Giải đáp phụng vụ: Lễ kính Chúa rơi vào thứ bảy được cử hành như thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

   Hỏi: Một điều con cảm thấy bối rối là các dịp khi một ngày lễ kính Chúa (a feast of Lord) rơi vào ngày thứ bảy. Chẳng hạn, khi lễ ngày 6 tháng 8 rơi vào ngày thứ bảy, Thánh Lễ nào sẽ được cử hành vào chiều tối hôm đó – hoặc Lễ Chúa nhật thường niên, hoặc Lễ Chúa Biến Hình? Mới đây, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn về chủ đề này: http://www.usccb.org/about/divine-worship/newsletter/upload/newsletter-2016-05-and-06.pdf. Tuy nhiên, hướng dẫn này được dựa trên các nhận xét đã có từ nhiều thập kỷ trong Notitiae, vốn đối với con là mâu thuẫn hoặc ít nhất là thiếu sự đảm bảo. Hơn nữa, nó dường như đối với con là không phù hợp với định nghĩa của Bộ giáo luật về một ngày (Bộ giáo luật 202, § 1). Một ngày dường như có nghĩa là trọn một ngày, và nếu lễ Chúa Biến hình được chỉ định là ngày 6 tháng 8, và là ưu tiên hơn một Chúa nhật trong Mùa Thường niên, thì theo theo con Thánh lễ Chúa Biến Hình nên được cử hành vào chiều tối thứ bảy, ngày 6 tháng 8, và như thế nó đáp ứng việc giữ luật buộc ngày Chúa nhậtnữa. – A. P., Lansing, Michigan, Hoa Kỳ.

Đáp: Trước tiên, tôi không tin rằng sự việc một câu trả lời chính thức của Tòa Thánh đã có từ nhiều thập niên trước đã tạo ra khác biệt cho giá trị của nó, trừ khi các trường hợp đã bị thay đổi trong thời gian đó đã làm cho nó không thể áp dụng được. Tuy nhiên, ‘các Quy luật Tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch’ đã có từ năm 1969, và chỉ có các sửa đổi nhỏ trong giai đoạn này.
Các quy luật nói trên có một hoặc hai điểm, vốn có thể giúp chúng tôi làm sáng tỏ câu trả lời của chúng tôi cho câu hỏi của bạn đọc này. Thứ nhất là định nghĩa một ngày như được áp dụng cho một lễ (như khác với ngày lễ buộc):
“13. Các lễ được cử hành trong giới hạn của ngày tự nhiên, và do đó không có Giờ Kinh Chiều I. Ngoại lệ là các lễ kính Chúa rơi vào Chúa Nhật trong Mùa Thường niên vàtrong mùa Giáng sinh, và thay thế cho Thần vụ Chúa nhật”.
 Thứ hai, chúng ta có danh sách các lễ được xếp hạng như sau:
 “5. Các lễ kính Chúa có ghi trong lịch chung.
 “6. Các Chúa nhật mùa Giáng sinh và mùa Thường niên”.

Các lễ kính Chúa được đề cập ở trên trong số 5, và được cử hành nếu trùng với Chúa nhật mùa Thường niên, là: Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa (Chúa nhật sau Lễ Hiển Linh, hoặc thứ hai sau lễ Hiển Linh nếu lễ trọng này rơi vào ngày 7 hoặc 8 tháng 1); Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh (Lễ Nến, ngày 2 tháng 2); Lễ Chúa Biến Hình (ngày 6 tháng 8); Lễ Suy tôn Thánh giá (ngày 14 tháng 9); Lễ cung hiến Thánh đường Latêranô (ngày 9 tháng 11, được xem như lễ kính Chúa vì tước hiệu chính thức đầu tiên của nhà thờ này là kính Đấng Cứu Thế Cực thánh); và lễ Thánh Gia (Chúa nhật sau lễ Giáng sinh, hoặc ngày 30 tháng 12 nếu lễ Giáng sinh rơi vào ngày Chúa nhật).

Các tài liệu của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ được tìm thấy trong địa chỉ liên kết mạng của bạn đọc trên cũng là hữu ích. Sự trình bày của khó khăn này cũng gợi ý một số giải pháp khả thi.
Nó nêu ra rằng sự khó khăn của sự xuất hiện của hai ngày lễ liên tiếp đã nhận được hai giải pháp khác nhau:
“Sau cuộc thảo luận dài ban đầu, Thánh Bộ Phượng tự đã thảo luận câu hỏi trong năm 1974 và đưa ra các hướng dẫn trong một Ghi chú ‘Về lễ ngày Chúa nhật hay ngày lễ kính được dự đoán vào chiều tối hôm trước’ (Notitiæ 10 [1974], 222-223). Ghi Chú này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xếp hạng trong Bảng các ngày Phụng vụ, trong ‘các Quy luật Tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch’, để lựa chọn việc cử hành thích hợp:

“Trong trường hợp một Chúa nhật đi sau ngày một lễ trọng hoặc ngược lại, cách tốt nhất để chu toàn việc tuân giữ một ngày phụng vụ trọn vẹn, là áp dụng cho việc cử hành một Thánh lễ buổi tối điều đã được đặt ra trong trường hợp của Giờ Kinh Chiều, tức là: “…Nếu Giờ Kinh Chiều của Thần vụ của ngày hiện tại và Giờ Kinh Chiều I của ngày hôm sau được chỉ định cho việc cử hành trong cùng một ngày, thì Giờ Kinh Chiều của ngày lễ có ưu tiên cao hơn trong danh sách các lễ được xếp hạng là được ưu tiên hơn; trong các trường hợp xếp hạng ngang nhau, Giờ Kinh Chiều của ngày hiện tại được ưu tiên hơn. (số 2)”.

Tuy nhiên, 10 năm sau, trong một tài liệu ít được biết đến hơn, Thánh Bộ Phượng tự đã đưa ra một giải pháp mới, vốn không còn dựa trên bảng ưu tiên phụng vụ nữa.
“Thánh Bộ … đã ban hành các tiêu chuẩn được sửa đổi, dựa trên nguyên tắc mà ưu tiên được trao cho ‘lễ theo luật’ (feast of precept, thường được dịch là một ngày lễ buộc), nghĩa là, ưu tiên cho việc cử hành ngày có tính buộc cho các tín hữu, để họ tham dự Thánh lễ. Không nghi ngờ rằng lý do này  là nhằm phục vụ các nhu cầu mục vụ của tín hữu, nên một số người tham dự Thánh lễ buổi chiều Thứ Bảy là đã tham dự phụng vụ Chúa Nhật, và do đó thực hiện luật buộc dự lễ của họ rồi. Các hướng dẫn mới hơn (‘De Calendario Liturgico Exarando pro Anno 1984-1985’, Notitiæ 20 [1984], 603-605) là chỉ bằng tiếng Latinh, và do đó các quy định của nó ít được biết tới đối với các người không đọc tài liệu của Thánh Bộ, hoặc một bản dịch tiếng địa phương”.

Các hướng dẫn của Thánh bộ Phượng tự, và hiện nay được áp dụng ở hầu hết các quốc gia, được tóm tắt trong bản tin của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ là như sau:
 “1. Trong việc cử hành Thánh Lễ, ưu tiên luôn luôn được trao cho (‘præcedentia semper danda est’)  ngày lễ buộc (lễ theo luật), không phân biệt sự xếp hạng của hai ngày lễ liên tiếp; và
  “2. Trong việc cử hành Giờ Kinh Chiều vào một ngày lễ buộc, mà trong đó cộng đoàn tham dự, các hướng dẫn cũ vẫn còn được áp dụng, ngoại trừ các bản văn của Giờ Kinh Chiều I của ngày hôm sau có thể được thay thế bởi bản văn của Giờ Kinh Chiều II ngày hôm nay”.

Vì có thể có nhiều loạt tình huống mục vụ và tập tục mục vụ của tín hữu, các tài liệu cũng nói rằng Giám mục giáo phận có nhiều quyền rộng rãi để quyết định phải làm gì, trong trường hợp có sự trùng hợp của các ngày lễ khác nhau. Và đây là lý do tại sao có thể có một số khác biệt nhỏ giữa một giáo phận này với một giáo phận khác. Hiện nay, hầu hết các giáo phận xuất bản một lịch phụng vụ hàng năm, nhằm hướng dẫn tín hữu trong khía cạnh này.

Do đó, nếu không có quyết định khác của một Giám mục, phải làm gì nếu lễ Chúa Biến Hình (ưu tiên hơn một Chúa nhật mùa Thường niên) rơi vào ngày thứ Bảy?
Bởi vì ngày Chúa nhật là một ngày lễ buộc, thì sự việc này có nghĩa rằng tài liệu năm 1984 được áp dụng cho việc cử hành Thánh Lễ, và Thánh Lễ Chúa Nhật được cử hành vào buổi chiều tối thứ bảy.

Tuy nhiên, đối với Các Giờ Kinh Phụng Vụ, bảng xếp hạng ưu tiên cần được áp dụng, sao cho Giờ Kinh Chiều thứ bảy vẫn còn sử dụng các bản văn  của lễ Chúa Biến Hình do lễ này có ưu tiên cao hơn.
Mặc dù không bắt buộc chặt chẽ, trong trường hợp đó, có lẽ tốt hơn là nên đọc Giờ Kinh Chiều của lễ Chúa Biến Hình, trước khi cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật. (Zenit.org 17-4-2018)

Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.