Có Một Ông Nhà Giàu Kia (Lc 16,19) – Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 26 Thường Niên – Năm C

Các bài đọc chủ nhật hôm nay lớn tiêng tố cáo điều mà chúng ta gọi là “phân hóa trong xã hội”. Chúng ta có thể kiểm chứng khoảng cách giữa người giàu và nghèo đã càng ngày càng gia tăng như thế nào trong những thập niên gần đây. Sự giàu có xa hoa không cùng của một số người đã không ngừng được phô trương. Điều đó trở thành một sỉ nhục đối với những người nghèo càng lúc càng lún sâu vào trong nỗi bất hạnh của mình. Chỉ cần nêu ra ở đây sự cách biệt khủng khiếp giữa tiền lương như một thí dụ điển hình: có những ngôi sao bóng đá nổi tiếng hằng ngày nhận thù lao bằng số tiền mà nhiều người kiếm được trong một hay nhiều năm làm việc, thậm chí trong cả một cuộc đời. Nhưng sự nghèo khó không chỉ trong bình diện vật chất, mà còn trầm trọng hơn về phương diện tâm linh. Chúng ta đừng quên những người không được giáo dục, không có văn hoá, không được kính trọng trong xã hội và nhất là thiếu vắng tình thương.

Vì thế mà tin mừng hôm nay loan báo cho chúng ta một sự đảo ngược tình thế. Điều mà chúng ta đang sống hôm nay để lại một âm hưởng muôn đời. Tất cả những điều đó, Chúa Giêsu cắt nghĩa cho chúng ta bằng một dụ ngôn bắt chúng ta phải suy nghĩ. Dụ ngôn ấy nói về hai người: một bên là một người giàu có, hưởng thụ giàu sang cho riêng mình. Ngay bên cạnh ông ta là một người nghèo khổ, đang chết dần chết mòn trong một tình trạng khốn cùng cực độ

Bài tin mừng không nói rằng người giàu có tàn ác hay hành hạ người nghèo. Ông ta cũng không bị khiển trách vì đã giàu. Sự sai lầm duy nhất của ông ta là đã không nhìn thấy ông La-da-rô ở ngoài cửa. Trong dụ ngôn nầy, người giàu có không hề biết đến và không mảy may để ý ông La-da-rô nghèo khổ. Ông ta cứ tiếp tục không sống như không có người nghèo hiện hữu trước mắt ông

Điều mà Chúa Giêsu tố cáo trước tiên đó là sự dửng dưng của ông nhà giàu đối với người bất hạnh. Đó là một thái độ rất trầm trọng vì nó làm cho con người trở nên vô cảm đến độ không còn có thể cảm thông với kẻ khác. Nó làm cho chúng ta xa rời Thiên Chúa, đấng đến gần tất cả những ai đang đau khổ và tự đồng hoá với mỗi người trong họ. Và rốt cục, thái độ ấy huỷ hoại tâm hồn.

Nhưng đến cuối đời, tình trạng của ông La-da-rô và của người giàu đảo ngược: trong khi Ladarô được hưởng hạnh phúc, thì ông nhà giàu phải chịu cực hình khủng khiếp. Bấy giờ, thật là quá trễ để ông nhà giàu nhận ra những hậu quả sự đui mù của mình. Cả đời sống ông ta chỉ nghĩ đến mình: của cải, quần áo, đồ ăn, thức uống chiếm hết tâm trí của ông. Trong tâm hồn ông không có chỗ cho người khác. Dụ ngôn dường như gợi ý rằng ông cũng không có cả những người đồng bàn với mình. Ông cô đơn và sẽ như vậy mãi ở cõi đời sau. Ở đó, không ai có thể đến cứu giúp ông vì ông đã đào một cái hố sâu chung quanh mình. Sự cô đơn khủng khiếp ấy do chính ông gây nên. Ông hoàn toàn bị giam hãm.

Tính ích kỉ và dửng dưng không chỉ là những khiếm khuyết hoặc tội lỗi. Đó còn là một tai hoạ lớn. Người ích kỉ chỉ tìm hạnh phúc cho riêng mình trong việc tích góp của cải để tiêu xài. Thực sự ông ta suốt đời không thoả mãn. Không gì có thể lấp đầy hoàn toàn tâm hồn. Bao lâu còn tiếp tục sống trong tình trạng ấy, thì con người không bao giờ thực sự được hạnh phúc. Chúng ta là những ngưòi ki tô hữu, chúng ta biết rằng bí quyết của hạnh phúc đích thật nằm trong Tin mừng. Điều làm nên giá trị cuộc đời là chính cách mà chúng ta nhìn người khác và nhất là cách mà chúng ta yêu thương họ ngang qua những cử chỉ mở rộng, tiếp đón và sẵn sàng.

Tin mừng nói với chúng ta về một vực thẳm mà người giàu đã tạo ra giữa ông và ông La-da-rô. Và tin mừng cảnh giác chúng ta về vực thẳm ấy, coi chừng chúng ta có thể lọt vào. Lời Chúa hôm nay còn cho chúng ta biết rằng trên con đường sám hối trở về, chúng ta không cô đơn. Đức Ki tô hiện diện để mở mắt và mở tai chúng ta. Ngài tiếp tục chỉ cho chúng ta thấy những người đói ăn, đói tình yêu và đói ơn nghĩa. Nếu Ngài vẫn đến trong thế giới nầy và tiếp tục đến trong cuộc đời chúng ta là để san bằng vực thẳm ngăn cách giữa Thiên Chúa và chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta kết hợp với Người và liên kết với nhau. Sứ vụ của chúng ta là làm việc với Đức Ki tô để xây dựng một thế giới mới, công bằng hơn, huynh đệ hơn và liên đới hơn.

Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.