Trong Phụng vụ giờ kinh ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội đang lên Chúa lời nguyện tha thiết sau đây: “Lạy Chúa, xin lấy lòng từ bi nhìn đến đại gia đình nhân loại. Chính vì gia đình này mà Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, không ngần ngại phó mình trong tay kẻ dữ và cam chịu khổ hình thập giá.” Đại gia đình nhân loại sống nhờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và chính nơi cuộc Thương khó của Chúa Giêsu là lúc Thiên Chúa tỏ lộ rõ nét và trọn vẹn Lòng Thương Xót này. Những lời cuối cùng của Con Thiên Chúa trên Thập giá là bằng chứng hùng hồn cho một tình yêu tha thứ không giới hạn. Xin được gợi lên chút tâm tình từ hai di ngôn của Người.
“Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.”
Lạy Chúa, mặc cho mưu thâm kế hiểm và tra tấn nhục hình mà nhiều người Do thái dùng để triệt hạ Chúa, Chúa vẫn kiên trì thi hành trọn vẹn sứ mạng “Người Tôi Trung của Thiên Chúa”, Chúa đưa lưng cho người ta đánh, để râu cho người ta giật. Chúa không che mặt dấu mày khi bị người ta nhạo cười phỉ nhổ, Chúa giang tay ra cho người ta đóng vào thập giá. Chúa đón nhận tất cả mà không một lời ai oán, hận thù nhưng là lời khẩn xin ơn tha thứ cho kẻ hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Lời cầu nguyện của Chúa giúp chúng con hiểu rằng, chính lúc khuôn mặt của Chúa bị người ta làm cho rách nát không còn mang hình người lại là lúc Chúa tỏ bày cho nhân loại Dung Nhan trọn vẹn của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đã tha thứ cho những kẻ giết Chúa, Chúa vẫn không ngừng tha thứ cho tội lỗi của chúng con và của nhân loại. Xin cho chúng con biết nhận ra những lầm lỗi của mình và khiêm tốn thưa lên: “Lạy Chúa, xin tha cho chúng con, vì chúng con đã phạm đến Chúa”; đồng thời cũng biết học gương tha thứ của Chúa mà đối xử khoan dung với nhau.
“Ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với ta.”
Lạy Chúa, trước lời van xin của người tử tội, Chúa đã ban thưởng thiên đàng cho anh. Chúa đã chẳng chất vấn anh về lòng đạo đức, về lối sống của anh. Chúa cũng chẳng xét đoán tội anh đã phạm. Chúa không quan tâm mức độ nghiêm trọng hay tính chất nguy hiểm của những việc anh đã làm. Chúa chỉ cần biết anh đã can đảm xưng thú, đã thẳng thắng nhìn nhận hình phạt anh phải chịu là thích đáng. Giữa cuộc đời, anh “đạo chích” những thứ chóng qua của thế gian và sự sống của anh bị người ta tước mất. Dưới con mắt cuộc đời, anh bị liệt vào hạng cặn bã của xã hội, không đáng được đối xử như bao con người khác. Chính Lòng Chúa Thương Xót đã đụng chạm và nâng anh dậy, khơi lên trong anh lòng khao khát mãnh liệt được trở nên người con bé nhỏ trong Nước của Chúa. Tình thương Chúa mở cho anh “đạo chích” con đường đưa đến sự sống đời đời. Tình thương Chúa dạy chúng con phải sống lời van xin: “Xin Chúa thương xót mà nhớ đến chúng con.”
Đến bên thập giá Chúa và để cho lòng mình mở ra trước Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, mọi người sẻ nghiệm ra tâm tình xứng hợp hầu xứng đáng đón nhận ơn phúc khi cử hành cuộc tưởng niệm mầu nhiệm tử nạn trong năm thánh Lòng Thương Xót. Đó cũng chính là lời mời gọi của Đức thánh Cha Phanxicô được đề cập trong tông sắc Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót: “Chúng ta cần liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiêm của Lòng Thương Xót, đây là suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng và an bình; đây là điều kiện để chúng ta nhận lãnh ơn cứu độ. Lòng Thương Xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta. Lòng Thương Xót là luật căn bản được đặt vào trái tim những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng Thương Xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi chúng ta”. (số 2)
Ban Truyền Thông ĐCV Xuân Lộc