Tương tự như mọi thực tại khác trên cõi đời, tình thương có sinh ra, có tăng trưởng, có những biến đổi, cũng như không loại trừ có khủng hoảng và thậm chí có tử vong.
Tuy nhiên, vì là một thực tại gần gũi, thân thiết nhất, gắn liền chặt chẽ với con người như bóng với hình, nên tình thương cũng cần có một môi trường đặc biệt để sinh trưởng và đơm hoa kết trái.
Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh [1] dạy:
Gia đình có một tầm quan trọng chính yếu đối với con người. Trong chiếc nôi của đời sống và tình thương nầy, mọi người được sinh ra và lớn lên. Lúc một đứa trẻ được thụ thai, xã hội lãnh nhận món quà là một con người mới, con người nầy được mời gọi “từ cõi thẳm sâu của chính mình để tiến đến một đời sống hiệp thông với tha nhân, và để biết trao tặng bản thân mình cho tha nhân.” Do đó, trong chính khung cảnh gia đình, hành vi trao tặng bản thân mình cho nhau diễn ra giữa người nam và người nữ được hiệp nhấttrong hôn nhân tạo nên một môi trường đời sống, là nơi con cái phát triển các tiềm năng, càng lúc càng ý thức được phẩm giá, và sẵn sàng đối diện với vận mạng độc đáo và riêng tư của chúng.[2]
Theo quan điểm của Hội Thánh, gia đình là “chiếc nôi của đời sống và tình thương.” Hình ảnh chiếc nôi nói lên được nhiều điều cao quý về tiến trình hình thành đời sống, vận mạng, và lịch sử của con người. Chiếc nôi không chỉ là chiếc võng hay chiếc giường nhỏ để đặt một đứa trẻ nằm ngủ, nhưng thực ra là cả một tấm lòng ấm áp tình người của cha mẹ, của gia đình, rộng mở đón chào một con người, một quà tặng vô giá Thiên Chúa gởi đến cho một dòng tộc, cho một dân tộc, và cho cả nhân loại.
Chiếc Nôi Đón Nhận Tình Thương
Chiếc nôi, trước hết, là nơi đón nhận một con người chào đời. Con người đó là một đời sống, tiếp nối đời sống của của cha mẹ, và kết nối ở tận cùng khởi điểm với đời sống của Thiên Chúa, Đấng ban cho khối đất sét vô hồn chính hơi thở sinh động của Người.[3]
Nhưng đời sống ấy tự bản chất sâu xa là hoa trái của tình thương vô cùng đẹp đẽ, ngọt ngào và cao quý người cha và người mẹ trao tặng cho nhau, với lòng tri ân thăm thẳm và thái độ tuyệt đối vâng phục Thánh Ý diệu kỳ của Đấng Tạo Hóa quyền năng vô song và đồng thời là Thiên Chúa Tình Thương vô biên vô tận.[4]
Như vậy, ngay từ giây phút đầu đời xuất hiện trên hành tinh nầy—từ khoảnh khắc một sinh mạng con người, một nhân vị, được hình thành trong lòng mẹ—mỗi người đã được tiếp nhận như một tình thương, là hoa trái của tình thương cha mẹ, và quan trọng hơn hết, là dung mạo của Tình Thương Thiên Chúa, Đấng tác tạo con người theo hình ảnh của Người.[5]
Quà tặng vô giá nhưng vô điều kiện của Thiên Chúa phải được lãnh nhận hết sức cung kính, hết sức trang trọng, vừa tương xứng với giá trị của tặng phẩm, vừa phải lễ phải đạo với Đấng ban phát món quà.
Đấng Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối về mọi phương diện tri lẫn hành, tâm lẫn trí, thông suốt tường tận từ thực thể vĩ đại cho đến từng tiểu tiết chi ly, hoàn toàn chuẩn mực và chính xác trong mọi vận hành của vũ trụ càn khôn, chắc hẳn không thể cho phép bất kỳ hình thức ngẫu nhiên, tình cờ, ngoài ý muốn, vượt tầm kiểm soát nào xảy ra trong công cuộc sáng tạo và cứu độ của Người. Điều vừa nói càng được nghiêm chỉnh thực thi trong việc hình thành một nhân vị, một con người. Mối quan tâm của Thiên Chúa dành cho toàn thể vũ trụ vạn vật tất nhiên là lớn lao và đặc biệt, vì lẽ đó là tuyệt tác của trí tuệ, của tấm lòng nhân hậu Người muốn công khai bày tỏ ra trong không gian và thời gian. Khi hoàn thành công trình nầy, Thiên Chúa hài lòng và chúc phước lành cho tác phẩm vừa thực hiện như bức họa tuyệt đẹp, sống động, phản ánh rực rỡ hào quang thánh đức và lòng tốt của Người.[6]
Tuy nhiên, chương trình của Thiên Chúa còn được đẩy lên một mức độ hoàn chỉnh hơn, như nét chấm phá cuối cùng có tính quyết định cho giá trị và ý nghĩa của tác phẩm. Đàng khác, vinh quang và tình thương Thiên Chúa một khi được biểu lộ qua bức tranh vũ trụ vạn vật thì nhứt thiết phải được đón nhận với một khả năng am hiểu và ngưỡng mộ tương xứng. Việc Thiên Chúa sáng tạo con người thỏa mãn được cả hai đòi hỏi đó.
Thực vậy, toàn thể tạo thành đã có mặt, mọi hình thức sinh sống và mọi chức năng hoạt động đều sẵn sàng ở vị trí và tư thế chờ lịnh. Phải có phát lịnh thì tất cả mới bắt đầu. Mường tượng như đây là giây phút các vận động viên thi đấu đã vào vị trí đang nín thở chờ tiếng còi của trọng tài. Cũng có thể ví như khung cảnh toàn bộ giây chuyền máy móc đã chuẩn bị sẵn sàng để vận hành, chỉ cần chờ động tác đẩy cầu dao điện lên.
Lệnh của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Chủ Tể Tối Cao là gì?
“Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.“[7]
Ngay khi đặt con người vào bức tranh sáng tạo như quét nét cọ quyết định, điều kỳ diệu đã diễn ra khiến Thiên Chúa hết sức mãn nguyện và buột miệng tấm tắc: “Rất tốt đẹp!”[8]
Giữa cảnh hùng vĩ của tạo thành còn nguyên sơ, trong lành, thanh sạch và xanh tươi, con người xuất hiện, xinh đẹp như tranh và dễ thương như thiên thần, trước nỗi kinh ngạc, sững sờ của muôn vật muôn loài. Rồi thì hầu như tức khắc, tất cả bắt đầu chuyển động theo đúng quy trình đã được Thiên Chúa sắp đặt, bởi lẽ tiếng còi đã vang dội, và cầu dao điện đã đẩy lên.
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
Muôn trăng sao Chúa đã an bài,
Thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
Ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
Cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
Đặt muôn loài muôn sự dưới chân:
Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
Nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
Lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu![9]
Trên dung mạo uy nghi của Thiên Chúa, ánh vinh quang hằng hữu hình như bỗng trăm ngàn lần rạng rỡ hơn, khi chợt nở nụ cười hồn nhiên của tuổi thơ bất tử—mà không biết đó là nụ cười của Đấng Tạo Hóa hay là của thụ sinh khắc họa hình ảnh của Người, kề cận bên nhau như hai giọt sương mai lóng lánh ánh mặt trời ở buổi sáng đầu tiên trong lịch sử loài người.
Kể từ giây phút ấy—giây phút xuất hiện của một nhân vị, một con người, có khả năng tri thức để thưởng lãm tài nghệ diệu kỳ của Thiên Chúa—thì công trình sáng tạo của Người mới thực sự bắt đầu hiện hữu trọn vẹn, vừa minh mông trải rộng vô biên như vũ trụ, vừa đậm nét sắc xảo trong nhận thức của con người.
Cũng từ giây phút ấy—giây phút xuất hiện của một nhân vị, một con người có trái tim thổn thức, xao xuyến để say mê, ngưỡng mộ thánh đức và lòng tốt của Thiên Chúa—thì công trình sáng tạo của Người mới thực sự có sinh khí, vừa nhờ hít thở luồng gió trời lồng lộng và ngụp lặn trong dòng nước bao la, vừa nhờ hấp thụ hơi thở ấm áp tình người.
Để công trình sáng tao Thiên Chúa thực hiện vì con người và cho con người thực sự sống động và ý nghĩa, không thể thiếu dung mạo con người và cái thần hồn của con người. Dung mạo là khả năng thưởng lãm—trí tuệ—và thần hồn là khả năng ngưỡng mộ—tình thương—Thiên Chúa ban cho con người.
Gia đình, xét thật kỹ lưỡng mọi mặt và mọi điều kiện, đúng là chiếc nôi tự nhiên, thích hợp và xứng đáng hơn hết để đón nhận con người như món quà tình thương vô giá Thiên Chúa ban cho loài người.
Tự nhiên, bởi vì trước khi xuất hiện những hình thức cộng đoàn và cấu trúc xã hội thiết định khác, thì gia đình là cộng đoàn nguyên thủy, do Thiên Chúa xây dựng thành nơi chung sống của các nhân vị, trên nền tảng tình thương hồn nhiên, hoàn toàn tự do, tự nguyện giữa người nam và người nữ,[10]nhìn nhận nhau trong niềm vui mừng, hạnh phúc, và tri ân như là xương là thịt[11]—nghĩa là thành phần thiết thân, sinh tử, không thể thiếu, không thể phân ly—của nhau.
Thích hợp, bởi vì gia đình tự bản chất là cộng đoàn phát sinh từ tình thương, trước hết là của Thiên Chúa Tạo Hóa, kế đến là của đôi vợ chồng, tác nhân hiện thực xây nên gia đình. Gia đình được xây trên nền tảng tình thương phu phụ người chồng và người vợ trao cho nhau, và có mục đích phát triển tình thương ấy nơi con cái của họ.[12]
Xứng đáng, bởi vì không thể tìm đâu ra một môi trường tự nhiên, cao quý, thánh thiêng như chính khung cảnh gia đình để Tình Thương Thiên Chúa bắt đầu công cuộc Nhập Thể, nghĩa là trở thành Tình Thương của Con Người.
Bởi vì chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó, đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh Nữ Ma-ri-a, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta mọi mặt, ngoại trừ tội lỗi.[13]
Làm sao có thể ký gởi món quà tình thương của Thiên Chúa vào một môi trường nào khác ngoài cái nôi gia đình—nơi duy nhứt tình thương luôn được ân cần, vui vẻ chào đón với lòng yêu mến, tri ân và tinh thần trách nhiệm sáng suốt—nhờ đó sẽ triển nở quân bình, trọn vẹn, và giữ nguyên mọi đặc trưng và bản chất của tình người?
Chính vì lý do nầy, Tình Thương Thiên Chúa, khi bắt đầu tiến trình trở thành tình thương con người, đã quyết định chọn một chiếc nôi trong một mái ấm gia đình làm nơi ký thác hoàn toàn đáng tín nhiệm:
Chúa Giê-su sinh ra và sống trong một gia đình cụ thể, chấp nhận tất cả mọi sắc thái đặc trưng của gia đình, và Người đã sắc phong cho định chế hôn nhân một phẩm vị cao quý nhứt, thiết lập ơn gọi nầy thành một bí tích của Giao Ước Mới.[14]
Chiếc Nôi Nuôi Dưỡng Tình Thương
Nói đến việc nuôi dưỡng một con người là phải nghĩ ngay đến dòng sữa mẹ ngọt ngào, giàu chất sống tự nhiên vô cùng thích hợp và thiết yếu cho tiến trình phát triển của đứa trẻ. Mọi hình thức cung cấp chất dinh dưỡng nhân tạo cho con người—cả thực phẩm lẫn dược phẩm—không được phép vượt quá giới hạn của một yếu tố bổ trợ và tăng cường. Tham vọng—thường không mấy trong sáng—muốn thay thế sữa mẹ bằng những nguồn dinh dưỡng nhân tạo khác đã gây ra—không kể bao tổn hại cho sức khỏe thể lý và tâm lý của con người—thảm cảnh thô bạo cướp đi quyền linh thiêng của bà mẹ được cho con mình bú mớm, và quyền linh thiêng không kém của đứa trẻ phải được nuôi dưỡng bằng thứ thực phẩm thiên nhiên đặc chế cho con người.
Thật vậy, con người có phẩm giá vượt trên muôn vật muôn loài—nhân ư vạn vật chi linh—trong mọi phương diện. Tuy cùng có nhu cầu đói ăn khát uống như mọi loài động vật khác, nhưng ăn gì và uống gì, ăn uống ở đâu, lúc nào, bằng dụng cụ gì, với ai, và đặc biệt với phong thái ra sao, lại là những bận tâm của riêng con người, để giữ cho việc ăn uống có nét văn hóa: “ăn để sống, không sống để ăn.” Việc nuôi con bằng sữa mẹ thực sự đã trở thành nét nhân văn đặc trưng của nhân loại. Hình tượng mẹ bồng con, cho con bú mớm, ru con ngủ, đã in đậm trong tâm hồn con người, đã nở hoa tươi thắm muôn sắc muôn hương trong văn chương, nghệ thuật.
Nói như vậy có nghĩa là việc dưỡng nuôi con người không chỉ thuần túy lo cho ăn cho uống thực phẩm bồi bổ thể xác, nhưng còn là cả một công trình nuôi nấng tiềm năng của đứa trẻ để trở nên một con người toàn diện. Như một con người có đầy đủ nhân vị, nhân phẩm, và nhân quyền, đứa trẻ phải được nuôi dưỡng về đời sống tình cảm, tri thức, và tâm linh.
Ngay lúc còn là bào thai trong lòng mẹ, đứa trẻ đã được tiếp xúc với tình thương con người qua tình thương của mẹ, qua thái cử khẽ khàng, cẩn trọng, qua lựa chọn kỹ lưỡng, chuẩn mực từng miếng ăn, từng viên thuốc, tránh mọi xung động nguy hại cho con. Những năm tháng đầu đời, đứa trẻ được cảm nghiệm đôi tay dịu dàng, âu yếm, ấm áp tình mẫu tử của mẹ, khi cho con bú mớm, khi nựng nịu, vui đùa với con, khi thay tã lót, tắm rửa cho con, nhứt là khi ôm ghì con sát vào trái tim mẹ mà trấn an, dỗ dành: “Con của mẹ ơi! Có mẹ đây rồi, đừng sợ!”[15]
Vai trò của cha chẳng những không bị loại trừ mà còn được tô đậm khi bóng dáng của mẹ được đề cao trong việc nuôi dưỡng con cái. Với khối óc tinh tường, ý chí sắt đá, và đôi tay cần mẫn, người cha âm thầm và kiên trì đổ mồ hôi, đôi khi nước mắt và máu, để cung cấp miếng cơm lành và manh áo sạch cho cả gia đình. Đứa trẻ lớn lên từng ngày nhờ được nuôi bằng sữa mẹ, cơm cha, nghĩa là nhờ thứ thực phẩm đậm đà chất dinh dưỡng tình thương con người. Lời lẽ ôn tồn, cương nghị của cha bổ sung cho lời êm ái, mềm mỏng của mẹ. Cung cách cảm tính thiên về trái tim của mẹ được hòa hợp với tinh thần biện luận và nguyên tắc dựa vào lý trí của cha. Hình tượng dịu hiền của mẹ làm phong phú đời sống tình cảm của con người, trong khi dáng vẻ uy nghi của cha kích thích quyết tâm dấn thân vào lãnh vực học thuật, nghiên cứu, khám phá.
Ngoài cơm ăn, nước uống, con người cần phải có khí trời để sống, mà tối quan trọng là bầu khí của gia đình. Chiếc nôi nuôi dưỡng tình thương con người cần được bao trùm tinh thần tin kính và yêu mến Thiên Chúa, Cội Nguồn mọi điều chân thật, tốt lành và xinh đẹp, qua lời nói và gương sáng của cha mẹ. Tuy nhiên, chất liệu căn bản cho món ăn tinh thần của con người, món ăn giúp con người lớn lên và phát triển quân bình, toàn diện, chính là Lời Thiên Chúa: “Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ từng Lời từ miệng Thiên Chúa phán dạy.”[16] Nhờ có Lời Chúa nuôi dưỡng, con người biết yêu mến Thiên Chúa bằng tình thương con người, và yêu mến con người bằng Tình Thương Thiên Chúa.[17] Tình Thương Thiên Chúa là cái hồn, cái thần của tình thương con người. Tình thương con người cung cấp cho Tình Thương Thiên Chúa một thân thể, một dung mạo để hiện diện trong cuộc đời.[18]
Chiếc Nôi Dạy Dỗ Tình Thương
Con người có biết bao nhiêu điều phải học, từ khi vừa chào đời cho tới lúc, có lẽ, xuôi tay nhắm mắt.
Nhưng con người phải học những gì? Thiết nghĩ, thứ tự ưu tiên những gì con người phải học nên thiết lập theo tiêu chuẩn quan trọng và mức độ khó quán triệt của bộ môn.
Thử hỏi đối với con người, còn điều gì quan trọng hơn việc học làm người? Có kiến thức rộng, có kinh nghiệm sâu, có địa vị, quyền lực cao ngất ngưởng, nhưng không có nhân bản, không có đạo đức của một con người, không biết hành xử như một con người, thì đó sẽ là giống loại gì nếu không phải là một quái thú, là cả một thảm họa cho loài người?
Cổ nhân dạy “vi nhân nan—làm người thật khó.” Môn học làm người không thể trao cho ai có tư cách và khả năng hơn ngoài cha mẹ, và không thể thực hiện dạy và học ở bất kỳ trường lớp nào thích hợp và hiệu quả hơn ngoài môi trường gia đình. Cha mẹ là thầy dạy làm người, dầu có thể không qua chương trình học tập hàn lâm, nhưng các vị ấy đều đã được tốt nghiệp ưu hạng, trải qua đào tạo tự nhiên và huấn nghiệp thực tế tại hiện trường một gia đình hiện hữu cụ thể trong một thời gian và không gian nhứt định, sống động, nhân bản, và rất ư là đời thường.
Trong trọn gói giáo trình học làm người, bài học yêu thương cần được xếp hệ số cao nhứt. Lý lẽ chống đỡ cho xác tín nầy là câu hỏi: “điều gì làm cho một con người trở nên người hơn?” Hẳn không phải là nhờ sở hữu vô số tài sản vật chất hoặc tinh thần, hay là chiếm giữ quyền lực không giới hạn, bởi lẽ tất cả những giá trị nầy đều vừa tàng chứa nguy cơ làm tha hóa kẻ nào nắm giữ chúng, vừa mang tính bất tất, nay còn mai mất.
Xã hội dẫy đầy bằng chứng xác thực về tình trạng con người bị quyền lực biến dạng thành quái thú, ác quỷ, tàn hại đồng loại, chà đạp nhân phẩm của người khác và của chính mình. Những chế độ hôn quân bạo chúa, những kẻ nắm quyền lực—cả chính trị lẫn tôn giáo—vô nhân, vô lương, vô đạo, nhan nhãn trên đời, hôm qua cũng như hôm nay là những hậu quả của tham quyền, dẫn đến lạm quyền, và lộng quyền.
Có quyền lực lập tức cũng có tiền của, hay ngược lại, “có tiền mua tiên cũng được.” Để thỏa mãn túi tham không đáy, con người sẵn sàng bán rẻ nhân nghĩa, thậm chí đánh đổi cả phẩm giá và niềm tin của mình.
Chỉ khi nào biết học hỏi để quán triệt ý nghĩa chân chính của tình thương và nắm vững phương cách thực hiện, ứng dụng tình thương đích thực ấy vào những trường hợp cụ thể và con người cụ thể, thì con người mới có thể sống đúng và trọn vẹn nhân phẩm của mình.
Được trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô”[19] mãi là lý tưởng cao quý nhứt cho người Ki-tô hữu bằng mọi giá, sống hay chết, phải đạt tới. Lý tưởng đó được Thánh Phao-lô diễn tả: “đồng hình đồng dạng với Chúa trong cái chết của Người.”[20] Đó là cái chết của một Đấng quá yêu thương bằng hữu.[21]
Chúa Ki-tô là hình ảnh nguyên tuyền của Thiên Chúa Tình Thương[22] và là Mô Hình hoàn hảo của Con Người trong tư cách là Thụ Tạo Mới.
Gia đình là ngôi trường dạy con người thực hành một tình thương nhân bản xây nền trên Tình Thương Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô.
Chiếc Nôi Trao Tặng Tình Thương
Là chiếc nôi đón nhận và nuôi dưỡng tình thương, gia đình cũng đồng thời là trung tâm chia sẻ tình thương cho đồng loại, nhờ các thành viên—vợ chồng, cha mẹ, con cái—vẫn thường xuyên và hết sức tự nhiên sống với nhau tinh thần hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Đời sống hiệp thông theo Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có đặc trưng là nếp sống “hiệp nhấttrong đa dạng.”
Theo kinh nghiệm ngàn đời, đoàn kết hiệp nhất tạo nên sức mạnh, trong khi chia rẽ phân hóa dẫn đến suy vong.
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Các bậc triết gia Đông, Tây xưa nay giảng dạy và cổ động cho công cuộc xây dựng một nhân loại đoàn kết thống nhứt như anh chị em một nhà: “Tứ hải giai huynh đệ–bốn biển đều là anh em.”
Chủ nghĩa cộng sản trong gần một thế kỷ qua không ngừng tuyên truyền, hành động bằng mọi biện pháp, kể cả bằng cách mạng bạo lực, để biến thế giới thành một xã hội vô sản, không còn giai cấp, không còn tư hữu, không còn ranh giới quốc gia, chủng tộc.
Ki-tô Giáo ngay từ buổi đầu thành lập chủ trương mọi người sống đồng tâm nhứt trí, góp tài sản lại thành sở hữu của cộng đoàn, phân phối cho mọi người tùy nhu cầu, không để ai chịu cảnh túng thiếu.[23] Việc xây dựng một nhân loại hiệp nhứt, sống đoàn kết, yêu thương, không còn chia rẽ, thù hận, chiến tranh, luôn luôn là một ước vọng mãnh liệt của con người.
Nhưng một câu hỏi quan trọng được nêu lên: đâu là mô hình thích hợp cho công cuộc hiệp nhất nhân loại?
Tựu trung có 3 mô hình hiệp nhất như sau:
1/ Hiệp nhất trong Đồng Phục:
Mô hình nầy chỉ chú trọng hình thức bên ngoài sao cho giống nhau như các học sinh, các công nhân hay quân nhân trong bộ đồng phục cùng màu, cùng kiểu, còn những khác biệt bên trong phải che đậy cho khuất mắt.
Kiểu hiệp nhất nầy dễ thực hiện, nhưng vừa hời hợt, vừa giả tạo, nên không bền vững.
2/ Hiệp nhất trong Đồng Bộ:
Mô hình nầy tiến xa và sâu hơn: tất cả mọi người đều phải suy nghị, ăn nói và hành động theo một biểu mẫu được thiết kế, định hướng sẵn. Có những biện pháp từ tuyên truyền, tẩy não, mua chuộc, cho đến hình phạt, bạo lực, đàn áp, dẹp bỏ, dập tắt mọi hình thức phản biện, chống đối.
Kiểu hiệp nhất nầy phù hợp với các băng đảng tội ác,đạc biệt dưới các chế độ độc tài toàn trị, Con người bị biến dạng thành những đồ vật được sản xuất hàng loạt cùng mẫu mã, cùng công dụng phục vụ cho một ý đồ xấu ác.
3/ Hiệp nhất trong Đa Dạng:
Mô hình nầy chỉ nhấn mạnh tinh thần đồng thuận, thống nhứt hành động trên một nguyên tắc, quy luật quan trọng, trong khi tôn trọng và khuyến khích các hình thức diễn đạt, các phương án thực hiện, các phương tiện hoạt động khác biệt nhau, miễn là không mâu thuẫn, chống phá nhau, và không gây thiệt hại cho công ích.
Đây là mô hình học hỏi từ Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chỉ có Một Thiên Chúa Duy Nhất, nhưng lại có Ba Ngôi Vị riêng biệt, Ngôi Chúa Cha, Ngôi Chúa Con, và Ngôi Chúa Thánh Thần.
Ba Ngôi có 3 trọng trách khác nhau: Chúa Cha là Đấng Sáng Tạo, Chúa Con là Đấng Cứu Nhân Độ Thế, Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa.
Ba Ngôi uy quyền ngang nhau, nhưng không xâm phạm nhau, không chống phá nhau, trái lại luôn đồng tâm nhất trí, luôn có mặt cùng nhau, cùng cộng tác với nhau một cách thân thiết, hòa điệu, nhịp nhàng, để cùng nhau thực hiện một công cuộc chung.
Quan sát vũ trụ vạn vật, có thể nhận ra mô hình “hiệp nhấttrong đa dạng.” Thiên Chúa sáng tạo một thế giới muôn màu muôn vẻ, nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau, có những nhu cầu khác nhau, nhưng tất cả đều nghiêm chỉnh tuân theo quy luật chung, nhứt quán của thiên nhiên do Thiên Chúa thiết lập, nhờ đó muôn loài muôn vật cùng chung sống và phát triển hài hòa, cộng tác với nhau, bổ túc cho nhau.[24]
Loài người đặc biệt được Thiên Chúa sáng tạo giống hình ảnh của Chúa, có trí khôn, có tự do, có lương tâm, nhứt là có khả năng thương yêu, như Thiên Chúa là Tình Yêu. Con người được Thiên Chúa ban cho có hai giới tính nam và nữ, có nhiều tính tình, thiên hướng, tài năng, ngôn ngữ, màu da, phong tục, văn hóa, lối sinh sống khác nhau, nhưng tất cả cùng có chung một nhân vị, cùng được tôn trọng như một con người, có phẩm giá, có quyền lợi và nghĩa vụ của con người như nhau. Một khi nhìn nhận Thiên Chúa là Hiền Phụ, và tất cả mọi người là anh chị em, thì công cuộc quy tụ nhân loại biết dẹp bỏ mọi bất đồng, chia rẽ mà họp thành một gia đình theo mô hình “hiệp nhất trong đa dạng” là điều hoàn toàn khả thi.[25]
Thánh Phao-lô đưa ra cho Hội Thánh mô hình hiệp nhất trong đa dạng như một cơ thể con người.[26] Chỉ có 1 cơ thể, nhưng có nhiều chi thể, hình dáng, bản chất, chức năng, nhu cầu hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên tất cả các chi thể hoạt động nhịp nhàng phối hợp nhau phục vụ công ích của cùng một cơ thể.
Tinh thần hiệp thông của đời sống gia đình khuyến khích con người dấn thân cho công ích của gia đình lớn hơn, tức là xã hội, là quê hương đất nước, là cả nhân loại thân yêu. Tinh thần hiệp thông chính là giải pháp cho tính ích kỷ và mọi hình thức biểu lộ của chủ nghĩa cá nhân, kỳ thị chủng tộc hoặc tôn giáo, phe nhóm lợi ích…rất nguy hại, đe dọa cho hòa bình và an sinh của toàn thể loài người.[27]
Môi trường sinh động và bền vững để nuôi dưỡng, giáo dục, và giúp con người sống tinh thần hiệp thông, dấn thân cho công ích chính là gia đình.
Gia đình hiện diện như một nơi phát sinh ra đời sống hiệp thông. Đời sống hiệp thông nầy là thành tố vô cùng thiết yếu cho một xã hội ngày càng bị lây nhiễm nặng nề độc chất cá nhân chủ nghĩa. Gia đình là địa điểm thích hợp cho một cộng đồng nhân vị đúng nghĩa được phát triển và tăng trưởng, nhờ có tính năng động vô tận của tình thương, vốn là chiều kích nền tảng của kinh nghiệm làm người. Gia đình cũng chính là môi trường ưu đãi giúp cho mọi người nhận ra tính năng động của tình thương.[28]
Nỗi Lo Âu Của Vị Thánh Giáo Hoàng
Vai trò của gia đình như một chiếc nôi đón nhận, nuôi dưỡng, giáo dục và chia sẻ tình thương con người đang chịu sức công phá càng lúc càng ác liệt của rất nhiều khuynh hướng bất lợi, thù nghịch, trong lãnh vực xã hội, kinh tế, lẫn chính trị.
Một xã hội dần dần được thiết kế theo mô hình “tập thể của các cá nhân tự lập và cô lập, vô danh, không mặt mũi.” Các hội đoàn, các tổ chức quy tụ con người lại với nhau như các câu lạc bộ, đáp ứng nhu cầu nào đó của thành viên, hoạt động theo nguyên tắc “tiền trao cháo múc”. Hệ thống điện toán, mạng thông tin điện tử, mã hóa dữ kiện, kỹ thuật số, giúp cho mọi giao dịch thuận lợi, nhanh chóng, bảo mật. Con người được nhận dạng, kiểm soát, xác minh, không còn như là một nhân vị mà chỉ còn là một con số, một mật mã. Gia đình thôi không còn là một cộng đồng tự nhiên của các nhân vị, mà chỉ còn là cuốn sổ đỏ, là số tài khoản, là tờ hợp đồng bảo lãnh quyền thừa kế tài sản, nghĩa là gia đình thôi không còn là chiếc nôi đón nhận, dưỡng nuôi, giáo dục và chia sẻ tình thương con người, không còn là tế bào sống còn của xã hội.
Một chính sách kinh tế lấy lợi nhuận và thành tựu vật chất làm cứu cánh sẽ không cho con người bao nhiêu cơ may để lao động sản xuất như một nhân vị, làm việc bằng tác phong nhân văn, có quyền tham gia vào kế hoạch phát triển, có quyền thụ hưởng thành quả lao động của mình. Tóm lại, trong quan niệm kinh tế phi nhân như trên—cả trong xã hội cộng sản vô thần, lẫn giữa tập đoàn tư bản rừng rú—không có chỗ cho người lao động liên kết, tương thân tương trợ nhau, và cũng không có chỗ cho các thành viên gia đình họ được hưởng những trợ cấp cần thiết và xứng đáng. Ngược lại, nhu cầu cạnh tranh gay gắt trong việc tìm kiếm công ăn việc làm sẽ ảnh hưởng xấu đến nghĩa vụ xây dựng và chăm sóc gia đình.
Một nền chính trị thu tóm quyền lực trong tay một phe nhóm cướp đi quyền tham gia của cá nhân công dân vào những vấn đề sống còn của đất nước, trong đó có việc xây dựng một chế độ dân chủ, tự do, tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền—đặc biệt quyền tự trị tự quyết thiêng liêng của gia đình—dẫn tới các thủ đoạn triệt tiêu mọi giá trị đạo đức nhân bản và tâm linh của dân tộc. Trong một chế độ độc tài toàn trị, mô hình gia đình như cộng đoàn tự nhiên của các nhân vị trở thành đối tượng nguy hiểm phải bị tiêu hủy hoặc chí ít vô hiệu hóa.[29]
Tình trạng ly hôn, sống chung không hôn thú, hôn nhân đồng tính, liên kết với phá thai, thụ thai nhân tạo, mang thai thuê, can thiệp vào gien di truyền, là những tác nhân mới làm lung lay ý nghĩa và cấu trúc truyền thống của định chế hôn nhân và đời sống gia đình.
Hậu quả khôn lường của tình trạng con người không còn tìm thấy một mái ấm gia đình tự nhiên, như chiếc nôi thân thương để đón nhận, dưỡng dục và chia sẻ ơn gọi làm người, được Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nêu ra như sau:
Gia đình là một con đường chung cho tất cả mọi người, song lại là một con đường đặc biệt, độc nhứt vô nhị và bất khả tái lập, cũng giống như mỗi cá thể con người là bất khả tái lập, một con đường không ai có thể xa tránh. Thật vậy, thông thường, một con người bước vào thế giới nầy trong khung cảnh một gia đình, và có thể nói là người ấy phải chịu ơn gia đình do sự thể y được hiện hữu như là một cá nhân. Khi không có một mái gia đình, con người bước vào thế giới nầy sẽ tiếp tục ôm ấp tâm trạng khắc khoải vì đau đớn và mất mát khôn nguôi, một tâm trang sẽ mãi đè nặng trên y suốt đời.[30]
Những gì đang xảy ra trong xã hội loài người hôm nay chứng minh tính chất tiên tri của giáo huấn Đức Thánh Cha, vị Chủ Chăn theo gương Chúa Ki-tô luôn ưu tư về lẽ tồn vong của gia đình trong Hội Thánh cũng như trong thế giới.
Con người sẵn sàng tiêu tốn bao nhiêu tiền của và công sức để bảo vệ một số loài sinh vật khỏi bị tuyệt chủng, nhưng lại không những chẳng quan tâm đến bổn phận sống còn phải tự bảo tồn chính chủng loại của mình, mà lại điên cuồng từng giây từng phút tự đào mồ chôn vùi vĩnh viễn loài người bằng đủ mọi chủ trương và hành động hủy diệt các giá trị truyền thống của gia đình, chiếc nôi từng chắt chiu dưỡng dục mình.
PX. Nguyễn Văn Nhứt
Nguồn: Chia Sẻ – Nội San Thần Học, Mục Vụ và Tu Đức, số 75 (9/2014), trang 29-50.
[1] Từ đây sẽ được viết tắt là GHXH.
[2] Số 212.
[3] Xc St 2:7.
[4] Xc 1 Ga 4:16.
[5] Xc St 1:27.
[6] Xc St 1:3-25; Tv 104:1-35.
[7] St 1:26.
[8] St 1:31.
[9] Tv 8:4-10.
[10] Xc St 1:27.
[11] Xc St 2:23.
[12] Xc St 1:28
[13]“Vui Mừng Và Hy Vọng”, số 22.
[14] GHXH, số 210.
[15] Xc Ga 6:20.
[16] Mt 4:4.
[17] Xc Ga 13:34; Mt 22:37-39.
[18] Xc Gc 2:14-17.
[19] Xc Rm 8:29.
[20] Pl 3:10.
[21] Xc Ga 15:13; Gl 2:20.
[22] Xc 1 Ga 4:16; Cl 1:15.
[23] Xc Cv 2:44-45.
[24] Xc St 1:3-25; Tv 104:1-35
[25]Xc Is 2:2-4.
[26] Xc 1 Cr 12:12-30.
[27] Xc “Vui Mừng Và Hy Vọng”, số 30.
[28] Số 221.
[29] Chủ nghĩa cộng sản chủ trương “tam vô”: vô gia đình, vô tổ quốc, và vô tôn giáo.
[30] “Thư Gởi Các Gia Đình”, ban hành nhân Năm Gia Đình 1994, số 2.