Kinh Mân Côi, Lời Kinh Tôn Vinh Đức Maria

Việc sùng kính Đức Maria luôn được Giáo Hội coi trọng. Bên cạnh những việc thờ phượng có tính cách phụng vụ; còn có rất nhiều những việc đạo đức ngoài phụng vụ được người tín hữu yêu mến và năng thực hành. Trong những việc đạo đức ấy, Kinh Mân Côi có một vị thế và được yêu mến cách đặc biệt. Kinh Mân Côi vừa đơn sơ, lại vừa chất chứa những mầu nhiệm lớn lao về mầu nhiệm Thiên Chúa. Đồng thời, đây cũng là lời kinh đẹp nhất để tôn vinh Đức Maria.

1. Trong các mầu nhiệm Mân Côi

Các mầu nhiệm Mân Côi trình bày những tước hiệu cao quý của Đức Maria như: Thiên Chúa Thánh Mẫu, Mẹ thiêng liêng của nhân loại. Mẹ thông hiệp với Chúa Kitô trong công trình cứu chuộc, làm đấng cầu thay nguyện giúp và là nữ vương trời đất.

Trong Kinh Mân Côi, với mầu nhiệm vui, Đức Maria xuất hiện trong vai trò là thân mẫu Chúa Giêsu. Người đã ưng thuận thiên chức làm mẹ, đã thụ thai Con Thiên Chúa, đã sinh hạ Đấng Cứu Thế mà vẫn trọn vẹn khiết trinh, đã dâng Chúa Giêsu trong đền thờ và đã lấy tình hiền mẫu mà nuôi dưỡng săn sóc Chúa Giêsu.

Nếu Chúa Cha đã mạc khải Con Duy Nhất của mình cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan tại Núi Biến Hình và kêu gọi họ vâng nghe lời Người (x. Mc 9,7); thì trong phép lạ Cana của mầu nhiệm sáng, Đức Maria cũng giới thiệu Người Con yêu quý của mình cho thế gian với lời nhắn nhủ đầy mình mẫu tử: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2,5). Lời nhắn nhủ này cũng là lời mời gọi nhân loại bắt chước Mẹ lắng nghe và tin theo lời rao giảng cùng những phép lạ Chúa Giêsu làm trong sứ vụ cứu thế của Người.

Với mầu nhiệm thương, Đức Maria cũng được biểu dương như Mẹ của nhân loại, vì đã hiến dâng Chúa Giêsu trong hy tế cứu độ của Người. Mẹ được Thiên Chúa chọn làm Đấng cầu thay nguyện giúp cho nhân loại, để ơn Chúa đến với chúng ta và để chuyển lời chúng ta cầu xin lên ngai tòa Thiên Chúa. Mẹ xuất hiện như là đấng thông hiệp với Chúa Giêsu trong công trình cứu chuộc nhân loại.

Nơi mầu nhiệm mừng, Đức Maria được rước lên trời, được phong làm nữ vương trời đất cùng với Chúa Giêsu hiển trị muôn đời.

Như thế, Kinh Mân Côi quả là phương thức rất thích hợp để tôn vinh Đức Maria, vì luôn luôn nhắc nhớ những biến cố đáng ghi nhớ trong cuộc đời của Mẹ.

2. Trong từng lời kinh

Kinh Mân Côi dạy cho chúng ta họa lại tâm tình của lời fiat Đức Maria đã nêu gương; đồng thời diễn tả sự chấp thuận của cá nhân trong những trạng huống khác nhau của cuộc đời: vui, buồn, hân hoan hay đau khổ… Nhờ Kinh Mân Côi, chúng ta sẽ được Mẹ khích lệ dấn thân vào từng hành vi cứu độ của Chúa Cứu Thế ngang qua các mầu nhiệm Kinh Mân Côi.[1]

Khi lần chuỗi Mân Côi kính Đức Maria, bao nhiêu lần chúng ta đọc Kinh Kính Mừng là bấy nhiêu lần chúng ta chúng ta tuyên xưng Mẹ là đấng “đầy ơn phúc”, bởi vì Mẹ cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa. Trong các tước hiệu của Đức Maria, không có tước hiệu nào cao quý bằng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa; và chuỗi hạt Mân Côi luôn gắn liền với tước hiệu ấy.[2]

Trong năm ngắm Mân Côi Mùa Mừng, có hai ngắm liên quan đến tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời là: Thứ bốn thì ngắm: “Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời…” và thứ năm thì ngắm: “Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời…” Như thế, khi lần chuỗi Mân Côi Mùa Mừng, chúng ta công khai nhắc lại cho nhau tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời hai lần.[3]

Khi đọc Kinh Mân Côi, chúng ta làm những gì Mẹ Maria đã làm: “Mẹ Người hằng ghi nhớ tất cả những lời ấy trong lòng” (Lc 2,51). Nhờ suy ngắm trong cầu nguyện, ta cùng Mẹ học biết về mầu nhiệm Chúa Kitô. Đồng thời, ta cũng ý thức đầy đủ hơn về vai trò đặc biệt của Mẹ trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ngày càng thân quen với mầu nhiệm Chúa Kitô như Mẹ Thánh Người, chúng ta sẽ từng bước khám phá ra vai trò, ơn gọi và sứ mệnh của chúng ta trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

Lễ Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi 2015

Martinô Ngô Hoàng Lâm, Khóa V


[1] x. PETER M.J.STRAVINSKAS, Lời kinh cổ xưa, thế giới hiện đại, cuốn sách về Đức Maria, Trung tâm học vấn Đaminh chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, tr.269.

[2] x. TRẦN KHẮC KHOAN, Kinh Mân Côi 100 truyện tích về chuỗi hạt Mân Côi, tr.232.
[3] x. Ibid., tr.235.

Comments are closed.