Tháng Mân Côi kết thúc nhưng cảm nghiệm về lời kinh này vẫn luôn là bất tận. Nó âm vang trong tâm hồn và có sức lay động cõi lòng người ta. Từ ý tưởng trên, ước mong chia sẻ một vài cảm nghiệm riêng tư về lời kinh quá quen thuộc nhưng rất đặc biệt ấy, một lời kinh đã thực sự đi vào cuộc đời người tín hữu.
Trong suốt dòng lịch sử nhân loại, con người luôn nỗ lực và khát khao diễn tả những kinh nghiệm thiêng liêng bằng ngôn ngữ của mình. Thế nhưng, ngôn ngữ ấy, cũng như con người, quá giới hạn. Không một ngôn từ nào có thể diễn tả cách trọn vẹn các mầu nhiệm thần thiêng. Nói như thế để muốn khẳng định rằng người công giáo thật sự hạnh phúc. Hạnh phúc vì mỗi một người đều có trong tay phương tiện để đối thoại với Thiên Chúa và hơn nữa là đi vào tương quan mật thiết với Người. Phương tiện ấy chính là Kinh Mân Côi. Đây là lời kinh được dệt nên từ lời chào của sứ thần trong biến cố truyền tin cho Đức Maria (x. Lc 1, 26 – 38). Bắt nguồn từ chính lời Chúa và được liên kết với những mầu nhiệm cuộc đời Đấng Cứu Thế, Kinh Mân Côi thực sự có sức kéo Thiên Chúa đến với con người và đưa con người lên với Thiên Chúa.
Cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi chính là dịp để người tín hữu suy tư về cuộc đời và sứ vụ của Ngôi Lời Nhập Thể, bởi “có thể nói được rằng Kinh Mân Côi là một tổng hợp Phúc Âm”[1]. Nhờ đó, các tín hữu được biến đổi để nên giống Chúa Kitô mỗi ngày một hơn. Trong cuộc hành trình dương thế, họ không đơn độc. Bởi vì khi đọc Kinh Mân Côi, chính Đức Maria sẽ ở bên và giúp sức; đồng thời, cùng với người đọc, Mẹ sẽ kết nên những bó hoa Kinh thắm đẹp để dâng lên trước tòa Thiên Chúa và kéo ơn Chúa xuống cho chính người ấy. Từng lời kinh cứ ngân vang trong sự hòa điệu với mỗi mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế đi kèm, người tín hữu như được tiến bước trên con tàu êm ái để ngày càng tiến gần đến Thiên Chúa hơn. Các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi cũng gói trọn cuộc đời của mỗi người tín hữu. Do đó, khi suy gẫm các mầu nhiệm ấy với ước muốn nên giống Đức Kitô, người Kitô hữu thánh hóa cuộc đời của chính mình và làm cho mầu nhiệm Thiên Chúa tác động sâu xa và đi vào cuộc đời của họ. Quả thế, cuộc đời của mỗi chúng ta được tái hiện trong cuộc đời của Ngôi Lời Nhập Thể khi suy tư về chính mình: được sinh ra – lớn lên – trải nghiệm cuộc đời – chết và chờ ngày phục sinh vinh hiển. Thật vậy, những vui mừng, khổ đau, hân hoan và hy vọng của con người đều được tái hiện trong các mầu nhiệm Vui – Sáng – Thương – Mừng mà Chúa chúng ta đã đi qua. Hôm nay và mãi về sau, mỗi khi các mầu nhiệm ấy được xướng lên trong Kinh Mân Côi, Chúa Giêsu sẽ lại đến bên cạnh người tín hữu và đồng hành với họ để giúp họ đi trọn hành trình ơn gọi nên thánh mà họ đang tiến bước.
Lời Kinh Mân Côi thật sự cao cả nhưng lại rất gần gũi với con người. Đó quả là một quà tặng mà, qua tay Đức Mẹ[2], Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại. Thiên Chúa chúng ta là Đấng Toàn Năng, nhưng cũng là người cha giàu lòng thương xót. Chính vì thế, Người cho chúng ta được thông phần vào mầu nhiệm cao cả của Người qua Lời Kinh Tuyệt Diệu. Lời kinh ấy thật là một hành trang có thể nói là rất “gọn nhẹ” và “tiện lợi” để chúng ta có thể “mang đi” bất cứ đâu và “sử dụng” vào bất cứ lúc nào. Thật vậy, bất cứ ở đâu và trong hoàn cảnh nào đi nữa, người tín hữu đều có thể dâng lên Chúa những bó hoa Kinh Mân Côi. Ngay cả những lúc không biết cầu nguyện thế nào hay thậm chí chẳng biết nói gì với Thiên Chúa, Kinh Mân Côi vẫn luôn là một phương tiện tuyệt vời: từng lời kinh vang lên như hòa quyện với nhịp đập cuộc đời người tín hữu để cùng với Mẹ Maria, họ tìm thấy nguồn ân sủng và hạnh phúc nơi Thiên Chúa.
Tháng Mân Côi kết thúc như một lời mời gọi người tín hữu từ nay hãy biết siêng năng Lần hạt Mân Côi. Thực hiện điều đó là chúng ta đang thực thi chính lời Đức Mẹ Maria đã dạy. Cùng với Mẹ, ước mong chúng ta sẽ yêu mến Kinh Mân Côi và năng đọc kinh này, để thánh ý Chúa được thể hiện và ân sủng của Người cũng sẽ được ban trên con người và thế giới.
Phêrô Trần Lê Thành Nhân – Khoá 7
[1] GIOAN PHAOLO II, Tông Thư Kinh Mân Côi, số 1.
[2] Theo truyền thuyết, chính Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh Đaminh (1170-1221) và trao cho thánh nhân chuỗi kinh này và cũng chính Đức Mẹ đã truyền cho ngài phải phổ biến rộng rãi lời kinh này trong toàn Hội Thánh.