Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dạy chúng ta kinh nghiệm sống Đức Tin Kitô qua loạt bài giáo lý trình bày lối đi thiêng liêng và kinh nghiệm sống của các thánh Tiến sĩ của Hội Thánh, trong đó có thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan. Mỗi vị thánh đều có những điều chúng ta đồng cảm, bởi vì các Ngài đều đã sống kiếp phận phàm nhân, đã trải nghiệm sâu đậm mầu nhiệm Thập Giá…dường như vị thánh nào cũng đã vượt qua đêm tối Đức Tin…những linh hồn được Chúa hiện diện thân mật, được Chúa rèn luyện cho xứng với ân huệ khôn tả, mà đối với Têrêsa là “Tình Yêu-Tín Thác”….
Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư, mùng 06 tháng 4 năm 2011 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói với các tín hữu về “truyện tình yêu lạ lùng” của Thánh Têrêsa Lisieux, “người chị em của mọi người”[1].
Anh chị em thân mến,
Hôm nay cha muốn nói với anh chị em về Thánh Têrêsa Lisieux, mệnh danh là Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan. Chị chỉ sống trên cõi đời này 24 năm, vào cuối thế kỷ 19, trong nếp sống rất đơn sơ và thầm lặng nhưng sau khi chị mất và sau khi công bố những bút tích của chị, chị trở thành một trong các vị thánh được biết đến và yêu mến nhất. “Têrêsa Nhỏ” không ngừng nâng đỡ những tâm hồn đơn sơ nhất, đó là những người bé nhỏ, nghèo hèn và đau khổ kêu cầu chị. Chị còn soi sáng toàn thể Giáo hội bằng giáo lý thiêng liêng sâu xa đến nỗi Đức Chân Phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1977, đã phong tặng chị danh hiệu “Tiến sĩ Hội thánh”, bên cạnh danh hiệu “Bổn mạng các Xứ Truyền giáo” mà Đức Giáo hoàng Piô XI đã phong tặng chị năm 1939. Đấng tiền nhiệm kính mến của cha đã mô tả chị là “chuyên gia khoa học tình yêu” (Bước vào Thiên kỷ mới, số 42). Têrêsa đã diễn tả khoa tình yêu này chính yếu dựa trên câu truyên đời chị, phát hành sau khi chị mất một năm với nhan đề “Truyện Một Tâm Hồn”, trong đó chị nhìn thấy toàn bộ sự thực của đức tin sáng lên trong tình yêu. Cuốn sách tức khắc đạt thành quả lớn, được dịch sang nhiều ngôn ngữ và được truyền tải khắp thế giới.
Cha mời anh chị em tái khám phá kho tàng vĩ đại của tinh thần nhỏ này, là lời giải thích sáng ngời về Tin Mừng được sống đến cùng! Truyện Một Tâm Hồn thực sự là câu truyện Tình yêu kỳ diệu được kể trong phong cách đơn sơ tươi tắn và chân thật đến nỗi người đọc không khỏi say mê ngưỡng mộ! Loại tình yêu nào đã trào dâng ngập tràn cả cuộc đời Têrêsa, từ ấu thơ tới lúc lìa đời? Các bạn thân mến, Tình yêu đó có một Dung Nhan, có một tên gọi là Giêsu! Chị thánh không ngơi nói về Giêsu. Nào ta rảo qua các bước đường quan trọng cuộc đời chị để nắm bắt cái thần thái trong sứ điệp của chị.
Têrêsa sinh ngày 02 tháng giêng năm 1873 tại Alencon, miền Normandie, nước Pháp. Chị là cô gái út của ông bà Louis và Zelie Martin là cha mẹ gương mẫu trong đời đôi bạn mà cả hai vị đã được tôn phong Chân Phước ngày 19 tháng 10 năm 2008. Ông bà có chín người con, trong số ấy bốn người đã mất trong tuổi ấu thơ. Năm cô gái còn lại đều đã dâng mình cho Chúa. Têrêsa lúc bốn tuổi đã bị chấn động vì mất mẹ (bản Ms A 13r). Khi đó người cha dời nhà đưa các con về thị trấn Lisieux là nơi vị thánh đã sống suốt cả cuộc đời. Sau đó, Têrêsa bị rối loạn thần kinh nghiêm trọng nhưng đã được chữa lành mà chính chị mô tả là nhờ “Đức Mẹ mỉm cười” (sđd. 29v-30v). Chị đã được rước lễ lần đầu là biến cố chị trải nghiệm sâu đậm (sđd. 35r), chị đặt Chúa Giêsu Thánh Thể là trung tâm đời chị.
“Ân huệ lễ Giáng Sinh” năm 1886 ghi dấu khúc quanh quan trọng chị gọi là “cuộc hoán cải toàn bộ” (sđd. 44v-45r). Thực sự chị lấy lại sức mạnh tròn đầy, từ trạng thái quá nhạy cảm tuổi ấu thơ đến bây giờ khởi sự “chạy như người khổng lồ”. Vào tuổi 14, Têrêsa đầy lòng tin, trở nên thiết thân với Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Chị đã mang trong tâm tư trường hợp dường như thất vọng về một phạm nhân bị kết án tử hình mà anh ấy không hoán cải. Chị thánh đã viết “Tôi muốn bằng mọi giá giúp anh khỏỉ vào hỏa ngục”, chị xác tín rằng lời chị cầu nguyện sẽ kéo anh chạm tới Máu Thánh cứu chuộc của Chúa Giêsu. Đây là kinh nghiệm căn bản đầu tiên của tình mẫu tử thiêng liêng. Chị viết: “Tôi đã tín thác hết sức mạnh mẽ vào lòng Thương Xót vô biên của Chúa Giêsu”. Đồng thời cùng với Mẹ Maria rất thánh, Têrêsa trẻ trung đã mến yêu, tin, cậy với “tâm hồn người mẹ” (x. bản Pr 6/ior).
Tháng mười một 1887, Têrêsa đã cùng bố và chị Céline hành hương Roma (sđd. 55v-67r). Thời khắc nổi bật là lúc Đức Lêô XIII cho tiếp kiến mà chị đã xin phép vào dòng Carmel tại Lisieux lúc chị mới 15 tuỏi. Một năm sau ước nguyện của chị được chấp thuận. Chị trở thành một tu sĩ dòng Carmel “để cứu các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục” (sđd. 69v).
Cùng thời gian ấy, bố của chị bắt đầu gánh chịu cơn đau bệnh tâm thần. Têrêsa rất đau khổ và sự việc thúc đẩy chị chiêm ngắm Dung Nhan Chúa Giêsu (sđd. 71rc). Do đó có tên gọi đời tu sĩ của chị “Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan”, tên gọi cho thấy chương trình sống cả đời chị là thông hiệp vào Mầu nhiệm trung tâm của Nhập Thể Cứu Chuộc. Ngày tuyên khấn, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, 8 tháng chín 1890, là cuộc kết hôn thiêng liêng thật sự trong “nếp sống nhỏ bé” theo tinh thần Tin Mừng, được diễn tả một cách đặc sắc bằng hình tượng một bông hoa: “Đây là lễ Sinh Nhật Đức Mẹ. Buổi lễ đẹp chừng nào khi trở nên hôn thê của Chúa Giêsu! Bé sơ sinh Trinh Nữ thánh thiện dâng bông hoa bé nhỏ cho Chúa Giêsu bé nhỏ” (sđd. 77r).
Đối với Têrêsa, sống đời tu sĩ là sống đời hôn thê của Chúa Giêsu và đời người mẹ của các tâm hồn (x. bản Ms B, 2v). Cũng hôm ấy, chị thánh đã viết ra một lời nguyện diễn tả toàn bộ hướng sống của đời chị: chị xin Chúa Giêsu ân huệ một Tình yêu không giới han, được nên bé nhỏ nhất, và trên hết chị xin ơn cứu rỗi cho hết mọi người: “Ước gì hôm nay không linh hồn nào bị luận phạt” (bản Pr 2).
Điều tuyệt diệu là chị hiến mình cho Tình yêu Nhân hậu, thực hiện vào ngày lễ Chúa Ba Ngôi Chí Thánh (bản Ms A, 83v-84r; Pr 6). Đó là lễ dâng mà Têrêsa đã chia sẻ ngay với các người chị của mình, lúc chị đang làm chị giáo tập.
Mười năm sau “Ân huệ lễ Giáng Sinh” năm 1896, diễn ra “Ân huệ lễ Phục sinh”, ân huệ này cho thấy giai đoạn cuối cùng cuộc đời Têrêsa bước vào đau khổ thông phần sâu xa vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Không những đó là sự đau đớn thân xác với cơn bệnh dẫn tới cái chết, mà còn đặc biệt là nỗi khắc khoải của tâm hồn trong cơn thử thách đức tin đau đớn. (bản Ms C, 4v-7v). Nhờ Thánh Giá Chúa Giêsu và bên cạnh là Mẹ Maria, Têrêsa đã sống lòng tin hết sức anh hùng, tựa như ánh lửa trong đêm tối, trong bóng đêm đang tràn ngập linh hồn. Là tu sĩ Carmel, chị ý thức rằng mình gánh chịu thử thách nặng nề này vì phần rỗi của tất cả các người vô thần trong thế giới hiện đại mà chị gọi họ là “anh em”.
Chị đã sống tình bằng hữu sâu đậm này (8r-33v) với chị em trong cộng đoàn, với hai người anh thừa sai thiêng liêng, với các linh mục và mọi người, nhất là những người xa xôi. Chị thực sự trở thành “chị em của mọi người! Tình mến dễ thương và tươi tắn biểu lộ niềm vui sâu xa mà chị bộc lộ bí quyết: “Chúa Giêsu là niềm vui của tôi đang yêu thương bạn” (bản 45/7). Trong bối cảnh chịu khổ đau, khi sống tình yêu nồng nàn nhất phả vào từng việc nhỏ nhất trong cuộc sống thường ngày, chị thánh sống trọn ơn gọi là Tình yêu giữa lòng Giáo Hội. (x. Ms B, 3v)
Têrêsa đã qua đời vào chiều ngày 30 tháng chín 1897, miệng nhẩm lời đơn giản, “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”, trong khi đăm đăm nhìn vào Thánh Giá chị siết chặt trong tay. Những lời cuối cùng này của chị thánh là chìa khóa toàn bộ giáo thuyết của chị, chìa khóa giải thích Tin Mừng, là tác động tình yêu được diễn tả trong hơi thở cuối cùng tựa như làn hơi sẽ tiếp nối mãi của linh hồn chị, như nhịp đập của trái tim chị. “Giêsu, con yêu mến Chúa”, lời đơn sơ này là hạt nhân của mọi bút tích của chị. Tác động tình yêu dâng lên Chúa Giêsu nhận chị chìm sâu vào Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Chị viết: “A, lạy Chúa Giêsu, Chúa biết con yêu mến Chúa. Thánh Thần Tình Yêu thiêu đốt con bằng ngọn lửa của Người. Chính khi con yêu mến Chúa con kéo Chúa Cha lại với con” (bản P 17/2).
Các bạn thân mến, cùng với thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chúng ta cũng có thể lặp lại với Chúa mỗi ngày rằng chúng ta muốn sống tình yêu thương dâng lên Người và cho tha nhân, muốn được thụ huấn dưới mái trường của các thánh về tình yêu thương chân chính và trọn vẹn. Têrêsa là một trong các người “bé nhỏ” của Tin Mừng đã sẵn lòng để Chúa dắt vào cõi sâu thẳm của Mầu nhiệm của Chúa. Chị là người dẫn đường cho tất cả chúng ta, đặc biệt cho những ai trong đoàn Dân Chúa gánh vác sứ vụ của mình như những nhà thần học. Với lòng khiêm nhường và bác ái, lòng tin và lòng cậy, Têrêsa không ngừng tiến sâu vào cái thần thái của Thánh Kinh hàm chứa Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Và việc giải thích Thánh Kinh, được nuôi dưỡng bằng “khoa học tình yêu”, sẽ không đối kháng tri thức bác học. Thực sự như chính chị viết nơi trang cuối “Truyện Một Tâm Hồn”, cái biết của các thánh là cái biết cao quý nhất.
“Tất cả các thánh đều đã hiểu và có lẽ cách đặc biệt là những người đã làm đầy vũ trụ này bằng ánh quang của giáo huấn Tin Mừng. Chẳng phải sao, nhờ cầu nguyện mà Thánh Phaolô, Augustinô, Gioan Thánh Giá, Tôma Aquinô, Phanxicô, Đaminh, và biết bao các bạn hữu của Chúa đã đạt được cái biết tuyệt vời làm say mê những khối óc cao quí nhất (x. Ms C36r). Đối với Têrêsa, không thể tách Thánh Thể ra khỏi Tin Mừng. Thánh Thể là bí tích của Tình yêu Thiên Chuá hạ cố tận cùng để nâng ta lên cùng Người. Trong lá thơ cuối cùng, qua hình tượng diển tả Chúa Giêsu Hài Đồng nơi Mình Thánh, chị thánh đã viết những lời đơn sơ này: “Tôi chẳng sợ Đấng Thiên Chúa đã làm cho chính mình nên hết sức nhỏ bé cho tôi! (…) Tôi mến yêu Người! Thực sự Người chẳng là gì khác ngoài Tình Yêu và Tình Xót Thương!” (bản LT 266).
Têrêsa đã khám phá trong Tin Mừng lòng Xót Thương của Chúa Giêsu đến nỗi chị nói: “Đối với tôi, Chúa đã ban tặng lòng Xót Thương không bờ bến, và chính dưới tấm gương khôn tả này tôi chiêm niệm những phẩm tính thần linh của Người. Trong đó tất cả tỏa sáng Tình Yêu. Sự Công bình của Người, và có lẽ còn hơn nữa tất cả phẩm tính còn lại đều được phủ bóng Tình Yêu” (bản Ms A, 84r).
Chị mô tả chính mình qua những dòng cuối “Truyện Một Tâm Hồn”: “Tôi chỉ cần mở Tin Mừng và lập tức tôi hấp thụ hương thơm đời sống Chúa Giêsu, và tôi biết phải chạy trên con đường nào; và tôi vội vã không phải tới chỗ nhất, nhưng chỗ chót hết…Tôi cảm nhận rằng ngay cả khi tôi nghĩ tới tội ác một người có thể phạm thì tim tôi sẽ vỡ tan vì đau buồn, tôi sẽ sà vào vòng tay Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế, vì tôi biết rằng Người yêu thương đứa con hoang đàng khi anh trở về cùng Người” (bản Ms C, 36v-37r).
“Tín thác và Mến yêu” là điểm chung kết bao trùm cả cuộc đời chị; hai từ ấy tựa như ngọn đèn hiệu chiếu sáng toàn bộ hành trình nên thánh của chị; hai từ ấy có thể giúp người khác trên cùng một “con đường nhỏ của tín thác và mến yêu”, của đường thơ ấu thiêng liêng (x. Ms C, 2v-3r; LT 226)
Tin thác, như bé thơ buông mình trong vòng tay Chúa, không chia tách khỏi sự dấn thân triệt để và mạnh mẽ của tình yêu chân thực, là sự hiến tặng bản thân mãi mãi, như chị thánh đã thưa trong khi chiêm ngắm Mẹ Maria: “Mến yêu là cho hết, kể cả bản thân” (Lạy Mẹ Maria, vì sao con yêu Mẹ, P 54/22). Như thế, Têrêsa chỉ cho tất cả chúng ta thấy rằng đời sống Kitô hệ tại sống hết mức ân sủng bí tích Thánh Tẩy bằng sự tận hiến chính mình lên Tình Yêu Chúa Cha, để sống như Chúa Kitô, trong lửa mến của Chúa Thánh Thần, Đấng là Tình Yêu của chính Chúa Cha dành cho mọi người.
————————
[1] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, “The Great Treasure of the Little Thérèse”, trg L’Observatore Romano, số 15, Thứ Tư, 13 tháng 4 năm 2011, tr. 11-12.
Lm Gioan, ĐCV Xuân Lộc chuyển ngữ