Hôm thứ Hai 12/11/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học (PAS) đang quy tụ tại Roma để tham dự Hội nghị Toàn thể; ngài cảm ơn họ vì những đóng góp trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới hiện nay.
Giới khoa học và xã hội
Mở đầu bài huấn từ, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận rằng những người làm khoa học biết rõ hơn rằng thế giới và con người phức tạp như thế nào. Ngài lưu ý rằng điều này dẫn khoa học đến chỗ ít bị cô lập nhưng cởi mở hơn với các giá trị tinh thần và tôn giáo. Việc “chia sẻ quan điểm” và “mong muốn hạnh phúc” thường ảnh hưởng đến nghiên cứu khoa học; vì thế, mối tương quan giữa các giá trị và con người, giữa xã hội và khoa học “đòi chúng ta phải suy nghĩ lại”, thúc đẩy “thăng tiến toàn diện” con người và công ích. Là thành phần của xã hội, giới khoa học được kêu gọi phục vụ nhân loại và sự phát triển con người toàn diện.
Khoa học phục vụ gia đình nhân loại
Một số lĩnh vực mà khoa học phục vụ và có thể đem lại thành quả đã được Đức Thánh Cha kể ra là: biến đổi khí hậu, vũ khí hạt nhân, nhiên liệu hóa thạch và phá rừng. Khoa học đã xác định được những nguy cơ trong các lĩnh vực này, Đức Thánh Cha nói, vì thế các nhà khoa học cũng có thể đề ra các giải pháp thuyết phục cho các nhà lãnh đạo trên thế giới.
Các giải pháp
Đức Thánh Cha ca ngợi việc PAS áp dụng những kiến thức mới nhất để đề ra các giải pháp cho “những tai họa” mà xã hội đang phải đương đầu. Nạn “buôn người” kèm theo hậu quả là “lao động cưỡng bức, mại dâm và buôn bán nội tạng”, và làm sao để “loại trừ nạn đói khát” là hai vấn đề mà Đức Thánh Cha chú tâm. Nhắc đến “tám trăm triệu người nghèo và bị loại trừ” trên thế giới đang lâm cảnh thiếu lương thực và nước uống, Đức Thánh Cha khuyến cáo: chúng ta “cần thay đổi cách sống của mình”.
Cần phải quyết tâm
Chuyển sang lĩnh vực chính trị, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định rằng chúng ta “thiếu ý chí và quyết tâm chính trị để ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang và chấm dứt chiến tranh”. Cần thiết phải tiến tới việc phát triển “nguồn năng lượng tái tạo”, “bảo đảm cho mọi người có nước sạch, thực phẩm và được chăm sóc sức khỏe”, đầu tư cho công ích.
“Lòng bác ái của tri thức”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Giáo hội mong đợi khoa học “tích cực phục vụ” – như kiểu nói của Thánh giáo hoàng Phaolô VI, đó là “lòng bác ái của tri thức”. Ngài nói tiếp, tri thức là những gì cộng đồng khoa học sở hữu. Nhân danh những người hiếm khi được hưởng lợi ích từ kiến thức của thế giới, Đức Thánh Cha khích lệ các nhà khoa học:
“Mong sao nghiên cứu của anh chị em đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, để các dân tộc trên thế giới đều được đủ ăn đủ mặc, được chữa lành và giáo dục; mong sao nền chính trị và kinh tế tuân theo những chỉ dẫn của anh chị em về cách thức làm sao thăng tiến hướng đến công ích một cách chắc chắn hơn, đặc biệt vì phúc lợi của những người nghèo và người túng thiếu, và hướng đến sự tôn trọng hành tinh của chúng ta”.
(Vatican News, 12/11/2018)
Minh Đức