Hội Thảo: Đường Hướng Truyền Giáo Và Xây Dựng Giáo Hội Việt Nam Của Đức Cha Lambert De La Motte

HỘI THẢO: ĐƯỜNG HƯỚNG TRUYỀN GIÁO VÀ XÂY DỰNG GIÁO HỘI VIỆT NAM CỦA ĐỨC CHA LAMBERT DE LA MOTTE

Ngày 04 tháng 5 năm 2023 vừa qua, chương trình hội thảo Truyền Giáo với chủ đề ĐƯỜNG HƯỚNG TRUYỀN GIÁO VÀ XÂY DỰNG GIÁO HỘI VIỆT NAM CỦA ĐỨC CHA LAMBERT DE LA MOTTE đã diễn ra tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc.

Đến với hội thảo truyền giáo lần này, Đại chủng viện Xuân lộc vinh dự được chào đón sự hiện diện và chia sẻ của 3 thuyết trình viên: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Giám mục Giáo phận Phan Thiết, cha Giuse Trương Đình Hiền – Tổng đại diện Giáo phận Quy Nhơn và cha Gioan Trần Văn Thức – Giám đốc Chủng viện Nicôla, Giáo phận Phan Thiết. Thành phần các tham dự viên có cha Giám đốc Phaolô Nguyễn Ngọc Phương, quý cha giáo sư và toàn thể 390 chủng sinh đang tu học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc. Buổi Hội Thảo gồm 3 đề tài chính, chia làm 3 tiết, tiết thứ 4 là thời lượng cho việc trao đổi và đặt câu hỏi giữa các tham dự viên và 3 vị thuyết trình.

Đúng 7g30, tiết thứ nhất, Đức cha Giuse chia sẻ đề tài: Đức cha Lambert với công việc truyền giáo tại VN – Đấng sáng lập hàng giáo sĩ VN, Giám Đốc Chủng Viện Đầu Tiên tại Vùng Viễn Đông. Đức cha Lambert chỉ được biết đến như một nhà thừa sai và là Đấng sáng lập Dòng nữ Mến Thánh Giá tại Việt Nam. Tên tuổi của ngài dường như bị lãng quên theo dòng lịch sử. Nhưng những nghiên cứu gần đây, đặc biệt qua bài nói chuyện của Đức cha Giuse, các tham dự viên được hiểu rõ hơn về lịch sử Giáo hội Việt Nam và chân dung của Vị Giám Mục Thừa Sai – ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE.

Đức Cha Lambert đã đóng góp rất lớn trong việc hình thành và phát triển Giáo hội Việt nam qua việc sáng lập hàng Giáo sĩ tại Việt Nam. Năm 1665, ngài xây dựng Chủng viện với Huấn dụ Monita ad Missionarios (Đào tạo Linh mục) và là Giám đốc Chủng Viện đầu tiên tại vùng Viễn Đông. Trong di chúc, ngài đã để lại toàn bộ tài sản cho việc thành lập chủng viện Địa phận Tông Tòa Đàng Trong.

Với các nhân đức anh hùng, đời sống thánh thiện và giáo huấn thiêng liêng cùng với di sản đức tin mà Đức cha Lambert để lại cho GHVN, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định đệ trình tòa thánh để xin phong thánh cho ngài. Bộ Phong Thánh chấp nhận cho Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, với sự ủy quyền của ĐHY. Francis Xavier Kriengsak – Tổng Giám mục – Tổng Gp. Bangkok, thực hiện điều tra cấp Giáo phận về Tôi Tớ Thiên Chúa Pierre Lambert de la Motte, Giám mục Hiệu toà Bérytena, Đại diện Tông toà Đàng Trong (Cochinchine). Tiến trình xin phong thánh được thực hiện từ năm 2018 cho đến nay.

Kết thúc bài chia sẻ, Đức Cha Giuse nhắc lại 5 điểm nòng cốt mà Tôi Tớ Chúa – Đức Cha Lambert đã sống và xây dựng tại mảnh đất Việt Nam.

1/ Rao giảng về “Chúa Giêsu chịu đóng đinh

2/ Hiệp thông với Tòa thánh qua việc đảm nhận chức vụ Giám quản địa phận Đàng Ngoài

3/ Hiệp nhất giữa các thành phần dân Chúa.

4/ Sáng lập Hàng Giáo sĩ Việt Nam, xây Chủng viện và viết tài liệu đào tạo linh mục.

5/ Mời gọi và trân trọng vai trò của phụ nữ nơi các nữ tu Mến Thánh Giá trong việc xây dựng Giáo phận.

Lúc 8g30, Cha Giuse Trương Đình Hiền chia sẻ tiết thứ 2 với đề tài: Đường hướng của GH cho việc Loan báo Tin Mừng và xây dựng GHVN với Huấn thị 1659 và Công Nghị 1664. Trong bài chia sẻ, cha Giuse nhấn mạnh đến công cuộc “Truyền Giáo”, “Tân Phúc Âm hóa”, hay “Loan Báo Tin Mừng” không bao giờ là chuyện đã qua hay chuyện cũ miễn bàn, nhưng mãi mãi là câu chuyện của hôm nay. Như lời Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mà Thư Chung 2013 của HĐGMVN đã trân trọng nhắc lại: “Tân Phúc Âm hóa không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì ‘Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời’ (Dt 13,8), nhưng là mới vì lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và mới trong cách diễn tả”. Chính vì lẽ đó mà Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đã trao cho các vị Giám mục Tông Tòa “Huấn Thị 1659” một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu: Đào tạo nhân sự cho vùng truyền giáo. Đây cũng là lý do mà các vị thừa sai được cử tới các vùng truyền giáo trong cương vị Giám mục, để trong các phương thức có thể, đào tạo giáo dục các thanh niên, giúp họ có khả năng lãnh nhận chức vị linh mục.

Bài thuyết trình của cha Giuse dù chỉ diễn ra trong thời gian khá ngắn, nhưng phần nào giúp người nghe hiểu và quý trọng hơn những công việc mà các vị thừa sai đã dày công thực hiện, trong công cuộc truyền bá đức tin tại Việt Nam. Định hướng và mục tiêu của hai chứng tích lịch sử: Huấn thị 1659 và Công Nghị 1664 chắc chắn vẫn còn nguyên giá trị cho các cộng đoàn Giáo Hội tại Á Châu, trong đó có GH Việt Nam.

Lúc 9g30, tiết thứ ba bắt đầu với phần chia sẻ của cha Gioan Trần Văn Thức về đề tài: Đường hướng đào tạo Linh mục theo Huấn thị cho các thừa sai với Monita ad Missionarios của Đức cha Pallu – Đức cha Lambert. Cha Gioan đã trình bày đôi nét về đường hướng đào tạo linh mục được nói đến trong Huấn Thị. Điểm đặc nét của Huấn Thị gồm 10 chương đó là, Linh Đạo Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh là trung tâm, tập trung vào 3 điểm chính: Thứ nhất, Thánh Hóa Bản Thân Các Thừa Sai, Linh Đạo Tập Trung Vào Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô Chịu Đóng Đinh; thứ hai, Hoạt Động Truyền Giáo – Đào Tạo Linh Mục Theo Linh Đạo Mầu Nhiệm Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh; thứ ba, tổ Chức Giáo Hội Sống Mầu Nhiệm Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh. Với người Việt nam chúng ta, văn kiện này thật quý giá. Công nghị còn đưa ra ba quyết định quan trọng: (1) Thành lập chủng viện chung cho cả vùng truyền giáo. (2) Lập Trung tâm quản lý tại Thái Lan để điều hành, phối hợp hoạt động truyền giáo cho cả khu vực. (3) Thành lập Hội Dòng Tông đồ những người Mến Thánh giá gồm cả Giám mục, linh mục và giáo dân nam nữ. Tòa thánh không phê chuẩn điều này nhưng đây là cơ sở tinh thần để sau này hình thành nên Hội Dòng Mến Thánh Giá. “Linh mục nào muốn chỉnh đốn đời sống và các phương pháp tông đồ của mình theo tinh thần Giáo hội, tức là tinh thần Chúa Kitô, sẽ tìm thấy trong văn kiện này nhiều chỉ thị hướng dẫn rất quan trọng và bổ ích” (Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, lời ngỏ, khơi nguồn tiếp bước, Monita ngày 11.4.2004).

Cha Gioan kết lại bài chia sẻ với câu hỏi: vậy Mẫu Gương Thánh Thiện mà Đức cha Lambert để lại cho Giáo Hội hôm nay là gì? Có thể khái quát qua con người và con đường sứ vụ của ngài: Đức cha Pierre Lambert de La Motte đã hiến dâng cả cuộc đời, thực thi thánh ý Chúa qua bổn phận được giao phó là xây dựng nên 2 Giáo phận đầu tiên tại Việt Nam, với một đường hướng Loan báo Tin Mừng và xây dựng Giáo hội đúng theo đức tin Công giáo.

Phần cuối của Hội Thảo là thời gian các tham dự viên trao đổi và đặt câu hỏi trực tiếp với các thuyết trình viên. Trước khi kết thúc, thầy Niên trưởng thay cho gia đình ĐCV Xuân Lộc gửi lời tri ân tới Đức cha Giuse – Giám mục Giáo phận Phan Thiết, cha Giuse – Tổng Đại diện Giáo phận Quy Nhơn và cha Gioan – Giám đốc chủng viện Nicola đã dành thời gian tới thăm và có những chia sẻ quý giá về Đức cha Lambert. Sau lời cảm ơn, Đức cha Giuse có đôi lời nhắn nhủ và chúc lành cho gia đình ĐCV. Ước mong buổi hội thảo sẽ phần nào truyền lửa nhiệt thành truyền giáo tới mỗi chủng sinh, qua gương sáng của Vị Giám Mục Thừa Sai – ĐỨC CHA LAMBERT DE LA MOTTE.

Gioan B. Nguyễn Văn Phòng

Lớp Thần Học 3 – Khóa XII

Comments are closed.