Hiện Xuống là ơn ban Thánh Thần cho các tông đồ và cho toàn dân. Thánh Luca so sánh ơn ban ấy như Lửa cháy. Hình ảanh ấy gợi câu truyện trong Sách Xuất hành về bụi gai bốc lửa, một ngọn lửa cháy nhưng không thiêu rụi. Lửa của ngày Hiện xuống biểu hiện sức nóng và ánh sáng Chúa Thánh Thần mang đến. Chắc chắn đó không phải sức nóng thiêu đốt, mà là lửa mang lại bầu khí ấm cúng huynh đệ. Với Chúa Thánh Thần, đó là tình yêu mãnh liệt mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Đó cũng là ánh sáng của đấng dạy dỗ chúng ta mọi sự và giúp chúng ta hiểu biết lời Đức Kitô.
Thánh Gioan nói với chúng ta rằng Chúa Thánh Thần cũng là Đấng Bảo vệ mà Chúa Giêsu đã hứa ban cho các tông đồ của Ngài. Như họ, chúng ta cũng cần một đấng bảo vệ chúng ta, không phải trước mặt Thiên Chúa bởi vì Ngài là Tình yêu, nhưng trước tòa án trần gian và trước chính chúng ta. Ngài bảo vệ chúng ta trước tòa án để chúng ta trung thành với sứ mạng chứng nhân của mình. Hơn nữa, nhiều khi cám dỗ thường đến từ chính chúng ta. Rất thường chúng ta hay dè dặt khi phải dấn thân phục vụ người khác. Nhiều lần chúng ta nói: « Tôi không có khả năng, chúng tôi không đủ người, với hoàn cảnh chúng tôi, chúng tôi không thể làm… » Nhưng Đấng Bào chữa luôn hiện diện để bảo vệ cho những người khác. Ngài là Đấng đã thúc đẩy các tông đồ ra đi trước mặt đám đông, trước mặt cả những người đã lên án Chúa Giêsu.
Những con người từ bấy lâu bị giam hãm ấy đã ra đi. Họ bắt đầu công bố các điều kì diệu của Thiên Chúa. Họ đã loan báo Tin mừng làm đảo lộn mọi sự: Chúa Giêsu mà anh em đã giết chết trên thập giá, Thiên Chúa đã phục sinh. Ngài vẫn sống mãi trong vinh quang. Có người đã ví Hiện xuống chính là Phục sinh bắt đầu bùng cháy lên; đó là lửa của tình yêu phải được lan tràn khắp nơi trên mặt đất.
Giáo Hội của Hiện xuống là một Giáo Hội lắng nghe, tìm cách trở nên mọi sự cho mọi người. Và ngôn ngữ mà chúng ta phải nói, trước tiên đó chính là ngôn ngữ đức tin, hi vọng và bác ái. Đó là ngôn ngữ tình yêu tỏa sáng. Thế giới chúng ta cần những chứng nhân tỏa sáng, được Thánh Thần Chúa hiện diện trong tâm hồn. Khi đến với Chúa Thánh Thần, Giáo Hội cầu xin rằng: « Xin hãy đến ! ». Bấy giờ Ngài là đấng xâm chiếm. Cuộc sống Kitô của chúng ta trở thành một kinh nghiệm sống tràn đầy Thánh Thần. Khi Ngài đến, Ngài hành động. Chính Ngài khởi động Giáo Hội khắp nơi trên toàn thế giới.
Cần phải cầu nguyện vời Ngài: ‘Xin Ngài hãy đến’ khi chúng ta gặp trở ngại, khi chúng ta sợ dấn thân, khi chúng ta không thể tha thứ. Có nhiều trường hợp rất khó khăn khiến cho người ta không dám đến gặp linh mục. Bấy giờ Thánh Thần sẽ là người bảo vệ giúp họ hiểu rằng đối với Thiên Chúa, không có tình huống nào là vô vọng cả. Ngài là sức mạnh để khởi động và tái khởi động, là đấng không mệt mỏi đẩy chúng ta tiến lên phía trước. Tất cả chúng ta có thể cầu xin được tiếp nhận Ngài: tất cả tùy thuộc vào việc chúng ta đến với Ngài.
Nếu Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta, trước hết không phải vì chúng ta mà vì người khác. Ngài đến ban cho chúng ta sức mạnh và sự can đảm, để đi đến với họ, để nghe họ, hiểu họ, nhận ra điều tốt nơi họ, cái gì làm nên giá trị cuộc đời họ. Ngài muốn biến chúng ta thành những chứng nhân nhiệt thành cho Tin mừng và Vương quốc của Ngài. Khi Chúa Giêsu sai Thánh Thần của Ngài đến trong Giáo Hội, chính là để Giáo Hội trở thành người tôi tớ nghèo. Ngài không muốn Giáo Hội đơn thuần là một cơ chế, nhưng phải là một cộng đoàn huynh đệ của những người yêu mến Chúa.
Cũng có khi Giáo hội quên ơn ban độc nhất ấy của Chúa; Giáo hội quên rằng mình ở trong chế độ Hiện xuống cho đến tận cùng thời gian. Khi Giáo hội quên rằng Thánh Thần tình yêu vừa là sự giàu có, vừa là sự khó nghèo, khi Giáo hội nhường bước cho ảnh hưởng thế gian, bấy giờ Giáo hội sẽ suy tàn, và trở nên yếu đuối. Giáo Hội không còn làm chứng nữa, không còn là muối đất và ánh sáng trần gian nữa. Giáo Hội ngừng sáng kiến và trở thành viện bảo tàng, chỉ lo quản trị và tinh thần lề luật. Lúc bấy giờ, Giáo hội gây thất vọng.
Vì thế thỉnh thoảng phải đánh thức Giáo Hội. Phải có một ngọn gió mạnh cuốn đi những chiếc lá vàng, một ước muốn phiêu lưu mạo hiểm. Khi khai mạc Công đồng Vatican II, thánh Giáo hoàng Gioan 23 chúc cho Giáo Hội hưởng bầu khí mát mẻ. Khi Giáo Hội và mọi người để cho Thần Thần hướng dẫn, thì những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, văn minh không còn là những trở ngại nữa. Trái lại, chúng trở thành những cách thức độc đáo để mỗi người sống và cử hành niềm hi vọng của con người và những điều kì diệu Thiên Chúa đã làm.
Ngày hôm nay, cũng Thánh Thần ấy của Thiên Chúa hiện diện. Cùng với Đức Maria và các tông đồ, chúng ta là những người được qui tụ trước từ mọi dân nước dưới bầu trởi nầy. Chúng ta đi vào cuộc tạ ơn của chính Đức Kitô. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện Thánh Thần của Thiên Chúa. Xin Ngài giúp cho Giáo Hội chúng ta hôm nay được làm chứng sức sống ấy, với khả năng qui tụ và hợp nhất trong niềm kính trọng sâu xa các giá trị của mỗi người.
Phục vụ Lời, ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc