Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Có một băng nghe nhìn trong https://youtu.be/6kDiDerryFk về một linh mục khiếm thính cử hành thánh lễ hoàn toàn bằng ngôn ngữ ký hiệu. Đặc biệt, ngài không đọc lời truyền phép (mặc dù, các phần của thánh lễ được một phụ nữ đọc, song song với ngôn ngữ ký hiệu của linh mục). Thưa cha, việc này có đúng không? Nó có vẻ không hợp lệ chăng? Một cách thức đúng cho một cộng đoàn người điếc là linh mục đọc to các lời của Thánh lễ, và ai đó lặp lại chúng bằng ngôn ngữ ký hiệu cho cộng đoàn này. Con không biết ngôn ngữ ký hiệu, nhưng con nghi ngờ rằng những gì thực sự được diễn tả bằng ký hiệu là – cách tốt nhất – một cách quảng diễn các lời của Thánh lễ, và có thể, một phần, là một sự biến dạng của các lời ấy. Giả sử đó là một lời quảng diễn – và giả sử thủ tục này là hợp lệ ngay từ đầu – con có thể nghĩ rằng các tiêu chuẩn tương tự sẽ được áp dụng cho lễ cử hành này, cũng như áp dụng cho việc cử hành lớn tiếng, nhưng với việc quảng giải liên tục các lời của sách lễ. – D. S., Calgary, Alberta, Canada.
Đáp: Trước hết, chúng tôi phải nói rõ rằng câu hỏi của bạn đọc này không liên quan đến tính hợp pháp của việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong Thánh lễ thông thường. Việc này hiện nay là có ở một số giáo xứ, mặc dù không phổ biến nhiều.
Câu hỏi cũng không liên quan đến một linh mục vừa đọc vừa sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong khi cử hành thánh lễ.
Câu hỏi liên quan đến một vấn đề nhỏ hẹp về tính hợp lệ của việc truyền phép, mà trong đó một linh mục, đặc biệt là một người khiếm thính, chỉ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong suốt buổi cử hành và không đọc lời truyền phép rõ ràng lớn tiếng.
Về tính hợp pháp của việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong phụng vụ, chúng tôi có câu trả lời chính thức sau đây của Tòa Thánh cho một câu hỏi, đăng trong Notitiae 2 (1966): 30-31 số 95:
“Số 5. Liệu ngôn ngữ được gọi là ngôn ngữ «cử chỉ» (ngôn ngữ ký hiệu) có thể được sử dụng trong việc cử hành phụng vụ cho người điếc không?
“Trả lời: Được. Vì đó là hệ thống duy nhất mà người điếc có thể thực sự tham gia tích cực vào phụng vụ thánh. Thực vậy, trả lời cho một số Hội đồng Giám mục đã hỏi câu này, mới đây Đức Thánh Cha (ngày 14-12-1965) đã vui lòng ban phép rằng ngôn ngữ được gọi là ngôn ngữ «cử chỉ» (ngôn ngữ ký hiệu) có thể được sử dụng trong việc cử hành phụng vụ cho người điếc, bất cứ khi nào một lý do mục vụ gợi ý việc này, trong tất cả các phần vốn được đọc bằng ngôn ngữ bản địa. Lễ cử hành có thể được diễn tiến như sau:
“1. Các bài đọc được chuyển đến cộng đoàn qua các ký hiệu.
“2. Đối với việc tham gia vào các phần khác liên quan đến tín hữu:
“a)Những gì vị chủ tế đọc một mình, ngài vừa đọc các lời vừa diễn tả chúng bằng cử chỉ; tín hữu đáp lại bằng cử chỉ;
“b)trong các phần mà vị chủ tế và tín hữu đọc chung, thí dụ: kinh Vinh Danh (Gloria), kinh Tin Kính (Credo), kinh Thánh Thánh Thánh (Sanctus-Benedictus), kinh Lạy Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei), v.v., các tín hữu tuân theo các dấu hiệu của chủ lễ qua các cử chỉ”.
Tuy nhiên, câu trả lời này không trả lời cho câu hỏi chính xác của bạn đọc về tính hợp lệ, và mặc dù đã có một số suy tư thần học tốt về chủ đề này, và một số nghiên cứu giáo luật nghiêm túc, tôi đã không thể tìm thấy một tuyên bố chính thức dứt khoát, vốn có thể khép lại cuộc tranh luận.
Chuyên viên giáo luật nổi tiếng, Tiến sĩ Edward Peters đã công bố nhiều nghiên cứu về chủ đề này, và đề xuất một kết luận tích cực liên quan đến tính hợp lệ bí tích của ngôn ngữ ký hiệu. Có các nghiên cứu thần học khác đi đến kết luận tương tự từ quan điểm tín lý. Thật không may, hầu hết các nghiên cứu này dường như không có sẵn trực tuyến trên mạng.
Đồng thời, tôi chỉ đồng tình với kết luận về tính hợp lệ của ngôn ngữ ký hiệu khi linh mục là khiếm thính.
Trước hết, có một thực tế rằng các linh mục khiếm thính đã được truyền chức từ năm 1977, trong đó một số vị không nói được. Xét từ quan điểm của thần học bí tích, Hội Thánh không thể cho phép truyền chức linh mục cho họ, nếu có nghi ngờ rằng các vị này có thể cử hành Thánh lễ hoặc bí tích hợp lệ.
Một lập luận thứ hai bắt nguồn từ bản chất của ngôn ngữ ký hiệu như là một ngôn ngữ thực sự. Mặc dù nó rõ ràng được kết nối với ngôn ngữ của quốc gia nơi người đó sinh sống, ngôn ngữ ký hiệu không chỉ là một cách diễn đạt của ngôn ngữ nói địa phương, mà là một ngôn ngữ thực sự với ngữ pháp, cấu trúc và cú pháp riêng. Nhiều ngàn người sử dụng nó như là phương tiện giao tiếp thông thường của họ, và có khả năng diễn tả đầy đủ sự giao tiếp giữa người và người.
Đúng là thần học bí tích truyền thống đòi hỏi phải nói ra lời cho mô thức bí tích. Đây là một lý do tại sao sự điếc, cùng với các khiếm khuyết thể chất khác, được coi là một ngăn trở cho việc truyền chức. Đây là lập trường được tìm thấy trong hầu hết các sách giáo khoa thần học.
Tuy nhiên, gần đây nhất chúng ta có thể đến với một tuyên bố chính thức rằng việc đọc ra lời là điều cần thiết cho tính hợp lệ là một khẳng định của Đức Giáo hoàng Piô XII, đấng có tầm nhìn xa, khẳng định sự cần thiết cho một vị đồng tế đọc lời truyền phép.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, Đức Giáo hoàng đã khẳng định sự vô hiệu của “lời trong tâm trí, đọc thầm, verbum mentis”, tức là lặp lại trong tâm trí hình thức bí tích mà không có dấu hiệu bên ngoài. Do đó, một lễ cử hành của một linh mục không mở miệng mà chỉ đọc trong tâm trì các lời nguyện, là không hợp lệ.
Đây không phải là trường hợp sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, vì nó không phải là “lời trong tâm trí, đọc thầm, verbum mentis”. Trong trường hợp này, linh mục khiếm thính thực sự đọc các lời truyền phép, mặc dù ngài đang sử dụng các lời có thể nhìn thấy mà không nghe được.
Mặc dù việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu đã được phê duyệt, nhưng vẫn chưa có bản dịch chính thức của Sách lễ Latinh sang ngôn ngữ ký hiệu. Vì ngôn ngữ ký hiệu là một hiện tượng mới đây trong phụng vụ, nên có lẽ cần nhiều năm, để phát triển một số từ vựng kỹ thuật hơn và đưa nó vào việc phụng tự. Một Sách lễ chính thức có lẽ còn xa vời hơn nữa, vì vẫn chưa có một phương pháp tiêu chuẩn hóa hoàn toàn để viết ngôn ngữ ký hiệu, ngay cả khi một cuốn sách như vậy được xem là thật cần thiết.
Bởi vì ngôn ngữ ký hiệu là một ngôn ngữ khác biệt, nó không thể so sánh với tình huống của một linh mục quá lạm dụng diễn giải các lời nguyện chính thức. Một sự loại suy có thể được, mặc dù là không thỏa đáng, cho việc vừa nói vừa làm ký hiệu là tình huống dự một thánh lễ giáo hoàng trên truyền hình, mà trong đó người bình luận đọc các lời nguyện từ Sách lễ tiếng Anh, trong khi Đức Thánh Cha đang cử hành thánh lễ bằng tiếng Ý.
Thánh lễ trên băng nghe nhìn được cử hành với sự tôn kính xứng đáng. Nó được giáo phận cho phép, và người điếc chiếm một phần đáng kể của cộng đoàn. Người phụ nữ đọc các bài đọc và giải thích bài giảng là vì lợi ích của các người hiện diện không hiểu ngôn ngữ ký hiệu, và phụ nữ ấy là không phô trương do hoàn cảnh cho phép như vậy.
Đối với hầu hết các giáo xứ, giải pháp sẽ tiếp tục là một cách giải thích bằng cử chỉ của lời được nói.
Tuy nhiên, tôi sẽ nói rằng việc trao cơ hội cho một cộng đoàn người khiếm thính cùng thờ phượng, bằng cách dùng ngôn ngữ riêng của họ, là một phúc lành lớn và là một trợ giúp thực sự cho sự tham gia tích cực của họ vào phụng vụ. (Zenit.org 5-3-2019)
Nguyễn Trọng Đa