CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – Năm C – Ngày 18/09/2022

Lời Chúa: Lc 16, 19-31

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:‘Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này’. Abraham nói lại: ‘Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được’. Người đó lại nói: ‘Đã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này’. Abraham đáp rằng: ‘Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài’. Người đó thưa: ‘Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải’.Nhưng Abraham bảo người ấy: ‘Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu’”.

 


Suy niệm

LỐI SỐNG ĐỜI NÀY & CUỘC SỐNG ĐỜI SAU

“Ông Abraham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: Suốt đời con, con đã nhận được phần phước của con rồi; còn Ladaro suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladaro được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ…’” (Lc 16, 26).

Chúng ta thấy được một điểm nổi bật trong hình thức trình bày của trích đoạn Tin Mừng vừa nghe, đó là hình thức ngữ pháp của thì quá khứ “Suốt đời con, con đã nhận được phần phước của con rồi, còn Ladaro suốt một đời chịu toàn những bất hạnh” được vận dụng liên hệ ngay trước hình thức ngữ pháp của thì hiện tại “Bây giờ, Ladaro được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ…”. Điểm nổi bật này giúp ta nhận ra sự tồn tại của một mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa lối sống đời này và cuộc sống đời sau. Vì hiện tại hôm nay ắt sẽ là quá khứ của tương lai ngày mai.

Sự tồn tại của mối liên giữa quá khứ và hiện tại, giữa lối sống đời này và cuộc sống đời sau là lời mời gọi, nhắc nhớ chúng ta ý thức hơn đến lối sống hiện tại của mình. Lối sống hiện tại không đóng khung lại trong chính nó, nhưng liên hệ đến cuộc sống mai sau. Tuy nhiên, vô thần, duy vật, bất khả tri, tương đối hóa, tục hóa, hàng loạt những trào lưu, chủ thuyết của thời đại như đang từng bước xóa đi trong tâm thức con người ý niệm về cuộc sống mai hậu, về sự tồn tại của một mối liên hệ như thế. Và điều này đã khiến không ít người lao mình vào lối sống của chủ nghĩa khoái lạc trong hiện tại thuần túy, đã làm sói mòn động lực và ý nghĩa của đời sống con người,…

Nhận thức về sự tồn tại của mối liên hệ như thế là điều kiện căn bản để chúng ta xác định đúng đắn ý nghĩa, giá trị, phương hướng của cuộc đời mình. Ý nghĩa, giá trị, hướng đi của cuộc đời chúng ta không dừng lại trong những thực tại hôm nay, nhưng mở ra và liên hệ đến những thực tại tương lai. Vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn ý thức về sự tồn tại của mối liên hệ đó trong từng ngày sống của mình, để chúng ta có thể thành toàn đời mình cách tốt đẹp.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được sống một đời như mọi người và cho con người. Xin cho chúng con được sống một đời gọi tiếp nối mãi từng niềm vui. Xin cuộc sống hôm nay, xin về đến tương lai, dù đời đổi thay, dù đời phôi phai, tình mến thương luôn tràn đầy (X. Lời bài hát “Xin được sống một đời” của linh mục nhạc sĩ Roco Nguyễn Duy).


Comments are closed.