tưởng, như thế cũng đã đủ về nội dung và thời lượng cho quá trình đào tạo một linh mục. Vấn đề được đặt ra là “lỗ hổng” nào trong quá trình đào tạo đã dẫn nhiều linh mục đến những hành vi sai trái đó.
Theo nhiều nghiên cứu ở các nước phương tây, những trường hợp lạm dụng tính dục xảy ra tại nhiều nơi phần lớn do chính người linh mục đã đánh mất lòng yêu mến Giáo Hội, và nhất là đánh mất động lực đào tạo và chấm dứt việc tự đào tạo chính mình trước khi gây ra những lầm lỗi đó.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng đào tạo chủng viện là quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên việc tự đào tạo, ban đầu nơi chủng viện, và tiếp tục hành trình tự đào tạo sau chủng viện (suốt cuộc đời linh mục), là rất quan trọng và không thể thiếu (x. The Gift of the Priestly Vocation, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 2017). Chương trình đào tạo không thể nào hoàn thành nếu thiếu việc tự đào tạo của mỗi chủng sinh, hoặc chấm dứt việc tự đào tạo khi trở thành linh mục.
Ngày 28/7/2013, ngỏ lời với các bạn trẻ tại Đại Hội Giới Trẻ ở Brasil, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: các bạn hãy để cho cuộc sống của mình được đồng nhất với cuộc sống của Chúa Giêsu, để có cảm xúc, suy nghĩ, hành động như Chúa Giêsu. Thực ra, đó cũng chính là lời mời gọi đầy thách thức được gửi đến các chủng sinh, linh mục, những người muốn trở nên môn đệ thâm tín của Đức Giêsu: tìm kiếm và duy trì động lực cho việc tự đào tạo – trở nên giống Chúa Giêsu. Chính điều này gợi đến một nhu cầu quan trọng khác, đó là việc tự đào tạo trường kỳ trong suốt hành trình ơn gọi để có thể giữ “lửa” hầu chiếu sáng và sưởi ấm sứ vụ. Một hành trình tự đào tạo xoay quanh trọng tâm là “đức ái mục tử” (x. The Gift of the Priestly Vocation) – luôn biết chạnh lòng thương những người nhỏ bé, yếu đuối, và sẵn sàng hiến mình vì tha nhân.
Đồng thời, người môn đệ luôn tự huấn luyện mình về tâm tình hoán cải để có một trái tim cùng nhịp đập, đồng cảm với Giáo Hội, là Mẹ và Hiền Thê của Đức Kitô. Cũng nên biết rằng, thường khi trái tim một linh mục không còn chung nhịp đập với Giáo Hội, không còn cảm thức cùng Giáo Hội, không còn lòng yêu mến Giáo Hội, hoạt động mục vụ, và cả các cử hành thánh thiêng của linh mục sẽ mất “hồn sống”. Ân sủng và sự đỡ nâng siêu nhiên sẽ dần mất theo.
Như vậy, chính việc trường kỳ tự đào tạo mình theo gương Mục Tử Tốt Lành, chính lòng yêu mến và đồng cảm với Giáo Hội là những nền tảng và động lực trong việc đào tạo linh mục. Đó cũng chính là một thách thức cho mỗi chủng sinh, linh mục hôm nay nếu muốn trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong xã hội.
Lm Giuse Đỗ Mạnh Thịnh
Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc