Giải Đáp Của Kitô Hữu Trước Chủ Thuyết Duy Thế Tục

Lts.  Khi cha cầm trên tay tập sách nhỏ ‘Tĩnh Tâm Linh Mục’ và đọc những dòng này, tại Rôma Đức Thánh cha Bênêđictô đã mở cánh cửa ‘Năm Đức Tin’ được gần một tháng và đồng thời Thượng Hội đồng Giám mục về ‘Tân Phúc Âm Hóa’ vừa kết thúc. Một tư tưởng mọi người quan tâm đó là trào lưu thế tục. Chúng ta đã nhiều lần nghe nói trào lưu này nhưng chưa hẳn đã nắm rõ ý nghĩa. Có lẽ sẽ không uổng công khi ta lắng nghe cha Cantalamessa, vị giảng thuyết của phủ Giáo hoàng chia sẻ một loạt ba bài giảng và sau đây ta nghiềm ngẫm bài đầu tiên: ‘Chủ Thuyết Duy Thế Tục’

1. Sự Kiện Thế Tục Hóa và Chủ Thuyết Duy Thế Tục

Trong bài suy niệm này chúng ta quan tâm đến trở ngại thứ hai mà công cuộc loan Tin Mừng đối diện trong thế giới Tây phương hiện đại: sự kiện thế tục hóa. Trong tự sắc thiết lập ‘Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ Cuộc Tân Phúc Âm hóa’, Đức Thánh Cha viết: “Hội đồng này phục vụ một số các Giáo hội, đặc biệt các Giáo hội trong những lãnh thổ thuộc truyền thống Kitô mà hiện tượng thế tục hóa lộ diện rõ hơn.” Sự kiện thế tục hóa là hiện tượng phức tạp và đa nghĩa. Nó có thể chỉ sự độc lập của các thực tại trần thế và sự tách biệt giữa Vương quốc Thiên Chúa và vương quốc César. Trong nghĩa này, nó không những không chống lại Tin Mừng nhưng còn tìm thấy trong Tin Mừng một trong những gốc rễ sâu xa của nó. Tuy nhiên nó cũng có thể chỉ toàn bộ những thái độ chống lại tôn giáo và lòng tin mà từ ‘duy thế tục’ thường theo nghĩa này. Từ ‘duy thế tục’ đối với sự kiện thế tục hóa là nội dung giống như từ ‘duy khoa học’ đối với sự tự nhiên khoa học và giống như từ ‘duy lý’ đối với lý trí. Quan tâm tới những trở ngại và thách đố mà đức Tin đối diện trong thế giới hiện đại, tôi bàn đặc biệt đến nghĩa tiêu cực này của sự kiện thế tục hóa. Tuy dù giới hạn đề tài như thế, sự kiện thế tục hóa mang nhiều khuôn mặt tùy theo lãnh vực: thần học, khoa học, đạo đức học, chú giải Kinh Thánh, văn hóa, nói chung trong cuộc sống hằng ngày. Trong bài suy niệm này, tôi dùng nghĩa ban sơ của nó. Sự kiện thế tục hóa cũng như chủ thuyết duy thế tục phát sinh do từ ‘saeculum’, trong ngôn ngữ thông dụng chỉ nghĩa ‘thời nay’ (‘cái hiện tại’ theo nghĩa Kinh Thánh), hiểu như đối lại sự trường cửu (cái tương lai, hay ‘trường cửu’ của Kinh Thánh). Theo nghĩa này, duy thế tục đồng nghĩa với tính thời gian, với sự giản lược thực tại chỉ còn chiều kích tại thế.

Sự đánh mất nhãn quan trường cửu hay sự sống đời đời ảnh hưởng trên đời sống Kitô tựa như lấy cát dập lửa: nó bóp ngạt, làm tắt ngúm đi. Lòng tin vào đời sống trường cửu là một trong những điều kiện khả dĩ của công cuộc loan Tin Mừng. “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15, 19).

2. Sự Ý Thức và Sự Nhạt Nhòa Ý Tưởng Trường Cửu

Chúng ta nhắc lại sơ qua lịch sử niềm tin vào sự sống sau cái chết. Nó giúp ta đo lường sự mới mẻ Tin Mừng mang lại trong lãnh vực này. Trong Do Thái giáo của Cựu Ước, niềm tin này đến chậm. Chỉ sau thời lưu đày, đối diện sự thất bại của các kỳ vọng trần thế, niềm tin ấy mới đi vào lãnh vực sự sống lại của xác thể và vào phần thưởng bên kia thế giới cho người công chính, nhưng không phải ai cũng chấp nhận (như đã biết, phái Sađđucêô không tin nhận).

Niềm tin này mạnh mẽ phủ nhận luận đề của những người (Feuerbach, Marx, Freud) cắt nghĩa lòng tin vào Thiên Chúa là do ước ao phần thưởng trường cửu, tựa như sự phóng chiếu những kỳ vọng trần thế bất thành vào kiếp phận bên kia. Israel tin vào Thiên Chúa rất nhiều thế kỷ trước khi tin vào phần thưởng trường cửu trong thế giới bên kia! Như vậy không phải lòng ao ước phần thưởng trường cửu sinh ra đức tin vào Thiên Chúa mà đức tin vào Thiên Chúa sinh ra lòng tin vào phần thưởng bên kia thế giới.

Trong thế giới Kinh Thánh, Đức Kitô đến mạc khải trọn vẹn sự sống trường cửu. Chúa Giêsu không đặt nền tảng sự xác thực của sự sống trường cửu, sự bất tử của linh hồn trên bản tính con người, nhưng trên ‘Quyền lực Thiên Chúa’, Đấng “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của người sống” (Lc 20, 27-38). Sau biến cố Phục Sinh, các Tông đồ bổ sung nền tảng thần học này về Chúa Kitô: Chúa Kitô đã phục sinh từ cõi chết; trên đó các Tông đồ đặt niềm tin sự sống lại của thân xác và sự sống đời đời: “Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Kitô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói không có chuyện kẻ chết sống lại?… Nhưng Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15, 12. 20).

Ta chứng kiến ngay cả trong thế giới Hy Lạp – La Mã, sự tiến triển của ý niệm thế giới bên kia. Ý tưởng cổ xưa nhất là cuộc sống thực kết thúc bằng cái chết. Sau cuộc sống này chỉ có cái tương tự cuộc sống này, một thế giới hình bóng. Điều mới mẻ được ghi nhận khi xuất hiện tôn giáo Orphée-Pythagore, theo đó, cái ‘ngã’ đích thực của con người là linh hồn, được giải thoát khỏi nhà tù thân xác, cuối cùng có thể sống cuộc sống đích thực của mình. Triết gia Platon đã cho khám phá này phẩm chất triết lý, dựa trên bản tính thiêng liêng, do đó bất tử, đó là bản tính của linh hồn.

Tuy nhiên, niềm tin này vẫn là của thiểu số, dành cho những người đã được rèn luyện và là môn sinh của các trường phái triết học đặc biệt. Lưu truyền mãi trong dân chúng vẫn là niềm xác tín từ xưa là cuộc sống thật kết thúc bằng cái chết. Ta ghi nhận những lời Hoàng đế Hadrian tự nhủ khi gần chết:

‘Tấm linh hồn hầu như nguyên vẹn và trìu mến

Bạn đường và vị khách của thân xác,

Nay ngươi vội vã tới những nơi ảm đạm, trắc trở và trơ trụi,

Ở đó ngươi không còn những thú vui cố hữu.

Trong nháy mắt chúng ta chăm chú ngắm những bến bờ quen thuộc,

Những sự vật chắc chắn ta không bao giờ thấy lại.’

Ta có thể hiểu sự chấn động khi Kitô giáo loan báo cuộc sống sau cái chết trong vui mừng và mãn nguyện vô tận hơn cuộc sống trên trần gian. Ta cũng có thể hiểu tại sao ý tưởng và những biểu tương cuộc sống trường cửu tràn ngập tại các ngôi mộ trong các hầm mộ cổ đại. Tuy nhiên điều gì đã xẩy ra cho tư tưởng Kitô vào cuộc sống trường cửu của linh hồn và của thân xác, sau khi đã chinh phục tư tưởng dân ngoại về ‘cái tăm tối bên kia cái chết’ và sau đó thấm nhập mọi phương diện cuộc sống suốt thời Trung Cổ? Xét như đối nghịch lại thời điểm hiện tại mà chủ thuyết vô thần được miêu tả nổi bật nhất là sự chối bỏ sự hiện hữu của Đấng Tạo Thành, trong thế kỷ 19 chủ thuyết này lại được miêu tả nổi bật trong sự chối bỏ thế giới bên kia. Thử đan cử lời khẳng định của Hegel: “Kitô hữu lãng phí năng lực dành cho mặt đất để tìm trời cao”; Feuerbach và nhất là Các-Mác lâm trận chống niềm tin vào cuộc sống sau cái chết, lấy cớ nó tha hóa con người trước những dấn thân trên đời. Thay thế ý tưởng mỗi cá nhân tồn hữu trong Thiên Chúa là ý tưởng sự lưu lại trong giống loại và trong xã hội tương lai.

Dần dần, sự nghi ngờ, sự quên lãng và sự im lặng đổ ập trên từ ‘trường cửu’. Chủ thuyết duy vật và tiêu thụ làm phần còn lại trong một xã hội giàu có, làm như bất tiện khi còn đề cập ‘sự đời đời’ giữa những người có học. Tất cả ảnh hưởng rõ rệt trên đức tin của tín hữu, làm họ thành e sợ và dè dặt trong phương diện này. Ta đã được nghe bài giảng cuối cùng về sự sống trường cửu khi nào? Ai dám nói gì về sự sống trường cửu trước nỗi khổ đau của một em bé vô tội? Chúng ta tiếp tục cầu nguyện với kinh Tin Kính: ‘Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau’, nhưng không nhấn mạnh vào những từ ấy lắm. Kierkegaard có lý khi viết: “Thế giới bên kia cái chết trở thành trò cười, một nhu cầu chẳng lấy gì làm chắc chắn mà chẳng những không ai còn quí trọng nhưng còn chẳng trông đợi gì, tới mức chúng ta cười đùa ngay cả khi có ý tưởng là đã có một thời cái ý tưởng ấy thay đổi cả hiện sinh.”

            Hậu quả thực tiễn khi ý tưởng trường cửu lu mờ là gì? Thánh Phaolô nói tới những kẻ không tin vào sự sống lại từ cõi chết: “Chúng ta cứ ăn uống đi vì ngày mai chúng ta sẽ chết” (1Cr 15, 32). Nỗi ao ước tự nhiên được sống mãi bị bóp méo biến thành nỗi ao ước hay sự khát mong tới điên dại được sống tốt đẹp, nghĩa là được toại nguyện, bất chấp làm thiệt hại tha nhân nếu cần. Cả mặt đất, như Dante đã nói về nước Italia đương thời, trở thành: “Cả vườn hoa cũng làm cho chúng ta trở nên người tàn bạo.” Một khi nhãn quan trường cửu nhạt nhòa, nỗi đau nhân thế xem chừng gấp bội và mâu thuẫn vô phương chữa trị.

3. Sự Trường Cửu: Niềm Hy Vọng và Sự Hiện Diện

Giống như đối với chủ thuyết duy khoa học, với chủ thuyết duy thế tục cũng vậy, giải đáp hữu hiệu nhất không hệ tại đánh phá những sai lầm, nhưng hệ tại làm sáng tỏ trước mọi người sự thực hữu của cuộc sống trường cửu, khơi lên sức mạnh nội tại của sự thật kèm theo chứng từ cuộc sống. Một Giáo phụ xưa viết: “Một tư tưởng luôn luôn bị đối kháng bởi một tư tưởng khác hay một ý kiến cũng vậy, nhưng cái gì có thể đối kháng một cuộc sống?” Chúng ta cũng phải khơi lên chân lý tương đương này với nỗi khát khao sâu xa nhất của cõi lòng con người, dù có bị chèn ép. Miguel de Unamuno, dù chắc chắn không phải là nhà hộ giáo, đã trả lời trong một lá thơ cho người bạn trách mình là tự hào và võ đoán khi khao khát sự sống trường cửu: “Tôi không nói tôi xứng đáng được hưởng hay tôi có thể lý luận mạch lạc minh chứng sự trường cửu. Tôi nói là chúng ta cần nó, dù xứng đáng hay không, và chỉ có thế. Tôi nói rằng cái nhất thời này không thỏa mãn tôi, rằng tôi khao khát sự trường cửu, và không có nó mọi sự thành lạc lõng đối với tôi. Tôi cần nó, tôi cần nó! Không có sự trường cửu, chẳng còn niềm vui trong cuộc sống và cái vui trong đời chẳng tạo cho tôi cái gì cả. Quá dễ để khẳng định: ‘Cần phải sống, mỗi người phải bằng lòng với cuộc sống’. Nhưng với ai không bằng lòng với cuộc sống thì sao?”

Không phải người khao khát sự trường cửu sẽ tỏ ra khinh thường thế giới và cuộc sống tại thế, nhưng ngược lại là đàng khác đối với người không khao khát sự trường cửu: “Tôi quá yêu đời đến nỗi mất nó sẽ là sự tệ hại nhất cho tôi. Họ không thực sự yêu đời nếu họ hằng ngày hưởng đời mà không đón lấy cái phiền là biết rằng có chăng họ đang mất nó.” Thánh Augustinô cũng nói tương tự: “Cui non datur semper vivere, quid prodest bene vivere?” (Nếu không được sống trường cửu, đời ta sống nghĩa lý gì?) Thi sĩ của chúng ta đã ca lên: “Mọi sự là vô nghĩa cho cuộc đời, trừ sự trường cửu.”

Đối với người thời đại chúng ta, những người đang chăm lo trong chiều sâu nhu cầu được sống trường cửu, dù không đủ can đảm nhìn nhận điều đó cho người khác hoặc ngay cả cho chính mình, chúng ta có thể lặp lại điều thánh Phaolô nói cho dân Athênêô: “Đấng quí vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quí vị” (x Cv 17, 23).

Giải đáp của tín hữu Kitô cho chủ thuyết duy thế tục là chúng ta hiểu sự bất tử của linh hồn không dựa vào một tư tưởng triết lý như đối với Platon nhưng trên một biến cố. Thời Ánh Sáng đặt một vấn đề nổi tiếng là làm sao đạt được sự trường cửu, trong khi người ta còn sống trong thời gian và làm sao có được một khởi điểm lịch sử cho ý thức trường cửu. Nói cách khác, làm cách nào người ta biện minh đòi hỏi của niềm tin Kitô về cuộc sống đời đời và về mối răn bảo về hình phạt đời đời tương ứng hành động đã làm tại thế. Giải đáp duy nhất hữu hiệu cho vấn đề này dựa trên lòng tin vào biến cố Thiên Chúa nhập thể. Trong Chúa Kitô, trường cửu đã đi vào thời gian, sự trường cửu đã tự tỏ hiện trong xác thể. Với Đức Kitô, ta có thể khẳng định sự trường cửu. Đó là điều thánh sử Gioan nói về sự sống đời đời: “Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời, sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi” (1Ga 1, 2). Với các tín hữu, sự trường cửu không chỉ là niềm hy vọng, mà còn là sự hiện diện. Chúng ta có kinh nghiệm này mỗi khi chúng ta nâng lòng tin lên Chúa Kitô, vì ‘anh em có sự sống đời đời, anh em là những người tin vào Danh Con Thiên Chúa’ (1Ga 5, 13); mỗi khi chúng ta rước lễ, ‘chúng ta được tặng ban bảo chứng vinh quang mai hậu’ (futurae gloriae nobis pignus datur); mỗi khi chúng ta nghe lời Tin Mừng là ‘lời ban sự sống đời đời’ (x Ga 6, 68). Thánh Tôma Aquinô cũng nói rằng ‘ân sủng là khởi sự của vinh quang’.

Sự hiện hữu của sự trường cửu trong thời gian được gọi là Thánh Thần. Thánh Thần được trình bày như là ‘bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta’ (Ep 1, 14; x 2Cr 5, 5), và Thánh Thần được ban cho chúng ta, để sau khi lãnh nhận hoa trái đầu mùa, chúng ta khao khát được viên mãn. Thánh Augustinô đã viết: “Chúa Kitô đã ban cho chúng ta sự bảo đảm của Thánh Thần để trong bất cứ tình huống nào, Thánh Thần không làm ta thất vọng, nhưng mong muốn làm cho chúng ta vững lòng rằng Chúa Kitô sẽ hoàn thành lời hứa. Chúa đã hứa điều gì? Chúa hứa ban sự sống trường cửu mà chính Thánh Thần là sự sống trường cửu được ban cho chúng ta làm bảo chứng.”

4. Chúng Ta Là Ai? Từ Đâu Mà Đến? Chúng Ta Sẽ Về Đâu?

Giữa cuộc sống đức tin trong thời gian và cuộc sống trường cửu có mối dây liên kết tựa như giữa cuộc sống của bào thai trong lòng mẹ với cuộc sống của em bé đã chào đời. Cabasilas đã viết: “Thế giới này thai nghén con người nội tâm, con người mới, được tạo dựng theo cách Thiên Chúa muốn đến nỗi con người được khuôn đúc và tạo nên hoàn hảo tại thế, sẽ được sinh thành trong thế giới hoàn hảo không bao giờ già cỗi. Tựa như bào thai khi còn trong ẩn kín và dịch bào, thiên nhiên chuẩn bị bào thai cho cuộc sống trong ánh sáng, thì các thánh cũng vậy… Tuy nhiên, đối với bào thai, cuộc sống tương lai thì hoàn toàn thuộc về tương lai, chẳng có tia sáng nào rọi tới, chẳng có sự gì của đời này chạm tới. Phần chúng ta có khác, từ khi thế giới tương lai như tuôn đổ xuống và hòa nhập cuộc sống này… như nơi các thánh, thế giới ấy không những dìu dẫn và chuẩn bị các ngài sống mà còn đưa các ngài sống và hoạt động trong thế giới ấy nữa.”

Có câu truyện nhỏ minh họa sự so sánh này. Có hai cháu được cưu mang đôi, một cháu trai, một cháu gái, thông minh và khôn sớm, dù còn trong dạ mẹ, đã trò truyện với nhau. Bé gái hỏi ông anh: “Theo anh, cuộc sống sau khi sinh ra thế nào?” Ông anh trả lời: “Đừng nói nhảm. Tại sao em nghĩ tới có cái gì đó bên ngoài cái không gian nhỏ hẹp và tối tăm chúng ta đang chung sống đây?” Cô em, lấy can đảm nhấn mạnh lại: “Có lẽ có một bà mẹ, có ai đó đã đặt chúng ta vào đây, và chăm sóc chúng ta.” Và ông anh trả lời: “Chẳng lẽ em đã từng thấy một bà mẹ ở đâu đó? Cái em thấy là tất cả cái đang có đây.” Cô em đáp lại: “Nhưng anh không từng cảm thấy có cái sức lực nào đó ấn ép trên lồng ngực cứ mỗi ngày một tăng và muốn đẩy chúng ta ra ngoài?”- “Thực ra, ông anh trả lời, quả thật, anh cảm thấy như vậy hoài.”- “Hãy coi, cô em đắc chí kết luận, cái nỗi ấy không phải vô ích, em nghĩ nó đang chuẩn bị anh em mình tới cái gì đó lớn hơn cái không gian nhỏ hẹp này.”

Chúng ta có thể dùng câu truyện nhỏ ngộ nghĩnh này khi chúng ta phải đề cập sự sống trường cửu cho những người đã mất đức tin, nhưng còn mang nỗi niềm ‘nhung nhớ ngày nào’ và có lẽ mong ước Giáo hội giúp họ tìm lại niềm tin tựa như em bé gái trong câu truyện.

Có những vấn nạn người ta không ngừng đặt ra cho mình ngay từ buổi đầu nhân loại và người đương thời cũng không thoát khỏi: “Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tôi sẽ đi đâu?” Trong ‘Lịch sử Giáo hội các sắc dân Anh Quốc’, Đấng Đáng Kính Bede tường thuật cách thức đức Tin Kitô đã đến miền Bắc nước Anh. Khi các nhà thừa sai từ Rôma đến Northumberland, vua Edwin triệu tập hội nghị các nhân vật vị vọng để quyết định xem có cho phép các thừa sai loan truyền sứ điệp mới hay không. Một trong các vị đó đứng lên nói: “Tâu Bệ Hạ, theo hạ thần, đời người hiện nay ta không biết được, tựa như cánh chim bay qua căn phòng mùa đông có Bệ hạ, các tướng lãnh và các quan ngồi quanh lò sưởi ấm, giữa lúc bên ngoài giông bão. Cánh  chim lượn vào cửa này và lập tức bay ra cửa khác, tương tự như vậy, khi con người ở trong phòng an toàn giữa bão gió mùa đông, nhưng khi vừa có một khoảng khí hậu êm lại, con người lập tức biến mất, đi vào đêm tối mùa đông mà con người vừa thoát khỏi. Cuộc đời con người thật ngắn ngủi, nhưng trước đó từ đâu đến, sẽ ra sao, chúng ta hoàn toàn không hay biết. Vậy nếu giáo lý mới này có điều gì chắc chắn hơn, quả là xứng đáng để ta theo.”

Có thể đức Tin Kitô sẽ trở lại trên đất Anh quốc và trên lục địa Âu châu với cùng một lý do khi đức Tin đi vào: chỉ có đức Tin có câu trả lời vững chắc cho những vấn nạn quan trọng cho cuộc đời tại thế. Những cơ hội thuận lợi nhất đem sứ điệp tới là những cuộc mai táng trong đó người ta ít lo ra sang chuyện bên ngoài hơn là các nghi thức khác (Thánh tẩy, Hôn nhân), họ thắc mắc về số phận của chính họ. Khi một người than khóc một người thân qua đời là đang than khóc chính mình.

Một lần tôi đã nghe một chương trình hấp dẫn của BBC Anh ngữ gọi là ‘Những đám tang thế tục’, với phần ghi âm tại chỗ điều chưa từng thổ lộ của một người trong số họ. Tới một lúc nào đó người ta nghe người chủ tọa nói với những người hiện diện: “Chúng ta không được buồn. Được sống một đời tốt lành và mãn nguyện, tới tuổi 78 (tuổi thọ của người nữ) là điều ta phải biết tri ân.” Tri ân ai? Tôi ngạc nhiên tự hỏi. Đám tang như thế không làm gì khác hơn là cho thấy tỏ tường cái người ta chưa biết làm gì trước cái chết.

Những nhà xã hội học và những nhà trí thức, được mời giải thích hiện tượng thế tục hay ‘những đám tang thuần túy con người’ này, nhận thấy nguyên do sự lan tràn kiểu thực hành này tại một số quốc gia Bắc Âu là sự kiện các lễ tang tôn giáo mang niềm tin mà họ không thể chia sẻ. Họ đưa đề nghị: trong lễ tang, Hội Thánh phải tránh nói về Chúa, về cuộc sống trường cửu, về Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại, và phải giới hạn vai trò Giáo hội thành ‘người tổ chức có kinh nghiệm và theo tự nhiên của nghi lễ đưa tiễn’. Nói cách khác, Giáo hội phải nhường bước cho trào lưu thế tục ngay cả trước cái chết!

5. Chúng Ta Cùng Về Nhà Thiên Chúa!

Đức tin đã được canh tân vào cuộc sống trường cửu không chỉ góp phần loan Tin Mừng, nghĩa là công bố đức Tin cho người khác, mà còn trước tiên, ban cho ta động lực mới trong hành trình nên trọn lành của chúng ta. Sự nhạt nhòa ý tưởng trường cửu cũng tác động nơi người tin, giảm thiểu khả năng can đảm đối diện với khổ đau thử thách trên đường đời. Trước những tình huống khó khăn, chúng ta không còn thường xuyên lặp lại điều thánh Bênađô và thánh Inhaxiô Loyôla thường nói: “Quid hoc ad aeternitatem?” (Việc này nghĩa lý gì khi so với cõi đời đời?).

Chúng ta hãy nghĩ tới một người tay cầm cái cân: một bên cân là chiếc dĩa cân trên đó đặt đồ vật được cân và bên kia là thanh ngang có khắc cỡ mang quả cân. Nếu thanh ngang mất trọng lượng, mọi sự đã được đặt trên dĩa cân làm thanh ngang bổng lên và cân nghiêng xuống đất. Mỗi thứ đều có giá trị của nó, dù chỉ một nắm lông chim nhẹ tênh. Điều đó cho thấy tình trạng chúng ta khi chúng ta đánh mất trọng lượng, đánh mất thước đo mọi sự là sự trường cửu, những chuyện đời và đau khổ dễ dàng kéo linh hồn ta xuống. Mọi sự hóa ra quá nặng, quá sức. Chúa Giêsu đã nói: “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời” (Mt 18, 8). Nhưng chúng ta lại đánh mất nhãn quan trường cửu, lại coi là quá đáng khi chúng ta được yêu cầu khép con mắt lại trước cảnh tượng vô luân. Thánh Phaolô đã dám viết: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2 Cr 4, 17-18). Sức nặng của gian truân thì nhẹ nhàng rõ ràng vì nó có hạn, giá trị của vinh quang thì vô tận tỏ tường vì mang tính chất đời đời. Vì thế thánh Tông đồ nói: “Tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8, 18).

Đức Hồng y Newman mà chúng ta đã chọn ngài làm vị thầy đặc biệt trong mùa Vọng này, đã buộc chúng ta phải thêm vào một sự thật còn thiếu trong suy tư cho tới nay của chúng ta về cõi đời đời. Ngài dạy chúng ta qua tác phẩm thi ca ‘The Dream of Gerontius’ (Giấc Mơ của Gerontius) mà nhà soạn nhạc thời danh người Anh, Edward Elgar, đã phổ nhạc. Đây quả là tuyệt tác vì chiều sâu tư tưởng, cảm hứng trữ tình và kịch tính. Ngài miêu tả giấc mơ của một người già (Gerontius nghĩa là ‘già’), ông cảm thấy mình đã bước vào mùa thu cuộc đời và chúng ta hiểu rằng người già đây là chính Đức Hồng y đang trải nghiệm thực tại đó. Tư tưởng của Ngài về ý nghĩa cuộc đời, sự chết, cái vực thẳm hư vô mà Ngài đang lao vào, được thấm nhuần những lời của những người đưa tiễn, của lời nguyện cầu của Giáo hội: “Hãy lên đường ra khỏi cõi đời này, hỡi linh hồn Kitô hữu”, của những lời chỏi nhau giữa các thiên thần chống lại ma quỉ là kẻ kéo ghì mạng sống người ấy xuống và đòi linh hồn người ấy. Đặc biệt đẹp đẽ và sâu sắc cảnh diễn tả giây phút bước vào sự  thức tỉnh trong một thế giới khác:

“Tôi đi ngủ, và nay tôi trở nên tươi mới.

Tôi cảm nhận sự tươi mới lạ lùng

Trong ánh sáng không thể tả, và cảm nhận được tự do

Như tôi đã từng tự do suốt cuộc đời tôi

Như chua từng có bao giờ.

Sẽ còn ra sao nữa!

Tôi không còn nghe nhịp tim bận bã của thời gian

Cũng không còn làn hơi thở loạn nhịp xúc động

Cũng không còn phải gắng sức phấn đấu

Cũng sẽ chẳng còn phút giây nào sắp tới suy suyển đi.”

Những lời cuối cùng linh hồn thốt ra trong bài thơ là những lời khi ngài thanh thản cất bước, có phần vội vã, đi vào nơi thanh luyện:

“Nơi đó tôi sẽ ca ngợi Thiên Chúa Đấng đang vắng ẩn và là Tình Yêu:

Đã mang tôi đi,

Để chẳng bao lâu tôi sẽ trỗi dậy và đi lên,

Và thấy Người trong sự thật của cái ngày vô tận.”

Với Hoàng đế Hadrian, cái chết là cuộc chuyển tiếp từ thực tại tới bóng tối, còn đối với người Kitô hữu John Newman, đó là cuộc chuyển tiếp từ bóng tối sang thực tại, ‘ex umbris et imaginibus in veritatem’ (từ bóng tối và hình bóng sang sự thật), như ngài muốn dòng chữ này được ghi trên mộ ngài.

Chân lý nào ta đã đánh mất mà Hồng y Newman buộc chúng ta không thể làm thinh? Đó là cuộc tiếp bước từ thực tại trong thời gian sang vĩnh cửu không thẳng tắp và đồng đều cho mọi người. Có cuộc phán xét ta sẽ đối diện đưa tới hai hệ quả khác nhau, hỏa ngục hay thiên đàng. Linh đạo của Hồng y Newman nhiệm nhặt, ngay cả vào giây phút nghiêm trọng ‘Dies irae’ (ngày thịnh nộ), nhưng ích gì cho ta khi ở đời này ta xem nhẹ mọi sự và coi sự đời đời như trò đùa, như tư tưởng của Kierkegaard.

Chúng ta hãy hướng tư tưởng của chúng ta về sự trường cửu với động lực mới, tự nhủ thầm lời của thi sĩ: ‘mọi sự trên cõi đời là phù vân, trừ cái đời đời’. Trong các Thánh vịnh, có nhóm Thánh vịnh mệnh danh ‘Thánh vịnh lên đền’ hay ‘Khúc ca Sion’. Đó là những thánh ca người Do Thái reo vui khi họ trẩy hội về thành thánh Jerusalem. Một trong các bài thánh ca bắt đầu: “Vui chừng nào khi người ta bảo tôi, ‘nào ta đi về nhà Chúa’.” Các thánh ca lên đền này trở thành lời ca của những người, trong Hội thánh, đang đăng trình về Jerusalem trên trời. Đó là những bài ca của chúng ta. Giải thích những lời đầu của Thánh vịnh này, thánh Augustinô nói với tín hữu:

“Chúng ta hãy chạy vì chúng ta đi về nhà Thiên Chúa. Chúng ta hãy chạy vì hành trình này không làm kiệt sức chúng ta, vì chúng ta sẽ tới đích nơi đó không làm hao tổn sức lực. Chúng ta hãy chạy về nhà Thiên Chúa và tâm hồn ta vui mừng vì những người đã lặp lại những lời đó. Họ đã nhìn thấy quê nhà trước chúng ta, các thánh Tông đồ đã thấy quê nhà và đã nói với chúng ta: ‘Hãy chạy, chạy mau, hãy theo chúng tôi! Chúng ta đang tiến về nhà Thiên Chúa’.”

Trong nguyện đường này, trước mắt chúng ta là bức tranh diễn tả Jerusalem trên trời, với Đức Maria, các Tông đồ và đoàn rước đông đảo các thánh, của cả phương Đông và phương Tây. Các Ngài lặng lẽ lặp lại cho chúng ta lời mời gọi… Chúng ta hãy đón nhận và mang trong mình hôm nay và suốt đời.

Linh mục Gioan chuyển ngữ

ĐCV thánh Giuse Xuân Lộc

Comments are closed.